320 lượt xem

Lê Bá Ly

Thái Tể, Phụng Quốc công Lê Bá Ly

Thái Tể, Phụng Quốc công Lê Bá Ly (1476 – 1557) là quan võ thời Lê sơ, Hiệu úy dưới quyền chỉ huy của Mạc Đăng Dung. Khi Mạc Đăng Dung dựng nhà Mạc (1527), ông phụng sự nhà Mạc, sau theo Lê Trang Tông.

 

Hình minh họa.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Đánh thắng Mạc Chính Trung

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: Lê Bá Ly người làng Cổ Phạm, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1546, Mạc Hiến Tông qua đời, con trai còn nhỏ lên ngôi, tức Mạc Tuyên Tông; Khiêm vương Mạc Kính Điển làm phụ chính; trong khi tướng Phạm Tử Nghi muốn lập con thứ Mạc Thái Tổ là Hoằng vương Mạc Chính Trung đã trưởng thành làm vua, nhưng không được nên cùng Chính Trung khởi binh nổi loạn.

Mạc Kính Điển sai Trần Phỉ đưa Mạc Tuyên Tông sang sông về Dương Kinh, rồi cùng Nguyễn Kính đánh Tử Nghi, nhưng không nổi phải huy động Lê Bá Ly tham chiến.

Bá Ly sai con trai quản lý việc trong phủ, còn mình cùng người con khác là Phổ quận công Lê Khắc Thận truyền lệnh cho Quảng quận công Nguyễn Khải Khang cùng các tướng Phú quận công Nguyễn Hữu Mệnh là con Tây quận công Nguyễn Kính, Khổng Toàn hầu và Khang Phụ hầu cùng đánh.

Nhờ lực lượng mạnh, Mạc Kính Điển và Lê Bá Ly đánh thắng, buộc Tử Nghi phải chạy ra chiếm giữ An Quảng, còn Mạc Chính Trung, Mạc Văn Minh, Mạc Phúc Sơn bỏ chạy sang Trung Quốc. Tình hình tạm yên, Mạc Tuyên Tông được rước về Thăng Long.

Quyền thế lớn

Mạc Chính Trung chạy sang Trung Quốc, kể tội đại thần Nguyễn Kính chuyên quyền, đuổi người thừa kế ngôi vị là Chính Trung. Nhà Minh ngờ vực Mạc Tuyên Tông không phải dòng dõi Mạc Thái Tổ nên sai sứ đưa thư sang hỏi.

Lê Bá Ly cùng Mạc Kính Điển hộ vệ Mạc Tuyên Tông lên ải Trấn Nam gặp sứ Minh. Bá Ly được lệnh làm tờ biện bạch và cam kết không nói dối; đồng thời xin được chiếu theo lệ cũ để nhận phong như các đời trước.

Quan nhà Minh tại Lưỡng Quảng chấp thuận công nhận Mạc Tuyên Tông. Sau lần hội khám trở về, Lê Bá Ly được thăng chức Thái tể.

Thái tể Lê Bá Ly quyền thế rất lớn, ông còn có thông gia với Thư quận công Nguyễn Thiến – Thượng thư bộ Lại; con trai trưởng Lê Khắc Thận trấn thủ Sơn Nam và là phò mã nhà Mạc, con trai thứ Thuần Lương hầu, cai quản đội cấm binh, người cháu Vạn An hầu cũng là phò mã, giữ chức Kim ngô vệ sự; con rể Phái Văn hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam, con nuôi Tả Ngự hầu giữ vệ Cẩm y; một người thông gia khác là Đổng Giáng hầu Bùi Trụ giữ chức Tán lý quân vụ.

Trong triều khi đó có hai sủng thần là Phạm Quỳnh, Phạm Dao. Phạm Quỳnh nguyên quán ở Đặng Xá, Thanh Lâm, đến cư ngụ tại thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nhà nghèo làm nghề bán trà.

Khi Mạc Kính Điển hai tuổi, thường đau ốm quặt quẹo luôn, muốn tìm người vú nuôi. Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú nuôi Kính Điển.

