KHái quát phong tục người VIệt
Gắn liền với tín ngưỡng là phong tục. Đó là những thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo (phong: gió, tục: thói quen; phong tục: thói quen lan rộng). Phong tục có trong mọi mặt đời sống, ở đây tập trung xem xét ba nhóm chủ yếu: phong tục hôn nhân, tang ma, lễ Tết và lễ hội.
- Phong tục hôn nhân
Như ta đã biết, một trong hai đặc trưng cơ bản của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng. Mọi việc liên quan đến cá nhân cũng đồng thời liên quan đến cộng đồng, kể cả hôn nhân là lĩnh vực riêng tư nhất. Hôn nhân của người Việt Nam truyền thống không phải là việc hai người lấy nhau mà là việc “hai họ” dựng vợ gả chồng cho con cái. Tục lệ này xuất phát từ quyền lợi của tập thể.
1.1. Trước hết là QUYỀN LỢI CỦA GIA TỘC
Việc hôn nhân tuy là của hai người nhưng lại kéo theo việc xác lập quan hệ giữa hai gia tộc. Vì vậy, điều cần làm đầu tiên chưa phải là lựa chọn một cá nhân cụ thể, mà là lựa chọn một dòng họ, một gia đình xem cửa nhà hai bên có tương xứng không, có môn đăng hộ đối không.
Tiếp theo, đối với cộng đồng gia tộc, hôn nhân là một công cụ duy nhất và thiêng liêng để duy trì dòng dõi và phát triển nguồn nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nghề trồng lúa, khi xem xét con người trong hôn nhân, người nông nghiệp Việt Nam quan tâm trước hết đến năng lực inh sản của họ.
Kén dâu, lấy vợ thì phải chọn người Lưng chữ cụ, vú chữ tâm, phải là Đàn bà thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Năng lực sinh đẻ của người phụ nữ còn có thể nhìn thấy qua gia đình họ: Mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng; Ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con; Lấy con xem nạ (nạ = mẹ). Hướng tới mục đích sinh đẻ là tục “giã cối đón dâu” đã nhắc đến ở trên và tục trải chiếu cho lễ hợp cẩn: gia đình nhờ một người phụ nữ đứng tuổi, đông con, phúc hậu, vợ chồng song toàn vào trải chiếu cho cô dâu chú rể: chiếu trải phải một đôi – một ngửa, một sấp (một âm một dương) úp vào nhau.
Không chỉ duy trì dòng giống, người con tương lai còn có trách nhiệm làm lợi cho gia đình. Con gái phải đảm đang tháo vát, đem lại nguồn lợi vật chất cho gia đình nhà chồng; con trai phải giỏi giang, đem lại vẻ vang (nguồn lợi tinh thần) cho gia đình nhà vợ: Chồng sang vợ được đi giày, Vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông; Trai khôn kén vợ chợ đông, Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân…
1.2. Hôn nhân còn phải đáp ứng các QUYỀN LỢI CỦA LÀNG XÃ.
Mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam là sự ổn định của làng xã, vì vậy mà có truyền thống khinh rẻ dân ngụ cư. Cũng nhằm tạo nên sự ổn định, đã hình thành quan niệm chọn vợ chọn chồng cùng làng: Ruộng đầu chợ, vợ giữa làng; Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng; Lấy chồng khó giữa làng, hơn lấy chồng sang thiên hạ; Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn…
Nếu việc phân biệt “dân chính cư – dân ngụ cư” là phương tiện hành chính để duy trì sự ổn định; cách nói “gắn bó với quê cha đất tổ”, với nơi “chôn nhau cắt rốn”, quan niệm chọn vợ chọn chồng cùng làng là phương tiện tâm lí; thì tục nộp cheo đóng vai trò phương tiện kinh tế: Khi lấy vợ, nhà trai phải nộp cho làng xã bên gái một khoản “lệ phí” gọi là “cheo” thì đám cưới mới được công nhận là hợp pháp. Ca dao, tục ngữ có những câu: Nuôi lợn thì phải vớt bèo, Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng; Lấy vợ mười heo, không cheo cũng mất; Lấy vợ không cheo, tiền gieo xuống suối. Người cùng làng lấy nhau thì nộp ít (có tính tượng trưng), gọi là cheo nội; lấy vợ ngoài làng thì cheo rất nặng, gấp đôi gấp ba cheo nội, gọi là cheo ngoại.
Năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), vua Lê Huyền Tông phải nhắc nhở trong 47 điều giáo hóa của mình rằng “Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm”. Từ năm Gia Long thứ ba (1804) có quy định: “Về tiền cheo thì nhà giàu phải nộp một quan năm tiền, nhà bậc trung nộp sáu tiền, nhà nghèo nộp ba tiền. Nếu lấy người làng khác thì phải nộp gặp đôi”.
Nhìn chung, lịch sử hôn nhân Việt Nam luôn là lịch sử hôn nhân vì lợi ích của cộng đồng, tập thể: từ các cuộc hôn nhân vô danh của thường dân đến những cuộc hôn nhân nổi danh như Mị Châu với Trọng Thủy, công chúa Huyền Trân với vua Chăm Chế Mân, công chúa Ngọc Hân với Nguyễn Huệ…, rồi vô số những cuộc hôn nhân của các con vua cháu chúa qua các triều đại được triều đình gả bán cho tù trưởng các miền biên ải nhằm củng cố đường biên giới quốc gia – tất cả đều là làm theo ý nguyện của các tập thể cộng đồng lớn nhỏ: gia đình, gia tộc, làng xã, đất nước.
1.3. Khi các quyền lợi của tập thể cộng đồng đã được tính đến và đáp ứng cả rồi, lúc ấy người ta mới lo đến những NHU CẦU RIÊNG TƯ.
Trước hết là sự phù hợp của đôi trai gái xét một cách trừu tượng bằng việc hỏi tuổi (lễ vấn danh, mà ngày nay gọi là chạm ngõ, hay lễ dạm) xem đôi trai gái có hợp tuổi nhau hay không, còn nếu xung khắc thì thôi. Để cho quan hệ vợ chồng được bền vững, khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao cho nhau nắm đất và gói muối: nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó với đất đai – làng xóm; gói muối là lời chúc cho tình nghĩa giữa hai người mặn mà thủy chung (Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau). Sau này, thay cho đất và muối, trong lễ vật dẫn cưới luôn có một loại bánh đặc biệt rất có ý nghĩa là hành su sê (tên đọc chệch đi của phu thê): Bánh “phu thê” (vợ chồng) hình tròn bọc bằng hai khuôn hình vuông úp khít vào nhau. Đó chính là biểu tượng của triết lí âm dương (vuông tròn) và ngũ hành (ruột dừa trắng, nhân đậu vàng, rắc vừng đen, khuôn lá xanh, buộc lạt đỏ), biểu tượng cho sự vẹn toàn, hòa hợp – hòa hợp của đất trời và của con người. Khi làm lễ hợp cẩn, còn có tục hai vợ chồng ăn chung một điã cơm nếp, uống chung một chén rượu: ý nghĩa của tục này cũng là cầu chúc cho hai vợ chồng luôn gắn bó với nhau: đính nhau như cơm nếp và say nhau như say rượu.
Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng rất được chú ý. Mẹ chồng, nàng dâu vốn hay mâu thuẫn vì những chuyện không đâu, chẳng qua là do cả hai đều cảm thấy tình cảm của người con – người chồng đã không dành trọn cho mình. Vì vậy mà khi cô dâu mới bước vào nhà, có tục mẹ chồng ôm bình vôi lánh sang nhà hàng xóm: Trong gia đình nông nghiệp Việt Nam, người phụ nữ được xem là nội tướng; người mẹ chồng lánh đi là có ý nhượng quyền “nội tướng” tương lai cho con dâu để cho trong gia đình trên thuận dưới hòa. Nhưng đó là trong tương lai, còn hiện tại thì chưa, cho nên mẹ chồng mới ôm theo chiếc bình vôi – biểu tượng quyền lực của người phụ nữ.
- Phong tục tang ma
2.1. Trong việc tang ma, người Việt Nam bị giằng kéo giữa hai thái cực: Một mặt là quan niệm có tính triết lí cho rằng sau khi chết, linh hồn sẽ về nơi “thế giới bên kia” nên việc tang ma được xem như việc đưa tiễn; mặt khác là quan niệm trần tục coi chết là hết nên việc tang ma là việc xót thương.
Xem tang ma như việc đưa tiễn và với thói quen sống bằng tương lai (sản phẩm của triết lí âm dương), cho nên người Việt Nam rất bình tĩnh, yên tâm đón chờ cái chết. Chết già vì vậy được xem là một sự mừng: trẻ làm ma, già làm hội. Nhiều nơi có người già chết còn đốt pháo; chắt chút để tang cụ kị thì đội khăn đỏ, khăn vàng.
