253 lượt xem

Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)

 
Cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc nhỏ tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên, sinh tháng 10/1876 (Tự Đức 19) tại làng Thạnh Bình, tông Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, (nay là Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong một gia đình nông hào, gốc Nho học.

Cụ nổi tiếng thông minh học giỏi nhớ lâu, 15 tuổi kết giao với Phan Chu Trinh, 18 tuổi kết giao với Trần Quý Cáp. Năm 1900, Cụ đậu giải Nguyên, năm 1904 đậu Tiến sĩ, trở thành một trong “tứ hổ” Trung Kỳ nổi tiếng thời ấy. Thời gian thi học ở kinh đô Huế, qua người bạn thâm giao Phan Châu Trinh lúc ấy đang làm quan ở Bộ lễ Huỳnh Thúc Kháng có dịp tiếp xúc với các nho sĩ tân học có tư tưởng cách mạng như Phan Bội Châu, Đào Nguyên Phổ… được đọc Tân Thư và hấp thụ tư tưởng văn minh dân quyền. Vốn không ham quan tước, lại chịu ảnh hưởng tây học nên sau khi thi đõ đại khoa, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà cũng như Trần Qúy Cáp, cụ trở về làng ẩn cư. Năm sau, 1905, Phan Châu Trinh từ quan rồi cả ba cụ cùng làm một cuộc Nam du xem xét tình hình, đề xướng tân học. Lúc đi ngang tỉnh Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thí sinh, cụ Huỳnh làm bài phú Lương Ngọc danh sơn nội dung mạt sát khoa cử, cổ xúy tân học, vang dội một thời. Từ cuộc Nam du trở về cụ Huỳnh chuyên lo vận dụng nhân dân thay đổi lối sống, mặc âu phục, cắt tóc ngắn, cùng các thân sĩ chung sức lập các hội buôn, hội nông, hội trồng quế, xây trường học, thư viện.  Cụ đến khắp các địa phương trong tỉnh diễn thuyết, hô hào Duy Tân.

Năm 1908, vụ kháng thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi lang rộng các tỉnh miền Trung, cụ Huỳnh cùng thân sĩ các tỉnh bị thực dân Pháp và triều đình Huế bắt đày ra Côn Đảo với án chung thân… Cuộc đời 13 năm Côn Đảo của cụ sau đó là cả một quá trình rèn luyện trong nhà tù mà cụ gọi là “ trường học thiên nhiên” khắc nghiệt. Khi cụ ra khỏi tù thì tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi. Chính phủ bù nhìn Nam triều và thực dân Pháp nhất là toàn quyền Pasquier nhiều lần tìm cách mua chuộc lôi kéo cụ ra công tác với chúng nhưng Huỳnh Thúc Kháng thẳng thắn cự tuyệt. Phan Châu Trinh ở Pháp về Sài Gòn, cụ Huỳnh có vào thăm và vĩnh biệt. Năm 1926, thực dân Pháp cải tổ Hội đông tư vấn bù nhìn tróc sơn thành Viện dân biểu Trung kỳ để dễ tiếp tục chính sách mị dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử với tư cách người đứng giữa hai phái trí thức cựu nho ( nho học) và tân học ( tây học). Cụ trúng cử và giữ chức Nghị trưởng. Hoài vọng của cụ là sử dụng viện dân biểu này như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải cải cách dân chủ, mở rộng chính sách cai trị, bảo vệ quyền lợi dân tộc. Nhưng Viện Dân biểu do Pháp nặn ra này chỉ là tổ chức bù nhìn, một chiêu bài phục vụ  cho chúng nên thời gian cụ Huỳnh làm Viện trưởng, những xung đột của cụ và nhà cầm quyền thực dân diễn ra ngày càng gay gắt, biểu hiện thành các vụ xung đột “ Huỳnh Thúc Kháng-d’Elloy” và “ Huỳnh Thúc Kháng-Jaboille”. Xét thấy không thể tiếp tục đấu tranh nghị trường  với thực dân, cụ Huỳnh khẳng khái từ chức năm 1928. Thời gian cụ làm Viện trưởng dân biểu theo sự ủy thác của cụ Phan Bội Châu và các đồng nhân, cụ Huỳnh đứng ra tổ chức tờ báo Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên ở miền Trung, do cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, số đầu tiên ra ngày 10-8-1927. Từ đây đến ngày 28-4-1943 khi bị đóng cửa, báo Tiếng Dân với nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần vào việc giáo dục quần chúng đấu tranh công khai tố cáo chính sách thống trị của chính phủ Pháp, vạch mặt bọn Việt gian cùng những thủ đoạn mị dân của chúng, đòi hỏi dân chủ dân sinh. Trong không khí ngột ngạt của kinh đô Huế và toàn xứ Trung Kỳ, tờ báo là một làn gió mát rất được độc giả hoan nghênh.

