Năm 1887, Nguyễn Thuật (người làng Hà Lam, phủ Thăng Bình) được vua Đồng Khánh cử về quê nhà Quảng Nam làm “Tuyên úy xử trí đại thần” để giải quyết hậu quả cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Ông đã dùng uy tín và quyền hạn của mình để “làm ngơ” cho một số thân sĩ Quảng Nam tham gia Nghĩa hội, nhờ thế mà rất nhiều người đã thoát tội chết. Câu chuyện cứu đồng hương của ông đã được các thế hệ sau kể tiếp…
Lấy im lặng giúp người sĩ khí
Năm 1905, khi công việc Duy Tân ở Quảng Nam tạm đi vào nền nếp, ba lãnh tụ của phong trào liền thực hiện chuyến Nam du. Chuyến đi được cố học giả Nguyễn Văn Xuân diễn tả: “Thiếu mấy con ngựa và thanh kiếm để chúng ta viết nên một tập truyện lịch sử hay những trang kiếm hiệp” (Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng, trang 97).
Đoàn “kiếm hiệp tân thời” dừng lại ở Bình Định. Nhân kỳ khảo hạch để chuẩn bị cho khoa thi Hương vào năm sau, ba “kiếm khách” đã làm một cú “hành tẩu giang hồ” ngay tại trường thi. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Danh Sơn Lương ngọc”, cả hai bài đều lấy tên là Đào Mộng Giác (Đào là một họ lớn của Bình Định, còn Mộng Giác có nghĩa là “tỉnh mộng”). Nộp bài xong, ba chàng Đào Mộng Giác nhanh chóng rút chạy vào Phú Yên vì sản phẩm của họ “là một gậy đánh ngang đầu” để “thức tỉnh đám sĩ phu cứ mê say chui đầu vào cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ.”
Đám quan lại của Bình Định “sửng sốt, hãi hùng” nhưng cũng chỉ còn biết “một mặt đệ quyển ấy ra triều đình Huế, một mặt cho nã tên Đào Mộng Giác và bắt một số học trò trong tộc Đào thuộc tỉnh Bình Định là tộc của Đào Tấn để tra hỏi”.
Trong đám quan lại của Bình Định lúc ấy có một người biết Đào Mộng Giác là ai nhưng lại giả vờ không biết, đó chính là quan Đốc học Hồ Trung Lượng. Hồ Trung Lượng người làng An Dưỡng, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn 1892. Năm đó ông làm Chánh chủ khảo kỳ khảo hạch tại địa phương.
Quan Đốc học biết rất rõ giọng lưỡi của các đại khoa đồng hương vốn đã từ sớm bài xích khoa cử, đề xướng dân quyền, nhưng ông im lặng và mong cho họ mau đi khỏi địa phận trách nhiệm của mình càng xa càng tốt. Quan Đốc học nghĩ, mình không có đủ sĩ khí để làm việc lớn như họ thì ít ra ta phải biết im lặng đứng về phía họ.
Mượn tâm thần giải cứu đồng hương
Nguyễn Đình Hiến (quê ở Quế Sơn) và Trần Quý Cáp là bạn học với nhau ở trường tỉnh Quảng Nam. Năm 1901, Nguyễn Đình Hiến đỗ Phó bảng và ra làm quan, năm 1904 Trần Quý Cáp mới đỗ Tiến sĩ.
Trần Quý Cáp là lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Thực dân Pháp và Nam triều rất ghét ông nên tìm mọi cách hãm hại. Nhân cuộc biểu tình chống thuế năm 1908, thực dân Pháp đã kết tội ông “mưu phản đại nghịch” và xử chém ở Khánh Hòa. Mộ của ông được chôn bên cầu Sông Cạn. Mấy năm sau vì lũ lụt làm xói lở nên năm 1910, thân nhân ông cùng một số học trò quyết định đưa di hài ông về an nghỉ ở quê nhà.