Khi Mạc Kính Điển giữ quyền bính nghĩ tới tình nghĩa nuôi dưỡng của vợ Quỳnh nên trọng dụng cả hai cha con Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh giữ quyền Tiết chế Đông đạo, Phạm Giao trấn thủ Sơn Nam, gia hàm Thái bảo.

Năm 1548, Phạm Quỳnh được phong tước Vinh quận công, Phạm Giao lúc đầu phong tước Phú Xuyên hầu, sau thăng lên Văn Quận công.



Thái Tể, Phụng Quốc công Lê Bá Ly – kỳ 2: Bỏ nhà Mạc, về với nhà Lê

Bỏ nhà Mạc, về với nhà Lê là bước đường cùng của Lê Bá Ly, khi lập công lớn và được trọng dụng, có thanh thế nên bị ghen ghét, gièm pha.

 

Hình minh họa.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Bị ghen ghét, gièm pha

Nhân Lê Khắc Thận, con Lê Bá Ly tuổi trẻ ham chơi và xây cất nhà cửa lộng lẫy, sắm kiệu son lọng vàng, Phạm Quỳnh và Phạm Dao bèn nói với Mạc Kính Điển rằng: Khắc Thận có ý phản nghịch.

Mạc Kính Điển ngạc nhiên mà nói: Quốc gia trông cậy vào Tướng phụ (tức Lê Bá Ly) như quả núi cao, các ông không nên nói những lời như vậy.

Biết không lay chuyển được Kính Điển, cha con Phạm Quỳnh lại đem ý trên gièm pha với Mạc Tuyên Tông và đêm 12 tháng 2 âm lịch (1551), cha con họ Phạm tự ý mang quân bản bộ vây nhà Lê Bá Ly ở trại Hồng Mai (nay là phố Bạch Mai – Hà Nội); đồng thời một cánh khác đến vây bắt Đô ngự sử Nguyễn Thiến.

Tuy nhiên, do không điều tra trước nên không bắt được vì hôm ấy Lê Bá Ly ở trong trại quân chứ không ở Hồng Mai, còn Nguyễn Thiến vào triều chưa về, nên quân Phạm Dao không bắt được ai.

Khi chúng vào lục soát trại Hồng Mai, có người đầy tớ của Bá Ly tên là Đồi Mồi trốn ra được đi báo. Bá Ly tập hợp người nhà và quân sĩ dưới quyền cố thủ.

Sau đó con rể Nguyễn Quyện cùng cháu Vạn An hầu, Văn phái hầu và con nuôi Tả Ngự hầu, mỗi người mang 3000 cấm quân đến cứu. Hai bên giao chiến ác liệt, Phạm Quỳnh và Phạm Dao thua chạy.

Vạn An hầu đón Lê Bá Ly về nhà riêng, sáng hôm sau con trưởng Lê Khắc Thận cũng từ đồn Vân Sàng kéo về hội binh.

Đem quân về với nhà Lê

Lê Bá Ly cùng các thủ hạ kéo tới chiếm cửa Chu Tước ở kinh thành, lúc này Thăng Long cực kì náo loạn. Mạc Tuyên Tông thấy thế bức bách, hoảng sợ bỏ thành chạy trốn qua sông đến đóng ở Bồ Đề, một mặt cấp báo với Mạc Kính Điển, một mặt sai sứ thần đến dụ Lê Bá Ly bãi binh.

Lê Bá Ly bảo phải bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến nộp cho ông thì mới chịu bãi binh.

Mạc Tuyên Tông bèn triệu các tướng ở Sơn Tây là Anh Duệ hầu, Phù Long hầu và Văn Giáp hầu hợp binh đánh Lê Bá Ly. Bá Ly chia quân chống cự, cố thủ rồi viết thư gọi Nguyễn Khải Khang tới cứu viện. Khải Khang sai thủ hạ là Đông Khang hầu đi cứu viện.

