602 lượt xem

Lê Doãn Nhã

Lê Doãn Nhã – một nhà nho yêu nước

Lê Doãn Nhã – một nhà nho yêu nước,
 

Vua Tự Đức.

(Nguồn: Sưu tập)
 

Vị cứu tinh của dân chúng

Lê Doãn Nhã (hay Nhạ), sinh năm Đinh Dậu (1837) tại làng Tràng Sơn, xã Quan Trường, tổng Quan Trung, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một vùng quê nổi tiếng là cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng bao thế hệ anh hùng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao vì vậy thuở nhỏ Lê Doãn Nhã đã nổi tiếng thông minh, có chí khí hơn người.

Ông đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867). Bốn năm sau, ông đậu phó bảng khoa Tân Mùi niên hiệu Tự Đức 24 (1871) lúc ông 35 tuổi, cùng khoa với Nguyễn Xuân Ôn.

Sau khi đỗ phó bảng, Lê Doãn Nhã được vua Tự Đức bổ dụng chức tri phủ Hải Dương. Với cương vị quan tri phủ, Lê Doãn Nhã đem hết khả năng phụng sự triều đình, phục vụ nhân dân, coi sự bình yên của dân là lẽ sống của mình.

Gặp những năm thiên tai mất mùa đói kém, ông thảo sớ tâu xin triều đình miễn thuế cho dân. Những gia đình neo đơn không nơi nương tựa, khi ốm đau ông đến thăm hỏi và cho tiền mua thuốc thang.

Chính vì những việc làm đó, những năm làm quan ở Hải Dương không những ông được nhân dân biết ơn, mà còn coi ông là niềm tin, là vị cứu tinh của dân chúng. Đặc biệt, nhân dân còn truyền tụng nhiều đời về đức thanh liêm, về nhân cách sống của ông qua câu chuyện con cò trắng.

Một hôm có ông lý trưởng đến phủ đường biếu Lê Doãn Nhã một túi tiền và một con cò trắng (với dụng ý thâm độc: nếu Lê Doãn Nhã lấy túi tiền ấy, lập tức con cò sẽ mổ vào mắt ông) và hỏi: Ở quê quan lớn thường nấu thịt cò bằng cách nào ngon nhất?

Lê Doãn Nhã bình tĩnh bảo lính chặt cho ông roi mây dài để sẵn rồi từ từ trả lời: Ở quê thường nấu thịt cò bằng quả mây.

Nói rồi Lê Doãn Nhã lấy roi mây đánh cho lý trưởng một trận và bảo: lần sau ngươi không được phép chơi trò xỏ lá ba que kiểu đó nữa, nếu không ta sẽ cách chức nhà ngươi.

Nói xong ông sai lính lấy túi tiền ấy ra đem chia cho dân nghèo trong phủ. Tên lý trưởng vừa tiếc túi tiền lại bị đòn, phải cúi mặt ra về. Nhân dân trong phủ rất khâm phục Lê Doãn Nhã.

Đạo đức, tướng mạo đẹp

Những năm làm việc tại triều đình, với đức tính tận tụy, hình dáng khôi ngô, tuấn tú, Lê Doãn Nhã được các quan trong triều cảm phục.

Một lần thiết triều, sau vài lần ngắm nhìn, Tự Đức, một ông vua khó tính đã phải khen ngợi: “Trẫm quan chư công khanh, chỉ hữu phó bảng Lê Doãn Nhã, đạo đức tướng mạo, diệc dị khả nhất” nghĩa là trong hàng ngũ làm quan, có ông phó bảng Lê Doãn Nhã, đạo đức, tướng mạo đẹp vào loại bậc nhất.

Có thời gian ở vùng biên cương xứ Nghệ- điểm nóng của bọn phỉ nổi loạn hoành hành, cuộc sống của người dân luôn phải lo sợ. Với uy tín của mình Lê Doãn Nhã được triều đình cử về dẹp loạn.

Vừa nhận chức, Lê Doãn Nhã nhận định nguyên nhân nổi loạn là do bọn xấu xúi giục, do kinh tế khó khăn. Vì vậy một mặt ông đề cao tinh thần đoàn kết giữa người Kinh – người Thượng, đồng thời tự mình vượt suối băng rừng vào tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, gặp già làng, trưởng bản, hòa mình với họ tìm cách giải thích, khuyên răn, đồng thời ông cho mở đường giao thông, tạo điều kiện cho người dân xuôi ngược trao đổi hàng hóa, cho phép người buôn đưa muối lên bán, không phải nộp thuế, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống của người dân trở nên yên ổn. Bọn phỉ được ông cảm hóa, giáo dục trở lại làm ăn lương thiện. Vì vậy dân bản hết sức quý trọng ông, coi ông như già làng. Quan trong triều nể trọng, phong cho ông chức vụ Chánh sơn phòng.