Từ năm 1940, phát xít Nhật đặt chân đến Việt Nam, thực dân Pháp đầu hàng. Để thành lập một chính quyền tay sai bản sứ phục vụ cho mưu đồ Đại Đông Á, biết cụ Huỳnh có uy tín lớn trong nhân dân, bọn Nhật nhiều lần tìm cách mời cộng tác, lấy danh nghĩa Cường Để viết thư cho cụ để dụ dỗ cụ Huỳnh ra làm việc với Nhật nhưng trước sau cụ vẫn một mực cự tuyệt. Năm 1943, Nhật hất cẳng Pháp, Bảo Đại đứng đầu chính phủ bù nhìn lại mời cụ Huỳnh ra thành lập Nội Các, cụ Huỳnh chẳng những từ chối mà còn viết thư thẳng thắn khuyên Bảo Đại thoái vị giao quyền cho nhân dân. Những chiêu bài “Việt Nam độc lập” mà Phát xít Nhật dựng lên đã bao lần không đánh lừ được cặp mất tinh đời đã rằng luyện lâu dài trong đấu tranh chính trị công khai của cụ.

Chỉ đến mùa thu năm 1945, nhân dân ta làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám, cụ Huỳnh Thúc Kháng mới nhìn thấy độc lập thật sự, cụ mới sung sướng thật sự. Trong ngày giỗ lần thứ 5 cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh nói:

“Ất Dậu trước (1885) đến Ất Dậu này (1945) thật khác xa. Trước là kinh thành thất thủ, là mất nước, nay là cách mạng, là giải phóng. Cái hoài bão của hai cụ đến đây rõ là được thực hiện. Cụ Sào Nam thì dân tộc chủ nghĩa cụ, Tây Hồ thì dân chủ chủ nghĩa. Đời tôi đến đây thấy được cái kết quả mà bình sinh hai cụ mong ước, như thế là được rồi.”

Hào hứng trước vận hội mới của dân tộc, khát khao đóng góp phần tâm lực cuối cùng cho quê hương đất nước, lại được chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mời tham gia chính phủ liên hợp kháng chiến nên tuy tuổi đã “cổ lai hy”, cụ Huỳnh vẫn nhiệt tình nhận chức bộ trưởng Nộ vụ.

Ngoài ra còn là người sáng lập và hội trưởng Hội liên Hiệp quốc dân Việt Nam tức mặt trận Tổ Quốc ngày nay. Tháng 6 – 1946,  Hồ Chủ tịch đi Pháp cử cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thời gian này cụ có những đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước còn mới mẻ và xử lý đúng đắn mọi vấn đề, nội chính, ngoại giao.

Cuộc kháng chiến, toàn quốc bùng nổ cuối năm 1946, chính phủ Trung ương cử cụ đi kinh lý miền Trung. Với tư cách Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, hưởng ứng “lời kêu gọi toàn quốc bùng nổ kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, Cụ Huỳnh cũng phát đi bức thư “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư” kêu gọi toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối quyết sống chết với kẻ thù.

