278 lượt xem

Nam Quốc Cường

 

Nam Quốc Cang (1917-1950) - Nguyễn Văn Sinh

 

Nam Quốc Cang (1917-1950) tên thật là Nguyễn Văn Sinh, sinh năm 1917(1) tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi(1). Năm 1935(2), ông rời Quảng Ngãi vào Sài Gòn sinh sống và tham gia vào các hoạt động báo chí đang phát triển mạnh mẽ tại Sài Gòn

 

Ông lần lượt cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ như: Đông Dương, Tân Thời, Thời Sự, Nghĩa Thầy, Dân Quyền, Sài Gòn, Tin Điễn, Dân Báo, Công Lý, Truyền Tin, Presse Indochinoise (Báo chí Đông Dương), Renaissance Indochinoise (Phục hưng Đông Dương), Soie d’Asie (Chiều châu Á). Ngoài ra, ông còn làm việc cho một số hãng thông tấn của Pháp và Nhật.

 

Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, thực dân Pháp âm mưu hòng đặt lại ách thống trị của chúng ở Việt Nam và ba nước Đông Dương. Được sự hỗ trợ của thực dân Anh và đế quốc Mỹ, thực dân Pháp bèn gửi quân sang Đông Dương và Việt Nam. Bước đầu chúng đã đặt được những căn cứ quân sự ở những trung tâm thành thị thuộc khu vực Nam bộ và miền Nam Trung bộ. Ngay sau đó, chúng tiến hành âm mưu tách miền Nam Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Chúng dựng lên Chính phủ Nam Kỳ tự trị ở Sài Gòn. Sau những thất bại trước quân và dân miền Nam, ngày 23-9-1945 chúng đã quay trở lại để đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh thành thuộc khu vực Nam bộ nhằm làm bàn đạp để đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và toàn cõi Đông Dương.

 

Thời gian này, Nguyễn Văn Sinh ngoài viết bài cho báo, ông còn tìm cách để liên lạc với những nhóm sinh viên yêu nước người Nam bộ từ Hà Nội trở về Sài Gòn hoạt động như: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ,... Đây là nhóm người đã tích cực ủng hộ Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ Nam kỳ và Phong trào Thanh niên Tiền phong - đây là những tổ chức quần chúng của Xứ ủy Nam bộ (Đảng Cộng sản Đông Dương). Ngoài ra, ông còn vận động giới báo chí Sài Gòn tham gia cuộc tuần hành ngày 25-8-1945 - Ngày Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi.

 

Là một cây bút có lối viết trào phúng, chế giễu nhạy bén và không kém phần chua cay, ông phụ trách mục Trớ trêu cho báo Tin Điễn - lúc đó đang là tờ báo nổi tiếng chống chính quyền bù nhìn và thực dân Pháp sau khi chúng tái chiếm Việt Nam, được đông đảo độc giả yêu thích. Bên cạnh đó, ông còn tham gia viết bài cho tờ báo bí mật Cảm Tử của Tổng Công đoàn Nam bộ. Ông thường ra vào chiến khu An Phú Đông, bấy giờ là vùng căn cứ của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Về sau, ông rút theo kháng chiến lên miền Đông Nam bộ, rồi trở ra Bình Thuận. Tại Bình Thuận, ông có nhiều đóng góp tích cực cho Ban Tuyên huấn địa phương. Nhưng về sau, phần do bị bệnh, phần gia đình gặp cảnh khó khăn nên ông phải quay trở lại Sài Gòn cùng gia đình, viết báo để kiếm sống.

 

Ông tích cực viết bài cho nhiều tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn lúc bấy giờ, mỗi bài viết của ông đều lên tiếng ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, vạch trần những âm mưu và thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân, lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đồng thời ông còn tham gia vào Ban chấp hành Liên hiệp Báo chí gồm: Lê Thọ Xuân, Triệu Công Minh, Trúc Chi và trong Tổ chức Báo chí Thống nhất - nơi tập hợp các nhà báo yêu nước chống lại chủ trương nước Nam Kỳ tự trị nhằm chia cắt đất nước của địch. Lúc đầu, phong trào Báo chí Thống nhất ở Sài Gòn đã quy tụ được tám tờ báo là: Kiến Thiết, Tân Việt, Việt Bút, Tin Điễn, Nam Kỳ, Lendemains (Những ngày mai), Sud (Phương Nam), Justice (Công lý). Từ đó, phong trào ngày càng phát triển mà đỉnh cao là bản Tuyên ngôn ngày 10-10-1946, đã bày tỏ thái độ của giới báo chí Sài Gòn ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Trên nhiều tờ báo, đặc biệt là tờ Tin Điễn, Nguyễn Văn Sinh đã sử dụng hai bút danh: Nguyễn Thạch Sơn và Nam Quốc Cang. Bút danh Nguyễn Thạch Sơn được ông ký chủ yếu dưới những bài chính luận, biên khảo. Còn bút danh Nam Quốc Cang được ghép từ tên ba nhà báo của tờ Tin Điễn, hai người đầu là hai cây bút chuyên nghiệp: Nguyễn Kỳ Nam và Trần Tấn Quốc, người sau là nữ chủ nhiệm Ana Lê Trung Cang (Quốc tịch Pháp), bởi ba người này là những cây bút sắc sảo thời bấy giờ, họ chủ trương thống nhất Việt Nam, chống lại nhóm Nam Kỳ tự trị. Chính vì vậy, bài viết của 3 nhà báo trên bị chính quyền thực dân kiểm duyệt, cắt bỏ và khủng bố, nên họ mới ghép tên của ba người làm bút danh cho Nguyễn Văn Sinh.

