223 lượt xem

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đâu chỉ có tài văn chương...



Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Bà sinh năm 1705, mất năm 1748, thọ 44 tuổi. Hồng Hà nữ sĩ là một trong những nhà thơ nữ tài hoa nhất thời. Bà đối đáp giỏi, dịch  Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn hay, và là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam viết truyện rất  đặc sắc. Về tài văn thơ, cũng như tài đối đáp của bà đã có nhiều người viết. Bà còn là một phụ nữ yêu nước và có tầm nhìn của một chính trị gia, đồng thời bà là một phụ nữ xinh đẹp, đức hạnh, hiếu nghĩa tiêu biểu.

Tầm nhìn của một chính trị gia khi bàn về cách xây dựng đất nước - “Kê minh thập sách”

Hồng Hà nữ sĩ sinh ra trong một gia đình nho học. Cha bà đỗ cử nhân, còn anh trai bà đỗ tiến sĩ. Bà  từng nghe và chứng kiến thời cuộc đời vua Lê chúa Trịnh rối ren tranh giành quyền bính. Cuộc chiến huynh đệ giữa chúa Trịnh đàng ngoài và chúa Nguyễn đàng trong không phân thắng bại. Rồi các cuộc khởi nghĩa  xảy ra ở nhiều nơi... Trong bối cảnh nội chiến tương tàn, dân đen kẻ chết trận, kẻ tha phương, Đoàn Thị Điểm mơ về một đất nước thịnh trị với vua sáng tôi hiền. Đấy là tấm lòng thương dân thương nước của bà. Thời của bà, người phụ nữ thường chú trọng vào nữ công gia chánh và “ công dung ngôn hạnh”. Có mấy người phụ nữ dám bàn việc nước?  Nhưng bà Đoàn Thị Điểm đã vượt lên những ràng buộc của thể chế quân vương bảo thủ để có tầm suy nghĩ như một chính trị gia, bàn việc dân việc nước. Bà mượn lời nhân vật nữ chính trong truyện “ Hải khẩu linh từ” ( Đền thiêng cửa bể)- nàng Bích Châu để  dâng lên vua 10 điều  xây dựng đất nước. 

Trong tập truyện Truyền kỳ tân phả, NXB Trẻ, trang 46, dòng 6 từ trên xuống, Đoàn Thị Điểm viết: “ Kẻ tiện thiếp tên là Bích Châu lúc còn nhỏ ở nơi nghèo hèn, khi lớn lên được vào cung cấm, chứa chan thưởng tứ, đằm thắm thương yêu, dám đâu sánh với người nam tử; trút trâm gài Khương Hậu tiến lời can đứng trước đình thần. Bày tỏ mười điều, băn khoăn tấc dạ: Một là năng giữ cội gốc của nước, trừ hà bạo thì lòng người yên vui. Hai là giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối. Ba là nén kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mọt nát. Bốn là thải bớt kẻ nhũng lạm để trừ tệ đục khoét của dân. Năm là xin cổ động Nho phong, khiến cho lửa bó đuốc cùng mặt trời soi sáng. Sáu là mở đường cho người nói thẳng để cho cửa thành cùng với lời can gián đều mở toang. Bảy là cách kén quân cần chọn người dũng lược hơn là cao lớn. Tám là chọn tướng trước cần người thao lược, sau mới căn cứ vào thế gia. Chín là khí giới quý ở sắc bén không chuộng hình thức. Mười là trận pháp cốt cho chỉnh tề cần chi điệu múa. Mười điều kể trên, rất là thiết thực, phơi bày tấm lòng trung, mong được bề trên xét. Hay tất làm, dở tất bỏ, vua nghĩ đến chăng? Nước được trị, dân được yên, thếp mong lắm vậy!” 

10 điều mà Đoàn Thị Điểm bàn cách đây gần 300 năm dường như còn nhiều giá trị và cả tính thời sự. Bà dặn, phải dẹp bỏ cái xấu và giảm các thủ tục luật lệ hà khắc trong xã hội; phải trừ tệ tham nhũng đục khoét dân; phải tránh sự chuyên chế đặc quyền, đặc lợi cùng không được cất nhắc nếu chỉ vì đó là bè cánh con ông cháu cha; phải nghe lời nói thẳng chứ không nghe lời xu nịnh... Đây là tầm nhìn của một chính trị gia nặng lòng thương nước thương dân, khác với những suy nghĩ của giới văn thơ đương thời, cũng như  nhân sinh quan thường thấy của các nhà văn nhà thơ trong những giai đoạn trước và sau đó. Bà lấy tên dòng sông Hồng, một trong những con sông lớn nhất của Việt Nam đặt tên cho mình cũng là thể hiện ước vọng và tinh thần cùng sự tự tin của bản thân. Đó là sự gắn bó thân thuộc với dân tộc và đồng bào của mình. 

Nền văn học Việt Nam trong khoảng ba trăm năm từ thế kỷ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 với các tác gia nổi tiếng như Nguyễn Dữ với “ Truyền kỳ mạn lục- Người con gái Nam Xương”, Đặng Trần Côn (1710- 1745) với “Chinh phụ ngâm”, Nguyễn Gia Thiều (1721-1798) với “ Cung oán ngâm khúc”,  Hồ Xuân Hương có nhiều bài thơ giễu đời, Nguyễn Du(1766-1820) với kiệt tác “Truyện Kiều”,  Bà Huyện Thanh Quan có nhiều bài thơ đẹp như những  bức tranh... Các tác gia văn học giai đoạn này thường gửi gắm tâm sự của mình vào tác phẩm, thể hiện tình thương đối với đồng loại, nêu ra những nỗi cơ cực mà nhân quần phải chịu đựng... Còn Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì rõ ràng hơn: bà muốn thay đổi chính sự, bà thấy cần phải trừ bỏ hà lạm cùng tệ đục khoét nhân dân. Đó là tiếng nói của một nhà chính trị yêu nước...

