244 lượt xem

Trần Hữu Trang - Kỳ 3

Trần Hữu Trang: Cuộc đời và tác phẩm

Diễn viên ngâm đoạn thơ trên, nhưng không ngâm như điệu ngâm thơ ở miền Bắc hay điệu ngâm “Tao đàn” ở đài Sài Gòn mà vận dụng từ đài bằng cách nói theo làn điệu của nhạc cổ với câu chót rồi bắt qua đầu lớp Nam ai, thì người nghe thấy rất êm không chỏi với nhạc cổ chút nào.

Gần bốn chục năm làm nghệ thuật, soạn giả Trần Hữu Trang gặt hái được những thành công vững vàng và không vấp phải thất bại, ấy là do phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc. Sau này, soạn giả phát biểu về kinh nghiệm của mình: “Các bộ môn nghệ thuật phản ánh cuộc sống không thể đứng yên mà cần có sự phát triển, nhất là về hình thức để có thể bảo đảm thể hiện nội dung. Đây là công việc làm từ từ, đòi hỏi thời gian, không thể đứng yên mà cần có sự phát triển, nhất là về hình thức để có thể bảo đảm thể hiện nội dung. Đây là công việc làm từ từ, đòi hỏi thời gian, không thể nôn nóng, không thể có sự thay đổi nhanh chóng gò bó hoặc thúc ép trong một lúc tuỳ theo ý muốn chủ quan được”.

Trần Hữu Trang đã soạn trên dưới ba chục vở cải lương. Những vở này hầu hết được sáng tác từ khoảng 1930 đến 1952. Cuối đời, ông có bắt tay soạn một vở về người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ông rất say sưa công việc này. Soạn giả đã viết hai màn và rất hài lòng. Những người được soạn giả đọc cho nghe đều đánh giá cao sáng tác mới này. Tiếc thay, soạn giả chưa kịp hoàn thành tác phẩm, thì đã hy sinh.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), soạn giả ít viết vì do yêu cầu cách mạng, ông tham gia hoạt động chính trị nhiều hơn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trần Hữu Trang được giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn làm công tác vận động trí thức, văn nghệ sĩ. Cùng với Năm Châu, Trần Hữu Trang tổ chức gánh Con Tằm, gánh Năm Châu rồi gánh Việt kịch Năm Châu. Về mặt công khai, gánh hát cố gắng tìm cách trình diễn những vở có nội dung yêu nước tiến bộ: Tuyết băng và bạo lực, Nợ dâu, Một tối tân hôn, Chiếc áo thiên nga, Tây Thi gái nước Việt… Nơi ấy cũng là cơ sở bí mật để tập hợp lực lượng hướng về  kháng chiến, là nơi liên lạc, cư trú của cán bộ. Trong điếu văn của Tám Danh có đoạn viết: “Hồi đầu kháng chiến, vì anh được đoàn thể phân công lại Sài Gòn công tác, giữ vững ngọn cờ yêu nước trên sân khấu thành đô, anh em mình phải tạm biệt chia tay. Năm 1949, cấp trên giao nhiệm vụ, tối có dịp tìm gặp anh ở Sài Gòn, nửa tháng trải qua bao lần nguy khốn, đều được anh bảo vệ, che chở giữa chỗ hang hùm miệng sói, giúp tôi làm tròn trọng trách, kết quả gấp mấy lần hơn mức yêu cầu. Những năm gian khổ ấy, sân khấu bưng biền Đồng Tháp mang nặng tình anh biết mấy…”.

Năm 1948, nhờ vào uy tín của soạn giả Trần Hữu Trang mà Hội Nghệ sĩ ái hữu được thành lập. Nữ nghệ sĩ Phùng Há, người giữ chức hội trưởng nhiều khoá, cộng lại tới 17 năm, có lần từ chối muốn để người khác làm, vì nữ nghệ sĩ cho rằng mình kém khả năng văn hoá và chính trị. Soạn giả Trần Hữu Trang thuyết phục: “Không được. Cô cứ phải trấn giữ chỗ này mới được”.

Soạn giả nói vậy, Nghệ sĩ Phùng Há hiểu và yên tâm làm việc. Đến năm 1957, Trần Hữu Trang lại vận động thành lập Nghiệp đoàn nghệ sĩ công nhân sân khấu. Nghiệp đoàn làm được một số việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nghệ sĩ và công nhân như: ấn định nguyên tắc và giá biểu bản quyền, bồi thường cho đào kép hát thất nghiệp, đòi hỏi nghệ sĩ và công nhân quyền tham dự ban quản trị, phản đối bọn quyền hành địa phương áp chế nghệ sĩ…


Soạn giả Trần Hữu Trang. Nguồn: Sưu tập

Trần Hữu Trang ở lại công tác trong nội thành nhưng các con gái, con trai mình thì ông đều cho đi kháng chiến. Hai con gái của soạn giả là Đề và Đạm hoạt động trong phong trào phụ nữ Mỹ Tho. Con trai lớn của ông là Trần Hữu Thế đã chiến đấu và hy sinh ở Chiến khu Đ năm 1952. Người con trai út của soạn giả là Việt Thường sau này cũng hoạt động nội thành.

