198 lượt xem

Lê Chất - Kỳ 2 và Kỳ 3

Cuộc đời thăng trầm của Thiếu phó Lê Chất

Cuộc đời thăng trầm của Thiếu phó Lê Chất, một danh tướng triều Tây Sơn, sau theo triều Nguyễn, một trong những đại thần uy danh lừng lẫy, mà khi chết mộ còn bị san phẳng.
 

Ban thờ Thiếu phó Lê Chất tại Lăng Ông, Bà Chiểu.

(Nguồn: Sưu tập)
 

Học cả văn lẫn võ

Lê Chất (1769 – 1826), nguyên danh Lê Tông Chất, còn gọi là Hậu quân Chất; sinh tại Bình Trị, Mỹ Quang, Phù Mỹ, Bình Định.

Thuở nhỏ Lê Tông Chất học văn lẫn võ; lớn lên du ngoạn khắp vùng Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, nên các nơi hiểm yếu vùng Quy Nhơn đều in dấu chân ông.

Lê Tông Chất còn có biệt tài bơi lội, khi đến Thị Nại, ông được ngư dân địa phương dạy các nguồn khe lạch từ cửa sông chảy ra; từng đi ghe ra tận nơi, lặn xuống quan sát, chèo thuyền vượt sóng, ông xem như cưỡi ngựa trên đất bằng.

Khi vua Thái Đức xưng Trung ương Hoàng đế, phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, ông mới ra tham chính.

Năm Kỷ Dậu (1789), Lê Chất được vua Thái Đức phong cho chức Thủy quân Đô tùy trông coi cửa biển Thị Nại; được toàn quyền nắm giữ thủy binh với chức vụ Thủy sư Đô đốc…

Sau đó, do lập được nhiều công trạng, Lê Chất được phong tới chức Đô đốc, thuộc quyền của Tư lệ Lê Trung. Vì mến tài ông, vị quan này đã đem con gái mình là Lê Thị Sa gả cho.

Sau khi Quang Trung mất (1792), nội bộ Tây Sơn lục đục, Lê Chất lấy đó làm lo lắng. Nhân thấy tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Văn Tính đóng quân gần đấy, bèn bàn với Lê Trung ra hàng, nhưng Lê Trung không quyết.

Không thể thuyết phục được, Lê Chất viết thư xin hàng gửi cho Nguyễn Văn Tính, ước hẹn sẽ làm nội ứng. Nguyễn Văn Tính đem thư dâng lên Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Phúc Ánh nói với Tính và các tướng rằng: “Lê Chất là đứa giảo hoạt, cho nên, lời này chưa hẳn đã là lời thực đâu.

Về với Nguyễn Ánh

Lê Trung biết chuyện, chỉ mặt Lê Chất mà quát mắng. Từ đó, Lê Chất rất lo sợ. Mãi đến năm 1798, khi đang đóng quân ở Trà Khúc thì nội bộ Tây Sơn lại xảy ra nhiều chuyện mất đoàn kết, đã thế, quân của Nguyễn Phúc Ánh lại liên tiếp thắng được mấy trận liền, cho nên, Nguyễn Quang Toản ngờ Lê Trung cùng Lê Chất thông đồng với giặc.

Lê Trung bị giết, Lê Chất thoát được nhưng bị truy lùng gắt gao, bí quá, ông bắt một người có khuôn mặt giống mình, bỏ thuốc độc cho chết để đóng vai Lê Chất tự tử.

Về chuyện này, ngay cả mẹ của Lê Chất là Đào Thị cũng nhầm, ôm xác người bị bỏ thuốc độc chết mà khóc rất thê thảm. Tây Sơn tin là Lê Chất đã chết rồi nên không truy lùng nữa.

Sau đó chẳng bao lâu, Lê Chất bí mật đem mẹ và vợ con vào ẩn náu trong núi Trà Bồng. Tại đây, Lê Chất quen một người (không rõ họ tên) mà người này lại quen với tướng của Tây Sơn là Lê Văn Thanh.

Biết tướng quân này vốn trọng tài Lê Chất, người ấy bèn nói: – Ông biết tài làm tướng của Lê Chất, sao không nhờ Lê Chất đến đỡ cho một tay.

