285 lượt xem

Huyền Trân Công Chúa

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA VỚI LỊCH SỬ DÂN TỘC
 
 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Theo dòng chảy lịch sử phong kiến Việt Nam với biết bao ông Hoàng bà Chúa và những giai thoại khác nhau nhưng những việc làm của họ ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển dân tộc. Công chúa Huyền Trân là một trong những người như vậy. Bà chính là người có công lớn trong việc làm nên cuộc đất Thuận hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế ngày hôm nay.

Ngày nay có nhiều nhận định khác nhau về Huyền Trân Công chúa, trong đó thiên về hai luồng ý kiến đó là công và tội: Công là việc bà góp phần mở mang lãnh thổ Đại Việt thế kỷ XIV; Tội là vì nghi án tư thông với Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung. Dù công hay tội thì đến nay sự hy sinh vô cùng lớn lao đó cũng đã được phong thần và thờ phụng ở nhiều nơi.

Công chúa Huyền Trân (1287 – 1340), con gái vua Trần Nhân Tông và Hoàng hậu Thiên Cảm, được gã cho vua Chế Mân nước Champa. Chính nhờ cuộc hôn nhân này đã tạo nên một mối giao bang Đại Việt – Chăm Pa thân thiết, xây dựng một bức tường về mặt phía Nam để chống lại họa ngoại xâm là đế chế Nguyên Mông ở phương Bắc. Mặt khác, sau cuộc hôn nhân này Đại Việt đã làm một cuộc nam tiến, mở rộng lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình đầu tiên của lịch sử dân tộc, làm nên cuộc đất Thuận Hóa – Phú Xuân - Thừa Thiên Huế ngày hôm nay.


 
Description: https://trungtamhuyentran.thuathienhue.gov.vn/UploadFiles/TinTuc/2019/7/17/66187917_2386365594942397_8846775496021639168_n.jpg
Đền thờ Huyền Trân Công chúa ở Huế

(Nguồn: Sưu tập)
 

Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai trưởng là Trần Thuyên tức vua Anh Tông (1293 – 1314). Với sự kiện này vua Chăm pa là Simhavarman III tức là Chế Mân, sai sứ sang mừng và có lời mời Thượng Hoàng Trần Nhân Tông sang thăm. Tháng 3 năm Tân Sửu 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông có dịp viễn du sang Chăm Pa. Để tăng cường thêm mối quan hệ hòa hiếu bang giao giữa hai đất nước Đại Việt – Chăm Pa, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã có lời hứa gả con gái là Công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ là Chế bồ Đài và bản bộ hơn 100 người đem vàng, bạc, hương liệu quý, vật lạ đến dâng lên triều Trần làm quà sính lễ. Triều thần không đồng thuận, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Trần Khắc Chung chủ trương tán thành. Sau đó Chế Mân dâng phần đất của hai châu Ô và châu Rý (Lý) làm quà sính lễ. Tháng 6/1306 Công chúa Huyền Trân cúi đầu gạt lệ tuân lệnh vua cha sang làm dâu xứ người, sự việc này được nhân sĩ thời bấy giờ lấy làm đề tài để châm biếm như: “Tiếc thay cây quế giữa rừng để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”, “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần lửa rơm”. Có thể nói đây là một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị. Cuộc hôn nhân này đã mang đến cho Đại Việt đất đai của hai châu Ô và châu Lý trong hòa bình hữu nghị. Sau một năm di dân lập ấp, mùa hạ năm 1307 vua Trần Anh Tông cho đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc Châu Thuận. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Châu Hóa. Người Chăm pa đã mất cánh đồng Bình Trị Thiên, cửa biển Tư Dung (nay là của biển Tư Hiền) và cửa Tiên Sa (Đà Nẳng) điều kiện thuận lợi để phát triển thủy quân và thương nghiệp lúc bấy giờ.

Một năm sau khi công chúa Huyền Trân về Chăm pa, đến năm 1307 vua Chế Mân mất. Theo phong tục của nước Chăm pa, khi vua chết thì hoàng hậu phải lên Đàn hỏa thiêu để cùng vua trở về thế giới phía bên kia. Vua Trần Anh Tông sợ em gái mình bị hại nên đã sai Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung và An Phủ sứ Đặng Văn, quan Thiệu Võ lấy cớ điếu tang để đón công chúa Huyền Trân trở về. Khi sang nước Chiêm, Trần Khắc Chung đã nói với người Chiêm rằng “nếu công chúa hỏa táng thì không ai chủ trương làm việc chay, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn vua cùng về, rồi công chúa sẽ lên giàn thiêu”. khi ra đến biển, Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đưa Công chúa  về Đại Việt. Cuộc hành trình từ thành Chà Bàn về Thăng Long kéo dài 10 tháng do gặp bão tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Có ý kiến cho rằng Trần Khắc Chung tư thông với Huyện Trân Công chúa  nên mới mất nhiều thời gian đến như vậy.

Vấn đề này có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Tuy nhiên, các nhà nghiêng cứu hiện nay có nhiều quan điểm phủ nhận, vì cho rằng: Trần Khắc Chung là người giữ chức vụ lớn, tu thiền, được Nhân Tông khi đi tu rất yêu quý, đề bạt tập sách “Tuệ Trung Thượng sĩ ngũ lục” do Pháp Loa biên tập và Nhân Tông hiệu đính. Phải là người có đạo đức thì mới được hân hạnh ấy. Mặt khác luật pháp nhà Trần rất nghiêm ngặt đối với tội tà dâm, với một chế độ quân chủ tập hiến, quyền lực tất cả vào trong tay nhà vua. Hơn nữa nhà Trần đâu thể bỏ qua những lời dị nghị của đoàn tùy tùng cùng đi. Vậy mà sau khi từ Chăm pa về đầu của Trần Khắc Chung vẫn còn nằm trên cổ và vẫn được trọng dụng.

Có thể nói, đến nay sự thật trả lời cho câu chuyện này như thế nào thì đã theo nhân vật chính xuống mồ, do đó sự thật đối với hiện tại là một điều bí ẩn, chính vì vậy mà quan điểm công – tội về bà vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, dù cho công – tội thế nào thì vai trò của bà đối với công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam của Đại Việt, với cuộc đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế là một điều không thể phủ nhận

Nguồn: trungtamhuyentran.thuathienhue.gov.vn