Sống dưới chế độ Mỹ Diệm, soạn giả rất đau xót và bất bình vì tình cảnh của các diễn viên, soạn giả sân khấu: “Ai cũng say sưa với nghề nghiệp, nhưng khổ nỗi hoàn cảnh luôn luôn đi ngược với hy vọng dầu là hy vọng nhỏ nhoi nhất”. Có đến bảy thứ thuế đè nặng trên đầu các đoàn hát. Biết bao nghệ sĩ và công nhân “chỉ lãnh lương cà phê cầm hơi hay hoàn toàn thất nghiệp khoanh tay ngồi ở đình Tân Kiều, Tân An”. Lại còn nạn “cọp” hoành hành nhiều khi gây thương tật hay chà đạp lên nhân cách các nghệ sĩ. Tư Trang thường nói: “Nghệ sĩ là kiếp con tằm dẫu thác vẫn còn vương tơ”. Nhưng sự thật ở miền Nam hiện nay quá phũ phàng: “Tằm không có lá dâu”. Soạn giả từng thảo luận thâu đêm với các bạn về tương lai của sân khấu, về tiền đồ của nghệ sĩ.

Cuối năm 1960, cuộc kháng chiến quả quân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn. Trần Hữu Trang bỏ Sài Gòn ra ngoài chiến khu để xây dựng lực lượng văn nghệ giải phóng. Khi ấy, soạn giả 55 tuổi, mắc bệnh đau ruột, công việc bận rộn và đời sống đạm bạc đã khiến cho sức khoẻ của ông giảm sút nhiều. Nhưng ông vẫn hăng hái làm nhiệm vụ mới. Với tư cách là Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, soạn giả cặm cụi làm việc dưới mái lán lợp lá trung quân, dưới ánh đèn chai leo lét trong rừng già, hăng hái xông pha – mặc dù chân bên trái bị đau nhiều – trên những con đường mòn đầy dây kim cương và cây mắc cỡ. “Văn nghệ của chúng ta chẳng những là vũ khí sắc bén không thể thiếu được để đánh địch mà còn có nhiệm vụ cao quý là thể hiện tính chất, phong cách của con người miền Nam ngoan cường, dũng cảm chiến đấu không ngừng với một niềm lạc quan tin tưởng nhất định thắng lợi”. Đích thân soạn giả đã thể hiện tính chất ấy, phong cách ấy.

Từ chỗ là một người lao động bình thường, trở nên một nhà văn, một soạn giả, vì tấm lòng yêu mến nghệ thuật dân tộc, yêu thương những người nghèo khổ bị áp bức đọa đày. Từ chỗ là một nghệ sĩ chiến đấu bằng ngòi bút tiến lên thành một nghệ sĩ chiến sĩ cách mạng đấu tranh giữ vững ngọn cờ văn nghệ yêu nước và xã hội chủ nghĩa, soạn giả Trần Hữu Trang đã sống trọn cuộc đời một nghệ sĩ chân chính. Thân thế, sự nghiệp ông là tiếng gọi, là niềm cổ vũ cho giới văn nghệ nói chung và đặc biệt đối với các nghệ sĩ sân khấu.

“Nay đồng chí Trần Hữu Trang không còn nữa. Nhưng những việc làm dở dang của đồng chí, những người làm cải lương chúng tôi nguyện tiếp tục phấn đấu, góp phần nhỏ của giới sân khấu, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ cướp nước”.

Đó là điều tâm nguyện của nghệ sĩ Ba Du, người bạn cố tri đối với soạn giả Trần Hữu Trang.

Và đây là lời nghệ sĩ Kim Xuân, thuộc thế hệ đi sau: “Nhớ thương người nghệ sĩ lão thành, giới sân khấu cũng như anh chị em văn nghệ sĩ nguyện học tập tinh thần anh dũng bền bỉ chống đế quốc Mỹ, và tinh thần tận tụy yêu nước, yêu nghề của bác. Chúng cháu nguyện đem hết sức mình làm cho nghệ thuật nước nhà ngày càng phát triển xứng đáng là nền nghệ thuật ưu tú của một nước độc lập tự do”.

