279 lượt xem

Trần Hữu Trang - Kỳ 6

Trần Hữu Trang và cuộc xung đột mới – cũ
 

Điều kiện đặt cho hai người là: Nếu theo lệnh vua thì được quan tước vàng bạc; nếu không theo thì bị tội chết. Kết quả cả hai đều xin đành chịu chết, chứ không phụ nghĩa vợ chồng. Khi hỏi tất cả quần chúng thì mọi người cũng đều trả lời như hai người trên. Mộng Hoa bảo các quan: “Các khanh thấy chưa? Rất đỗi một ông lão thuyền chài đầu râu tóc bạc, cho đến một chị đàn bà dốt nát nghèo nàn mà không thể quên tình yêu của mình để đi tham bạc vàng quyền tước. Bao nhiêu người đều ở dưới quyền trẫm, sanh sát trẫm nắm trong tay, mà trẫm không thể yêu cầu được, hay xâm phạm được tình yêu của chúng dân. Nhưng tại sao tình yêu của trẫm, tất cả chúng dân từ sang tới hẹn lại có quyền can dự vào, buộc trẫm phải theo ý muốn của mọi người là nghĩa lý gì?”.

Tuy nhiên, Mộng Hoa vương vẫn chỉ là một vở kịch lãng mạn và cái tư tưởng quán xuyến “đi theo tiếng gọi của trái tim”, nếu không được hiểu một cách đúng đắn, thì sẽ có những hậu quả tai hại. Trong xã hội cũ trước Cách mạng Tháng Tám, không ít nam nữ thanh niên “đi theo tiếng gọi của trái tim”, rút cục đi vào con đường sa đọa, tội lỗi, tan nát cả cuộc đời. Cho nên, chế độ hôn nhân cưỡng ép kiểu phong kiến là bất nhân, nhưng tình yêu tự do kiểu tư sản cũng dễ đưa đến vực thẳm truỵ lạc, bất hạnh. Mộng Hoa vương có thể là một khoảnh khắc bồng bột “nghệ sĩ” của Trần Hữu Trang. Trong các vở khác, soạn giả giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, hợp tình hợp lý hơn và đúng với phong cách Trần Hữu Trang.

Trong Tô Ánh Nguyệt cũng như trong Chị chồng tôi, soạn giả chủ trương tình yêu tự do, nhưng đây là tình yêu chân chính trong phạm vi đạo lý và không thoát ly thực tế xã hội. Soạn giả phân biệt rạch ròi những gì là hủ tục cần loại bỏ và những gì là truyền thống tình nghĩa tốt đẹp của dân tộc phải duy trì. Trong khi nhiều tác giả bị quyến rũ bởi những màu sắc lãng mạn, thi vị hoá cái ái tình tư sản, Trần Hữu Trang vẫn giữ vững cốt cách dân tộc. Tô Ánh Nguyệt cũng như Oanh đều là những phụ nữ có học thức, nhưng vẫn giữ đạo làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ, vẫn một niềm hiếu thảo, nết na, hiền dịu, chịu thương chịu khó. Tình yêu tư sản đòi hỏi tất cả cho cá nhân, nó rất dễ trở nên ích kỷ. Tình yêu mà Trần Hữu Trang thể hiện qua các nhân vật của ông là tình yêu vị tha. Họ sẵn sàng hy sinh vì người yêu. Họ đề cao giá trị tình cảm, nhưng họ không để tình cảm che lấp lý trí. Họ bảo vệ quyền sống riêng của mình nhưng không vì thế mà coi thường nề nếp chung, không đếm xỉa gì đến những yêu cầu chính đáng của người khác, của gia đình, của xã hội.

Trong vở Tấm lòng trinh, tình yêu lứa đôi Hoàng và Khanh rất đẹp. Dù Khanh do sự hãm hại của kẻ xấu, bị mang tiếng là thất trinh, dư luận mỉa mai khinh rẻ, Hoàng vẫn yêu nàng tha thiết. Khi ông bố Hoàng yêu cầu Khanh đoạn tình với Hoàng, cho Hoàng bằng lòng cưới vợ để bà mẹ hết lo buồn mà lành bệnh, Khanh khẳng khái giúp đỡ. Nàng nói gạt Hoàng là chính nàng không giữ trọn trong trắng với Hoàng và không xứng đáng làm vợ Hoàng (nhưng đó chỉ là một mưu kế của ông bố Hoàng bày ra để thử xem Khanh yêu Hoàng đến mức nào. Khi thấy rõ hành vi cao thượng của nàng, ông cảm động, nói rõ dụng ý của ông và xin cưới Khanh cho Hoàng).

Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái Mới và Cũ, phái này, chạy theo cái gọi là văn minh Âu Mỹ một cách mù quáng, trở thành vong bản, sùng ngoại, những “ông Tây An – Nam” ruồng bỏ quê hương Tổ quốc, quên hết giống nòi, cha mẹ; phái kia thì khư khư bảo thủ những món đồ cổ mốc meo, giật lùi trước sự tiến hoá, bưng tai bịt mắt không chịu nghe, trong thực tế trở thành những vật chướng ngại ngăn cản sự phát triển của xã hội; một phái hô hào giải phóng con người kỳ thực chỉ là tuyên truyền chủ nghĩa cá nhân vị kỷ; phái kia nhân danh chống sự xâm lăng của văn hoá ngoại bang, chống sự lai căng, kỳ thực vẫn là duy trì những tàn dư của chế độ phong kiến.

