254 lượt xem

Ỷ Lan

NGUYÊN PHI Ỷ LAN


Linh Nhân Hoàng thái hậu tức phi tần của Lý Thánh Tông tức mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông thường được biết với tên gọi Nguyên phi Ỷ Lan. Một số văn bản khác gọi bà là Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến hoặc Lê Khiết; trong cuốn Mộng khê bút đàm (quyển 2), Thẩm Hoạt (học giả người Tống) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, tuy nhiên, Hoàng Xuân Hãn bác bỏ nhận định. Tác giả Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý cho rằng: “Yến Loan” là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan.

Linh Nhân Hoàng thái hậu tức phi tần của Lý Thánh Tông tức mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông thường được biết với tên gọi Nguyên phi Ỷ Lan. Một số văn bản khác gọi bà là Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến hoặc Lê Khiết; trong cuốn Mộng khê bút đàm (quyển 2), Thẩm Hoạt (học giả người Tống) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, tuy nhiên, Hoàng Xuân Hãn bác bỏ nhận định. Tác giả Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý cho rằng: “Yến Loan” là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan.

Là nhân vật nổi tiếng của triều Lý nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung, không ngạc nhiên khi thân thế, sự nghiệp của Ỷ Lan xuất hiện và được đề cập, giải mã khá chi tiết, đầy đủ trong chính sử cũng như văn học.

Nguyên phi Ỷ Lan - thân thế, sự nghiệp

Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt sử lược đã sớm đề cập đến Ỷ Lan. Sự kiện “nhập cung” của Nguyên phi diễn ra năm 1063 (năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 5), được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại khá tỉ mỉ. Các sử thần nhà Lê còn cung cấp thêm thông tin: “Long Chương Thiên Tự năm thứ 3 (tức năm 1068)… Đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên Phi. Như vậy có thể khẳng định: Ỷ Lan sinh tại hương Thổ Lỗi, tương đương với một phần đất thuộc xã Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội ngày nay.

Từ khi nhập cung đến năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7, Ỷ Lan ở tại gác Du Thien. Ba năm sau, bà sinh Hoàng thái tử Càn Đức và được vua Lý phong Thần phi.Năm Thần Vũ thứ 4 (năm 1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức nối ngôi khi mới 7 tuổi, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất, “tôn Lan Nguyên phi (mẹ đẻ) làm Hoàng thái phi, tôn Thượng Dương thái hậu (mẹ đích) làm Hoàng thái hậu, cùng bàn chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”.

Theo Ngô Sĩ Liên, Nguyên phi Ỷ Lan “có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng”. Hiểu ý mẹ đẻ, năm 1073, Lý Nhân Tông “sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông”. Sự kiện này được Đại Việt sử lược chép lại khá tương đồng về nội dung, chỉ khác về số cung nữ bị chôn theo (72 người).



(Tam quan tại di tích Đền Nguyên phi Ỷ Lan - Chùa Bà Tấm (Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội). Nguồn: Sưu tập
 

Sử cũ không chép nhiều về Linh Nhân Hoàng thái hậu trong quãng thời gian từ năm 1073 đến trước năm 1097. Tuy nhiên, vai trò “nhiếp chính” của Ỷ Lan, cùng tình hình nước Đại Việt khá yên ổn, thanh bình trong hơn hai mươi năm cuối thế kỷ XI có thể xem là căn cứ để khẳng định: Bà là người có tài trị quốc an dân!

Kể từ năm 1088, nhà Lý dành nhiều quan tâm tới Phật giáo. Năm Hội Phong thứ 6 (1097), “bấy giờ trong nước giàu đủ”, Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng “nhiều chùa Phật”. Năm 1103, “Thái hậu phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo” trước đó bị bán cho những người góa vợ” (năm 1103)”. Trong việc chấn hưng, phát triển Phật giáo, Ỷ Lan là người “chỉ đạo dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa” (năm 1115).
 


(Chùa Bà Tấm (Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội, báo thanh niên 2009). Nguồn: Sưu tập
 

Liên quan đến Nguyên phi Ỷ Lan và Phật giáo, phải kể đến bộ Thiền uyển tập anh (6 quyển) - cuốn sách bằng chữ Hán, là tài liệu cổ nhất của Phật giáo Việt Nam, được soạn giả Kim Sơn (thiền phái Trúc Lâm) soạn vào năm 1337.


Thiền uyển tập anh (bản dịch của Lê Mạnh Thát năm 1976) ghi lại một số sự kiện liên quan tới Ỷ Lan như sau cuộc đối đáp với Quốc sư Thông biện ngày 15 tháng 2, mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1016), bài Kệ Ngộ đạo: Sắc là không, không tức sắc/Không là sắc, sắc tức không? Sắc - Không đều không bận, mới hiểu được chân tông!