Lúc nầy Nguyễn Đình Hiến đang làm Tri phủ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Một hôm quan tri phủ nhận được điện của Công sứ Pháp ở Bình Định báo cho biết sẽ có đoàn rước đưa quan tài Trần Quý Cáp đi qua, cần phải đề phòng, không cho người tụ tập gây náo.
Nhận được điện, Nguyễn Đình Hiến cho dựng một rạp bên đường tại thị trấn Bồng Sơn, bên trong có đặt sẵn hương án. Khi đám rước đến, Nguyễn Đình Hiến liền cho rước vào rạp, khăn áo chỉnh tề, cúng bạn một tuần rượu rồi ôm quan tài mà khóc thảm thiết. Dân chúng và khách vãng lai ai cũng mủi lòng và lo cho bước hoạn lộ của quan tri phủ.
Việc đến tai Công sứ, hắn ta tức giận nên đề nghị Tổng đốc Bình Định phải trị tội viên tri phủ “ăn ở hai lòng” này để răn đe những người khác.
Tổng đốc Bình Định lúc này là Bùi Xuân Huyên vốn là đồng hương Quảng Nam, cũng là người rất kính nể tài năng và nhân cách của Nguyễn Đình Hiến nên một mặt tìm cách báo cho Nguyễn Đình Hiến biết để đề phòng, một mặt trấn an viên Công sứ Pháp rằng: “Tri phủ Hiến dạo rày đang bị bệnh “tàng tàng” nên rất mê tín, sợ ma quỷ. Khi hài cốt người bạn học đi qua địa phận trấn nhậm của mình, ông tổ chức vái lạy người chết để vong linh họ mau rời khỏi địa phương. Đây là hành động bình thường của người bị bệnh tâm thần, vả lại phong tục của người Việt Nam cũng không chấp việc đó”.
Viên Công sứ đành phải im lặng vì không muốn làm to chuyện.
May cho Nguyễn Đình Hiến, có một thượng cấp tuy làm quan lớn nhưng vẫn giữ được tình đồng hương và lòng yêu nước. Tình đồng hương và lòng yêu nước thiêng liêng hòa quyện vào nhau đã cứu nguy cho những con người nghĩa khí giữa thời điểm nguy nan, bất trắc nhất.
LÊ PHƯƠNG NGHI
Lấy im lặng giúp người sĩ khí
Năm 1905, khi công việc Duy Tân ở Quảng Nam tạm đi vào nền nếp, ba lãnh tụ của phong trào liền thực hiện chuyến Nam du. Chuyến đi được cố học giả Nguyễn Văn Xuân diễn tả: “Thiếu mấy con ngựa và thanh kiếm để chúng ta viết nên một tập truyện lịch sử hay những trang kiếm hiệp” (Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng, trang 97).
Đoàn “kiếm hiệp tân thời” dừng lại ở Bình Định. Nhân kỳ khảo hạch để chuẩn bị cho khoa thi Hương vào năm sau, ba “kiếm khách” đã làm một cú “hành tẩu giang hồ” ngay tại trường thi. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Danh Sơn Lương ngọc”, cả hai bài đều lấy tên là Đào Mộng Giác (Đào là một họ lớn của Bình Định, còn Mộng Giác có nghĩa là “tỉnh mộng”). Nộp bài xong, ba chàng Đào Mộng Giác nhanh chóng rút chạy vào Phú Yên vì sản phẩm của họ “là một gậy đánh ngang đầu” để “thức tỉnh đám sĩ phu cứ mê say chui đầu vào cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ.”
Đám quan lại của Bình Định “sửng sốt, hãi hùng” nhưng cũng chỉ còn biết “một mặt đệ quyển ấy ra triều đình Huế, một mặt cho nã tên Đào Mộng Giác và bắt một số học trò trong tộc Đào thuộc tỉnh Bình Định là tộc của Đào Tấn để tra hỏi”.