 

Bấy giờ, mỗi một tờ báo khi xuất bản thường trình bày gồm: 1/ Bài phông (article de fond) – tức xã luận, nói lên quan điểm của báo; 2/ Bài phim (au film du jour) – tức tiểu phẩm châm biếm dựa trên những chuyện xảy ra hằng ngày. Những tiểu phẩm ở mục Trớ trêu do Nam Quốc Cang phụ trách xuất hiện thường xuyên trên Tin Điễn, với lời văn giản dị nhưng mạnh mẽ, sắc bén đã châm biếm kẻ địch. Trong những bài viết của ông, chúng ta thấy đầy sự bỡn cợt nhưng rất chua cay và sâu sắc, chỉ trong mấy mươi dòng, ông đã biến thực dân Pháp và Chính phủ Nam Kỳ tự trị trở thành trò cười cho thiên hạ, đánh cho bọn chúng những đòn thật đau. Trong hồ sơ của Sở Mật thám Pháp, tiểu sử của ông đã được ghi vào sổ bìa đen của chúng, trong đó có đoạn: “… Nam Quốc Cang tức Nguyễn Văn Sinh. Sinh ở Quảng Ngãi năm 1914. Nguyên giáo sư tư thục trường Quốc Bảo tại Sài Gòn. Nguyên biên tập viên các báo Tân Thời, Thời Sự, Dân Quý, Nghĩa Thầy, Renaissance Indochinoise. Cộng tác với Nhật, làm thông ngôn cho hãng thông tấn API của Nhật. Cảm tình viên Cộng sản. Cộng tác với báo Tin Điễn - tờ báo chủ trương thống nhất, thân Việt Minh”(3).

 

Không chỉ viết báo, ông còn đấu tranh trực diện ngay với đại diện của Chính phủ Pháp - Tổng trưởng Hải ngoại Marius Moutet, sau khi ông này đến Sài Gòn ngày 26-12-1946. Ngày 4-1-1947, Nam Quốc Cang trong Phong trào Báo chí Thống nhất đã trình bày chủ trương của phong trào là đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Việt Nam và đấu tranh chống việc đóng cửa các tờ báo.

 

Ngoài việc viết báo công khai, ông còn tham gia viết báo bí mật trên tờ Tổ Quốc trên hết của Thành hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ lâu, Nam Quốc Cang trở thành cái gai nhọn trong mắt của bọn thực dân và nhà cầm quyền đương thời, ông từng bị chúng bắt giam vào bót Catinat nhiều lần bởi tội viết nhiều bài trên tờ Tổ Quốc trên hết với bút danh Dân Thanh. Năm 1949, cơ sở in tờ báo này bị mật thám phát hiện, hơn 60 người là Hội viên của Thành hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn bị bắt gồm những nhà giáo, trí thức, cán bộ công chức… yêu nước, trong đó có nhà báo Nam Quốc Cang.

 

Đầu năm 1950, Sài Gòn đã xảy ra nhiều sự kiện lớn, vang dội trong cả nước và trên toàn thế giới. Tiêu biểu là vụ biểu tình ngày 9-1 của học sinh, sinh viên đòi chính quyền thực dân phải mở cửa lại trường học cho học sinh nội trú được trở lại học, bảo đảm an ninh cho học sinh và thả những học sinh bị bắt giam vô cớ. Trong vụ biểu tình rầm rộ này, học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết; Bên cạnh đó, vụ mít-tinh biểu tình ngày 19-3 của đồng bào các giới chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, với sự hiện diện của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã làm cho giới cầm quyền ở Sài Gòn bị một đòn đau choáng váng.

