300 lượt xem

NGUYỄN GIẢN THANH

Ham học từ nhỏ, lại hay chữ, Trạng Nguyên Nguyễn Giản Thanh khi vào hội sân đình, nhờ mặt mũi khôi ngô tuấn tú và tài ứng biến khéo léo nên đã được chọn đỗ đầu khoa thi.

Câu đối bên đường

Nguyễn Giản Thanh người ở làng Ông Mặc, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (tức là làng Hương Mặc - Làng Mẹ, xã Minh Đức, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) vốn là con trai của tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm. 

Ông Giản Thanh sớm mồ côi cha từ khi bốn tuổi, nhưng vẫn nối được chí hướng nhà, từ nhỏ đã thông minh, Nguyễn Giản Thanh lại có hình dung tuấn tú, mặt mũi khôi ngô nên ai cũng thích, cũng mến. 

Năm Nguyễn Giản Thanh lên sáu tuổi, một lần mặc áo đỏ cưỡi một tàu lá cau giả làm ngựa cùng trẻ làng chạy ra ngoài chợ xem một đám cưới. Đám cưới ấy là của một viên quan to. Giản Thanh đứng ở bên đường ngóng xem đám lính dẹp đường. Trong khi mọi người dạt cả ra hai bên vì tiếng loa, tiếng roi, cậu bé sáu tuổi vẫn nghiễm nhiên cầm cổ ngựa mo, không tỏ ra chút nào sợ hãi, nhìn thẳng vào viên quan. 

Thấy một đứa trẻ khôi ngô lại bình tĩnh khác thường, viên quan liền dừng kiệu hỏi mấy vị hương chức nghênh tiếp, thì biết đấy là con một ông nghè bèn gọi Giản Thanh lại gần: "Cận đã đi học chưa?" Nguyễn Giản Thanh không hề lúng túng, đáp ngay: "Cháu chưa đi học nhưng cháu hay chữ". 

Viên quan ngạc nhiên, cười: "Sao chưa đi học mà đã hay chữ rồi?" Nguyễn Giản Thanh thản nhiên trả lời: "Vì cháu biết làm câu đối".  Nghe vậy, viên quan nghĩ sẽ thử tài cậu bé, liền ra câu đối ngay. "Thế thì đối câu này, hay ta sẽ thưởng: Trẻ cưỡi mo cau". 

Viên quan ra một cấu đối đơn giản nhưng vận đúng vào cảnh Giản Thanh đang chơi trò cưỡi ngựa bằng tàu cau lúc ấy. Nguyễn Gián Thanh biết vậy, lại nhìn thấy trước mặt viên quan này có một con hạc gỗ sơn son của vua ban cho ông ta, liền đáp rằng: "Già chơi hạc gỗ" Viên quan nghe đối, giật mình, khen: "Quả là cậu bé này hay chữ thật!" Nhưng Nguyễn Giản Thanh lại thưa ngay: "Cháu lại còn đối được câu dài hơn kia!" 

Viên quan đã định bỏ đi, thấy đứa bé có vẻ lắng nhằng bèn đọc thêm một vế đối nữa. "Hoài áo đỏ quét phân trâu", câu đối lần này có mỉa mai hoàn cảnh Giản Thanh ý nói con ông Nghè mà phải chịu cảnh hèn hạ. Nhưng Nguyễn Giản Thanh lập tức trả lại. "Cháu đối là: "Thừa lọng xanh che dái ngựa". 

Vế đối rất chỉnh, rất đúng với cảnh đón rước của viên quan và cũng tỏ ra một thái độ ngang tàng khiến viên quan mặc dầu phật lòng, vẫn không thể không khâm phục. Vả lại chuyện đối đáp giữa chợ, giữa đường ai cũng biết, cũng nghe, ông ta đành tỏ ra người biết trọng người tài, sai người đem tiền thưởng cho Giản Thanh như lời đã hứa. 

Giản Thanh từ đó càng chịu khó học. Ông được tiến sĩ Đàm Thận Huy thu nhận làm học trò. Đàm Thận Huy là một trong Nhị thập bát tú (Hai mươi tám vì sao) trong hội Tao Đàn đời vua Lê Thánh Tông. 