Trong đám quan lại của Bình Định lúc ấy có một người biết Đào Mộng Giác là ai nhưng lại giả vờ không biết, đó chính là quan Đốc học Hồ Trung Lượng. Hồ Trung Lượng người làng An Dưỡng, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn 1892. Năm đó ông làm Chánh chủ khảo kỳ khảo hạch tại địa phương.
Quan Đốc học biết rất rõ giọng lưỡi của các đại khoa đồng hương vốn đã từ sớm bài xích khoa cử, đề xướng dân quyền, nhưng ông im lặng và mong cho họ mau đi khỏi địa phận trách nhiệm của mình càng xa càng tốt. Quan Đốc học nghĩ, mình không có đủ sĩ khí để làm việc lớn như họ thì ít ra ta phải biết im lặng đứng về phía họ.
Mượn tâm thần giải cứu đồng hương
Nguyễn Đình Hiến (quê ở Quế Sơn) và Trần Quý Cáp là bạn học với nhau ở trường tỉnh Quảng Nam. Năm 1901, Nguyễn Đình Hiến đỗ Phó bảng và ra làm quan, năm 1904 Trần Quý Cáp mới đỗ Tiến sĩ.
Trần Quý Cáp là lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Thực dân Pháp và Nam triều rất ghét ông nên tìm mọi cách hãm hại. Nhân cuộc biểu tình chống thuế năm 1908, thực dân Pháp đã kết tội ông “mưu phản đại nghịch” và xử chém ở Khánh Hòa. Mộ của ông được chôn bên cầu Sông Cạn. Mấy năm sau vì lũ lụt làm xói lở nên năm 1910, thân nhân ông cùng một số học trò quyết định đưa di hài ông về an nghỉ ở quê nhà.
Lúc nầy Nguyễn Đình Hiến đang làm Tri phủ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Một hôm quan tri phủ nhận được điện của Công sứ Pháp ở Bình Định báo cho biết sẽ có đoàn rước đưa quan tài Trần Quý Cáp đi qua, cần phải đề phòng, không cho người tụ tập gây náo.
Nhận được điện, Nguyễn Đình Hiến cho dựng một rạp bên đường tại thị trấn Bồng Sơn, bên trong có đặt sẵn hương án. Khi đám rước đến, Nguyễn Đình Hiến liền cho rước vào rạp, khăn áo chỉnh tề, cúng bạn một tuần rượu rồi ôm quan tài mà khóc thảm thiết. Dân chúng và khách vãng lai ai cũng mủi lòng và lo cho bước hoạn lộ của quan tri phủ.
Việc đến tai Công sứ, hắn ta tức giận nên đề nghị Tổng đốc Bình Định phải trị tội viên tri phủ “ăn ở hai lòng” này để răn đe những người khác.
Tổng đốc Bình Định lúc này là Bùi Xuân Huyên vốn là đồng hương Quảng Nam, cũng là người rất kính nể tài năng và nhân cách của Nguyễn Đình Hiến nên một mặt tìm cách báo cho Nguyễn Đình Hiến biết để đề phòng, một mặt trấn an viên Công sứ Pháp rằng: “Tri phủ Hiến dạo rày đang bị bệnh “tàng tàng” nên rất mê tín, sợ ma quỷ. Khi hài cốt người bạn học đi qua địa phận trấn nhậm của mình, ông tổ chức vái lạy người chết để vong linh họ mau rời khỏi địa phương. Đây là hành động bình thường của người bị bệnh tâm thần, vả lại phong tục của người Việt Nam cũng không chấp việc đó”.
Viên Công sứ đành phải im lặng vì không muốn làm to chuyện.
May cho Nguyễn Đình Hiến, có một thượng cấp tuy làm quan lớn nhưng vẫn giữ được tình đồng hương và lòng yêu nước. Tình đồng hương và lòng yêu nước thiêng liêng hòa quyện vào nhau đã cứu nguy cho những con người nghĩa khí giữa thời điểm nguy nan, bất trắc nhất.
LÊ PHƯƠNG NGHI