Sau mối tình đầu bên dòng Đạ Brăng, “Nữ chúa rừng xanh” (tên thật là Ka Nhòi) không chấp nhận lời cầu hôn của bất kỳ người con trai nào khác. Cho đến tận lúc cuối đời, “Nữ chúa rừng xanh” chết trong cô độc, vì thế mối tình duy nhất cũng theo bà xuống mồ và bị chôn chặt từ đó.
Thiếu nữ K’Ho bên bạn tình (Ảnh minh họa)
Điều lạ nhất là “người đàn ông bí ẩn” của cuộc đời bà không bệnh tật gì mà cũng qua đời. Người ta cho rằng, người đàn ông này chết vì tương tư...
Sắc đẹp và tài năng của nữ chúa
Cuộc đời “Nữ chúa rừng xanh” vốn dĩ đã có nhiều chuyện dị biệt, dị biệt từ khi bà sinh ra cho đến lúc qua đời. Có dịp tìm hiểu về cuộc đời người đàn bà làm nên huyền thoại ở cao nguyên Di Linh lộng gió này mới thấy được chuyện tình của “Nữ chúa rừng xanh” không khác gì một thiên tình sử đẫm lệ, bi ai. Cũng đúng thôi, vì thời xuân sắc, vẻ đẹp lạ lùng của “người đàn bà trắng” đã khiến cho bao nhiêu chàng trai mê đắm. Nhưng vì kính nể trước đứa con của thần linh mang trong mình sứ mệnh trời trao nên rất ít chàng trai dám ngỏ lời yêu thương. Cả cuộc đời Ka Nhòi chỉ có một mối tình duy nhất, nhưng vì mối tình đầu không thành nên thiếu nữ K’Ho đã dồn hết tâm huyết cho cuộc tập hợp nghĩa quân để đập tan mưu đồ xâm lược và phá hoại bờ cõi quê hương của thực dân Pháp.
Những tháng ngày lang thang trên cao nguyên rộng mênh mông, chúng tôi tôi được nghe các già làng kể nhiều về bản tình ca buồn của Ka Nhòi. Phần lớn những người đàn ông bên cạnh cuộc đời của bà đều là những người anh em, bạn bè, đồng chí. Thế nhưng, chuyện bà Ka Nhòi có một cô con gái mà không có chồng thì người dân nơi đây ai cũng biết đến. Mỗi khi nhắc đến chuyện tình của “Nữ chúa rừng xanh”, thì con cháu của Ka Nhòi lại mang một nét buồn hoang hoải.
Vẻ đẹp thơ mông của cao nguyên Di Linh
(Nguồn: Sưu tập)
Bất cứ người K’Ho nào ở buôn Dongr Dor (thường gọi là thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng biết thời thiếu nữ của “Nữ chúa rừng xanh” vốn rất xinh đẹp, bà có khuôn mặt thanh thoát, thánh thiện. Hơn hẳn những thiếu nữ K’Ho khác, bà nổi tiếng bởi sự chăm chỉ, khéo tay trong công việc thường ngày. Tất cả những ưu điểm vượt trội đó khiến cho sự nổi tiếng của nữ chúa lan sang cả các buôn làng khác. Khi đó có biết bao chàng trai trong ngoài buôn vì say mê trước sắp đẹp và tài năng của nữ chúa mà ao ước được bà hỏi cưới làm chồng.
Bởi vì đồng bào K’Ho theo chế độ mẫu hệ, thế nên chỉ có phụ nữ mới có quyền chủ động trong chuyện cưới xin, hôn nhân của họ cũng được gọi là tục bắt chồng, đương nhiên để có thể tiến đến hôn nhân thì người con trai vẫn thường chủ động làm quen với các cô gái. Các chàng trai phải tận dụng các cơ hội để thể hiện tài năng và tấm lòng của mình với người thương. Khi các thiếu nữ biết được ý nguyện của chàng trai thì họ sẽ trực tiếp ngỏ lời.
Có những quy định chung như¬ anh em cùng dòng họ không được lấy nhau (tính theo họ mẹ - PV) và những quy định riêng như không lấy người dòng họ thù địch, bị nghi là “ma lai”. Như ở người K’Ho Lạch đã có một thời cấm kết hôn giữa những dòng họ nh¬ư Liêng Hót với Đa Gút; Liêng Jrăng với Krajăng; Đa Gút với Pang Ting... hay ở người K’Ho Chin Konsor với Kơsar; Rơông với Chin.
