368 lượt xem

Lê Long Đĩnh

Lê Long Đĩnh

(Nguồn: Sưu tập)
 

Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 4 năm từ 1005 đến 1009. Cái chết của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý.

Trong sử sách, Lê Long Đĩnh hầu như luôn được nhắc đến như là một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Tuy nhiên gần đây xuất hiện các ý kiến cho rằng một số điều xấu của ông chỉ là thêu dệt, và bị “đóng đinh” trong lịch sử.

Lên ngôi

Lê Long Đĩnh còn có tên là Chí Trung, sinh vào tháng 10, ngày Bính Ngọ, năm Bính Tuất (tức 15 tháng 11 năm 986), là con trai thứ 5 của Lê Đại Hành. Sử không chép rõ tên mẹ ông, chỉ ghi là “chi hậu diệu nữ” hoặc “sơ hầu di nữ”, và ghi ông là em cùng mẹ với Lê Long Việt. Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ) chép rằng năm Hưng Thống thứ 4 (992), ông được vua cha phong tước Khai Minh vương, cho thực ấp ở Đằng Châu. Năm Ứng Thiên thứ 11 (1004), Lê Hoàn đã có ý phong Lê Long Đĩnh làm Thái tử, nhưng vì triều thần có ý kiến, nên chỉ phong Lê Long Đĩnh làm đại vương và để trưởng nam là Lê Long Việt làm thái tử.

Sau khi Lê Hoàn mất vào tháng 3 năm 1005, Lê Long Đĩnh cùng các hoàng tử Ngân Tích, Long Kính, Long Cân tranh giành ngôi vua với thái tử Lê Long Việt.

Đến tháng 10 năm 1005, Lê Ngân Tích bị giết, Long Việt lên ngôi vua. Nhưng được 3 ngày thì Lê Long Đĩnh giết anh và giành ngôi.

Lê Long Đĩnh xưng là Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế, truy đặt tên thuỵ vua Long Việt là Trung Tông hoàng đế; truy tôn mẹ là Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng Thái Hậu; lập bốn hoàng hậu; phong con trưởng là Sạ làm Khai Phong Vương, con nuôi là Thiệu Lý làm Sở Vương, cho ở bên tả; Thiệu Huân làm Hán Vương, cho ở bên hữu. Ông sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống.

(Nguồn: Sưu tập)
 

Đánh dẹp

Lê Long Đĩnh trong 4 năm cầm quyền đã 5 lần cầm quân đánh dẹp:

Lần thứ nhất (năm 1005): dẹp tan bạo loạn, tranh giành giữa các anh em trong hoàng tộc để thu phục mọi người. Từ đấy về sau các Vương và giặc cướp đều hàng phục.

Lần thứ hai (1005): khi quan quân đang đánh nhau với ngưới ở trại Phù Lan chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Phù (Ninh Bình). Vua về đến sông Tham, đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long.

Lần thứ ba (1008): đánh người Man ở hai châu Đô Lương và Vị Long.

Lần thứ tư (1008): đánh giặc ở Hoan châu và châu Thiên Liêu.

Lần thứ năm (1009): tháng 7, đánh giặc ở các châu Hoan Đường và Thạch Hà.

Cai trị

Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Chính biên, quyển 1 trang 274 chép: “Đinh Mùi (1007) Mùa xuân Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách Đại Tạng.

Đại Việt sử ký toàn thư, trang 235 chép: “Nhà vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Tục truyền: người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thể vua sai ngươì bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì, xuống chiếu đóng thuyền để ở (các bến sông) Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại.

Đại Việt sử lược, trang 107 chép: “Năm Định Vị ( Mùi) tức năm 1007 Vua sửa định lại quan chế văn võ theo nhà Tống.

Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, Bản kỷ, Quyển I, trang 39a chép: “Khai Minh Vương sai dân Ái Châu đào kênh, đắp đường từ cửa Vân Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lũng.