Lê Văn Thanh nói: – Chất đã chết rồi, còn đâu nữa mà dùng.

Người ấy thưa: – Tin dùng Lê Chất thì Lê Chất sống, còn như không tin dùng Lê Chất thì Lê Chất chết.

Lê Văn Thanh hỏi lại đầu đuôi, người ấy liền cứ tình thực mà kể lại, sau đó, về nhà dẫn Lê Chất vào. Lê Văn Thanh thấy Lê Chất, lấy rượu cùng uống và lưu lại trong quân của mình.

Năm 1799, Lê Chất đem 200 quân đến Quy Nhơn, gặp tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh xin hàng. Nguyễn Phúc Ánh cho Lê Chất làm thuộc tướng của Võ Tánh, đồng thời cho người đón mẹ và vợ con Lê Chất vào Gia Định nuôi nấng. Từ đây, Lê Chất gắn bó với Nguyễn Phúc Ánh đến hết đời.

Về với Nguyễn Phúc Ánh, năm 1801, Lê Chất được phong Quận công, lãnh nhiệm vụ đánh nhau với quân Tây Sơn; năm 1802, làm Khâm sai chưởng hậu quân Bình Tây tướng quân, dẫn bộ binh đánh chiếm Bắc Hà.

Năm 1803, cùng Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Khiêm trông coi việc xây dựng Kinh thành Huế; năm 1810, làm Hiệp tổng trấn Bắc thành, cùng với Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Như Đăng; năm 1818, làm Tổng trấn Bắc thành.

Trong khoảng thời gian giữ chức này, dưới triều Minh Mạng, Lê Chất biên soạn bộ Bắc thành dư địa chí (12 quyển viết bằng chữ Hán) với sự tham gia của các nho sĩ Bắc Hà.

Năm 1826, trong lúc đang tại chức, hay tin mẹ qua đời, ông liền xin về. Lo chôn cất mẹ và sửa sang mộ cha vừa xong, bệnh cũ tái phát, chữa trị mãi không khỏi; Lê Chất mất ngày 10 tháng 7 năm Bính Tuất (tức 14/8/1826), hưởng thọ 57 tuổi, được truy tặng Thiếu phó, thụy là Trung Nghị.



Cuộc đời thăng trầm của Thiếu phó Lê Chất – Kỳ 2: Những chuyện vinh nhục

Những chuyện vinh nhục trong cuộc đời Thái phó Lê Chất được ghi trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện
 

Lăng Ông nơi thờ Lê Chất.

(Nguồn: Sưu tập)
 

Ai bình Lê Chất

Năm Gia Long thứ nhất (1802) Vua đem đại quân đi đánh Bắc thành, thăng Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân, cờ hiệu Bình Tây Tướng quân, cùng với Lê Văn Duyệt đem bộ binh tiến lên trước.

Quân của Gia Long đến đồn Tiên Lý ở Dinh Vĩnh Định, gặp giặc là đánh tan, thừa thắng tiến mãi, thế như chẻ tre. Bắc Hà bình định xong, tin thắng lợi báo về, vua ban thưởng rất hậu. Lê Chất được phong tước Quận công và được mang ấn Bình Tây Tướng quân.

Các tướng là bọn Đặng Trần Thường bàn riêng với nhau rằng: – Lê Chất mà Bình Tây thì ai bình Lê Chất? Lê Chất mà Quận công thì lũ ta phải mười lần Quận công.

Lê Chất nghe biết được lời ấy, tự thấy không yên lòng, bèn dâng vua tờ biểu, đại lược nói rằng: – Tôi là kẻ bất tài mới quy phụ, nếu ví với các quan thì họ đến vạn phần gian nan mà tôi chưa được một.

Tôi đã được phong đến tước Quận công lại còn được làm Chưởng Hậu quân, như thế là lạm ở hàng cao quý, xét không thể đảm đương được. Vậy, xin được xuống hàng Đô thống chế cho ngang với các quan khác.

Vua đem tờ biểu ấy cho triều thần bàn định. Triều thần bàn định rằng, phong tước là để đền đáp công lao, cũ mới nào có khác nhau gì, những lời đàm tiếu ở ngoài chẳng có gì đáng kể cả.

Vua xuống dụ sai Lê Chất giữ chức tước như đã phong, lại cho mẹ của Lê Chất mỗi tháng 40 phương gạo.

