195 lượt xem

Lê Nghi Dân

Lê Nghi Dân

Lê Nghi Dân là vua thứ tư của nhà Hậu Lê giai đoạn Lê sơ, ở ngôi 8 tháng (từ tháng 10 năm Kỷ Mão - 1459 đến tháng 6 năm Canh Thìn – 1460) với niên hiệu là Thiên Hưng.

Theo sử sách thì Lê Nghi Dân sinh năm Kỷ Mùi (1439) là con trưởng vua Lê Thái Tông, mẹ là Dương Thị Bí. Vừa ra đời được 3 tháng, Lê Nghi Dân được lập làm thái tử (ngày 21 tháng 3 năm Canh Thân 1440).

Những tưởng như thế là điều kiện tốt để Nghi Dân trở thành hoàng đế nối nghiệp trong tương lai, không ngờ bà Dương phi cậy được Lê Thái Tông yêu quý nên có ý tự mãn, kiêu căng, vua bèn giáng làm Minh nghi. Bà oán vọng ra mặt, vua có ý ghét hơn, lại ghét luôn cả người con do bà sinh ra vì thế đã truất ngôi vị thái tử của Nghi Dân, giáng làm Lạng Sơn vương rồi ra chiếu bá cáo thiên hạ rằng ngôi thái tử chưa xác định.

 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Ít lâu sau vua có thêm các bà phi khác và có thêm con trai. Một bà phi sinh cho vua hoàng tử thứ hai là Lê Khắc Xương (năm Tân Dậu 1441). Cùng năm, một bà phi tần xinh đẹp, mưu mô được vua đặc biệt sủng ái tên là Nguyễn Thị Anh sinh hoàng tử Lê Bang Cơ. Ngay năm đó, vua Thái Tông vì yêu Nguyễn Thị Anh đã lập Bang Cơ mới vài tháng tuổi lên làm thái tử. Chỉ 1 năm sau (1442) bất ngờ xảy ra vụ án Lệ Chi Viên dẫn đến cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông lúc mới 20 tuổi. Thái tử Bang Cơ được lập lên ngôi, tức vua Lê Nhân Tông.

Lớn lên, mang trong mình tâm trạng bực tức, Lê Nghi Dân âm thầm chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ để đoạt lại ngai vàng lẽ ra sẽ là của mình. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng viên chỉ huy sứ Lê Đắc Ninh là người chỉ huy vệ binh làm nội ứng, cùng các thủ hạ tin cậy là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng và hơn 100 quân ban đêm bắc thang chia làm ba đường vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông ở tẩm điện rồi sáng sớm ngày hôm sau giết thái hậu Nguyễn Thị Anh.

Lê Nghi Dân lên ngôi, ban chiếu "đại xá" trong đó có đoạn: "Trẫm là con trưởng Thái Tông Văn hoàng đế, trước đã ở ngôi thái tử. Không may tiên đế đi tuần ở miền đông, bỗng băng ở ngoài. Nguyễn thái hậu muốn vững quyền vị, ngầm sai bọn nội quan là Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua… Đến sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, việc lây đến thái uý Trịnh Khả, tư khấu Lê Khắc Phục, họ bị đem giết cả đi để hết người nói ra. Diên Ninh (niên hiệu của Nhân Tông) tự biết không phải là con của tiên đế... Trẫm nhờ ... các vương và đại thần cùng các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm lên ngôi đại thống...” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Bên cạnh việc ban chiếu đại xá để trấn an lòng dân, năm Canh Thìn (1460) Lê Nghi Dân còn sai sứ sang phương Bắc cầu thân để qua đó muốn ngăn nhà Minh không lấy việc mình cướp ngôi làm cái cớ để xâm lược, việc tối quan trọng này vua đặt hết niềm tin vào Nguyễn Nghiêu Tư, người có biệt danh là Trạng Lợn.

Nguyễn Nghiêu Tư tên hiệu là Tùng Khê, tên tự là Quân Trù, người xã Phú Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông. Tục truyền rằng Nguyễn Nghiêu Tư hồi nhỏ có tên tục là Trư (Lợn) bởi ông sinh vào tháng Hợi (tức tháng 10 âm lịch) nên người cha đã đặt tên như vậy.