Tên tuổi soạn giả Trần Hữu Trang thật xứng đáng được ghi trân trọng trong lịch sử văn học và lịch sử nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Tư trang với đoàn Phước Chung

Trong phong trào kháng chiến chống xâm lược Pháp của Nhân dân Nam Bộ, Trần Hữu Trang cùng với số đông nghệ sĩ cải lương khác đã tham gia đội ngũ hoạt động trên nhiều vị trí và địa bàn khác nhau: Năm Châu, Tư Trang, Tám Danh, Ba Du, Bảy Vân, Triệu An, Năm Thanh Hương, Ngọc Trai… vào chiến khu miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam Bộ.

Để tạo được cơ sở hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn và các vùng đô thị, các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Trang đã thành lập ban “Việt kịch Năm Châu”, một kiểu đoàn hát cải lương không phải của tư nhân mà do tập thể quản lý, dần dà tạo được những cơ sở tập hợp và tương trợ trong giới cùng nghề nghiệp như Hội Nghệ sĩ, Ái hữu (1948) trụ sở tại đường Cô Bắc, Quận 1, Sài Gòn; khu nhà tập thể của diễn viên và công nhân sân khấu gồm hai dãy trại 14 căn tại dốc cầu Bông (Gia Định), từ năm 1956 thường gọi là trại Phước Chung. Toàn bộ những cơ sở trên đây đều là địa bàn hoạt động cách mạng của nghệ sĩ Năm Châu và soạn giả Trần Hữu Trang, nơi đào tạo và tiếp nhận một đội ngũ cán bộ kháng chiến trong giai đoạn chuyển tình thế sau này.

Với chương trình tiết mục khá phong phú, đặc sắc do hai soạn giả tài năng là Năm Châu và Tư Trang chủ biên: Tây Thi gái nước Việt, Người với người, Miếng thịt người, Thái tử Hàm – Lệ (Hamlet), Tìm hạnh phúc, Đời cô Lựu, Hậu chiến trường, Tấm lòng trinh… đoàn Việt kịch Năm Châu đã khêu gợi trong tâm tưởng công chúng thời bấy giờ ý thức dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống áp bức bạo tàn, chống bất công.

Mặc dầu tồn tại và hoạt động trong những điều kiện không ít khó khăn, gian khổ, cuộc sống hằng ngày thường khi bữa đói bữa no, sáng xôi chiều cháo, thường xuyên diễn ở đình Phú Hoà, gánh Việt kịch Năm Châu dưới sự dẫn dắt của đồng chí Nguyễn Văn Hiếu (sau này Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin) và của hai soạn giả cách mạng cũng những cơ sở nòng cốt khác vẫn chú trọng công tác giáo dục nội bộ, thực hiện tác phong sinh hoạt “đời sống mới” (ăn cơm dùng đũa hai đầu, không cờ bạc hút xách hoặc rượu chè be bét…).

Tất cả những cơ sở và điều kiện đặc biệt trên đây là tiền đề cho mỗi phong trào đấu tranh chính trị khá sôi nổi và đầy khí thế vào những năm 1955-1957 sau Hiệp định Giơ-ne-ve mà dư âm vang vọng của nó vẫn không dứt, vẫn tác động sâu sắc đặc biệt trong giới sân khấu cải lương ở miền Nam.

Tháng 7/1945, tiếng súng kháng chiến vừa dứt, thì ở Sài Gòn, cuộc chiến đấu mới đã tiếp diễn ngay trên các đường phố và trên sân khấu cải lương. Sự đột nhập về thành phố của một số đông cán bộ kháng chiến hoạt động văn hoá nghệ thuật đã tạo ra một khí thế ồ ạt. Khán giả Sài Gòn – Chợ Lớn được thưởng thức những chương trình ca múa, với các tiết điệu kháng chiến.

1955, tập thể gánh Việt kịch Năm Châu đã thực hiện đấu tranh với ngụy quyền chống thủ đoạn đốt nhà, đuổi dân chiếm đất ở Năng-xin. Và sau đó, vở cải lương. Người mặt cháy từng trình diễn trên sân khấu “Chiến khu xanh”, lần đầu tiên ra mắt công chúng thành phố, liền bị chính quyền Ngô Đình Diệm chú ý. Có lần, chúng huy động lực lượng cơ giới bao vây rạp Nguyễn Văn Hảo khi ở đây một chương trình ca vũ của Việt kịch Năm Châu được khán giả hoan hô sôi nổi. Bọn thống trị vừa mới lên ngôi bắt giam và hăm dọa rúng ép nghệ sĩ Năm Châu và cha con người quản lý Trần Văn Kiết.