Các cánh quân Sơn Tây bại trận phải rút lui. Lê Bá Ly tiến quân đến Cầu Hà đối mặt với nhà vua bên kia sông rồi lạy vái vọng sang, cất lời thống thiết:

Cha con hạ thần thực không dám mưu tính sự gì, chẳng qua vì kẻ gian thần bức bách, vu cho hạ thần là phản nghịch.

Chúng định hãm hại, cho nên hạ thần phải dùng binh tự vệ. Xin bệ hạ bắt cha con Quỳnh, Dao giải đến để úy lạo ba quân thì hạ thần xin bãi binh ngay.

Tuy nhiên, Mạc Phúc Nguyên tảng lờ không nghe, quay phắt đi, võng lọng bầy đoàn chạy về phía đông. Lê Bá Ly giận dữ mắng nhiếc vua là kẻ hôn quân, ngu tối và vô đạo.

Nói xong, Lê Bá Ly không đuổi theo mà thu quân về kinh thành. Ông tập hợp con cái và các tướng lại, cất lời tâm sự:

“Ta có chút tài mọn, nguyên thờ Quang Thiệu hoàng đế tức Lê Chiêu Tông, chính tay ta đã dựng lên bốn đời vua nhà Mạc, hao phí biết bao tâm lực.

Nay gặp hôn quân, không biết minh đoán, chỉ nghe lời kẻ gièm pha, khiến cho bao nhiêu nghĩa biển tình non đều thành băng tan, ngói trút. Sự thể đã như vậy, thôi còn nói gì.

Ta nghe vua Lê lên ngôi ở Thanh Hóa, có thái sư họ Trịnh là một anh hùng tài lược, chuyên ý phò tá, ra quân có danh, bốn phương quy phục. Đó thực là vị chúa trung hưng vậy”.

Sau đó, ông ngỏ ý bỏ nhà Mạc, đem quân về với nhà Lê, hỏi ý các tướng, các người nhà, thông gia và thủ hạ đều đi theo.


Thái Tể, Phụng Quốc công Lê Bá Ly – kỳ 3: Lão tướng trọng thần

Lão tướng trọng thần của nhà Mạc là Lê Bá Ly đem cả hai đạo Sơn Nam và Sơn Tây với một vạn bốn ngàn quân cùng các con trai và cả Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện vào thẳng Thanh Hóa quy thuận nhà Lê.

 

Đại Việt thông sử nói về nguyên nhân Lê Bá Ly bỏ nhà Mạc về với nhà Lê.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Đánh Mạc Kính Điển

Tháng 3 năm Tân Hợi (1551), Lê Bá Ly đem cả hai đạo Sơn Nam và Sơn Tây với một vạn bốn ngàn quân cùng các con trai và cả Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện vào thẳng Thanh Hóa quy thuận nhà Lê.

Thấy lão tướng 77 tuổi, râu tóc bạc phơ vẫn còn quắc thước thì vua Lê và Trịnh Kiểm cả mừng, đón tiếp vô cùng trọng hậu, úy lạo và nhận cho hàng, lại thăng Lê Bá Ly chức Thái tể, tước Phụng Quốc công.

Lê Trang Tông tin dùng, ông nhân đó làm bài hịch chiêu dụ các quan văn võ dưới quyền chỉ huy của họ Mạc ở Bắc đạo, quay về với nhà Lê. Theo đó, một số tướng lĩnh khác cũng bỏ nhà Mạc vào nam như Đặng Huấn, Nguyễn Khải Khang và cháu là Nguyễn Hữu Liêu. Các tướng đi theo đều được ban chức tước như cũ.

Nắm bắt lấy cơ hội, tháng 6 năm 1551, Trịnh Kiểm làm Tổng chỉ huy, sai Lê Bá Ly và Vũ Văn Mật ra quân tấn công Thăng Long. Trong khi Trịnh Kiểm đến An Lạc, tấn công núi Hy thì Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang và Vũ Văn Mật tiến đánh Thăng Long. Mạc Tuyên Tông bèn chạy đi Kim Thành, ủy thác Mạc Kính Điển ở lại cầm quân ở Bồ Đề bảo vệ kinh đô. Kinh thành bỏ trống, lần đầu tiên quân Lê Trịnh chiếm được Thành.