Khi sinh ra, Nguyễn Nghiêu Tư là một cậu bé bụ bẫm, xinh xắn, hay ăn chóng lớn, đầy tuổi đã chạy nhanh và nói sõi đủ điều. Năm lên 4 tuổi nghe người lớn ngâm thơ một vài lần là ông đã thuộc lòng. Lúc lên 8 tuổi ông được cha mẹ cho đi học, mặc dù học muộn hơn chúng bạn nhưng ông học rất giỏi, tiếp thu bài nhanh, nghe một biết mười lại không có tính kiêu ngạo mà rất lễ phép chuyên cần nên được thầy yêu, bạn mến.


Những ngày đi học vào tháng 7, tháng 8 trời mưa nhiều, đường lầy lội, đi lại rất vất vả, khó khăn nhưng ông không bỏ một buổi học nào, bạn học có người lớn gấp rưỡi, gấp đôi tuổi rất thương mến, thay nhau cõng khi tới trường cũng như lúc về nhà. Ở nhà, Nguyễn Nghiêu Tư luôn chăm lo đèn sách, không lúc nào rời quyển sách, khi nấu cơm ông cũng mang sách dựa bên thềm mà học, khi ra vườn cũng cầm chiếc que nhọn trên tay để vạch lên đất hoặc viết vào lá chuối những chữ, những câu khó nhớ.

Cha mẹ thấy con mình chăm chỉ học hành rất lấy làm mừng rỡ, hi vọng một ngày nào đó người con yêu quý sẽ có tên trên bảng vàng, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Đến kỳ thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Nghiêu Tư trẩy kinh ứng thí rồi đỗ đầu trên bảng vàng, đoạt học vị Trạng nguyên.

Giai thoại lưu truyền rằng đêm trước ngày thi Đình vua Lê Nhân Tông có một giấc mộng lạ, nhà vua nằm mơ thấy lợn đỗ Trạng lúc tỉnh dậy lấy làm kinh ngạc. Khi danh sách những người đỗ được công bố, vua xem thấy tên Nguyễn Nghiêu Tư đứng đầu liền cho tuyên triệu vào hỏi chuyện, lúc đó mới biết ông sinh tháng Hợi lên hồi nhỏ có tên là Trư (Lợn). Từ đó trong dân gian có lưu truyền câu ca: Long đầu lợn Nguyễn Nghiêu Tư và gọi ông là Trạng Lợn. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Nghiêu Tư được bổ làm quan dần thăng lên đến chức An phủ sứ, Hàn lâm trực học sĩ.

Biết ông là người có tài trí thông minh, ứng đối nhanh nhạy, Lê Nghi Dân phong cho làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang cầu phong. Khi đoàn sứ bộ nước Đại Việt vào yết kiến, đưa biểu cầu phong. Vua Minh Anh Tông hạch sách rằng:

- Sao Nghi Dân dám giết em để cướp ngôi vua? Ta không chấp thuận tờ biểu này.

Chánh sứ Nguyễn Nghiêu Tư liền đáp ngay:

- Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) giết cả anh là Lý Kiến Thành và em là Lý Nguyên Cát. Đó cũng là việc cũ của “thiên triều” thì việc nước tôi ngày nay có gì mà lạ.

Viện dẫn ngay chuyện vì tranh giành ngôi báu, các con của vua Đường Cao Tổ đã xảy ra sự chém giết, Lý Thế Dân đã cho phục binh nấp sẵn trước cửa Huyền Vũ rồi bất ngờ xong ra giết chết anh trai là Thái tử Lý Kiến Thành và em trai là Lý Nguyên Cát, sau đó còn giết hết 10 người cháu là con của Kiến Thành và Nguyên Cát nhằm diệt trừ hậu họa.

Vua Minh Anh Tông nghe xong lời đối đáp của Nguyễn Nghiêu Tư, cứng lưỡi không có cớ bắt bẻ được nữa đành chấp nhận tờ biểu văn. Lập được công lớn, sau khi đi sứ phương Bắc trở về, Nguyễn Nghiêu Tư được vua Lê Nghi Dân phong lên chức Lại bộ Thượng thư, chưởng lục bộ.

Nguồn: Danviet.vn