279 lượt xem

Lễ giỗ Cụ Nguyễn - Tấm lòng tri ân của nhân dân Nam Bộ

Từ bao đời nay, nhân dân Việt Nam luôn thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao của những vị anh hùng dân tộc, những người đã hy sinh vì đất nước, có công gây dựng một vùng đất cho hậu thế… Và, đó là nét đẹp trong văn hóa Việt…

Một trong những hình thức phổ biến để nhớ đến công lao của người đã khuất, đó là tổ chức những lễ hội nhân ngày đặc biệt, tạo nên sự kiện tôn vinh người có công. Trong lễ hội, phần lễ là phần nghi thức tế bái mang tính tâm linh, tỏ lòng thành kính đến các bậc thánh thần, tiền nhân. Phần hội được tổ chức để góp phần thu hút mọi người đến và tham gia lễ hội, tạo sự gắn kết cộng đồng bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vui chơi đa dạng. Lễ giỗ Cụ Nguyễn từ lâu đã trở thành lễ hội truyền thống không chỉ của riêng tỉnh Kiên Giang mà còn của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Lâu dần, người dân quen gọi lễ giỗ này là “Lễ giỗ Ông Nguyễn”, “Lễ hội Ông Nguyễn” hay “Lễ hội Nguyễn Trung Trực”.

Mặc dù là vị thần do dân phong tặng, song lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực đã được tổ chức như lễ hội các vị thần được chính thức sắc phong. Phần lễ theo đúng nghi thức tế lễ truyền thống, một số hoạt động hội trở thành nội dung không thể thiếu của lễ hội. Nghi thức lễ chính được tiến hành giống như tế Kỳ Yên cúng thần Thành Hoàng ở đình làng. Với nghị thức tế lễ như vậy là theo điển lệ, tức đảm bảo được tính trang nghiêm và xứng hợp với tôn vị của người anh hùng đã được tôn làm thần từ xa xưa.

Về ngày mất Nguyễn Trung Trực vẫn có sự khác biệt do tài liệu ghi chép, chịu ảnh hưởng của biến cố lịch sử hay do tập tục của nơi thờ cúng. Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn các nơi thờ phụng Nguyễn Trung Trực đều tổ chức lễ hội cúng giỗ vào ngày 28-8 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tại Di tích lịch sử văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực (TP. Rạch Giá) trong 3 ngày 26, 27 và 28-8 âm lịch hàng năm.

Mặc dù dưới thời thuộc Pháp, việc cúng viếng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị cấm đoán gắt gao, nhưng nhân dân các tỉnh Long An, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… vẫn bí mật thờ và tổ chức lễ giỗ Cụ Nguyễn. Càng về sau, việc kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trung Trực trở thành một hoạt động văn hóa có tính truyền thống, có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng từ hơn một thế kỷ nay. Dịp lễ hội, Di tích lịch sử văn hóa đình Nguyễn Trung Trực (TP. Rạch Giá) được xem là nơi thờ phụng chính vị thần Nguyễn Trung Trực đã thu hút hàng triệu người dân khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác về tham dự. Hiện nơi đây còn lưu giữ 2 bức sắc phong và các bức hoành phi. Cũng căn cứ từ sắc phong và các bức hoành phi này, có thể xác định tiền thân của Di tích lịch sử văn hóa đình Nguyễn Trung Trực ngày nay là ngôi đình đã được xây dựng nên từ năm 1869. Sau một số lần trùng tu, đến ngày 22-3-1988, Đình Nguyễn Trung Trực (cũ) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, đồng thời Đình Nguyễn Trung Trực được gọi là Di tích lịch sử văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực cho đến ngày nay.

Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực do nhân dân Kiên Giang và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng tham gia tạo dựng nên. Lễ hội cũng tạo điều kiện cho các giới đồng bào về đây bày tỏ lòng tôn kính, đồng thời nâng cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết dân tộc, yêu nước. Trong thời gian tổ chức lễ hội, người dân đến tham dự, chiêm bái ngày đêm không ngớt. Các nghi thức cúng được thực hiện trang trọng, đúng nghi lễ tryền thống (cổ lệ). Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng, khi từ một lễ giỗ bình thường được nâng lên thành lễ hội, số lượng người tham gia lễ hội hàng năm ngày một tăng. Đến tham gia lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực, người dân cảm thấy phấn khởi, vui vẻ, hòa nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội… Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực là một lễ hội cộng đồng đặc biệt, có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân mà rất ít lễ hội nào ở Việt Nam có được.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang dựa trên cơ sở tín ngưỡng dân gian đã góp phần giữ gìn, phát huy đạo lý, tình nghĩa của con người Việt Nam, góp phần khẳng định mình, tạo nên một “con đê” ngăn chặn xu thế đồng hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực nhằm khích lệ các thế hệ làm điều tốt lành, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của cha ông.

(Lượt trích theo quyển sách “Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”)


Hoàng Giám