Thái hậu Ỷ Lan cũng là người rất quan tâm đến nông nghiệp qua việc “định rõ lệnh cấm giết trộm trâu” với những hình phạt rất nghiêm khắc tháng 2, năm 1117. Ngày 25 tháng 7 cùng năm, Ỷ Lan qua đời, bà được “Tôn dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”, chôn cất theo hình thức hỏa táng (Tháng 8, an táng Thái hậu Linh Nhân. Hỏa táng Thái hậu có ba người được táng theo. Đêm ấy rồng hiện ra - Đại Việt sử lược).

Trong thần tích, cổ tích

Về thân thế, con người và sự nghiệp Ỷ Lan trong thần tích, phải kể đến bản diễn ca thần tích: Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ về Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý) tương truyền do Thị nội cung tần Trương Thị Ngọc Trong sáng tác. Bản diễn ca này được chép trong cuốn Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả (tài liệu hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.959) gồm 606 câu, dưới bản Diễn ca thần tích tác giả ghi thời gian hoàn thành là tháng 8 năm 1759 (tức năm Cảnh Hưng thứ 20 đời Lê Hiển Tông).

Tác giả Tân An trong bài viết Nữ sĩ Trương Thị Ngọc Trong (Báo Nhân dân cuối tuần, số ra ngày 13/3/2012) đã tóm tắt nội dung bài diễn ca thần tích như sau:

- Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Khiết Nương (nàng Khiết), cha là người nông dân họ Lê, người thôn Thổ Lỗi (như diễn ca viết Lỗi hương chốn ấy có nhà họ Lê), huyện Gia Lâm. Năm Khiết Nương 12 tuổi thì mẹ đẻ mất, cha lấy mẹ kế họ Ðồng; không lâu sau thì cha cũng qua đời, Khiết Nương sống với mẹ kế. Hai người rất thương quý nhau. Khiết Nương thường đi lễ chùa làng, cầu duyên.

- Năm Giáp Thìn 1064, vua Lý Thánh Tông đã 38 tuổi mà chưa có con, đến chùa Thổ Lỗi cầu tự, rồi cho tổ chức hội để tuyển cung nữ tại vùng quê này. Trong khi mọi người nô nức đi hội, là con nhà nghèo, Khiết Nương vẫn đi làm cỏ ngoài ruộng. Một ông bán dầu đi qua, trò chuyện với Khiết Nương, thấy ở trên đầu nàng có đám mây ngũ sắc, đã đoán rằng Khiết Nương sẽ là cung phi. Vua Lý Thánh Tông thấy Khiết Nương một mình bên đám cỏ lan, lấy làm lạ, đã cho gọi vào hỏi chuyện, rồi cho đón vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân.

- Một thời gian sau, theo lời vua, Ỷ Lan sai một Thái giám là Nguyễn Bông đi cầu tự. Tới chùa Thánh chúa ở làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Bông gặp nhà sư Ðại Ðiên, được bày kế đầu thai để làm vua ở kiếp sau. Nguyễn Bông rình nhìn trộm Ỷ Lan tắm, bị bắt quả tang và chịu án chém (ở làng Vòng có cánh đồng Bông, tương truyền là nơi xử tội Nguyễn Bông), Ỷ Lan có thai, đủ mười tháng thì sinh Thái tử Càn Ðức và được phong làm Thần phi. Vài năm sau, bà lại sinh Hoàng tử (sau được phong là Sùng Hiền hầu).

- Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Ðức nối ngôi lúc còn nhỏ tuổi nên Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tạm cầm quyền chính trị. Trong thời gian nhiếp chính, bà có cho xây dựng nhiều chùa chiền ở nhiều nơi... Lý Nhân Tông không có con. Học trò của sư Ðại Ðiên cho rằng, Lý Nhân Tông do Thái giám Nguyễn Bông đầu thai nên không thể có con. Lý Nhân Tông cùng Thái hậu bèn nuôi con trai của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán và lập làm Thái tử. Dương Hoán lại là hóa thân của thiền sư Từ Ðạo Hạnh, sau lên ngôi với hiệu Lý Thần Tông. Cuối bài diễn ca nêu rằng, Khiết Nương nhờ tin vào đạo Phật, có công đức nên được giàu sang danh vọng, khi mất hóa thành Phật.

Câu kết diễn ca viết rằng:

Ðời sau lấy đấy làm gương

Làm phúc được phúc, tỏ tường chép ghi.


Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn trước hết là tác phẩm văn chương, viết bằng chữ Nôm dưới thể “lục-bát”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chất “sử” trong bài diễn ca, theo tác giả Tân An: “những sự kiện chính yếu như việc vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Thổ Lỗi, thấy Ỷ Lan bên đám cỏ lan, như việc Ỷ Lan phu nhân sinh thái tử Càn Ðức, việc Ỷ Lan Hoàng Thái hậu tạm nắm quyền chính sự... khá khớp với chính sử đã chép”.
 