Hiềm khích với các quan

Năm Gia Long thứ hai (1803), Vua sai xây dựng Kinh thành (Huế), bọn Lê Chất cùng Nguyễn Văn Khiêm, Phạm Văn Nhân được giao việc đốc suất.

Đến tháng 8, vua đi Bắc tuần, Lê Chất cùng với Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Đức Xuyên đem quân bản bộ theo hầu. Khi đến Thanh Hoa thì được tin ở Quảng Yên có giặc biển, quan Bắc thành Tổng trấn là Nguyễn Văn Thành đem việc ấy tâu lên.

Vua liền sai Lê Chất cùng Nguyễn Văn Trương đem quân tiến lên trước để đánh. Lê Chất nói với Nguyễn Văn Trương: – Địa phương nào có giặc thì quan lại địa phương đó phải đánh. Nay, các quan ở Bắc thành đem giặc cho ta đánh, tướng quân sao không nói rõ chuyện này?

Nguyễn Văn Trương nói: – Đợi đến xong việc rồi nói cũng không muộn gì. Nguyễn Văn Trương đến Quảng Yên thì giặc sợ mà chạy, bèn về uống rượu với Nguyễn Văn Thành và đem lời Lê Chất nói lại cho Nguyễn Văn Thành hay. Từ đó, Nguyễn Văn Thành để bụng giận Lê Chất.

Năm Gia Long thứ ba (1804) Vua ban yến cho quần thần, nhân đó triệu Lê Chất đến hỏi lại, Lê Chất chối. Hỏi Nguyễn Văn Trương, Trương đáp: – Những gì nói trong lúc uống rượu, giờ chẳng nhớ nữa.

Vua hỏi: – Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Trương có uống rượu với nhau hay không? Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành tâu rằng có. Vua nói: – Ngươi cho Nguyễn Văn Trương uống rượu say, khiến hắn phải nói lầm, Nguyễn Văn Trương lại vì say rượu mà nói lầm. Như vậy, lỗi là ở lũ các ngươi chớ Lê Chất có lỗi gì đâu? Ba người nghe vậy thì lạy tạ.

Suốt thời trị vì của Gia Long, Lê Chất luôn được trọng dụng. Sang thời Minh Mạng, Lê Chất vẫn được coi là một trong những đại thần uy danh lừng lẫy.

Đầu thời Minh Mạng, vua đang để tâm đến việc dùng văn trị, trọng dụng văn thần, bèn sai bọn Trịnh Hoài Đức tra cứu điển lễ, tâu lên để cho triều thần theo đó mà thi hành.

Lê Chất và Lê Văn Duyệt, mỗi khi vào chầu thường làm sai lễ, đã thế còn cho bọn Trịnh Hoài Đức là đặt chuyện để ton hót với vua, nên cứ thế mà chỉ trích. Vua nghĩ, bọn Lê Chất và Lê Văn Duyệt đều là đại thần có nhiều công lao nên cũng gác việc qua một bên, vui vẻ đối đãi chớ chưa nỡ bắt tội.



Cuộc đời thăng trầm của Thiếu phó Lê Chất – Kỳ 3: Chết vẫn chưa yên

Chết vẫn chưa yên, mộ của Lê chất còn bị vua Minh Mạng cho san phẳng, khắc bia dựng lên trên đề mấy chữ “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp”.

Vụ án Lê Duy Thanh

Mùa thu năm Minh Mạng thứ hai (1821), Vua đi Bắc tuần, nên sai Lê Chất (là Bắc thành Tổng trấn) về trấn trước để lo sắp đặt công việc.

Mùa đông năm ấy, vua đến Bắc thành. Lê Chất được vua ban một con dao bằng vàng Tây chạm khắc rất đẹp và một cây súng mạ vàng.

Bấy giờ có quan Hiệp trấn Sơn Nam Thượng là Lê Duy Thanh ăn của hối lộ và làm việc trái phép. Việc bị phát giác, vua giao cho quan Bắc thành (Tổng trấn Lê Chất) tra xét.