Một lần đến nhà thầy nghe giảng, bài giảng đã xong nhưng liền đó trời đổ mưa, học trò không tài nào về. Cụ nghè Đàm Thận Huy muốn thử tài trò, bèn ra một đối tức cảnh: "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách" (nghĩa là mưa không phải then khóa mà giữ được khách lại). Nguyễn Giản Thanh đầu xin đối lại là: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân (sắc đẹp không phải là sóng gió mà làm đắm được người). 

Giản Thanh được thầy khen vì vế đối hay nhưng thực ra, nhận thấy cậu học trò có nét hơn người nên cụ Nghè Đàm Thận Huy muốn qua câu đối để tiên đoán hậu vận sau này của Giản Thanh.

Quả nhiên, câu đối của học trò khiến cụ Nghè Đàm Thận Huy rất bằng lòng nhưng khi nhẩm lại, thầy cũng tiên đoán rằng ý thì không được trung hậu, nghĩa là nói cuộc đời ông sau này có bị chê bai. 

Ứng biến giỏi được chọn Trạng Nguyên

Đương thời cả trấn Kinh Đắc biết tiếng học giỏi của Nguyễn Giản Thanh cùng một người nữa tên là Hứa Tam Tỉnh quê ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) huyện Yên Phong (nay là xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Kỳ thi Hội khoa Mậu Thìn năm Đoan Khánh đời Lê Uy Mục (1508), cả Nguyễn Giản Thanh và Hứa Tam Tỉnh cùng đi thi. Qua các kì thi Hội, thi Đình các quan trường đều thấy bài của Hứa Tam Tỉnh có phần xuất sắc hơn nên đã dự định Hứa Tam Tỉnh đỗ Trạng Nguyên còn Nguyễn Giản Thanh đỗ Bảng Nhãn. Người thứ ba đậu Thám Hoa là Nguyễn Hữu Nghiêm. 

Cả ba vị đỗ cao được đưa vào yết kiến nhà vua. Buổi ấy bà kinh phi (mẹ nuôi vua) cũng có mặt ở đấy trông thấy Nguyễn Giản Thanh khôi ngô tuấn tú hơn cả liền chỉ ông mà hỏi quan trường: "Người này chắc là Trạng Nguyên?"

Quan trường lúng túng không muốn phật ý mẹ vua nên chỉ cả vào Giản Thanh lẫn Tam Tỉnh mà tâu lên: "Dạ bẩm, hai trò này tại học ngang nhau, nhưng chúng tôi chưa biết lấy ai đỗ Trạng. Xin mẫu hậu và hoàng thượng xét định!". Nhà vua cũng biết văn của Hứa Tam Tỉnh hơn Nguyễn Giản Thanh nhưng vì muốn chiều lòng mẹ nuôi mới ra thêm bài phú Phụng thành xuân sắc (Cảnh mùa xuân ở kinh đô) để xét tài. 

Nguyễn Giản Thanh biết rằng nếu làm phú bằng chữ Hán thì so với Tam Tỉnh sẽ không bằng. Nghĩ vậy bên viết bằng văn Nôm dụng ý để cả bà kinh phi cũng hiểu. Bài văn được đọc lên, đến những đoạn tả kinh thành có ý:  "Chợ hào đầm ấm, phố ngọc lần vần/ Trai bảnh bao đá cầu vén áo/ Gái éo le rủ yếm khỏi quần/ Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa rợp đường tử mạch/ Chống cống, lu ngựa xe gương tán, sáng dặm thanh vân..." 

Nghe xong, bà phi khen hay vì cốt yếu là hiểu được ý của Giản Thanh còn bài thơ phú chữ Hán của Tam Tỉnh, bà phải nhờ người đọc lại hộ mới hiểu hết. 


Sách hay về trạng nguyên Việt Nam (Nguồn: sưu tầm)

Vua lại thấy Giản Thanh là người phủ Từ Sơn cùng phủ với quê ngoại mình (làng Phù Chẩn) bên hỏi: "Làng Ông Mặc cách làng Phù Chẩn gần hay xa?" Nguyễn Giản Thanh biết là hai làng xa nhau nhưng khôn khéo thưa: "Tâu bệ hạ, hai làng liền một cánh đồng a".