Lê Ngọa Triều làm vua được 4 năm, đến tháng 10, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (tức 19 tháng 11 năm 1009) thì băng, thọ 24 tuổi. Long Đĩnh mất, con trai là Sạ còn bé, dưới sự đạo diễn của quan Chi Hậu Đào Cam Mộc, triều thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế. Nhà Tiền Lê kết thúc, trải qua 3 đời vua, tồn tại 29 năm. Lý Công Uẩn đặt thụy hiệu cho Lê Long Đĩnh là Lê Ngọa Triều (
黎臥朝) Hoàng đế.

Những hành động tàn bạo

Đại Việt sử lược (trang 33, quyển 1, bản điện tử) viết:

Phàm đánh trận, bắt được quân địch vua cho áp giải đến bờ sông. Lúc nước thủy triều rút xuống thì sai làm cái chuồng dưới nước, rồi đuổi tù binh vào trong chuồng. Khi nước thủy triều dâng lên, tù binh ngộp hơi thì hả miệng ra rồi uống nước mà chết. Lại bắt (tù nhân) treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây. Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng nó sát hại đi. Còn phàm những con vật (nuôi để cúng tế) đem cung cấp cho nhà bếp, trước tiên phải sai người khiên vào để tự tay vua đâm chết đã, rồi sau mới giao cho người nấu bếp. Lại khi, nhà vua đặt mía trên đầu bậc tu hành là đức Tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên. Hoặc đêm đến vua sai làm thịt mèo để cho các tướng vương xơi. Ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, các tước vương đều mửa thốc mửa tháo. Mỗi khi đến buổi chầu thì sai những tên hề ra nói leo lẻo luôn mồm để làm khỏa lấp lời những ai bẩm bạch về việc gì. Lại thấy kẻ giữ cung làm món chả thì đến cùng người tranh nhau mà ăn…

Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu nói:

Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua; bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, đến nỗi mất nước mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mới chớm nên đến nỗi thế.

Bệnh trĩ và “ngọa triều”

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi Long Đĩnh vì mắc bệnh trĩ, nên khi ra thiết triều phải nằm, vì vậy tục gọi là Lê Ngoạ Triều. Còn sử gia Ngô Thì Sĩ thì cho rằng tên gọi này do Lý Công Uẩn đặt để bôi nhọ. Trong Đại Việt sử ký tiền biên có đoạn:

Xét việc Long Đĩnh cướp ngôi, cố nhiên không đáng được thụy hiệu đẹp, mà cái tên Ngọa Triều cũng không đúng. Có lẽ Lý Thái Tổ muốn dùng thụy hiệu xấu để gán cho, mà không biết rằng từ xưa những đế vương nào không đáng làm vua thì gọi là phế đế, mạt đế hoặc lấy cái tên khi bị phế mà chép. Còn như cái hiệu “Ngoạ Triều” thì thô bỉ không căn cứ?

Theo ý kiến của một số nhà khoa học ngày nay, bệnh trĩ là bệnh có liên quan đến cấu tạo của thành tĩnh mạch và huyết động học vùng chậu, các tĩnh mạch ở vùng hậu môn phồng lớn ra tạo thành bứu trĩ, nếu các bứu trĩ chiếm trên 180 độ thì được xếp vào loại 4. Bệnh trĩ ở giai đoạn mà bệnh nhân phải nằm là ở giai đoạn 4, là giai đoạn nặng mà biện pháp điều trị là giải phẫu, các giải pháp này ở gần năm 1010 chưa có.

Nhà báo Hoàng Hải Vân trên báo Thanh niên điện tử cho rằng khó tin được Lê Long Đĩnh là người “dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được” (ngọa triều) vì trong suốt thời gian ngắn 4 năm cầm quyền ông đã tự mình làm tướng đi chinh phạt đến 5 lần và trận chiến cuối cùng mà Lê Long Đĩnh tham dự trước khi ông chết là 2 tháng (trận vua đem quân đi đánh châu Hoan Đường, Thạch Hà vào mùa thu tháng 7 năm Kỷ Dậu 1009). Theo nhà báo này, cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải là một người cường tráng.