Người Việt Nam chuẩn bị khá chu đáo cho cái chết của mình. Các cụ già tự mình lo sắm áo quan (quan tài, còn gọi là cỗ hậu, cỗ thọ). Quan tài của người Việt Nam làm hình vuông – tượng trưng cho cõi âm; làm xong, kê ngay dưới bàn thờ như một việc hết sức bình thường. Có cỗ thọ rồi, các cụ lo đến việc nhờ thầy địa lí đi tìm đất, rồi xây sinh phần (mộ). Các vua chúa bao giờ cũng lo tất cả những việc này rất chu đáo thường là ngay từ khi mới lên ngôi; các lăng mộ vua còn giữ được ở Huế đồng thời cũng là những nơi thắng cảnh là vì thế.
Do chu đáo khi trong nhà có người hấp bối, việc quan trọng là đặt tên kèm (tên thụy) cho người sắp chết. Đó là một tên mới (do người sắp chết tự đặt hoặc con cháu đặt cho) mà chỉ có người chết, con cháu và thần Thổ công nhà đó biết mà thôi. Khi cúng giỗ, con trưởng sẽ khấn bằng tên hèm, Thổ thần có trách nhiệm chỉ cho phép linh hồn có “mật danh” đúng như thế vào thôi (vì vậy, tên này còn gọi là tên cúng cơm). Làm như vậy là để phòng ngừa những cô hồn lang thang vào ăn tranh cỗ cúng sau này.
Trước khi khâm liệm, phải làm lẽ mộc dục (tắm gội cho người chết) và lễ phận hàm: bỏ một nhúm gạo nếp và ba đồng tiền vào miệng (gạo để dùng thay bữa, tiền để đi hò – quan niệm của người vùng sông nước). Khi khâm liệm, phải có miếng vải đắp mặt người chết đế khỏi trông thấy cháu con sinh buồn. Trong áo quan, từ thời Hùng Vương đã có tục chia tài sản cho người chết mang theo. Trước khi đưa tang, người Việt cúng thần coi sóc các ngả đường để xin phép. Trên đường đi, có tục rắc vàng giấy làm lộ phí cho ma quỷ. Đến nơi, làm lễ tế Thổ thần xin phép cho người chết được “nhập cư”.
Chôn cất xong, trên mộ đặt bát cơm, quả trứng, đôi đũa (cắm trên bát cơm) có tua bông ở đầu (hoặc mớ bùi nhùi). Bát cơm là đất mẹ (âm); tua bông (hoặc mớ bùi nhùi) là mây trời (dương); đôi đũa nối âm dương hòa hợp. Hoặc theo cách giải thích của những người Nho học thì tua bông (mớ bùi nhùi) tượng trưng cho thế giới hỗn mang, trong hỗn mang hình thành nên thái cực (tượng trưng bằng bát cơm), thái cực sinh ra ông nghi (đôi đũa), có lương nghi (âm dương) là có sự sống (tượng trưng bằng quả trứng). Toàn bộ toát lên ý cầu chúc cho người chết sớm đầu thai trở lại.
Xót thương nên muốn níu kéo, giữ lại. Tục khiêng người chết đặt xuống đất, tục gọi hồn thể hiện hi vọng mong người chết sống lại. Vì xót thương nên có tục khóc than; con cháu không lòng dạ nào mà dùng đồ tốt (đồ tang làm hằng các loại vải thô, xấu như xô, gai); không tâm trí nào mà nghĩ đến việc ăn mặc (nên gấu xổ, áo trái, đầu bù,…); đau buồn quá nên đứng không vững (trai phải chống gậy, gái phải lăn đường); đau buồn quá dễ sinh quẫn trí và đập thành trùng tang (nên phải đội mũ dây chuối,…). Ngày nay, nhiều tục lệ trong số đó không còn tồn tại nữa, không phải vì chúng vô nghĩa mà có lẽ chính là vì chúng quá chi li, cầu kì.
Ở lĩnh vực tang lễ này ta cũng thấy rõ tính cộng đồng: biết nhà có tang, bà con xóm làng hao giờ cũng chạy tới ngay giúp rập, lo toan chỉ bảo cho mọi việc. Người Việt Nam quan niệm Bán anh em xa, mua láng giềng gần nên khi nhà có người mất, hàng xóm láng giềng không những giúp đỡ, mà còn để tang cho nhau: Họ đương 3 tháng, láng giềng 3 ngày; Láng giềng còn để ba ngày, Chồng cô, vợ cậu một ngày cũng không. Người nông nghiệp sống gắn bó không chỉ với xóm làng, mà còn cả với thiên nhiên, cho nên khi chủ chết, cây cối cũng đau buôn mà để tang: nhiều nơi có tục đeo băng trắng cho cả cây cối trong vườn.