Đồng bào K’Ho đã có những câu ca nói về vấn đề cấm hôn rất hay: “Mài rìu, mài xà gạc thì tìm đá cứng; Đặt bẫy bắt chim nên tìm lối mòn; Lấy vợ lấy chồng con cô con cậu”. Hoặc là, “Bỏ ruộng thì đói; Cắt váy thì nghèo; Bỏ con cô con cậu thì thành đầy tớ”...
Ngoài hình thức hôn nhân con cô con cậu, người K’Ho Srê còn có hình thức hôn nhân anh em chồng chị em vợ và hôn nhân con chú con bác tính theo dòng họ mẹ, chỉ cấm hôn nhân con bạn dì, cùng dòng họ, giữa anh em ruột với nhau. Hôn nhân giữa những người cùng buôn cho đến nay vẫn còn phổ biến, nhưng ở người K’Ho Lạch, như¬ chúng ta đã biết, do nhiều nguyên nhân, việc lấy người khác buôn, khác dân tộc, được cởi mở và không bị cấm đoán ngặt nghèo như¬ xư¬a.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng bị chết, sau một năm người sống mới có quyền lập gia đình. Nếu ai vi phạm những nguyên tắc trên thì sẽ bị hội đồng già làng xét xử theo luật tục. Và đương nhiên người gây ra thiệt hại phải bồi thường và bị phạt vạ rất nặng. Nếu kẻ phạm tội dám không thực hiện, thì mọi tai họa xảy ra đối với làng, năm đó người này phải gánh chịu hết.
Mối tình đầu của nữ chúa
Lẫn lữa mãi, bà K’Đèm (SN 1964, cháu gái của bà Ka Nhòi) mới kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của “Nữ chúa rừng xanh”. Khởi nguồn câu chuyện tình yêu của nữ chúa cũng rất bình dị, mộc mạc. Đó là một buổi lễ đâm trâu do gia tộc nhà K’Nhòi tổ chức. Vì là người khá nổi tiếng nên khi nhà có việc là trai tráng trong vùng đều tự nguyện đến phụ giúp gia đình Ka Nhòi.
Hôm đó, không chỉ có trai tráng trong làng, mà nhiều chàng trai ở các làng kế bên cũng ghé qua giúp gia đình Ka Nhòi buộc cọc đâm trâu. Những chàng trai này không chỉ qua với mục đích giúp đỡ mà họ đến với mong muốn được một lần chiêm ngưỡng sắc đẹp của thiếu nữ Ka Nhòi để thỏa trí tò mò và ngưỡng mộ.
Bà K’Đèm - cháu gái nữ chúa
(Nguồn: Sưu tập)
Trong số đó, có một chàng trai dáng vóc vạm vỡ, khỏe mạnh, thân hình chắc nịch như cây rừng và đặc biệt người này rất khéo tay. Sự nổi tiếng của anh ta được người trong làng ca tụng như một dũng sĩ, hơn nữa chàng trai này còn có nhiều tài lẻ.
Trong suốt buổi lễ, chàng trai đã tìm mọi cách để gây sự chú ý với Ka Nhòi. Vậy nên khi kết thúc phần lễ đâm trâu, đích thân Ka Nhòi đã mời chàng trai ở lại uống rượu cần, ăn thịt trâu nướng. Và điều lạ kỳ đã xảy ra, nữ chúa đã phải lòng chàng trai trong ánh nhìn đầu tiên và cách thể hiện tài năng, sự dũng cảm tại buổi lễ.
Mặc cho người tham gia lễ hội đang uống rượu và thỏa sức ca hát, hai người cứ nhìn nhau và trò chuyện vui vẻ. Rất ít người biết rằng họ đã “ưng cái bụng” của nhau lắm. Bởi vậy, nên khi mọi người đã no say và ngủ lăn trên nhà sàn, cả 2 vẫn còn ngồi trò chuyện tâm tình bên đống lửa rực ánh tro hồng.
Trong không gian riêng tư ấy, chàng trai cho biết mình tên thật là K’Jéo. Rồi bất ngờ, chàng trai cất tiếng hát réo rắt giữa đêm tối tĩnh mịch. Chàng hát bài hát dân ca của người K’Ho: “Trao người thương yêu nhất. Cái vòng tay bỏ vào tay. Cái bông tai đeo vào tai. Còn con khỉ đeo lục lạc”. Lời bài hát đầy ẩn ý như một lời tỏ tình của K’Jéo gửi đến Ka Nhòi. Kết thúc câu hát, không gian tĩnh lặng tưởng như có thể nghe rõ từng nhịp đập của 2 trái tim đang thổn thức nhịp đập yêu thương.