Tình hình đến mức khẩn trương, chi bộ Đảng Cộng sản, linh hồn của đoàn, gồm một số soạn giả, nghệ sĩ, cán bộ quản trị, bàn kế hoạch đối phó chống âm mưu của ngụy quyền. Sau khi dựng tiếp thêm vở Người nghèo trong khói lửa của Phạm Trần (tức Phi Vân, soạn giả, đảng viên Đảng Cộng sản, con rể đồng chí Tư Trang, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ngày 19/6/1966), Nghệ sĩ Năm Châu buộc phải lánh mặt, rời đoàn và hoạt động trong phong trào hòa bình do các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Hiếu, Mã Thị Chu lãnh đạo. Đầu năm 1960, gánh Việt kịch Năm Châu, không có Năm Châu, ở vào một tình thế bức bách, trước hai con đường và hai phương án lựa chọn: hoặc là giải tán, chạy dài hoặc là đối đầu với khủng bố, gian nguy và tù tội. Trong một phiên họp do đồng chí Tư Trang chủ trì, đa số anh chị em cán bộ và nghệ sĩ chọn con đường hành động cách mạng vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, và tập thể quyết định đổi bảng hiệu Việt kịch Năm Châu thành Phước Chung.

Nhưng sau đó, do nội dung chính trị tư tưởng của các vở Người nghèo trong khói lửaNgười mẹ hiền, không bao giờ được chính quyền Ngô Đình Diệm để yên cho diễn tại Sài Gòn, đoàn Phước Chung phải mở đường lưu diễn miền Trung.

Thời gian ấy, miền Trung gặp mưa lũ lớn, việc di chuyển đối với một gánh hát nhỏ thật là vất vả không kém những gian khổ thuở 9 năm chống Pháp. Nhưng với tinh thần tập thể chiến đấu, với tác phong của những con người chiến sĩ nghệ thuật được giác ngộ cách mạng ở mức độ nhất định, Phước Chung đã gieo được những ấn tượng tình cảm tốt đẹp trong Nhân dân các vùng thị xã, thị trấn và đặc biệt là các vùng nông thôn kháng chiến cũ.

Năm 1957, Phước Chung lại ra mắt khán giả Sài Gòn với một loạt vở mới có nội dung tiến bộ được đông đảo công chúng ưa thích: Nhuỵ hoa lan, Bạo chú Huy Linh, Cây tương tư, Chị chồng tôi, Gió ngược chiều, Thủ cấp của ai, Giờ thức tỉnh. Vở Nhuỵ hoa lan của soạn giả Mai Quân (sau này là Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh) bị tên bồi bút của chính quyền Diệm là Vũ Bắc Tiến tấn công dữ dội bằng hàng loạt bài báo trên báo Sài Gòn. Để tránh sự khủng bố của địch xem Phước Chung là đội ngũ “Văn nghệ nằm vùng” của Cộng sản, đoàn đã né xuống miền Tây và trở ra miền Trung (Trung Bộ) lần nữa.

Trở lại Sài Gòn 1959, mặc dầu lúc này chính quyền phát xít Ngô Đình Diệm phản kích điên cuồng phong trào cách mạng, với nữ diễn viên Lan Chi, người được giải Thanh Tâm 1959, Phước Chung lại tái diễn một màn của Nhuỵ hoa lan. Địch ra tay khủng bố tìm bắt soạn giả Trần Hữu Trang, giam giữ soạn giả Phạm Trần. Đi miền Trung lần thứ ba trong vòng hai năm, Phước Chung dựng liên tiếp những vở có nội dung nêu cao tinh thần yêu nước truyền thống dân tộc đậm nét hơn:Hồn thiêng sông núi, Vì tôi là người Việt, Lối về Nhựt Tảo (1962)…