Cả hai phái đều mang những động cơ không trong sáng, không đưa ra những giải pháp đúng đắn. Những bài viết, cuốn sách của phái cũ thì chỉ lặp lại những câu sách thánh hiền, những bài gia huấn ca rồi để thở ra những luận điệu yếm thế: phong hóa suy đồi, luân thường đảo ngược… Văn chương sáng tác của phái Mới thì chuyên chở nhiều yếu tố độc hại đến với những đầu óc non nớt, những tâm hồn bạc nhược. Trần Hữu Trang tỏ ra là một người có lòng với thời cuộc, có trách nhiệm với phong trào, có lương tâm của người cầm bút. Có thể là các vở kịch của ông có vở còn mang khuynh hướng lãng mạn, nhiều vở mới dừng lại ở chủ nghĩa hiện thực phê phán, và nói chung đi đến kết thúc bi thảm, nhưng trên lĩnh vực sân khấu cải lương và phong trào văn nghệ nói chung, Trần Hữu Trang là một trong số ít các nhà văn đứng đắn, tiến bộ.

Đời cô Lựu


Nguồn: Sưu tầm

Đời cô Lựu là vở cải lương nổi tiếng nhất của Trần Hữu Trang và cũng là một trong những vở hay nhất của sân khấu cải lương trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cô Lựu là vợ anh Hai Thành, tá điền của Hội đồng Thăng. Thấy Lựu có nhan sắc, Hội đồng muốn đoạt cô làm vợ. Y lập mưu bỏ súng lục vào nhà Hai Thành rồi báo cảnh sát đến bắt. Sau khi Hai Thành bị bắt, y giả bộ nhân nghĩa dắt Lựu đi nơi này nơi nọ chạy trạng sư để minh oan cho chồng. Kết cục Hai Thành bị lên án tù hai mươi năm, đày đi Côn Đảo, nhà cửa tài sản bị tịch thu và Lựu trở thành vợ Hội đồng Thăng.

Lúc này Lựu đã có mang thai với Hai Thành. Khi cô sinh, Hội đồng Thăng giấu đứa nhỏ, nói dối là bị kinh phong chết, thực ra y đem cho cô nhi viện.

Lựu ăn ở với Hội đồng Thăng, sinh được một người con gái là Kim Anh.

Các bà con tá điền rất thương Hai Thành. Trong số đó có vợ chồng ông Hương. Ông Hương biết Hội đồng Thăng chính là tên chủ mưu trong vụ án hại Hai Thành. Đứa con trai của Hai Thành mà Hội đồng Thăng đem bỏ vào cô nhi viện, ông bà Hương bí mật xin về làm con nuôi đặt tên là Minh Luân.

Sau 19 năm ở Côn Đảo, Hai Thành vượt ngục về tìm vợ con. Gặp ông bà Hương, anh biết rõ mọi chuyện. Căm giận con người phụ bạc, anh viết cho Lựu một bức thư buộc Lựu phải lo anh 10 ngàn đồng để anh thu xếp việc học hành, sanh cơ lập nghiệp cho Minh Luân, còn anh sẽ trốn đi biệt tích. Số tiền ấy trong ba ngày phải đến tay anh, bằng không anh sẽ có cách báo thù.

Bức thư này, Hai Thành trao cho Minh Luân đưa tới cô Lựu.

Nhận được thư, cô Lựu vừa mừng, vừa lo, vừa xót xa cho chồng và nhất là con bấy lâu khổ sở mà Lựu không hay, không giúp gì được. Lựu thấy rất khó xử vì làm sao có được món tiền 10 ngàn trong ba hôm, mặc dù là vợ Hội đồng Thăng, cô có quyền hành gì đâu.

May sao, Kim Anh là người con gái biết thương mẹ, nghĩ ra cách đem đồ tư trang đi cầm để có được số tiền trên đưa cho mẹ. Để kín chuyện, Kim Anh mua đồ tư trang giả thế vào.

Tới ngày hẹn, Minh Luân đến. Sau khi được hiểu rõ tình cảnh của mẹ, của em, Minh Luân cự tuyệt, nhất định không nhận số tiền ấy. Anh không muốn vì mình mà mẹ và em phải lo nghĩ. Thấy Luân quần áo rách rưới, cô Lựu giữ Luân lại và đi mua quần áo cho Luân.

Kim Anh hết sức thuyết phục Minh Luân nhận số tiền. Chẳng dè chồng Kim Anh đã biết chuyện vợ cầm đồ tư trang nên nghi vợ ngoại tình. Nay thấy vợ nói năng thân mật với Minh Luân thì yên trí Minh Luân là tình nhân của vợ. Thấy trong túi Luân có phong thư (thư này cô Lựu gửi cho Hai Thành) y đòi xem. Luân không chịu đưa. Y rút súng bắn Minh Luân trúng vào bắp chân.

Minh Luân được đưa vào bệnh viện điều trị, cô Lựu đến thăm con, gặp Hai Thành. Sau khi nghe Lựu giãi bày nông nổi, Hai Thành hiểu được nỗi khổ tâm của vợ. Nhưng đúng lúc ấy, Hội đồng Thăng cũng tới. Y nhận ra Hai Thành, sai tài xế đi báo cảnh sát. Ngọn lửa căm thù bốc cao, Minh Luân xông tới đâm chết Hội đồng Thăng.

Vở cải lương kết thúc bằng một lớp bi kịch, Kim Anh phát điên. Cô Lựu cho rằng mọi tội lỗi là do mình cả, nguyện cắt tóc đi tu để sám hối.

Còn nữa.
Nguồn: Nghiencuulichsu.com