Về thụy hiệu “Ngọa Triều”, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên quyển thứ 1 của nhà Nguyễn cho rằng cách gọi này không chính xác vì Long Đĩnh không có thụy hiệu:

Long Đĩnh giết anh mà tự lập, hoang dâm thành bệnh, nằm mà coi chầu, nhân gọi là Ngọa Triều. Sử cũ chép là “Ngọa Triều hoàng đế”, có lẽ là theo tên gọi thời bấy giờ, chứ không phải là tên thuỵ. Chép vậy thật là trái thường quá lắm! Này, đã không có tên thuỵ, thì cứ chép thẳng tên thực, đó là biến lệ của sử Cương mục (Trung Quốc). Nay đổi lại, chép là “Đế Long Đĩnh” để cho hợp với ý nghĩa và thể lệ của Cương mục dẫn trên.

Nghi án về cái chết


 

Cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư từ thời Tiền Lê là cột kinh cổ nhất Việt Nam


Đền Vua Lê Đại Hành, nơi thờ Lê Long Đĩnh
(Nguồn: Sưu tập)

 


Các bộ sử cổ của Việt Nam như như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục thống nhất chép rằng tháng 10 năm 1009, Lê Long Đĩnh mất và cái chết của ông là hậu quả của sự hoang dâm, mê tửu sắc

Đại Việt sử ký toàn thư chép thái độ của Lý Công Uẩn sau khi được sư Vạn Hạnh nói về sấm truyền họ Lý sẽ làm vua:

Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh em đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Song từ đấy cũng lấy thế tự phụ, mới nảy lòng ngấp nghé ngôi vua“.

Tuy nhiên, các bộ sử, kể cả Đại Việt sử ký tiền biên, đều ghi nhận việc trăm quan của triều đình cũ suy tôn Lý Công Uẩn khi họ Lý lên ngôi và sử sách không ghi nhận một cuộc nổi dậy nào của những người nhân danh trung thành với nhà Tiền Lê để chống lại nhà Lý sau khi triều đại này hình thành.

Đền thờ

Lê Long Đĩnh không có đền thờ riêng nhưng ông cũng được đúc tượng và phối thờ cùng với vua cha Lê Đại Hành tại 2 địa điểm là đền Vua Lê Đại Hành ở khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) và đền Lăng ở quê hương Liêm Cần Thanh Liêm (Hà Nam). Vua Lê Long Đĩnh là người khai sáng tên gọi tỉnh Thái Bình, ông cũng được lập làm thành hoàng ở nhiều địa phương trong tỉnh này.


 
Vua Lê Long Đĩnh và những “ẩn số” trong cuộc đời
 
Bộ phim Về đất Thăng Long tái hiện hình ảnh vua Lê Long Đĩnh độc ác, tàn bạo, bênh hoạn, thích giết người, nhìn thấy máu chảy
(Nguồn: Sưu tập)

 

Cách đây lâu lắm rồi, tôi rất ấn tượng với một tiết dạy giờ lịch sử. Trong đó, cô giáo của tôi kể về những tội ác của Lê Long Đĩnh, ông vua cuối cùng của nhà Tiền Lê. Những mẫu chuyện về những việc làm “tàn bạo” của Ông “đóng đinh” trong lòng tôi.

Theo như những gì thầy cô kể và những sách sử bấy lâu nay tôi đọc Lê  Long Đĩnh là vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Một con người bất nhân, bất nghĩa, bạo ngược và hoang dâm vô độ. Như học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược nhận xét về vị vua này như sau: “Long Đĩnh là người bạo – ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.

Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông.

Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh – thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi – hài hay là nhại tiếng làm trò. Long Đĩnh làm vua được 2 năm đổi niên -hiệu là Cảnh – thụy (1008-1009). Sang năm sau là năm Kỷ – Dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi.

Vì lúc sống dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều”.

Những sử liệu của học giả Trần Trọng Kim đưa ra chủ yếu dựa vào các sách sử do các nhà sử học đời sau viết. Và sau này, các nhà sử học Việt Nam hiện đại khi biên soạn sách giáo khoa lịch sử chủ yếu dựa vào đánh giá này của Trần Trọng Kim để dạy cho hàng chục thế hệ học sinh. Vậy nên cái tên Lê Long Đĩnh đã in dấu không chỉ riêng tôi mà là những con người dù ghét hay thích bộ môn lịch sử là ông vua tàn bạo nhất Việt Nam từ xưa đến nay.

Vậy sự thật lịch sử ra sao, nếu nhìn theo một chiều hướng khác bằng những sử liệu khách quan, công bằng hơn, đặt vua Lê Long Đĩnh vào bối cảnh lịch sử luc bấy giờ, chúng tôi xin mạn phép viết vài điều về vị vua này thông qua những câu hỏi nghi vấn:

*Thứ nhất: Liệu vua Lê Long Đĩnh có phải là người giết anh trai ruột của mình để cướp ngôi?

Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập ra nhà tiền Lê, Ông đánh bại nhà Tống xâm lược năm 981. Lê Đại Hành có tổng thể 11 người con trai trong đó có 1 người con nuôi, tuy nhiên Ông lại không lập thái tử cho một người con trai nào mà phong vương cho các con trai mình cai quản các vùng đất khác nhau và Ông lập đến 5 bà hoàng hậu. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà, nhường ngôi cho con thứ 3 là Lê Long Việt. Tuy nhiên, xảy ra cuộc chiến tranh giành ngôi báu giữa các con trai của Lê Đại Hành. Lê Long Việt trấn áp các hoàng tử khác, lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 ngày Ông bị giết hại. Lê Long Đĩnh lên thay anh, và lịch sử ập ờ ghi lại, chính Lê Long Đĩnh là người đã giết anh trai của mình để cướp ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.”

Trong chuyện này có hai nghi vấn như sau:

– Thứ nhất, sự việc Đại Việt sử ký toàn thư chép lại từ “dã sử”. Dã sử có thể tin được nếu có căn cứ để đối chiếu hoặc nó hợp logic, nếu không nó chỉ có giá trị như một lời đồn.

– Thứ hai, đã là dã sử mà còn nói “Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông”. Quy cho người khác tội chủ mưu giết người thì phải có chứng cứ. Ai làm chứng và tài liệu nào chứng minh việc Lê Long Đĩnh “sai bọn trộm cướp”? Chắc chắn là không có ai cả và không có bất cứ tài liệu nào. Một lời đồn đã là không có cơ sở, một lời đồn nói về một việc không thể có chứng cứ càng không có cơ sở.

Vả lại, nếu Lê Long Đĩnh giết anh trai của mình nhưng khi thấy Lý Công Uẩn đang ôm xác vua mà rên khóc đau đớn, vua cho đây là con người trung nghĩa, thăng chức cho Lý Công Uẩn. Giết vua giết anh là bất trung bất nghĩa, một con người như vậy, khó mà trọng dụng một con người trung nghĩa?

Như vậy sự việc Lê Long Đĩnh có thực sự giết anh cướp ngôi hay không còn là một “ẩn số” lịch sử, chưa có tài liệu nào thỏa đáng để giải thích vì vậy quy kết cho vị vua này cái tội tày đình đó có phải là quá vội vàng hay không?

* Thứ hai, Ông thực sự là một người tàn bạo?

Sử sách kể lại những việc làm tàn ác của Lê Long Đĩnh, như Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua tính thích giết người, phàm người bị hành hình hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt để cho lửa cháy chết, hoặc sai tên kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh để cho không được chết chóng… Đi đánh dẹp bắt được thù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên thì ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết…Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Từng róc mía ở trên đầu sư Quách Ngang, giả lỡ tay lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư cho chảy máu, rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò để cười, để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy con thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”.