Trong phép tỉnh điền, mỗi đồng là những 500 dặm. Nguyễn giản Thanh dùng chữ đồng âm: đồng cùng cỏ nghĩa là cánh đồng để tỏ ra là gần. Vua nghe thấy lấy làm vui mừng, truyền lấy Giản Thanh đỗ Trạng Nguyên còn Tam Tỉnh chỉ đỗ Bảng Nhãn thôi.

Giai thoại về hai Trạng 

Biết chuyện này nho sĩ Kinh Bắc tỏ ý không bằng lòng nên vẫn chê Giản Thanh là "mạo trạng nguyên" nghĩa là "trạng nguyên mặt" vì đẹp trai mà được đỗ Trạng Nguyên, cũng có nghĩa là trạng giả mạo, không xứng đáng. 

Chuyện Nguyễn Giản Thanh và Hứa Tam tỉnh còn được dân gian giải thích rằng: trước kia thầy địa lý Tả Ao từng xem đất nhà Tam Tỉnh và nói rằng "Đây là đất phát Trạng Nguyên". Đến khi Tả Ao tiên sinh qua bên quê Nguyễn Giản Thanh thấy ngôi mộ tổ nhà ông Giản Thanh thì lại nói: "Đất ngôi này cũng phát Trạng". 

Người ta lấy làm lạ, bèn hỏi Tả Ao: "Lẽ nào một khoa lại có hai trạng nguyên?" Tả Ao bèn nói rằng: "Trạng Me đè trạng Ngọt". (Làng Me là quê Nguyễn Giản Thanh, làng Ngọt là quê Hứa Tam Tỉnh). Bấy giờ người ta không ai tin. Đến lúc đó mới thấy là đúng. 

Hứa Tam Tỉnh thuở nhỏ học rất giỏi nhưng phải cái gia cảnh nghèo nàn, vóc người thấp lùn đen xấu. Có một lần Tam Tỉnh thấy một tiểu thư xinh đẹp đi võng trẩy qua. Ham sắc cô, Tam Tỉnh nài nỉ với người phu võng xin gánh hộ cốt để được thỏa nhìn người đẹp. 

Biết đó là tiểu thư con quan, nhưng quá si mê, Ta Tỉnh đòi mẹ phải đến xin cho cô về làm vợ mình. Viên quan cũng yêu tài ông nên đồng ý lưu trong dinh ăn học và hứa gả con gái cho nếu ông thi đỗ. Năm sau đó Tam Tỉnh thi Hương và đỗ đầu nên được quan y hẹn cho là lễ thành hôn. 

Tiểu thư thấy ông xấu người lại biết đấy chính là chàng khiêng võng cho mình thuở trước, có ý chưa chịu. Nàng cho đưa đến Tam Tỉnh một vế đối nếu quan Tân khoa đối được mới chịu cho động phòng. Câu ra là: "Ốc lậu nguyệt xuyên, hình kê noãn, tam tam tứ tú" (Nghĩa là: nhà thủng, bóng trăng rọi xuống lốm đốm giống như trứng gà ý chê nhà chú rể nghèo).

Hứa Tam Tỉnh nghĩ mãi không sao đối lại được vừa thẹn, vừa bực mình bỏ ra ngoài lang thang giả bộ đi chơi mát. Chợt ông thấy bóng trăng trải trên mặt sông, sóng dồn, gió lộng, gợi lên những ánh bạc giống như vẩy rồng bỗng nghĩ ra tứ thơ, liền quay về đối: "Giang trường phong lộng, tự long lân, điệp điệp trùng trùng". (Nghĩa là: Sông lớn, gió sóng cuồn cuộn như rồng lân, trải dài bất tận). Nghe vế đối, tiểu thư thấy hay và chịu tài, ưng làm vợ ông.

Hứa Tam Tỉnh không đỗ Trạng Nguyên nhưng người đời thường vẫn gọi ông là Trạng Ngọt và có nhiều công lao đóng góp cho đất nước. Hứa Tam Tỉnh ra làm quan cho nhà Lê và nhà Mạc. Ông có hai lần đi sứ nhà Minh. Khi trở về, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, hàm Thiếu bảo, tước Đôn Giáo bá. 

Ngọc Trìu - Baophapluat.vn