(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ học di tích Chùa Bà Tấm năm 2015.) Nguồn: Sưu tập
 

Ngoài ra, năm 1998, Hoàng Xuân Hãn công bố cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Phần viết về Ỷ Lan (Chuyện Ỷ Lan - tập 3 phần III Văn học, Nxb Giáo dục) từ trang 971 đến trang 1054 dựa trên cơ sở khảo cứu bản phiên âm thần tích của Trương Thị Ngọc Trong. Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn bố cục Chuyện Ỷ Lan làm 3 phần chính, sau bài tựa là các mục: 1/ Gốc chuyện; 2/ Tác giả truyện Nôm; 3/ Văn bản và cuối cùng là bảng kê các từ hay nghĩa cổ.

Liên quan đến Chuyện Ỷ Lan, TS. Trương Đức Quả đã Góp thêm cách hiểu một số từ trong chuyện Ỷ Lan (bài viết in trên Tạp chí Hán Nôm, số 1 (74) 2006, Tr.63-68). Mục đích của tác giả khi công bố bài viết là muốn “góp thêm một cách hiểu về tác giả và cách hiểu một số từ trong Chuyện Ỷ Lan của cố học giả Hoàng Xuân Hãn”.

 


(Đôi sư tử đá có niên đại thời Lý tại Chùa Bà Tấm (Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội).
 

Ngoài thần tích, Ỷ Lan còn là đối tượng khảo cứu của bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Phần “Khảo dị” về truyện cổ tích Tấm Cám (Nxb Giáo dục, 1957), Nguyễn Đổng Chi có dẫn một dị bản khác về chuyện Tấm Cám. Dị bản này đã có những lý giải tương đối hợp lý cho câu hỏi vì sao Ỷ Lan lại được gọi là Bà Tấm (chùa do Hoàng Thái hậu xây dựng được dân gian gọi là Chùa Bà Tấm). Theo đó, nhân vật Cám là chị, nhân vật Tấm là em “Ở làng Thổ-lỗi (hay Siêu-loại) huyện Gia Lâm có ông Lê Công Thiết và vợ là Vũ Thị Tỉnh chuyên trồng dâu nuôi tằm. Một đêm vợ nằm chiêm bao thấy mình nuốt mặt trăng, sau đó sinh một cô gái tên là Cám (hoặc Khiết Nương). Vợ chết, chồng lấy vợ kế là Chu Thị, sinh một gái khác là Tấm”. Phần tiếp theo của truyện “cũng diễn ra với đủ các tình tiết bắt cá, nuôi bống và nhặt xương bống chôn chân giường đúng như truyện trên vừa kể, chỉ có khác ở chỗ Bụt lại là nhà sư Đại Liên, tu ở chùa Linh nhân”.

Bản “Khảo dị” của Nguyễn Đổng Chi còn cung cấp thêm nhiều thông tin khác, liên quan đến tích “Nguyễn Bông đầu thai”, “hoàng hậu họ Dương” và “bảy mươi mốt cung nữ” … Tác giả Nguyễn Đổng Chi đã dẫn tư liệu từ cuốn Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích nhưng đáng tiếc là nguồn tài liệu này đến nay không còn.


(Dấu tích kiến trúc thời Lý tại Chùa Bà Tấm (Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội). Nguồn: Sưu tập
 


Còn theo Nguyễn Khắc Thuần: chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách “Thiền uyển tập anh” rất có giá trị sau này (Việt sử giai thoại - tập 2, Lược truyện về Ỷ Lan, tr.34). Với vị thế là tác giả bài kệ Ngộ đạo nổi tiếng, PGS. TS. Nguyễn Đăng Na trong cuốn Văn học thế kỷ X-XIV (Nxb Khoa học xã hội, 2004) đã xếp Ỷ Lan là một trong những “tác gia văn học thời Lý - Trần”.

 


(Tượng Nguyên phi Ỷ Lan trước cụm di tích Đền Nguyên phi Ỷ Lan, Chùa Bà Tấm tại Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội). Nguồn: Sưu tập
 

Như vậy có thể thấy, nguồn tư liệu dân gian đã bổ sung, góp phần giải mã không ít vấn đề còn bỏ ngỏ. Từ chuyện Ỷ Lan có khí chất của một Nguyên phi và sau này là Hoàng thái hậu (trên đầu có đám mây ngũ sắc) đến việc Bà không thể có cháu nội (con trai - Lý Nhân Tông - là một thái giám đầu thai) và cả những kiến giải về hệ thống cổ tự do Ỷ Lan chỉ đạo xây dựng được gọi tên là Chùa Bà Tấm.

Có thể tính thuyết phục từ thần tích, cổ tích chưa cao nhưng không thể phủ nhận việc “folklore hóa tư liệu” đã giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo, toàn diện hơn về một Nguyên phi - Hoàng thái hậu của triều Lý.
Tổng Hợp: SGT Group