2.2. Phong tục tang lễ của ta thấm nhuần rất sâu sắc tinh thần triết lí âm dương Ngũ hành.
Về màu sắc, tang lễ Việt Nam truyền thống dùng màu trắng là màu của hành Kim (hướng tây) theo Ngũ hành. Mọi thứ liên quan đến hướng tây đều được xem là xấu. Nơi để mồ mả của người Việt và người dân tộc thường là hướng tây của làng; người dân tộc xem rừng phía tây là rừng của ma quỷ. Sau màu trắng là màu đen (màu của hành Thủy – phương bắc theo Ngũ hành). Chỉ khi chắt, chút để tang cụ, kị (là tốt, bởi đó là bằng chứng cho thấy các cụ sống lâu) thì mới dùng các màu tốt như màu đỏ (phương nam) và vàng (trung ương). Tất cả đều theo đúng trình tự ưu tiên trong Ngũ hành.
Về loại số, theo triết lí âm dương, âm ứng với số chẵn, dương ứng với số lẻ; vì vậy, mọi thứ liên quan đến người chết (âm) đều phải là số chẵn: Lạy trước linh cữu thì phải lạy 2 hoặc 4 lạy; ở nhà mồ của các dân tộc miền núi, cầu thang phải làm với số bậc chẵn; hoa cúng người chết cũng phải dùng số chẵn. Khác với người sống ở cõi dương, mọi thứ phải theo số lẻ: lạy người sống phải là 1 hoặc 3 lạy; cầu thang, lối lên nhà phải có số học lẻ (thế mới là tam cấp!); hoa cho người sống cũng phải có số bông lẻ. (Trừ trường hợp chết coi như sống: cúng Phật, cúng cha mẹ sau khi đoạn tang thắp 3 nén nhang; hoặc sống coi như chết: con gái lạy cha mẹ trước khi xuất giá đi lấy chồng 2 lạy, từ nay trở thành con nhà người khác).
Cũng theo luật âm dương là việc phân biệt tang cha với tang mẹ: Khi con trai chống gậy để tang thì cha gậy tre, mẹ gậy vông. Đó là vì thân tre tròn, biểu tượng dương; cành vông đẽo thành hình vuông, biểu tượng âm. Đưa tang và để tang còn có tục cha đưa mẹ đến (tang cha – đi sau quan tài, tang mẹ – đi giật lùi phía đầu quan tài) và tục áo tang cha thì mặc trở đằng sống lưng ra, tang mẹ mặc trở đằng sống lưng vô – hai tục sau cũng đều thể hiện triết lí âm dương qua cặp nghĩa hướng ngoại (dương, cha) – hướng nội (âm- mẹ).
Phong tục lang lễ phổ biến và chính thống của ta còn thừa kế được cả tinh thần dân chủ truyền thống. Thọ Mai gia lễ của ta quy định cha mẹ phải để tang con, và không chỉ cha mẹ để tang con mà cả ông bà và cụ kị cũng để tang hàng chấp, hàng chắt.
Trong khi đó thì, theo tục lệ Trung Hoa, “Phụ bất bái tử” (cha không lạy con), con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, bất hiếu (một vài nơi có truyền thống Nho học mạnh cũng theo quan niệm này nên nếu con chết trước thì lúc khâm liệm, quấn trên đầu tử thi mấy vòng khăn trắng, ý là ở cõi âm cũng phải để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ)
- Phong tục lễ tết và lễ hội
Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc có việc thì tối tăm mặt mũi, ngay miếng ăn cũng đại khái cốt được việc thì thôi; cho nên lúc rảnh rỗi, người nông nghiệp có tâm lí chơi bù, ăn bù. Vì vậy mà ở Việt Nam, Tết nhất đã nhiều, hội hè cũng lắm.
3.1. Các ngày LỄ TẾT được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ (chữ “Tết” là biến âm từ chữ “tiết” mà ra). Lễ tết gồm hai phần: cúng tổ tiên (lễ) và ăn uống bù cho lúc làm lụng đầu tắt mặt tối (tết). Tết là phải ăn – “ăn tết”.