Trên đường công tác đến Quảng Ngãi cụ bị ốm nặng. Tuổi cao sức yếu, biết mình không qua khỏi, cụ bình tĩnh gửi điện vĩnh biệt Hồ Chủ Tịch, chào  anh em binh sĩ và anh em các đảng phái tôn giáo vào ngày 21- 4- 1947, thọ 71 tuổi. Lễ tang cụ Huỳnh được tổ chức trọng thể thành quốc tang đầu tiên của nhà nước ta. Phần mộ cụ hiện vẫn còn trên núi Thiên Ấn thuộc tỉnh Quãng Ngãi.

Tuy không có chủ ý xây dựng thơ văn thành sự nghiệp, Huỳnh Thúc Kháng vẫn viết rất nhiều, để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ thuộc nhiều thể loại, tiêu biểu nhất là:

1. Thi tù tùng thoại
2. Vụ chống thuế ở Trung kỳ
3. Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử
4. Huỳnh Thúc Kháng tự truyện
5. Bức thư bí mật gửi Cường Để
6. Một ít dật sự trên đoạn đường lịch sử cách mệnh Việt Nam

Cùng nhiều bài xả thuyết, bình luận trên báo Tiếng Dâ

Những tác phẩm này hiện nay đã được sưu tầm và phổ biến đầy đủ, là một nguồn dữ liệu,văn liệu quan trọng giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về một thời kỳ đầy biến động lịch sử và văn học nước ta.

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Huỳnh Thúc Kháng dài 550m, rộng 6m, nối đường Lê Đình Dương với đường Chu Văn An thuộc quận Hải Châu.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) quê ở làng Thanh Bình, phủ Thăng Bình, nay là huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1900 thi đỗ giải nguyên. Năm 1904 thi đỗ hoàng giáp. Cụ có tinh thần yêu nước và tham gia cuộc vận động Duy Tân. Ông tích cực tham gia cuộc kháng sưu năm 1905 nên bị thực dân Pháp khủng bố. 


 

Ảnh từ internet.
 
Mặc dù bị chính quyền thực dân bắt, tù đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908 - 1921), cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn. Năm 1926, sau khi ra tù, cụ được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm hoạt động ở Viện, cụ kiên quyết đấu tranh nghị trường, rồi nhân việc chống lại viên Khâm sứ người Pháp, cụ từ chức và sáng lập Tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút báo này tại Huế từ năm 1927 đến năm 1943. 

Năm 1945, tình hình cách mạng trong nước và thế giới có sự chuyển biến mau lẹ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 02/9/1945. Hơn bao giờ hết, mọi nguồn lực của dân tộc, trong đó có nguồn lực trí tuệ và đội ngũ nhân tài cần được khơi dậy, quy tụ và phát huy. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho Ủy ban nhân dân lâm thời Trung bộ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội. Mặc dù tuổi cao, nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, cụ đã nhận lời mời gánh vác việc nước. 

Ngày 02/3/1946, tại Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi đề cập nhân sự trong Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi giới thiệu về cụ “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết - cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Là thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng mang hết tài năng và trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, nhân dân. 

Trong thời gian từ ngày 31/5 đến 21/9/1946, thực hiện cuộc đấu tranh ngoại giao bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị đàm phán Fontainebleau nên giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo lời kể, tại Bắc Bộ phủ, trước khi bước lên ô tô ra sân bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay nhà cách mạng lão thành Huỳnh Thúc Kháng và nói “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. 

Trong thời gian Người đi vắng, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải quyết êm thấm nhiều công việc liên quan đến quốc gia đại sự như thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập. Uy tín, tài năng và đức độ của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian giữ trọng trách Quyền Chủ tịch nước đã góp phần cùng với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở thời điểm hết sức hiểm nghèo.

Ngày 19/7/1946, chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 130 ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bản toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe ký Phó thự và được đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo năm 1946 trang 397. Ngày 05/3/2013, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 7 hàng năm là “Ngày Truyền thống THADS”.

Tháng 4/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời vì bệnh trên đường đi công tác ở Quảng Ngãi. Nói về cụ, trong Thư “Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét “Cụ là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, và bày tỏ lòng kính mến, cảm phục “Đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi, nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà, thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

Nguồn: danang.gov.vn