278 lượt xem

Thục Phán ( An Dương Vương) - Kỳ 1

Vấn đề nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc
 

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/phuc-phan-adv.jpg

Nguồn: Sưu tập

Thời đại dựng nước đời Hùng Vương – An Dương Vương với hai thành tựu hết sức cơ bản là sự tạo lập một nền văn minh Sông Hồng rực rỡ và một hình thái Nhà nước sơ khai- nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, không những khẳng định nước ta có lịch sử dựng nước sớm, có một nền văn hiến lâu đời, mà còn đặt cơ sở nền tảng cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam. Vì thế vấn đề nguồn gốc của Thục Phán – An Dương Vương và sự thành lập nước Âu Lạc phải được coi là một trong những vấn đề cốt lõi của lịch sử Việt Nam.

Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc thì kế tiếp nhà nước Văn Lang đời Hùng Vương là quốc gia Âu Lạc do Thục Phán – An Dương Vương lập ra. Nhưng Thục Phán – An Dương Vương là ai, từ đâu đến, quá trình thành lập nước Âu Lạc diễn ra như thế nào? Vấn đề đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong nước và quốc tế từ hàng trăm năm nay, nhưng không phải tất cả đều đã có thể đi đến kết luận cuối cùng.

Tư liệu thành văn có ghi chép về Thục Phán – An Dương Vương và nước Âu Lạc không chỉ muộn, nghèo nàn, mà còn có chỗ mâu thuẫn và nhầm lẫn. Nguồn tư liệu khảo cổ học tuy có được đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn còn tản mạn và chưa được khai thác triệt để, nhất là hệ thống các di tích, di vật trong lòng đất. Nguồn tư liệu dân gian tuy phong phú nhưng bị bồi phủ bởi quá nhiều các lớp bụi thời gian, khó có thể nhận ra đâu là cái nhân, cái lõi lịch sử đích thực của nó. Vì vậy, cho đến nay, xung quanh vấn đề nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc vẫn còn tồn tại những ý kiến không giống nhau cũng là chuyện hết sức bình thường.

Những ghi chép đầu tiên về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương có thể tìm thấy trong các thư tịch xưa nhất của Trung Quốc. Sử ký Tư Mã Thiên được viết vào khoảng thế kỷ I TCN nhiều lần nhắc đến nước Âu Lạc ở phía tây nam của nước Nam Việt, sau bị Triệu Đà xâm chiếm, nhưng lại không cung cấp thông tin gì về Thục Phán - An Dương Vương. Các bộ sử được viết trong các giai đoạn sau có ghi chép rõ hơn rằng người thành lập nước Âu Lạc chính là Thục Phán – An Dương Vương. Sách Hậu Hán thư, Phần Quận quốc chí của Phạm Việp khi chép về quận Giao Chỉ có chú thích rõ “đấy là nước cũ của An Dương Vương”. Tác phẩm Bùi thị Quảng Châu ký ra đời thế kỷ thứ V được dẫn lại trong Sử ký sách ẩn của Tư Mã Trinh đời Đường thế kỷ thứ VIII cũng chép:

“Sau con vua Thục đem quân đánh chiếm, tự xưng là An Dương Vương, sau Nam Việt Vương Úy Đà lại đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ cai trị hai xứ là Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là nước Âu Lạc vậy”. Theo Nam Việt chí được dẫn lại trong Cựu Đường thư, phần Địa lý chí biên soạn thế kỷ X thì: “Vua nước Thục cho con là An Dương Vương caitrị đất Giao Chỉ. Nước ấy nay nằm về phía đông huyện Bình Đạo”.

Các thư tịch cổ Trung Quốc đều chép thống nhất rằng An Dương Vương là con vua Thục (Thục Vương tử), nhưng không cho biết cụ thể vua Thục là ai và nước Thục là nước nào, ở đâu.

Các nguồn thư tịch cổ Việt Nam có ghi chép rõ ràng hơn về nguồn gốc của Thục Phán – An Dương Vương. (Đại) Việt sử lược – bộ sử biên niên thời Trần chép: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay”.

1. Kế tiếp đó, Đại Việt sử ký toàn thư, đã có một kỷ riêng, kỷ nhà Thục (Quyển I, Ngoại kỷ) để chép về Thục Phán- An Dương Vương và nước Âu Lạc: “[An Dương Vương] Họ Thục, tên huý là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)”.