Trong năm, quan trọng nhất là Tết Nguyên Đán (nguyên = bắt đầu, đán = buổi sáng); nó còn được gọi là Tết ta để phân biệt với tết tây (đầu năm theo lịch đương) hoặc Tết cả để phân biệt với các tết con còn lại.
Thời cổ, năm mới phương Nam bắt đầu từ tháng Tí, tức tháng Một (=11), về sau ta chịu ảnh hường của Trung Hoa, mới lấy tháng Dần (tháng Giêng) làm tháng đầu năm, chỉ riêng một vài dân tộc thiếu số và một số vùng vẫn còn duy trì được tục đón năm mới vào tháng Tí. Tuy chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc xác định mốc đầu năm, Tết ta vẫn mang trọn vẹn đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc.
Có thể nói, đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên Đán là nếp sống cộng đồng: Từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo lên trời), người dân nô nức đi chợ Tết – có người đi để sắm Tết, có người đi cốt để chơi chợ Tết (ở chợ miền núi, vợ chồng con cái đưa nhau đi chợ vui chơi suốt ngày). Chợ Tết là thước đo sự ấm no của cộng đồng trong năm. Rồi người ta chung nhau giết lợn, chung nhau gói bánh chưng, cùng ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh. Nếp sống cộng đồng còn thể hiện ở chỗ Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu ngày Tết cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về gặp mặt; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được chăm lo cúng bái. Tết thật là một cuộc đại đoàn viên. Tính cộng đồng của Tết bộc lộ một cách đặc biệt trong tục mừng tuổi: Truyền thống Việt Nam không có tục kỉ niệm sinh nhật, mọi người đều như nhau – Tết đến, tất cả đều được thêm một tuổi.
Không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng; thêm vào đó, tháng này công việc lại ít (tháng Giêng là thàng ăn chơi) nên tháng Giêng có nhiều Tết hơn hẳn các tháng khác (tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc): Ngoài Tết Nguyên Đán là Tết rằm tháng Giêng – đó là ngày trăng tròn đầu tiên, là Tết Thượng Nguyên, hướng Thiên cầu phúc. Rằm tháng giêng còn là ngày vía của đứt Phật Adiđà (Lễ cả năm không bằng rằm Tháng Giêng). Trước đây, người Việt còn kỉ niệm cả ngày 9 và 10 tháng Giêng nữa: Ngày 9 ví Trời, ngày 10 vía Đất (vía = ngày sinh). Hai số 9 và 10 là hai số dương và âm tận cùng, được xem là số của Trời và Đất; đó cũng là “số phương” của Trời Đất: Lạy 9 phương Trời, lạy 10 phương Đất.
Tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, Địa quan xá tội, dân cúng cô hồn bằng cháo hoa đổ vào những chiếc lá đa đặt dọc đường đi; cũng là ngày lễ Vu Lan của nhà Phật) và Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, Thủy quan giải ách; cũng là ngày Tết cơm mới). Thuộc loại Tết ngày rằm còn có Trung Thu (rằm Tháng Tám) vốn là Tết chung của mọi người, đánh dấu ngày có trăng tròn nhất trong năm, lúc thời tiết mát mẻ, tổ chức thả diều, hát trống quân… sau này chuyển thành Tết của thiếu nhi.
Ngoài ra, có Tết Hàn Thực (3-3) làm bánh trôi, bánh chay cúng gia tiên; Tết Đoan Ngọ (5-5) là Tết của xứ nóng phương Nam ta kỉ niệm thời điểm giữa năm (lịch nguyên thủy tính từ tháng Tí, cho nên Tí = đầu năm, Ngọ = giữa năm). Đây là thời điểm nóng nực, nhiều bệnh tật phát sinh nên dân ta gọi ngày này là Tết giết sâu bọ, với tục dùng lá móng nhuộm (để bảo vệ) móng tay móng chân cho trẻ, ăn rượu nếp (miền Nam gọi là cơm rượu) và hoa quả chua chát (để “sâu bọ” trong người say và chết), vào giờ Ngọ đi hái lá (các loại lá ngải, ích mẫu, lá muỗm, lá vối…) phơi khô để dùng uống cả năm. Thuộc loại Tết trùng ngày tháng (3-3, 5-5), trước đây còn có Tết Ngâu 7-7.