Năm 1960, đồng chí Trần Hữu Trang, do yêu cầu của tình hình cách mạng phát triển, đã ra vùng giải phóng tham dự Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), được bầu vào Uỷ ban Trung ương Mặt trận và sau đó, nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Một số cán bộ đảng viên không còn điều kiện hoạt động công khai hợp pháp, được lịnh “điều lắng” phải chuyển vùng, chuyển hướng công tác hoặc được rút vào chiến khu: Ba Thanh Loan (1962), Bảy Vân, Chín Châu, Ba Thừa Vĩnh, Việt Nhân, Nguyên Mỹ (1963), các soạn giả Phong Anh, Phạm Trần tức Phi Vân (1964)… và cùng vào thời điểm này còn có cả một số nam nữ nghệ sĩ cải lương ở các đoàn khác nữa: Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Cẩm Vân tức Mỹ Ngọc (1964)… Như vậy, mặc nhiên, Phước Chung bớt hẳn đi một lực lượng thành viên trụ cột già dặn, trung kiên đáng kể, nhất là vào lúc văn hoá thực dân mới tiếp tục ập vào mạnh mẽ, theo chân quân đội viễn chinh Mỹ. Phước Chung nếu trước đây có vai trò như một pháo đài tấn công, một mũi đột kích về văn hoá và tư tưởng ngay giữa lòng địch, thì ở giai đoạn này, nó phải chiến đấu vật lộn vất vả nhiều mặt để tồn tại vì ngay những đại ban cải lương khác như Thanh Minh – Thanh Nga, Hương mùa thu, Dạ lý hương, Út Bạch Lan – Thanh Được, Kim Chưởng… mặc dù có lú bố lên như diều gặp gió, nhưng cuồng phong bão táp của văn hoá Mỹ đã dấy lên dang rộng đôi cánh tàn bạo của nó, mở đầu cho một thời kỳ nguy khốn nhất của sân khấu cải lương, của nền nghệ thuật dân tộc nói chung.

Từ những năm 65, 66, 67 rồi 68, 69 (thế kỷ XX), đồng chí Trần Hữu Thường với bí danh Mười Bền và tên công khai là soạn giả Anh Thế, kế tục sự nghiệp Phước Chung của cha và các anh chị (Phạm Trần, Trần Thị Đề, Thanh Đạm) cùng với các đồng chí trong chi bộ Phước Chung, tính đến lúc này đã mấy phen “lột xác”, lèo lái gánh hát trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo: (Chi bộ Đảng lúc này còn vỏn vẹn mấy đồng chí: Ba Việt (tức soạn giả Phi Hùng) và chị Hai Nữ. Với sự tiếp trợ của các đồng chí Tùng Linh, Hoài An (tức Trương Bỉnh Tòng), Mai Quân, đoàn dựng thêm một số vở: Mông Kha đại đế, Cù Thị Ai Vương, Trăng soi đầu máu.

Trước nguy cơ văn hoá nô dịch, phản động và đồi trụy do Mỹ ngụy truyền bá, khu uỷ Đảng Cộng sản Việt Nam khu Sài Gòn – Gia Định chủ trương phát động phong trào bảo vệ văn hoá dân tộc (1966), được đông giới trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh hưởng ứng. Đồng chí Việt Thường và ban lãnh đạo Phước Chung, đã đưa gánh hát hăng hái vào trận, phát huy tác dụng của Hội Nghệ sĩ Ái hữu và tạo uy tín chính trị của gánh hát trong giới sân khấu.

Vào thời gian này, (1966) đội ngũ văn nghệ, sân khấu vùng giải phóng và lực lượng cải lương thành phố chịu liên tiếp những tổn thất đau đớn nhất, đó là trường hợp hy sinh do bom B52 của Mỹ: đồng chí Trần Hữu Trang, các đồng chí Bảy Vân, Phạm Trần, Phong Anh và Nguyễn Ngọc Cung.

Riêng đối với Phước Chung và với những “Nghệ sĩ tiền phong” (Năm Châu, Bảy Phùng Há, Ba Vân, Tám Danh, Ba Du, Bảy Nam…) thì những mất mát ấy càng không có gì bù đắp được.

Sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình miền Nam trải qua những biến đổi lớn. Cuộc chiến đấu giữa cách mạng và xâm lược phản động cài thế ác liệt, đòi hỏi lực lượng nghệ sĩ yêu nước tiến bộ phải vận dụng những hình thức đấu tranh mới.

Tháng 2/1969, Phước Chung hoàn thành nhiệm vụ lịch sử với 18 năm tồn tại dai dẳng.

Việt kịch Năm Châu (1948-1956) rồi Phước Chung (1956-1969) là hiện tượng khá đặc biệt của lịch sử sân khấu đất nước. Đây là hình ảnh những hoài bão quý nhất của nghệ sĩ Tư Trang, một gương mặt rạng rỡ nhất trong những gương mặt rạng rỡ của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Nó là biểu hiện ý chí kiên cường, tính kỷ luật chiến đấu cách mạng của những nghệ sĩ được giác ngộ và tình nguyện đi theo Đảng Cộng sản với tất cả bầu nhiệt huyết không một ngày vơi cạn, với một nội tâm dạt dào được phát lộ nhuần nhuyễn, tinh vi và bén nhạy bằng mọi hình thức và ngôn ngữ đặc biệt của giới mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Còn nữa.

Nguồn: Nghiencuulichsu.com