Dòng suối Đạ Brăng ven làng dường như cũng lững lờ quên trôi về sông lớn. Chỉ còn hai con tim cùng gõ nhịp và ngọn lửa kia chứng giám cho tình cảm của đôi lứa. Ka Nhòi cũng hát đáp lại: “Chàng cười vui đứng vững. Khiến tôi cũng vui đứng vững. Như cọc nêu, như cây tre xưa. Chàng về gió nổi lên. Và con suối chiều nay không cạn nước”. Và cứ thế, lời trong lời, câu trong câu, điệu dân ca trữ tình thắt chặt đôi trai gái vào nhau như sợi dây rừng buộc vào cọc nêu ngoài sân lớn.
Phác họa lễ hội ăn trâu
(Nguồn: Sưu tập)
Sáng hôm sau, họ chia tay nhau với lời hẹn: “Đêm, ta lại đến. Em hãy chờ cửa nhé!”. Vậy là sau đêm đó, thiếu nữ K’Ho đã biết rung động với tình yêu đầu đời, biết chờ mong và biết rằng ngày dài hơn ông mặt trời đi từ đỉnh núi phía Đông sang đỉnh núi phía Tây. Đêm nối đêm, đôi trai gái quyện vào nhau như ngọn núi Đăng Kér soi bóng xuống dòng Đạ Brăng - nơi hẹn hò cho mối tình đầu của đôi uyên ương. Và cũng chỉ có ngọn núi Đăng Kér và dòng Đạ Brăng mới biết được bí mật tình yêu của hai người. Những ngày sau đó, họ đã thề nguyền với thần núi, thần rừng sẽ suốt đời bên nhau.
Nhiều tài liệu về nữ tướng Ka Nhòi đều khẳng định rằng phong trào Mộ Kọ (hay còn gọi là Mọ Kọ - PV) không hề có sự lãnh đạo của một lực lượng nào khác, nghĩa là một phong trào hoàn toàn tự phát. Nhưng trong những câu chuyện mà người nhà Ka Nhòi và cận thần của nữ chúa thường kể đi kể lại cho con cháu mình nghe, vẫn thấp thoáng đâu đó hình bóng của một người Kinh mà ngoài bà Ka Nhòi chưa ai một lần được nói chuyện cùng.
Trong cuốn “Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng” chỉ có vài dòng ngắn ngủi ghi lại phong trào Mộ Kọ của bà Ka Nhòi. Cuộc khởi nghĩa của bà (cuối năm 1938) cận kề Cách mạng tháng Tám vụt lóe lên như ánh lửa rừng rồi vội tắt ngấm, chìm vào lãng quên. Nhưng những người K’Ho ở Đồng Đò thì không quên bất cứ một điều gì liên quan đến bà. Ngay cả một người Kinh xa lạ, bí ẩn sống cùng với buôn làng họ và đôi lần xuất hiện trong quãng thời gian bà Ka Nhòi dấy binh khởi nghĩa.
Theo tục lệ của người K’Ho từ nhiều đời, trai gái trong thời gian tìm hiểu có thể quan hệ trước khi đi tới hôn nhân. Và tình cảm của K’Jéo và Ka Nhòi cũng đã vượt quá giới hạn thông thường. Khi biết mình đã mang trong mình giọt máu của K’Jéo, Ka Nhòi thưa với cậu của mình (người đóng vai trò quyết định trong hôn nhân của người K’Ho - PV) rằng cô muốn bắt K’Jéo về làm chồng. Ka Nhòi nhờ cậu qua nhà K’Jéo để nói chuyện người lớn như thủ tục bắt đầu chuyện cưới hỏi.
Nhưng sự đời éo le, cái bụng của K’Jéo thì đã thuận tình nhưng cha mẹ anh ta lại không đồng ý. Lý do họ từ chối lời cầu hôn của Ka Nhòi là vì bà quá khác thường. Cái khác thường không chỉ có tóc trắng, làn da trắng mà dân làng đã cho rằng, Ka Nhòi được mang sứ mệnh trời trao, là đứa con của thần linh.
Họ rất sợ khi cho con trai mình lấy con của thần thì sẽ bị trừng phạt và muôn đời bị nguyền rủa không yên. Sự từ chối với cái lý đó khiến cho đôi bạn trẻ bị một cú sốc về tình cảm quá lớn. Đôi trai gái đau khổ đến tột cùng vì yêu nhau, thề nguyền trọn đời bên nhau mà không thể “trao còng”, làm vợ chồng của nhau được.