Từ Bồ Đề về phía bắc, Mạc Kính Điển đắp lũy đất, đặt thuyền chiến, quân thủy và quân bộ xen kẽ nhau, phòng thủ rất nghiêm ngặt. Quân Lê đánh lâu ngày không được, Trịnh Kiểm cùng Lê Bá Ly rút về Thanh Hóa.

Sau khi ổn định tình hình phía bắc, tháng 8 năm 1555, Mạc Kính Điển mang quân tiến công Thanh Hóa. Trịnh Kiểm sai Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến, Lê Khắc Thận cùng mai phục sẵn ở phía nam sông, còn Trịnh Kiểm đích thân đốc suất đại quân mai phục ở phía bắc sông; sai Phạm Đốc đem thuỷ quân cùng Nguyễn Quyện đem hơn 10 thuyền chiến chiếm cứ mạn thượng lưu từ sông Hữu Chấp đến sông Kim Bôi.

Thuyền quân Mạc qua Kim Sơn, các đạo quân mai phục đổ ra đánh. Quân Mạc thua chạy, Mạc Kính Điển rút quân về kinh thành.

Nguyên nhân bỏ nhà Mạc

Ngày 1 tháng 4 năm 1557 thời Lê Anh Tông, Lê Bá Ly mất tại Thanh Hóa, thọ 82 tuổi. Ông được truy tặng tước Nghĩa huân công và tên thụy là Trung Hựu.

Nguyên nhân để Thái tể Lê Bá Ly và các tướng dưới trướng phải bỏ triều nhà Mạc, rồi chạy vào Thanh Hóa đầu hàng nhà Lê đã được Lê Quý Đôn chép rõ trong bộ “Đại Việt thông sử”:

Lê Bá Ly là một vị lão tướng trọng thần, chuyên giữ binh quyền, tham dự triều chính, ai cũng tôn phục. Sau khi đánh Phạm Tử Nghi, uy danh càng thêm lừng lẫy…

Con trai là Phổ quận công Lê Khắc Thận, lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, giữ quyền Tiết chế lộ Sơn Nam thượng, được gia thêm chức Chưởng phủ sự; cháu là Vạn An hầu, nguyên lấy ngụy Hiển Nghi Thái trưởng công chúa, gia thăng Chưởng kim ngô vệ, con rể là Văn phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam, con nuôi là Tả ngự hầu giữ vệ Cẩm y; con trai thứ là Thuần lương hầu cũng quản đội cấm binh; thông gia là Thư quận công Nguyễn Thiến, giữ chức thượng thư bộ Lại, Đổng Giang hầu Bùi Trụ giữ chức Tán lý quân vụ.

Thân đảng kết liên, khí thế rực rỡ, bao nhiêu hùng binh trọng trấn, đều nắm trong tay, bao nhiêu bầy tôi văn võ đều ra từ cửa nhà Bá Ly. Phạm Quỳnh và Phạm Dao vốn xuất thân trong hàng đầy tớ nhà Bá Ly, khi được hiển đạt lại đem lòng oán ghét, muốn tính sự hãm hại Bá Ly…

Thế mới biết, từ ngày xưa, vì quyền lợi, địa vị và bổng lộc, người ta sẵn sàng vứt bỏ tình thầy trò và bằng hữu, chà đạp lên luân thường đạo lý để hại nhau, thậm chí sát hại nhau nhằm tranh giành quyền bính.

Điều đáng buồn là từ thượng cổ cho đến ngày nay những kẻ phản thầy hại bạn chẳng bao giờ có được kết cục tốt đẹp, thế nhưng không hiểu vì sao hậu thế vẫn còn không ít người cố tình đi theo những gương đáng xấu hổ ấy.

Nguồn: khoahocdoisong.vn