246 lượt xem

Hoàng Đôn Hòa

Càn Long bái vọng Hoàng Đôn Hòa


Người đặt nền móng Quân y Việt Nam:

Ít ai biết rằng Hoàng Đôn Hòa, một danh y bị lãng quên đến 200 năm sau vẫn khiến cho vua Càn Long nhà Thanh phải lập đàn bái vọng tạ ơn.

Danh y đất Việt

Theo ông Trịnh Văn Sỹ, Trưởng họ Trịnh làng Đa Sỹ cho biết: Thời ấy vua Càn Long nhà Thanh bị mắc căn bệnh nan y. Thầy thuốc giỏi khắp Trung Hoa được vời về triều nhưng tất cả đều bó tay. Càn Long ra lệnh chém đầu tất cả các thầy thuốc đó thì một vị bốc sư (người chuyên bói mai rùa để xem điều hung, điều cát cho cung vua) can rằng: “Tôi xem thiên văn, thấy khí lành tụ cả ở phương Nam, ở bên đó chắc có danh y”.

 


Miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa.

(Nguồn: Sưu tập)
 


Càn Long sai người sang nước ta tìm và biết đến danh y Hoàng Đôn Hoà, nhưng danh y đã khuất núi từ 200 năm trước. Nhận tin báo lại, Càn Long ra lệnh tìm bằng được một học trò giỏi của Hoàng Đôn Hoà, vì thầy thuốc giỏi chắc chắn phải có học trò giỏi.

Sứ thần tìm được lương y Trịnh Đôn Phác, người thừa kế những bí quyết trong “Hoạt nhân toát yếu”. Trịnh Đôn Phác vào cung nhà Thanh. Càn Long thử tài của ông trước khi chữa bệnh. Đầu tiên, một sợi dây tơ bắt mạch được buộc vào một cây cột bên cạnh. Trịnh Đôn Phác xem mạch và kêu lên: “Nhà vua băng hà rồi”. Bọn nịnh thần xúm lại định bắt và trị tội thầy thuốc ngạo mạn, càn rỡ nhưng Càn Long ngăn lại.

Lần sau, sợi chỉ tơ thăm mạch được buộc vào cổ tay một cung nữ nhưng không giấu được vị lương y nước Việt. Vua Càn Long tiếp tục thử, sợi chỉ thăm bệnh được buộc vào cổ tay một vị tướng quân.

Trịnh Đôn Phác thăm mạch rồi nói: “Mạch rất cường tráng nhưng tàn bạo. Ta vì mến đức của nhà vua mới nhận lời sang đây thăm bệnh. Nếu không tin ta thì thôi sao nhà vua nỡ làm cho y đức tổn hại như vậy”. Vua Càn Long giật mình, vội vàng để cho ông chữa bệnh.

 


Bốn chữ bằng khảm trai “Thần công hộ quốc”.

(Nguồn: Sưu tập)
 


Càn Long là một ông vua háo sắc nhưng rất thông minh. Khi bị bệnh, các danh y không có ai chỉ được rõ ràng các triệu chứng gây bệnh. Riêng Trịnh Đôn Phác đã mô tả rất rõ căn bệnh phức tạp. Muốn chữa, đầu tiên phải bằng liệu pháp tâm lý, với phương châm: “Lửa cháy nhỏ thì sẽ cháy mãi. Nếu không dập được lửa thì phải thuận theo lửa”.

Càn Long bàng hoàng tỉnh ngộ, quần thần xung quanh không hiểu ra sao. Lương y tránh không nói ra căn bệnh xấu hổ của nhà vua. Càn Long tạ ơn và nhờ Trịnh Đôn Phác chữa bệnh cho Cách Cách thứ hai.


Miếu thờ Hoàng Đôn Hòa còn lưu giữ được nhiều bia đá cổ.

(Nguồn: Sưu tập)
 


Vị Cách cách này hễ cứ ra ngoài không khí là bị ốm nên quanh năm phải nhốt mình trong phòng, thân người xanh xao, ốm yếu. Đặc biệt là Cách Cách không cho các cung nữ chăm sóc mà chỉ cho các hoạn quan trẻ tuổi đứng hầu bên cạnh.

 “Các vị thuốc mà danh y Hoàng Đôn Hòa phát hiện và vận dụng thành bài đều là những vị thuốc sẵn có, bào chế đơn giản, tiện dùng. Thiết nghĩ, ngày nay mặc dù khoa học đã phát triển, có nhiều phương pháp, nhiều loại thuốc điều trị bệnh. Nhưng các vị thuốc của Hoàng Đôn Hòa vẫn khiến chúng ta phải suy ngẫm, vận dụng trong lâm sàng, nhất là phục vụ trong y học quân sự”, GS.TTND Bành Khìu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội.
 