2. Các bộ Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục… cũng đều ghi chép những thông tin tương tự. Nhìn chung, các sử gia phong kiến Việt Nam đều cho rằng Thục Phán – An Dương Vương, người gốc Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc) lập nước Âu Lạc vào năm 257 TCN. Điều có thể dễ dàng nhận ra ngay được là nước Thục (Ba Thục) đã bị nhà Tần diệtvào năm 316 TCN. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và thái tử con vua Thục cũng đã chết ở Bạch Lộc Sơn. Vậy “con vua Thục” trong thư tịch cổ ghi chép là ai và làm sao mà vượt hàng ngàn dặm núi rừng, đi qua lãnh thổ của nhiều nước ở vùng Tây Nam Di để từ đất Ba Thục mà tiến đánh Văn Lang năm 257 TCN được? 

Mâu thuẫn về cả không gian và thời gian là cơ sở dẫn đến những nghi ngờ và phủ định giả thuyết về nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán – An Dương Vương.

Ngay trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các sử gia triều Nguyễn mặc dù vẫn ghi chép Thục Phán là con vua Thục, nhưng với thái độ hoài nghi và đề xuất  khả năng Thục Phán xuất thân từ một họ Thục khác ở “ngoài cõi Tây Bắc giáp nước Văn Lang… mà sử cũ nhận là Thục Vương”.

3.  Đến nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thái độ hoài nghi càng gia tăng và bộc lộ thành khuynh hướng cực đoan phủ định hoàn toàn tính chân thực của nhân vật Thục Phán – An Dương Vương cũng như lai lịch Ba Thục của ông. Sang đầu thế kỷ XX, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố cũng cùng chung quan niệm như thế. Trần Trọng Kim quan niệm các câu chuyện được chép từ thời Hồng Bàng cho đến hết thời nhà Triệu “phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyễn hoặc cả”.

4. Còn Ngô Tất Tố thì nói thẳng ra rằng: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”.

5 . Học giả Pháp H.Maspéro cũng cho An Dương Vương là một nhân vật chưa chắc đã có trong lịch sử, là một ông vua huyền thoại, vì sử cũ chỉ chép theo truyền thuyết mà thôi.

6 Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, công cuộc nghiên cứu về An Dương Vương – Âu Lạc được gắn liền trong bối cảnh chung thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc, nhiều phát hiện mới về tư liệu, đặc biệt là các tư liệu khảo cổ học, tư liệu dân tộc học… cho phép đặt ra những kiến giải mới.

GS. Đào Duy Anh trong các chuyên khảo về lịch sử Việt Nam cổ đại đã cho rằng An Dương Vương là người gốc nước Thục song đã rời xuống khu vực phía Bắc Việt Nam cư trú từ lâu đời: “Sau khi thái tử nhà Thục (Ba Thục – thời Chiến Quốc) chết ở Bạch Lộc Sơn thì dư chúng theo sông Mân Giang mà xuống miền Nam để tránh quân Tần. Trong đám dư chúng ấy, tất còn sót một số con hoặc cháu của vua Thục… Có lẽ con cháu vua Thục đã đánh thắng một bộ lạc mà chiếm một khoảng đất trên sông Hồng Hà giữa địa bàn người Thái và địa bàn người Việt, rồi nhóm họp đảng chúng lại thành một bộ lạc như các bộ lạc xung quanh nhưng cũng tự xưng là Thục Vương để nhớ lại nghiệp cũ của ông cha… Được một vài đời đến Thục Phán”.

7. Tuy nhiên chính GS. Đào Duy Anh cũng tự nhận thấy sự thiếu cơ sở thuyết phục trong nhận định của mình và coi nhận định này chỉ là ức thuyết mà thôi. Các GS. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn thì phỏng đoán: Thục Vương trong thư tịch cổ không phải là vua nước Thục ở Ba Thục mà là tù trưởng bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống phía Nam và tự xưng là Thục Vương. Bộ lạc Thục đó di cư xuống vùng Quảng Tây và Bắc Bộ, cộng cư và đồng hoá với người Tây Âu ở vùng này. Nước Âu Lạc bao gồm hai thành phần cư dân: Tây Âu và Lạc Việt.

8. Năm 1963, với việc Tạp chí Nghiên cứu lịch sử công bố truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng, nhiều vấn đề về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương đã dần dần được sáng tỏ.


Nguồn: SGT Group tổng hợp.