Lê Duy Thanh lúc đó nhân được vào chầu tại Bắc thành, liền khóc lóc và tâu xin đổi việc tra xét cho nha khác, vì nếu không sẽ bị quan Bắc thành xử rất nặng. Lê Chất hặc tội rằng: – Lê Duy Thanh là kẻ bề tôi nhỏ mọn mà dám tự tiện, ngạo mạn, vô lễ. Vậy, xin chém đầu hắn để nghiêm giữ kỉ cương của triều đình.

Vua an ủi và hòa giải, sau sai quan ở Bắc thành cứ việc theo lẽ công bằng mà xét hỏi. Lê Chất với Hình Tào cùng tra xét muốn xử Lê Duy Thanh vào tội chết.

Án chưa kịp dâng lên thì tháng chạp năm ấy, lễ bang giao (với nhà Thanh) đã xong, Vua trở về kinh, sai bộ Hình báo cho các quan ở Bắc thành lấy hồ sơ vụ án Lê Duy Thanh giao về cho triều thần nghị án.

Sau, Lê Duy Thanh bị kết án phải chịu phát phối đi Quảng Bình. Lê Chất nghe tin ấy, muốn dâng lời tấu để xin xét lại, nhưng lại sợ làm việc vượt chức phận của mình nên thôi.

Năm Minh Mạng thứ năm (1824), con của Lê Chất là Lê Hậu được tuyển chọn cho làm chồng của Trưởng Công chúa (tức Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Cửu, con gái thứ tám vua Gia Long).

Năm ấy, Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt dâng biểu xin từ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành. Vua hỏi nguyên do xin từ chức đến hai ba lần, Lê Chất mới tâu: – Trước đây có vụ án Lê Duy Thanh, tôi cùng với Hình Tào xử hắn vào tội chết, nhưng khi triều thần nghị án thì Lê Duy Thanh được giảm tội, thế là phép nước chẳng còn tin dân nữa. Tôi không thể làm việc được ở Bắc thành nữa cũng vì lẽ ấy.

Vua nói: – Đó là ý chung của đình thần, không phải ý riêng của trẫm. Nói rồi, sai đem bản án Lê Duy Thanh trao cho Lê Chất xử lại. Lê Chất biết ý vua giận nên không dám nói thêm gì nữa. Rốt cuộc, Lê Duy Thanh vẫn được y án cũ.

Chết vẫn bị truy xét

Mùa thu năm 1826, Lê Chất được phép về nhà lo việc tang cho mẹ. Nhưng về đến Bình Định là quê nhà chưa được bao lâu thì ông mất. Vua Minh Mạng nghe tin ấy, nghỉ chầu ba ngày để tỏ lòng thương xót, đồng thời ban cấp tiền lụa để lo đám tang Lê Chất rất hậu hĩ.

Tuy nhiên, mười năm sau, năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835), quan Tả Thị lang bộ Lại là Lê Bá Tú, truy xét và nói rằng, sinh thời Lê Chất nói và làm đều vô đạo, không xứng với danh phận của kẻ làm tôi, xin xử Lê Chất với sáu tội, lại buộc cho Lê Chất mười tội to nữa. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:

Án Lê Văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau (Bính Thân, 1836) có quan Lại bộ tả thị lang Lê Bá Tú dâng sớ truy hặc Lê Chất phạm những 16 tội.

Vua Minh Mạng dụ rằng: Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giả thử bổ áo quan giết thây, cũng không là quá.

Song lại nghĩ Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bổ áo quan giết thây, thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội.

Vậy cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp” để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời.

Còn vợ hắn là Lê Thị Sa cùng ở một nhà, dự biết mưu bạn nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp.

Vậy Lê Thị Sa cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ, đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch biên gia sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho.

Đến năm Tự Đức nguyên niên (1847), vua truyền tha tội cho Lê Chất và mãi đến năm Mậu Thìn (1868) mới truy phong cho ông chức Tả đồn Đô Thống chế.

Sau này, nhà văn Phan Khôi khi đến viếng mộ Lê Chất, có làm bài thơ cảm hoài: Viếng mộ ông Lê Chất. Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu – Ấy cỏ mờ rêu đất một u – Ấy dũng ấy trung là thế thế – Mà ân mà nghĩa ở mô mô – Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ – Hùm thét oai lưa gió vụt vù – Cái chuyện anh hùng ai nhắc nữa – Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu!


Nguồn: nghiencuulichsu.com