 

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các giới chống thực dân Pháp và Chính phủ bù nhìn tại Sài Gòn đang dâng cao mạnh mẽ. Nhất là giới báo chí đã có một ảnh hưởng không nhỏ đối với mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, nhà cầm quyền cố tình gây những cuộc bắt bớ, đàn áp và triệt hạ những ký giả thân Việt Minh. Vào khoảng 10 giờ 45 phút ngày 6-5-1950, sau khi chuẩn bị bài và tin tức cho nhà in lên khuôn báo Dân Quý, Nam Quốc Cang đi cùng Chủ nhiệm báo Thời Cuộc (đã bị đóng cửa) là Đinh Xuân Tiến và ba nhà báo khác đến uống nước tại một quán nhỏ trong hẻm đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) gần nhà in Sông Gianh. Bỗng hai thanh niên xuất hiện, một người bắn vào Đinh Xuân Tiến, làm ông ngã gục. Bốn người còn lại bỏ chạy, những phát súng liên tiếp nhắm vào họ nổ vang, một người không có việc gì, hai người bị thương nhẹ, còn Nam Quốc Cang bị trúng đạn chết. Người ta cho rằng Nam Quốc Cang bị bọn mật thám của Pháp ám sát khi ông mới 33 tuổi. Cái chết của ông đã gây chấn động trong giới báo chí và dân chúng Sài Gòn lúc bấy giờ.

 

Sáng ngày 9-5-1950, hai đoàn thể công khai của Cách mạng là Liên hiệp Báo chí và Liên hiệp Văn nhân đã đứng ra tổ chức đám tang cho nhà báo Nam Quốc Cang. Đám tang Nam Quốc Cang đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của báo chí tiến bộ, yêu nước và của hàng vạn quần chúng, học sinh, sinh viên Sài Gòn và những nhóm trí thức người Pháp tiến bộ. Tất cả đã cực lực lên án tội ác man rợ của thực dân Pháp và chính phủ bù nhìn Sài Gòn đối với giới trí thức Nam bộ.

 

Linh cửu của ông được đưa từ Bệnh viện Chợ Rẫy (đường Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 hiện nay) đi qua các đường phố và dừng chân trước căn nhà của ông trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Quận 1) rồi sau đó tiếp tục đi đến Nghĩa trang Phú Nhuận. Trên đường đi, đoàn người đã dừng lại bên vườn hoa trên đường Pasteur, Quận 1 để làm lễ truy điệu ông. Không khí buổi truy điệu diễn ra vô cùng trang nghiêm đã làm cho cảnh sát không dám đối phó thô bạo. Trong giây phút thiêng liêng đó, nhà báo Nguyễn Văn Mại đã thay mặt giới báo chí Sài Gòn giới thiệu đôi nét về công lao của Nam Quốc Cang đối với làng báo Sài Gòn trong suốt những năm tháng khi ông còn sống. Sau đó, nhà văn Dương Tử Giang đọc trước đồng bào Sài Gòn tiểu sử của Nam Quốc Cang và đọc bài thơ điếu đầy lòng căm hờn nhưng châm biếm sâu sắc nhằm tiếc thương cho một nhà báo tài hoa nhưng vắn số:

 

“Anh Nam Quốc Cang!

Nam Quốc Cang! Nam Quốc Cang!

Vinh hoa phú quý anh không màng

Với ngòi bút sắt vào nghề khổ

Mười lăm năm chẵn, cầu đoạn tràng.

Nam Quốc Cang! Nam Quốc Cang!

Giọng văn mai mỉa, lời ngang tàng

Người đọc thích chí cười khúc khích

Kẻ bị châm biếm chuôi vô hang!

Trốn đâu cho khỏi ngòi bút anh

Suốt 5 năm qua anh rỡ danh

Với bài Trớ trêu, trêu phản động

Mỉa mai ỷ của, cậy quyền hành…”.

Ngày 4-4-1985, nhà báo Nam Quốc Cang - người con của quê hương Quảng Ngãi, một nhà báo kiên trung trên Mặt trận Báo chí đã vinh dự được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn để đặt tên cho một con đường nằm ở trung tâm thành phố./.

 

VÕ VĂN HOÀNG

 

CHÚ THÍCH:

 

  1. Trong sách Mùa Thu rồi, ngày 23, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996; Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, Nxb VH-TT, 2001; Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Nxb TP.HCM, 1998; Tự điển thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2001; và nhiều tư liệu khác đều cho rằng ông sinh năm 1917, tại Bình Định. Nhưng trong Hồ sơ của Sở Mật thám Pháp ghi ông sinh năm 1914 tại Quảng Ngãi.

 

  1. Một số tài liệu cho rằng ông vào Sài Gòn năm 1940. Nhưng theo bài thơ điếu Nam Quốc Cang của Dương Tử Giang và bài báo của Thanh Giang: Nam Quốc Cang-Nguyễn Văn Sinh (1917-1950), một nhà báo yêu nước bất khuất, một ngòi bút châm biếm sắc hơn gươm, Báo Văn Nghệ TP.HCM, ngày 3-5-1985 thì cho rằng ông vào Sài Gòn năm 1935.

 

  1. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu TĐBCPNP-E7/156.

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org