291 lượt xem

Dương Nhật Lễ “đứa con hư của nhà Trần” – kỳ 2: Cuộc biến trong triều đình


Vương hầu dấy quân

Đêm 20 tháng 9 năm Canh Tuất (tức 9/10/1370), cha con quan Thái Tể Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác, Trần Nguyên Tiết và hai người con của Thiên Ninh công chúa, chị gái Dụ Tông đem người tôn thất vào thành, có ý giết Đại Định.

Biết được, Đại Định đế trèo qua tường, nấp dưới cầu. Mọi người lùng sục không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Đại Định đế vào cung, chia người đi bắt Trần Nguyên Trác cùng 17 người chủ mưu và giết hết.

Lúc này, anh khác mẹ của Trần Dụ Tông là Cung Định vương Trần Phủ, vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa, hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Trần Kính giúp đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.

Đại Định đế Dương Nhật Lễ tin dùng Thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với Trần Phủ. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Trần Phủ đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về. Do đó quân của Trần Phủ, Trần Kính ngày càng mạnh thêm.
Tháng 11 năm Canh Tuất 1370, Trần Phủ cùng Trần Kính và Thiên Ninh công chúa dẫn quân về kinh truất Nhật Lễ làm Hôn Đức công, sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu.

Trần Phủ lên ngôi, tức Trần Nghệ Tông, mẹ Nhật Lễ thì chạy vào cầu cứu Chiêm Thành, đây là một trong những nguyên nhân khiến chiến tranh Chiêm – Việt từ đấy xảy ra triền miên. Dương Nhật Lễ tới lúc đó mới biết mình bị Trần Ngô Lang phản bội, nhưng đã quá muộn.

Trong khi bị giam giữ, liền lừa gọi Trần Ngô Lang đến gần rồi bóp cổ giết chết. Trần Nghệ Tông lập tức hạ lệnh giết chết Dương Nhật Lễ và con là Liễu, rồi sai đem chôn ở núi Đại Mông.

Vai trò của Công chúa Thiên Ninh

Về cuộc biến trong triều đình dẫn đến việc phế truất Nhật Lễ, có bàn tay hay nói cách khác là vai trò vô cùng quan trọng của Công chúa Thiên Ninh, em cùng cha khác mẹ với Cung Định vương Trần Phủ.

Sinh ra với thân phận công chúa, tuy được sống trong nhung lụa nhưng Công chúa Thiên Ninh có khí phách của một trang hảo hán, là người gan dạ, quả cảm và cương quyết. Sau khi được gả cho Chính Túc vương Kham, Thiên Ninh công chúa được phong thực ấp ở vùng đất ven sông Luộc với hàng nghìn mẫu ruộng.

Là người có tầm nhìn xa trông rộng, “suốt ngày gươm đao, thi thố tài võ nghệ”, bà đã tự chiêu quân, tập hợp lực lượng vũ trang để xây dựng quân đội của riêng mình, phòng khi có biến. Nhờ vậy, khi triều đình loạn lạc, nhà Trần đứng trước nguy cơ diệt vong, bà có đủ năng lực để tập hợp lực lượng lật đổ Dương Nhật Lễ.

Trước nỗi đau mất mẹ, mất anh và mất hai con, tưởng chừng công chúa Thiên Ninh sẽ mãi chịu cảnh giống một số quan lại thời Trần lúc bấy giờ. Hoặc im lặng không dám phản kháng, hoặc bỏ trốn để tránh liên lụy. Nhưng bà lại âm thầm tập hợp lực lượng, quyết tâm trả thù cho dòng họ và lấy lại quyền lực vốn thuộc về nhà Trần.

Vì thân gái, khó lòng thu phục được sự tin tưởng hoàn toàn của nhà Trần, công chúa Thiên Ninh đã liên kết với Cung Định vương Trần Phủ để hô hào hoàng thân, quan lại cùng đứng lên. Mặc dù sử dụng danh nghĩa của mình để dấy quân, nhưng Cung Định vương cũng không có ý định về việc lấy nước.

Thấy vậy, công chúa Thiên Ninh liền bảo rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại bỏ cho người khác. Ông nên đi, tôi đem bọn gia nô dẹp yên được”.

(còn nữa)
Nguyễn Bảo Nam