Vậy là theo luật tục của đồng bào K’Ho, chàng trai làm cho Ka Nhòi có bầu nhưng lại không theo cô về làm chồng thì phải chịu phạt vạ trước thần núi, thần sông và hội đồng già làng trước sự chứng kiến của bà con trong buôn làng. Mặc dù vẫn còn yêu thương nhưng K’Jéo không dám cãi lại lời cha mẹ, anh đành chấp nhận hình phạt “đền trâu” cho gia đình Ka Nhòi để giữ trọn lời hứa thủy chung với người mình yêu suốt đời.
Người dân đồn nhau rằng, sau mối tình đầu đầy nước mắt đó, chàng K’Jéo không chấp nhận lời cầu hôn của bất kỳ người con gái nào khác. Anh ta tuyệt giao với tất cả những người xung quanh, được một thời gian sau thì qua đời vì bệnh tương tư. Sau khi từ hôn, K’Jéo không được gặp lại người mình yêu nữa, anh ta đến rồi ra đi như một người đàn ông đầy bí ẩn trong cuộc đời của nữ chúa vậy.
Còn về phía Ka Nhòi, sau cuộc tình oan trái đó, bà sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Ka Nhung. Thế nhưng kỷ niệm duy nhất của mối tình độc nhất của bà cũng đã bỏ bà đi khi năm 7 tuổi Ka Nhung bị một cơn bệnh dịch kéo qua làng. Trong các tài liệu có nói đến cơn dịch bệnh đó là dịch hạch, nó đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều đứa trẻ trên quê hương của nữ chúa Ka Nhòi.
Toàn tâm cho chân lý cao đẹp
Sau mối tình đầu dang dở đầy nước mắt đó, Ka Nhòi đã dồn hết tâm trí vào cuộc khởi nghĩa chống Pháp của đồng bào mình, bà cố gắng không làm cho mình nghĩ đến chuyện tình với những lời thề với K’Jéo năm xưa.
Sau ngày sinh con, cũng có nhiều người đàn ông giàu có tìm đến ngỏ lời yêu thương và nguyện cả đời chăm sóc cho hai mẹ con nhưng tất cả những lời cầu hồn đều đã bị bà từ chối một cách tế nhị. Cũng bởi trong sâu thẳm trái tim mình, những Ka Nhòi vẫn không thể quên lời thề bên dòng suối Đạ Brăng hôm nào. Đến cuối đời, vị nữ thủ lĩnh người K’Ho trong đội nghĩa quân kháng Pháp đã chết trong đơn độc, không chồng, không con đưa tiễn. Cũng vì thế mà mối tình duy nhất của “Nữ chúa rừng xanh” đã theo bà xuống mồ và bị chôn chặt từ đó.
Trong con mắt của tất cả những người dân tộc thiểu số quanh vùng thì tất cả những câu chuyện xoay xung quanh cuộc đời của “Người đàn bà trắng” đều mang màu sắc huyền thoại. Chính vì thế, bà đã được tôn sùng thành “Nữ chúa rừng xanh”, được mọi người tin theo và hết sức kính phục, ca tụng như một nữ thần mang xứ mệnh từ trời đến để giải cứu cho buôn làng thoát khỏi ách nô lệ của bọn Pháp.
Sau này, nhiều nhà nghiên cứu đã lần tìm về Đồng Đò để được nghe kể về chuyện tình của “Nữ chúa rừng xanh” để làm rõ mối nghi ngại về chàng trai có tên K’Jéo. Tuy nhiên, trong những tài liệu còn để lại và những nghiên cứu của họ vẫn thấp thoáng bóng dáng của một người Kinh mặc khố, đứng đằng sau lãnh đạo phong trào khởi nghĩa. Nhiều giả thiết đã được đặt ra, “Người đàn ông bí ẩn” đó mới thực sự là mối tình đầu, là nhân vật nam chính trong thiên tình sử đẫm lệ của “Nữ chúa rừng xanh”.
Nhưng dù sự thật như thế nào thì cũng không thể phủ nhận được công lao và tài ba của “Nữ chúa rừng xanh”. Bởi lẽ, khi mới bước qua tuổi đôi mươi, “Người đàn bà trắng” này đã tập hợp được hơn 1 vạn đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Di Linh. Họ đồng lòng dâng cao lá cờ khởi nghĩa để chống lại ách áp bức, đô hộ của thực dân Pháp. Mỗi khi nghe danh “Nữ chúa rừng xanh” - nữ thủ lĩnh của phong trào Mộ Kọ là quân giặc sợ hãi đến kinh hồn, bạt vía...
Còn Tiếp...
Nguồn: Baophapluat.vn