264 lượt xem

Hoàng Văn Thái

Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội ta

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 7/9/1945, tại Phủ Chủ tịch, theo đề nghị của đồng chí Võ Nguyên Giáp với Thường vụ T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Hoàng Văn Thái thành lập Bộ Tham mưu. 


 

Cố Đại tướng Hoàng Văn Thái...
(Nguồn: Sưu tập)


Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng, nay Đoàn thể lập Bộ Tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước. Bộ Tham mưu là cơ quan cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội có nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thống nhất, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được… Có đoàn thể lãnh đạo, nhất định chúng ta làm được. Thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng, bất khuất để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc...”.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Văn Thái đã khẩn trương bắt tay vào việc tổ chức, xây dựng cơ quan, đáp ứng yêu cầu chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được. Từ đây, ngày 7/9/1945 trở thành Ngày truyền thống của Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội ta. 

Đồng chí Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh ngày 1/5/1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), mất ngày 2/7/1986 tại Hà Nội, là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; người có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có ảnh hưởng lớn đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Ông là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam, góp công trong nhiều chiến dịch quan trọng trong chiến tranh Việt Nam như Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VII, Ủy viên BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV, V. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng (truy tặng), Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều huân chương khác...

...bàn bạc việc quân cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 (Nguồn: Sưu tập)
 

Đại tướng Hoàng Văn Thái bắt đầu tham gia cách mạng năm 1936 và tháng 3/1938 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam, nhưng đã bí mật thoát li khỏi địa phương hoạt động ở Hiệp Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang. Tháng 3/1941, ông được cử lên Bắc Sơn, Lạng Sơn tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn. Tháng 9/1941, với bí danh Quốc Bình, ông cùng một số đồng chí như Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại Trường quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối tháng 9/1944, ông về nước hoạt động với bí danh mới Hoàng Văn Thái - cái tên gắn chặt với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông sau này.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ, trong đó có ông, được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến và là người vinh dự đứng trong hàng quân, giương cao lá cờ đỏ sao vàng sau này là Quốc kì nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong trận Nà Ngần, ông là người cắm cờ sau chiến thắng. Sau trận Phay Khắt, Nà Ngần, ông được giao công tác trinh sát và lập kế hoạch tác chiến chuẩn bị đánh đồn Đồng Mu, châu Bảo Lạc, Cao Bằng.

Ngày 4/2/1945, ông được phân công cùng một nhóm đội viên tiến về Nậm Ti, Hà Giang xây dựng cơ sở. Tháng 3/1945, ông chỉ huy nhóm đội viên khi đó đã phát triển lên hơn 100 người về xây dựng cơ sở ở Chợ Đồn, Bắc Kạn...

Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự Bắc kì quyết định hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân. Hội nghị cũng quyết định thành lập Trường Quân chính kháng Nhật tại Tân Trào và ông được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường (6/1945). Nơi đây là lò đào tạo cán bộ quân sự cho lực lượng vũ trang của Việt Nam giải phóng quân, đặt nền móng cho hệ thống đào tạo cán bộ quân sự Việt Nam sau này. Hội nghị cũng chủ trương thành lập cơ quan tham mưu cho Ủy ban Kháng chiến toàn quốc để chỉ huy các lực lượng vũ trang, nhưng do tập trung cho công tác giành chính quyền nên cơ quan chưa kịp tổ chức.

Ngày 13/8/1945, đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ huy một số đơn vị Giải phóng quân hỗ trợ Việt Minh giành chính quyền tại Lục An Châu, sau đó ngày 17/8 tiếp tục chỉ huy Giải phóng quân đánh chiếm các đồn Nhật tại tỉnh lị Tuyên Quang, hỗ trợ cho Việt Minh giành chính quyền tại đây. Ngày 23/8, ông cùng một số đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội. Trong buổi lễ Độc lập, ông chỉ huy các đội viên tham gia giữ gìn an ninh.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngay sau những ngày độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị nhanh chóng thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng. Có thể nói, đồng chí Hoàng Văn Thái là vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và cũng là người trẻ nhất - mới 30 tuổi - đã nắm giữ cương vị quan trọng này...

Nguồn: qdnd.vn