Bái vọng danh y


Trịnh Đôn Phác bắt mạch, rồi phán: “Có mặt trời mới có mặt trăng. Muốn mặt trăng sáng thì mặt trăng phải gần mặt trời”. Càn Long là ông vua thông minh hiểu ra ngay ý của vị lương y nước Nam là nên gả chồng ngay cho Cách Cách.


Trịnh Đôn Phác được thưởng rất nhiều vàng bạc, của cải và được mời ở lại làm quan trong triều đình nhà Thanh, nhưng ông từ chối. Ông phải về để giữ lấy “tinh thần” của danh y Hoàng Đôn Hoà. Vua Càn Long đã làm lễ lớn tạ ơn bái vọng danh y Hoàng Đôn Hoà, tặng Trịnh Đôn Phác một cái choé, một áo cẩm bào tím (mầu áo các Chúa Trịnh hay mặc), một cây đèn lễ, một đôi hài bằng đồng.

Trịnh Đôn Phác nói: “Công lao này là của thầy tôi, nên tặng phẩm này, người xứng đáng được nhận là người thầy của tôi là Hoàng Đôn Hoà”. Hành động của Danh y Trịnh Đôn Phác đầy tính nhân văn, đạo lý của một tâm hồn Việt cao cả. Hiện các hiện vật này vẫn đang được lưu giữ ở miếu thờ thần hoàng làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội).

Miếu thờ Hoàng Đôn Hòa

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ danh y Hoàng Đôn Hòa dẫn chúng tôi đến miếu thờ gần Lâm Dương Quán. Tại đây, không gian u tịch bởi những hàng cây cổ thụ xòe tán che nắng. Cây đề 500 năm tuổi vẫn còn xanh tốt, là nhân chứng vững chãi suốt 5 thế kỷ đầy những biến thiên tao loạn của thời cuộc.


Trong miếu thờ còn lưu giữ được khá nhiều đại tự lẫn câu đối cổ.

(Nguồn: Sưu tập)
 


Ông Xương chưa vội dẫn chúng tôi vào trong, ông đưa ra khu bờ sông chỉ tay về phía mà xưa kia là Bến Thuốc, nơi buôn bán trao đổi các loại thuốc Nam của làng. Rồi đằng kia, vườn thuốc mà vợ chồng danh y Hoàng Đôn Hòa và các học trò từng miệt mài trồng cấy chăm bón.

Đến khu đại miếu, một kiến trúc dù rất thuần Việt, nhưng như nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu thì chẳng còn đâu có được ngoài Đa Sỹ. Tòa đại bái từ thời Tự Đức, sau nhiều lần tôn sửa vẫn giữ y cũ tạo cho di tích một vẻ đẹp và một sự thiêng liêng lạ lùng.

Bức đại tự bằng khảm trai viết bốn chữ “Thần công hộ quốc” như nhắc nhở người nay về một danh y xưa, một người tận tụy với nghề, với đất nước giúp cho nhân dân khỏi đại dịch, giúp cho quân đội khỏi chướng khí.

Bên trong miếu, bốn chữ “Vạn cổ phúc thần” nghĩa là phúc thần của muôn đời. Bốn chữ này chính là vua Càn Long nhà Thanh tặng miếu thờ để bái vọng tỏ lòng biết ơn đến danh y Hoàng Đôn Hòa.

Ông Xương cũng không rõ bốn chữ ấy được khắc ở Trung Quốc hay khắc tại quê nhà. Nhưng, việc ấy hình như không phải quá quan trọng, bởi vì với một vị danh y vì nước vì dân thì cái danh cái lợi chẳng đáng bằng cái kim sợi chỉ.

 


Cổng làng Đa Sỹ, nơi vừa có nghề rèn trứ danh, lại có nghề làm thuốc nổi tiếng.

(Nguồn: Sưu tập)
 


Ấy thế mà tại miếu thờ cổ kính này, lại từng xảy ra những vụ trộm gây xáo động dân làng. Ông Xương bảo rằng, vào năm 2014 đã có 7 vụ mất trộm tai ngôi miếu này. Hai bức cuốn thư mạ vàng cùng đôi câu đối, đỉnh đồng, bát hương và 1 chiếc sập không cánh mà bay.

 “Danh y Hoàng Đôn Hòa mất tại quê nhà và được nhân dân lập đền thờ. Theo chỉ tự từ đời vua Lê Thần Tông đến nay, miếu thờ có tổng cộng 43 đạo sắc phong của 23 triều vua. Miếu thờ được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1988”, tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ danh y Hoàng Đôn Hòa.
 
Ngẫm đời này cũng nhiều trái khoáy. Người đem lại ân đức, kẻ đánh cắp công ơn. Nhưng, đời có vay có trả, kẻ đốt đền chẳng bao giờ có được phúc báo. Người tạo ân đức thì muôn đời tiếng thơm, nghìn năm sau vẫn được người cúi đầu kính trọng.

Nguồn: Khoahocdoisong.vn