239 lượt xem

Bình Nam Đại tướng quân Phạm Ngô Cầu - Kỳ 3: Những người con của Phạm Ngô Cầu

Nhà Trịnh tan rã

Đêm ngày 20 tháng 5 âm lịch tức 15/6/1786, nước dâng ngập chân thành Phú Xuân. Nguyễn Huệ hạ lệnh tiến công. Thủy quân Tây Sơn tiến đến nã pháo vào trong thành. Hỏa lực quân Trịnh mất tác dụng. Hoàng Đình Thể không thể dùng pháo chống lại quân Tây Sơn được nữa, phải cùng các con và thuộc tướng Vũ Tá Kiên mở cửa thành ra nghênh địch.

Đánh nhau được một canh giờ, Hoàng Đình Thể thuốc súng và đạn đều hết, bèn sai người vào thành xin tiếp viện, nhưng Phạm Ngô Cầu đóng cửa thành không cứu viện. Đình Thể cùng hai người con và tì tướng là Vũ Tá Kiên dựa vào thành lũy để bày trận, đem hết sức lực chiến đấu.

Nhưng trong lúc Quận Thể đang chiến đấu thì trên mặt thành, Quận Tạo đã kéo cờ trắng xin hàng. Hai người con Quận Thể phóng ngựa ra trận, ngựa bị què, bèn xuống ngựa đánh bộ, bị trọng thương, chết tại mặt trận. Đình Thể cùng Tá Kiên lần lượt tử trận.

Nguyễn Huệ thúc quân ồ ạt tiến lên chiếm thành. Ngô Cầu mở cửa thành xe quan tài ra hàng, đốc thị Nguyễn Trọng Đang chết ở trong đám loạn quân. Thuận Hóa thuộc về Tây Sơn.

Lực lượng quân Trịnh bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn vài trăm người chạy thoát ra ngoài thành nhưng bị dân địa phương đón đường giết chết.

Chỉ có một người lính duy nhất sống sót được chạy về Dinh Cát báo tin thất trận ở Phú Xuân. Trấn thủ Dinh Cát là con rể chúa Trịnh nghe tin thất kinh, bỏ Dinh Cát chạy, song sau đó bị bắt cùng 200 thuộc hạ.

Vùng kiểm soát của quân Trịnh ở Nam sông Gianh đã bị cánh quân Nguyễn Lữ tấn công đánh chiếm đồng thời với trận chiến tại thành Phú Xuân. Tới ngày 21/6/1786, quân Tây Sơn chiếm xong Lũy Thầy và tới ngày 22/6/1786 thì chiếm nốt Dinh Cát bỏ trống.

Quân Tây Sơn tiêu diệt đại bộ phận quân Trịnh ở phía nam sông Gianh – vùng đất mà chính quyền Lê – Trịnh mới mở từ cuộc chiến năm 1774 – 1775 và khiến chính quyền chúa Trịnh vốn suy yếu càng đẩy nhanh tới tan rã.

Nhân đà thắng lợi này, Nguyễn Huệ thúc quân tấn công ra bắc. Lực lượng họ Trịnh nhanh chóng bị đánh bại và chính quyền chúa Trịnh sụp đổ một tháng sau đó (21/7/1786).

Người con được nhà Tây Sơn phong tước hầu

Phạm Ngô Cầu có 16 bà vợ, 20 người con (có 8 con trai), trong đó 4 người được tập ấm Hoằng tín đại phu, 4 người được phong tước hầu; có 3 người cùng chết trận trong cái ngày Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, hôm 20 tháng 5 năm Bính Ngọ (tức 15/6/1786) là Tố Vũ hầu Phạm Ngô Tố, Hoằng tín đại phu Phạm Ngô Tuyển và Hoằng tín đại phu Phạm Ngô Doãn.

Trong bốn người được phong hầu, có một người do nhà Tây Sơn phong tặng. Đó là Đĩnh Ngọc hầu Phạm Ngô Siêu. Số là, Phạm Ngô Cầu có người con gái Phạm Thị Đương, con bà vợ thứ 11 Nguyễn Thị Chung. Lúc Nguyễn Huệ công phá thành Phú Xuân, Phạm Thị Đương cũng có mặt ở đó. Khi thành bị chiếm, thân phụ đầu hàng; vì thấy nàng có nhan sắc, Nguyễn Huệ bắt lấy muốn đưa về hầu hạ trong cung, nhưng nàng không chịu.

Đến mồng 7 tháng 8 năm ấy, thân phụ bị xử trảm, thị Đương đưa yêu sách là được đưa xác cha về quê nhà mai táng, xong xuôi mới tuân mệnh. Yêu sách được chấp thuận, bà đưa xác thân phụ từ Qui Nhơn về Thanh Hóa, nhờ bà con hàng xóm cùng quân lính Tây Sơn chôn cất cha trên núi Vi Bồng  thuộc bản xã Gia Cầu, mộ nay vẫn còn, thuộc xã Hà Vinh huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Rồi đó bà quay vào Phú Xuân thụ mệnh. Nhờ việc này mà người anh trai khác mẹ là Phạm Ngô Siêu của Phạm Thị Đương được nhà Tây Sơn phong tước hầu như đã nói trên. Gia phả không cho biết bà có sinh được người con nào với vua Quang Trung không.

 Nguyễn Trung Thành