Cuối năm, 23 tháng chạp là ngày Tết ông Táo, các gia đình sắm 2 mũ ông 1 mũ bà để cúng bộ ba Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kì cùng với cá chép để ông lên chầu Trời (người du mục thì đi ngựa, còn người vùng nông nghiệp sông nước thì cưỡi cá!). Mở đầu bằng Tết Nguyên Đán, kết thúc bằng Tết ông Táo, để rồi đêm 30, ông Táo lại trở về cùng gia đình bước vào năm tiếp theo – hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.
3.2. Nếu lễ Tết là một hệ thống phân bố theo thời gian thì Lê Hội là hệ thống phân bố theo không gian: Vào mùa xuân và mùa thu, khi công việc đồng áng rảnh rỗi nhất, lễ hội diễn ra liên tiếp hết chỗ này đến chỗ khác, mỗi vùng có lễ hội riêng của mình. Chẳng thế mà vùng Kinh Bắc có câu: Mồng 7 hội Khám, Mồng 8 hội Dâu, Mồng 9 đâu đâu nhớ về hội Gióng. Lễ hội có phần lễ và phần hội.
Phần LỄ mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin thần linh bảo trợ cho cuộc sống của mình. Căn cứ vào mục đích này và dựa vào cấu trúc của hệ thống văn hóa, có thể phân biệt ba loại lễ hội: Lễ hội liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường tự nhiên (lễ hội cầu mưa, hội xuống đồng, hội đâm trâu, hội cơm mới, hội cốm, hội đua thuyền, hội đua ghe Ngo…); lễ hội liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường xã hội (kỉ niệm các anh hùng dựng nước và giữ nước – hội Đền Hùng, hội Gióng, hội đền An Dương Vương, hội đền Hai Bà Trưng, hội đền Kiếp Bạc, hội Tây Sơn, hội Đống Đa…), và lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng (các lễ hội tôn giáo và văn hóa – hội Chùa Hương, hội chùa Tây Phương, hội chùa Thầy, hội đền Bắc Lệ, hội đền Dạ Trạch, hội Phủ Giày, hội núi Bà Đen…).
Phần Hội gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú. Xét về nguồn gốc, phần lớn các trò chơi này đều xuất phát từ những ước vọng thiêng liêng của con người nông nghiệp: Xuất phát từ ước vong cầu mưa là các trò tạo ra tiếng nổ mô phỏng tiếng sấm vào các hội mùa xuân để nhắc Trời làm mưa như thi đốt pháo, đi thuyền đốt pháo, ném pháo, đánh pháo đất… Xuất phát từ ước vọng cầu cạn là các trò thi thả diều vào các hội mùa hè mong gió lên, nắng lên để nước lụt mau rút xuống. Xuất phát từ ước vọng phồn thực là các trò cướp cầu thả lỗ, đánh đáo, ném còn, nhún đu, bắt chạch trong chum… Xuất phát từ ước vọng luyện rèn sự nhanh nhẹn, tháo vát, khéo léo là các trò thi thổi cơm, vừa gánh vừa thổi cơm, vừa giữ trẻ vừa thổi cơm, vừa bơi thuyền vừa thổi cơm, thi luộc gà, thi dọn cỗ, thế bắt lợn, thi bắt vịt, thi dệt vải, thi leo cầu ùm, thi bịt mắt bắt dê, đua cà kheo… Xuất phát từ ước vọng luyện rèn sức khoẻ và khả năng chiến đấu là các trò đấu vật, kéo co, chọi gà, chọi trâu, chọi cá, chọi dế…
3.3. Lễ Tết và lễ hội đều là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng (lễ) và cái trần thế (Tết, hội), nhưng lễ Tết thiên về vật thật (ăn), còn lễ hội thiên về tinh thần (chơi): “ăn Tết”, nhưng “chơi hội”. Lễ Tết đóng (giới hạn trong mỗi gia đình), còn lễ hội mở (lôi cuốn mọi người tìm đến). Lễ Tết duy trì quan hệ tôn ti (trên dưới) giữa các thành viên trong gia đình, lễ hội duy trì quan hệ dân chủ (bình đẳng) giữa các thành viên trong làng xã và liên kết các lứa đôi thành những gia đình mới. Lễ Tết phân bố theo thời gian, lễ hội phân bố theo không gian. Hai trục này – một dọc một ngang – kết hợp với nhau làm nên nhịp sống âm dương hài hòa suốt bao đời của người dân đất Việt.
Nguồn: ditichlichsu-vanhoahanoi.com