Một phụ nữ đức hạnh tiêu biểu

Thời trẻ, bà Đoàn Thị Điểm nổi tiếng thông minh, nhan sắc. Người đương thời khen là: “ Dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, sự làm lễ độ”.  Năm bà 16 tuổi, bà lên kinh thành ở với cha nuôi là thượng thư bộ Hình, Bồi tụng( Phó Tể tướng) phủ chúa Trịnh - Lê Anh Tuấn. Lúc này, người cha nuôi có ý định tiến cử bà cho chúa Trịnh, nhưng bà khéo léo và kiên quyết từ chối. Sau đó, bà rời Thăng Long về ở với cha tại làng Giai Phạm huyện Yên Mỹ. Cha bà là Đoàn Doãn Nghi đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê mở trường  dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Anh trai bà là Đoàn Doãn Luân học giỏi thi đậu giải nguyên, cũng không ra làm quan mà nối nghiệp cha dạy học và làm nghề thuốc.  Bà cũng theo nghề của cha và anh.

Thời của bà, có mấy ai đủ sự sáng suốt và dũng cảm để từ chối làm cung phi của chúa Trịnh?  Một bước lên đỉnh cao của giàu sang phú quý cùng quyền lực. Thế mà Hồng Hà nữ sĩ đã làm chuyện đó. Chắc chắn bà phải kín đáo và khôn khéo lắm mới không làm trái ý chúa Trịnh. 

Không có tài liệu nào nói bà từ chối làm vợ chúa vì lý do gì? Có 3 giả thuyết được đặt ra: Thứ nhất,  bà không tham giàu sang quyền lực; thứ hai,  bà ghê sợ những tội ác trong cung cấm thời vua Lê chúa Trịnh; thứ ba,  bà thấy cuộc hôn nhân không “môn đăng hộ đối”... Dù gì đi nữa, việc không đồng ý làm vợ chúa đã cho thấy được ý chí và phẩm hạnh của bà.

Năm bà ngoài 20 thì cha mất, bà cùng anh phụng dưỡng mẹ già. Ít lâu sau, anh trai bà cũng mất sớm (Đoàn Doãn Luân mất năm 1735), để lại chị dâu cùng đàn con nhỏ. Lo liệu tang lễ cho anh trai xong, bà trở về làng Vô Ngại huyện Đường Hào, nay là làng Vô Ngại xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào - nơi anh trai bà dạy học và bốc thuốc, thay anh nuôi mẹ già cùng các cháu và chị dâu bệnh tật. Người theo học bà rất đông. Học trò của bà có người đỗ đạt cao. Thời gian này, bà viết tập truyện “Truyền kỳ tân phả” gồm 6 truyện chủ yếu ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ.

Năm 37 tuổi, bà nhận lời lấy Nguyễn Kiều, vị tiến sỹ nổi tiếng hay chữ và thanh liêm, đã góa vợ.  Nguyễn Kiều lúc này đã 47 tuổi, là Tả thị lang bộ Binh (tương đương với chức Thứ trưởng ngày nay). 

Trước đó, Hồng Hà nữ sĩ chưa muốn đến với cuộc hôn nhân muộn màng, nhưng mẹ già và cả nhà giục giã, nên nữ sĩ đồng ý kết hôn với tiến sĩ Nguyễn Kiều.

Cuộc hôn nhân như một điều kì diệu và tiếng tăm vang dội cả kinh thành Thăng Long. Trước đó, không ai lọt mắt xanh của Hồng Hà nữ sĩ. Nguyễn Kiều đã kể: 

 
 “Nhân duyên gặp gỡ nhất trần gian
Cả cuộc đời ta được phúc ban
Ai bảo khát khao tiên nữ nữa
Nàng tiên đã xuống cõi nhân hoàn”

Vừa cưới được một thời gian ngắn, Nguyễn Kiều làm Chánh sứ đi tuế cống nhà Thanh  ba năm trời. Trong thời gian xa chồng, bà đã dịch tập thơ Chinh phụ ngâm từ bản tiếng Hán của Đặng Trần Côn - một tuyệt tác của văn học Việt Nam.

Năm 1745, Nguyễn Kiều về nước, năm 1748, ông được cử làm quan ở Nghệ An. Bà đi cùng chồng, nhưng bị cảm nặng và mất tại Nghệ An năm đó, hưởng thọ 44 tuổi. Thương cảm người bạn đời vắn số, Nguyễn Kiều đã viết bài văn tế, hết lời ca ngợi văn tài và đức hạnh của bà. Trong đó có câu:

 
“ Đào vừa tươi đã khô
Quế đang thơm đã tàn
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ...
Lối về trên bến. Tạm dựng bàn thờ
Lệ tiễn hai hàng chan chứa. Tình thương một lễ đơn sơ
Hương hồn nàng yên nghỉ. Cổ ấp, tôi hằng mơ “ 

Ngày nay, chúng ta nhớ về Hồng Hà nữ sĩ - một tài năng văn học, một người phụ nữ đức hạnh hiếu nghĩa, một tấm lòng yêu nước thương dân.

Nguồn baohungyen.vn