Trên đây, là lời kể của sử sách về những việc làm tàn bạo, thú tính của vua Lê Long Đĩnh. Bên cạnh đó sử sách đã ghi lại 2 công lao lớn của vị vua này như sau:

– Thứ nhất, Ông là người đầu tiên cho rước bộ kinh Phật Đại Tạng bằng chữ Hán về Việt Nam. Đây là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa vượt qua biết bao gian truân khổ ải dày công thu thập, sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 (đời Tống Thái Tổ) mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển (riêng việc khắc bản phải mất 12 năm). Bộ sách đó không chỉ là tổng vựng các kinh sách Phật giáo mà còn hàm chứa rất nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, thiên văn, toán học, y dược…

– Thứ 2, Lê Long Đĩnh là ông vua biết chỉnh đốn triều chính. Một năm sau khi lên ngôi ông đã “Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống”, ngoài ra Ông lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi”. Thế kỷ thứ 11, không chỉ nước ta mà hầu khắp thế giới, kinh tế đều tự cấp tự túc. Phải có một “tư duy kinh tế” vượt xa thời đại mới biết “xin đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu”, tức là sâu trong nội địa Trung Quốc, việc đó giống như việc đặt Văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài bây giờ.

Qua những việc làm trên chúng ta tự đặt ra những câu hỏi sau:

Liệu một ông vua bạo ngược, róc mía trên đầu nhà sư như vậy lại có tư duy sai chính em ruột mình sang xin bộ kinh Đại Tạng về để phát triển phật giáo trong nước hay không? Liệu Ông là người bạo ngược hay là người đóng góp công lớn về sự phát triển rực rỡ của phật giáo trong giai đoạn về sau? Liệu một người sùng mộ đạo phật như vậy có tàn bạo, vô nhân tính như sử sách đã miêu tả về vị vua này?

Liệu một ông vua suốt ngày ham chơi, không lo việc triều chính, lại có những chính sách nhằm ổn định thể chế chính trị, lại có tư duy kinh tế để phát triển đất nước. Ông vua đó thật sự bất tài, bất nhân, bất nghĩa như sử sách đã ghi lại và dạy cho con cháu ngày nay?

*Thứ 3, Lê Long Đĩnh không thể ngồi do hoang dâm quá độ?

Ngoài việc, miêu tả những tội ác của Lê Long Đĩnh, các sử thần đời sau còn cho rằng Ông là một người hoang dâm quá độ, dẫn tới không thể ngồi được (bệnh trĩ), và khi thiết triều phải nằm trên ghế nên sử gọi ông là Lê Ngọa Triều.

Y học ngày nay chưa có một chứng cứ nào cho thấy việc hoang dâm có thể gây ra bệnh trĩ. Vả lại sử sách ghi lại Ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc mà lần cuối cùng cách 2 tháng trước khi Ông mất. Vậy một ông vua không thể ngồi có thể cỡi ngựa đánh giặc được sao?

Một ông vua hùng dũng, chinh phạt bắc nam, cơ thể cường tráng lại có thể là một con người trụy lạc, ham dâm?

Điều này, cần có một lời giải thích thật thỏa đáng!

*Thứ 4, vua Lê Long Đĩnh chết như thế nào?

Cái chết của Ông hầu như không có một cuốn sử sách nào viết lại, Ông ở ngôi được 4 năm, năm 24 tuổi thì băng hà. Các sử gia nhà Lý cho Ông mắc bệnh quá nặng, hoang dâm quá độ dẫn đến suy nhược mà băng. Như phía trên, chúng tôi đã chỉ rõ, Ông không thể mất bằng những lí do này được. Vậy vì sao Ông mất?

