795 lượt xem

Kỹ năng hoạt náo

Bạn tham gia một buổi ngoại khóa, dã ngoại của lớp hoặc công ty nhưng không khí giữa các thành viên quá trầm lắng, cần có một người đứng lên để tạo sự sôi nổi vui vẻ cho cả tập thể. Trong tình huống này, kỹ năng hoạt náo tốt có thể giúp bạn tự tin đảm trách và ghi điểm trong mắt mọi người.

Kỹ năng hoạt náo là gì?

Kỹ năng hoạt náo là việc bạn sử dụng sự khéo léo khả năng lôi cuốn của mình để khiến mọi thành viên tham gia các hoạt động chung một cách hào hứng. Bạn cần phải có kỹ năng nói chuyện trước đám đông, sự duyên dáng, tinh tế và hài hước để khuấy động không khí trong các hoạt động tập thể.

Nhờ kỹ năng hoạt náo bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc kết nối các cá nhân để tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho hoạt động chung. Kỹ năng này thường có ích đối với MC, hướng dẫn viên du lịch. Nếu không làm việc trong những ngành nghề trên thì bạn cũng có thể sử dụng nó khi tham gia các câu lạc bộ, hội trại của lớp hay team building của công ty…

Hoạt náo không chỉ là việc tổ chức trò chơi cho các thành viên mà còn thể hiện khả năng giao tiếp, cách nói chuyện thân thiện, năng động vui vẻ và có sức thuyết phục của bạn. Thông qua các hoạt động hoạt náo, bạn sẽ giúp mọi người tự tin và hòa nhập vào tập thể. Điều này sẽ giúp bạn tạo mối liên hệ, tăng tình đoàn kết cho tập thể. Kỹ năng hoạt náo có thể được trang bị bằng cách rèn luyện qua những buổi hoạt động ngoại khóa chung.

Kỹ năng hoạt náo sẽ giúp bạn gắn kết tập thể 

Yếu tố tạo nên kỹ năng hoạt náo

Biết được những yếu tố cần thiết cho kỹ năng hoạt náo sẽ giúp bạn rèn luyện nó tốt hơn. Cùng tham khảo nhé:

  • Kỹ năng giao tiếp tốt: Bạn nên có khả năng hài hước, giao tiếp nhanh nhạy, biết cách thu hút đám đông và liên kết tập thể. Kỹ năng hoạt náo thường giúp bạn làm cầu nối để thu hút các thành viên tham gia hoạt động, hòa nhập với tập thể. Chính vì vậy, giao tiếp là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của kỹ năng này.

  • Khả năng quan sát nhanh nhạy: Việc chỉ đạo cùng lúc số lượng lớn người tham gia một hoạt động nào đó buộc bạn phải có khả năng quan sát rất tốt. Nếu không, bạn sẽ không thể bắt kịp các hoạt động đang diễn ra trong chương trình. Ngoài ra, trong một số hoạt động sẽ có sự tranh đua thắng thua, do vậy khả năng quan sát cũng giúp bạn trở thành một trọng tài viên công tâm và công bằng với tất cả các đội.

  • Xử lý tình huống nhanh nhẹn: Mọi hoạt động trong chương trình team building không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Nhiều tình huống không mong muốn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhất là đối với các hoạt động mang tính mạo hiểm hay diễn ra ở những địa hình hiểm trở. Lúc này, hoạt náo viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ví dụ nếu có người bị thương thì bạn cần biết cách xử lý nhanh chóng và gọi cấp cứu đến.

  • Giọng nói tốt: Bạn cần có giọng nói dễ nghe, to và rõ ràng để thu hút sự chú ý của mọi người. Người quản trò có giọng nói dễ nghe, truyền cảm sẽ gây được ấn tượng và sự chú ý của mọi người. Bên cạnh đó, bạn phải biết cách diễn đạt những nội dung dễ hiểu và dễ nghe đến tập thể.

  • Nhiều tài lẻ: Nếu bạn có khả năng "cầm kỳ thi họa" cộng với sự hài hước... thì sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình gắn kết các thành viên. Đây là những khả năng giúp bạn trở nên khác biệt


Kỹ năng hoạt náo đóng vai trò quan trọng với MC, hướng dẫn viên du lịch... 

Rèn luyện kỹ năng hoạt náo

Bạn có thể tham khảo một số cách sau đây để rèn luyện kỹ năng hoạt náo, chuẩn bị cho vai trò hoạt náo viên của mình.

  • Xác định đối tượng tác động: Đối tượng để bạn áp dụng kỹ năng hoạt náo là điều bạn cần quan tâm bởi với sinh viên, học sinh, trẻ em hay người lớn tuổi… thì cách thức hoạt náo sẽ khác nhau. Mỗi đối tượng phải xây dựng trò chơi phù hợp, nếu không sẽ bị phản tác dụng. Đừng tổ chức những trò chơi quá sức, không vui hoặc phản cảm.

  • Có sự chuẩn bị trước: Không gian chương trình rộng hay hẹp sẽ quyết định các hoạt động hoạt náo. Nếu dự tính bạn sẽ trở thành người hoạt náo cho một buổi đi chơi nào đó, bạn cần xác định số lượng người tham gia để chuẩn bị trước các hoạt động để kiểm soát tình hình hiệu quả hơn. Hãy chuẩn bị trước các thiết bị hỗ trợ âm thanh và dụng cụ hỗ trợ cho hoạt động.

  • Tìm hiểu trước địa điểm diễn ra hoạt động: Không gian rộng hay hẹp so với số người chơi sẽ quyết định chúng ta nên tổ chức trò chơi gì mà vẫn đảm bảo không khí hào hứng sôi nổi. Nếu như không gian rộng và số lượng ít người chơi thì nên tổ chức trò chơi quy tụ các bạn lại, tránh phân tán, rải rác.


Tổ chức và điều khiển trò chơi là một trong những kỹ năng hoạt náo cần thiết 

  • Thời gian: Khi tổ chức hoạt động thì hoạt náo viên cũng cần chú ý thời gian để biết tình trạng sức khỏe và tinh thần người chơi. Không thể vừa kết thúc bữa ăn hoặc dừng nghỉ chân trong khi leo núi thì ngay lập tức tổ chức trò chơi.

  • Kịch bản chương trình: Nếu có thể bạn hãy chuẩn bị trước kịch bản để mọi hoạt động diễn ra suôn sẻ. Bạn có thể chuẩn bị kịch bản gồm phần làm nóng bầu không khí để tập trung mọi người trong chương trình, hoạt động chính thức như tổ chức trò chơi.

Không chỉ liên kết các thành viên với nhau mà kỹ năng hoạt náo còn giúp bạn thể hiện bản thân trong các hoạt động tập thể. Bạn có thể áp dụng kỹ năng hoạt náo ở các hoạt động ở trường, lớp hoặc công ty để tạo dấu ấn của mình trong mắt bạn bè, đồng nghiệp.
Nguồn sưu tầm