Lê Doãn Nhã – một nhà Nho yêu nước – kỳ 2: Gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp

Gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp, Lê Doãn Nhã đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân những nơi ông từng làm quan.

 Lê Doãn Nhã – một nhà Nho yêu nước

 

Chiếu Cần vương.

(Nguồn: Sưu tập)
 

Gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp

Những người dân tin tưởng coi Lê Doãn Nhã như một vị thánh linh thường luôn cứu giúp dân chúng. Đó chính là điều kiện thuận lợi giúp ông trên con đường chống giặc cứu nước sau này.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta trước sự hèn nhát của một số vua quan nhà Nguyễn, nước ta lần lượt rơi vào tay giặc. Đi đến đâu, chứng kiến cảnh khổ cực của nhân dân, thấu hiểu nỗi nhục của người dân mất nước, ông thực sự đau lòng
.
Năm 1885, sau bao suy nghĩ trăn trở bởi tư tưởng “trung quân ái quốc” đè nặng trong lòng, gặp lúc chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi ban xuống, Lê Doãn Nhã lập tức hưởng ứng. Ông quyết định gác nghiệp quan trường, đứng lên đánh Pháp, bất chấp mọi nguy hiểm hy sinh.

Quyết định đó là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời ông và gia đình ông. Tinh thần yêu nước cao cả, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của đồng bào các dân tộc như Lang Văn Út, cùng cháu là Lang Văn Thố, Lang Văn Xá, Lang Văn Thông… đã giúp ông có thêm sức mạnh đánh thắng trận đầu với quân Pháp ở Đồn Dừa (huyện Anh Sơn) được nhân dân hết sức ca ngợi.

Sau chiến thắng Đồn Dừa, Lê Doãn Nhã cho quân thẳng xuống đồng bằng, hợp tác với Nguyễn Xuân Ôn, người bạn đồng khoa năm xưa, ngay lúc đó bộ chỉ huy được thành lập.

Bên cạnh chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã được cử làm phó tướng, cùng một số đề đốc khác. Cuộc khởi nghĩa Báo quốc Cần vương chính thức được mở trên địa bàn Nghệ An, gồm tất cả các huyện, phía Bắc sông Lam.

Binh lính do ông chỉ huy đã đánh thắng giòn giã liên tiếp nhiều trận trên tuyến đường chiến lược quốc lộ 7. Quân địch vô cùng hoảng sợ, phải thú nhận “Thân hào hai phủ Anh Sơn và Diễn Châu tỉnh Nghệ An chiếm giữ luôn nổi dậy đánh phá trong hạt.

Lãnh binh, hiệp quản, suất đội phải đi dẹp, đều bị chúng bắt sống. Phó lãnh binh quan là Hồ Tiên Nghi, hiệp quản là Phan Khắc Hoan, Hồ Kiêm, suất đội là Nguyễn Khoa, Từ Văn Phúc trước sức mạnh của nghĩa quân đều bỏ thành trốn chạy”.

Anh dũng hy sinh

Triều Nguyễn dưới sự chỉ đạo của bọn Pháp, cho Hoàng Kế Viêm lúc này làm tổng đốc An Tịnh dùng lời ngon ngọt, dụ dỗ “Từ nay thân hào cũng nên biết sớm quay đầu về cho giải tán binh dưỡng, đem thân về với triều đình, hoặc do các địa phương, hoặc do các quân thứ bẩm xét đều vẫn được giữ nguyên hàm lượng”.

Trong trận đánh Xóm Hồ, Đồng Thông không may chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn bị thương, sau đó bị bắt, nghĩa quân còn lại dưới sự chỉ huy của phó tướng Lê Doãn Nhã vẫn quyết kịch chiến với kẻ thù.

Tuy nhiên do cuộc chiến không cân sức, không được sự ủng hộ của triều đình nhà Nguyễn, nghĩa quân lại bị hy sinh nhiều. Số nghĩa binh còn lại biết không thể cầm cự được đã theo phó tướng Lê Doãn Nhã bí mật rút lên miền núi phía tây tiếp tục chiến đấu đến cùng và đã anh dũng hy sinh.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng trong vòng 3 năm dấy binh khởi nghĩa, hàng trăm trận chiến quyết liệt với kẻ thù, quân thù đã phải khiếp sợ trước sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân.

Tên tuổi tiến sĩ Lê Doãn Nhã vẫn ngời sáng bên cạnh các tấm gương yêu nước lớn như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19. Tinh thần yêu nước của Lê Doãn Nhã gắn liền với phong trào Cần vương chống Pháp.

Nguồn: Khoahocdoisong.vn