Đây lại là một bí ẩn lịch sử nữa chưa có lời giải thích thỏa đáng. Duy nhất cuốn Đại Việt sử ký tục biên có những dòng rất đáng chú ý như sau: “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép”.

Vậy có phải đúng như cuốn Đại Việt sử ký tục biên ghi chép về cái chết của Ông?

Đây là một vấn đề cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi phán xét.

Nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng như vậy.

Đặt lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Khi vua Lê Long Đĩnh mất, các triều thần thấy con vua còn quá nhỏ chưa thể để quản lí đất nước nên tôn phò Lý Công Uẩn – người nắm trong tay binh quyền – lên ngôi hoàng đế dưới sự giúp sức rất lớn từ các nhà sư trong triều đình, đặc biệt là sư Vạn Hạnh.

Điều này, làm cho chúng tôi hiện lên một nghi vấn rằng, cứ cho rằng con vua còn quá nhỏ nhưng bấy giờ các anh em của Lý Long Đĩnh vẫn còn khá nhiều, là những người có đủ tư cách để kế nghiệp ngai vàng họ Lê vậy tại sao lại phải chọn một người họ Lý, nắm trong tay binh quyền để nối ngôi?

Và cái chết của những anh em nhà họ Lê khi họ Lý thành lập cũng không được nhắc đến. Đây có lẽ là một ẩn số lịch sử không có lời giải đáp.

Vả lại, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã nhanh chóng dời đô khỏi Hoa Lư nơi họ Lê có thế lực mạnh mà chuyển về Đại La (Thăng Long) gần quê hương của Lý Thái Tổ (Bắc Ninh). Phải chăng ngoài vị trí thiên thời – địa lợi – nhân hòa của Đại La ra còn có những nguyên nhân khác?

Vậy, Lê Long Đĩnh chết như thế nào? Đây vẫn còn là một bí ẩn!

Thay lời kết luận:

Như vậy, bị đóng đinh trong tâm trí người Việt là vị vua tàn bạo nhất chẳng khác gì Kiệt, Trụ thời xưa, cuộc đời của Ông – Lê Long Đĩnh là những bí ẩn chưa có lời giải thích. Phải chăng Ông là nạn nhân của những tính toán chính trị?. Một triều đại muốn có tính chính danh trước nhân dân phải không ngừng hạ bệ, xỉ nhục nhân cách của ông vua cuối cùng của triều đại trước, vì vậy, phải chăng các sử thần thời Lý đã ra sức “dựng lên” những câu chuyện về Ông?

Qua việc tìm hiểu về Ông, làm cho chúng tôi sáng tỏ được rất nhiều điều. Trước khi đánh giá về một nhân vật lịch sử nào đó, ta cần tìm hiểu thông tin nhiều chiều từ những nguồn tư liệu khác nhau, từ đó chúng ta mới đưa ra nhận định của mình. Chứ không phải cứ tiếp thu nguồn sử liệu một chiều một cách mù quáng. Ông có lẽ đã chứa đựng nỗi oan này trong suốt hơn 1000 năm qua. Cần có những hội thảo lịch sử, nghiên cứu về Ông nhiều hơn, tỉ mỉ hơn để trả lại cho Ông danh tiếng, nhân phẩm và đặc biệt là sự tôn trọng. Điều này, cần đến những nhà sử học uyên bác, có đủ trình độ để lý giải phân tích, đưa ra những nhận định đúng đắn. Không chỉ riêng Ông – Lê Long Đĩnh mà còn nhiều nhân vật lịch sử khác nữa.

Lời cuối, một chút an ủi dành cho Ông có lẽ là vì chính nhân dân là người đánh giá lịch sử một cách công bằng nhất, Ông vẫn được nhân dân thờ tự trong nhà thờ họ Lê, hưởng hương khói đời đời. Dân tộc ta thờ tự để đền đáp những việc làm của vị vua này đã làm.

Nguồn: Nghiencuulichsu.com