225 lượt xem

Lê Văn Sỹ

Đồng chí Võ Sỹ (Lê Văn Sỹ), sinh năm 1910, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Minh Tân (nay thuộc xã Đức Minh, huyện Mộ Đức). Khi mới 15 tuổi, đồng chí đã tìm đến với cách mạng và tham gia vào các tổ chức yêu nước như Hội Thiếu niên Ái quốc, Công ái xã và sau đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên huyện Mộ Đức. Đồng chí Võ Sỹ đã hoạt động sôi nổi, đóng góp vào sự truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho thanh niên và quần chúng yêu nước tại địa phương.

Tháng 7.1929, tại núi Xương Rồng, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ), Hội nghị nhất trí tuyên bố tất cả cán bộ và hội viên của Tỉnh bộ phải hoạt động theo tinh thần của một tổ chức cộng sản, đồng thời quyết định thành lập tổ chức Dự bị Cộng sản, làm nhiệm vụ của Ban vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản của tỉnh do đồng chí Nguyễn Nghiêm phụ trách.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh bộ, tháng 8.1929, khi các cán bộ và hội viên của Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi đang tích cực hoạt động, xây dựng các chi bộ dự bị cộng sản để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh, thực dân Pháp và bọn tay sai tiến hành truy bắt số hội viên thanh niên bị chúng phát hiện. Đồng chí Võ Sỹ bị địch bắt cùng với 20 hội viên thanh niên, trong đó có đồng chí Trương Quang Trọng và bị kết án 2 năm tù với tội “Thiếu niên ngộ thích làm càn”, bị giam ở nhà lao tỉnh.

Ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Võ Sỹ (Lê Văn Sỹ), Đảng bộ Quảng Ngãi và TP.Hồ Chí Minh đã lấy tên Lê Văn Sỹ để đặt tên cho một số trường học, đường phố. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đoàn thăm, dâng hương tại gia đình - nơi thờ tự đồng chí (số 262A, đường Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), vào ngày 21.9.2020.

Ở trong tù, đồng chí Võ Sỹ tiếp tục tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tiếp đó, tháng 3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi ra đời, chủ trương đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và xây dựng hệ thống cơ sở đảng. Trong thời gian này, đồng chí Võ Sỹ được kết nạp vào Đảng, trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Quảng Ngãi. Đến cuối năm 1930, đồng chí Võ Sỹ ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, địch thực hiện cuộc khủng bố trắng cực kỳ khắc nghiệt, đánh phá trực tiếp vào các cơ sở đảng, khiến cách mạng Việt Nam phải chịu những tổn thất to lớn. Đồng chí Võ Sỹ cùng với các đồng chí khác thực hiện nhiệm vụ nặng nề: Chỉ đạo việc khôi phục và phát triển các tổ chức đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Đồng chí đã chắp nối liên lạc với các đồng chí trung kiên của Đảng, tìm cách xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng, lập lại những cơ sở đảng ở những nơi bị vỡ, xây dựng cơ sở đảng ở những địa phương như: Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, tổ chức cơ sở đảng và quần chúng cách mạng được chắp nối và hình thành lại các cơ quan lãnh đạo. Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được khôi phục. Tháng 1.1932, đồng chí Võ Sỹ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Để nhanh chóng khôi phục và phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động tích cực của đồng chí Võ Sỹ, nhiều cơ sở cách mạng và các đoàn thể quần chúng được khôi phục hoạt động, tiếp tục tổ chức các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Giữa năm 1932, đồng chí Võ Sỹ cùng một số đồng chí cán bộ bị địch phát hiện và bị bắt. Đồng chí bị thực dân Pháp kết án khổ sai và đày đi nhà tù Côn Đảo.

Những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo là quãng thời gian mà đồng chí phải trực tiếp đối mặt với mọi âm mưu, thủ đoạn dã man và thâm độc nhất của kẻ thù. Biết đồng chí Võ Sỹ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kẻ thù đã sử dụng nhiều thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ, đến việc dùng các đòn tra tấn dã man hòng khuất phục đồng chí. Tuy nhiên, kẻ thù không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Võ Sỹ.

Với uy tín và năng lực tổ chức các phong trào cách mạng, trong tù, đồng chí Võ Sỹ được cử giữ chức vụ Bí thư chi bộ, tích cực tổ chức các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức lý tưởng cách mạng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù của thực dân Pháp và tay sai, buộc bọn cai ngục phải nhượng bộ. Tháng 8.1945, trên cương vị Bí thư Chi bộ nhà lao, đồng chí Võ Sỹ cùng các đồng chí cộng sản cốt cán của Đảng ở nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Võ Sỹ (lúc này lấy tên là Lê Văn Sỹ) được Đảng phân công giữ chức vụ Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ. Tại đây, đồng chí Lê Văn Sỹ đã cùng tập thể Xứ ủy Nam bộ xây dựng ý chí, niềm tin và củng cố đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng và quân dân Nam bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Nửa cuối năm 1948, Nam bộ đang trong thời kỳ cam go, ác liệt, thực dân Pháp ngày càng đẩy mạnh chính sách “bình định”, ráo riết thực hiện chiến thuật bao vây mọi mặt, đánh phá lực lượng dự trữ của ta. Âm mưu của thực dân Pháp là nhằm tiến tới tiêu diệt chính quyền kháng chiến, áp đặt chính quyền bù nhìn từ thành thị đến nông thôn, phá hoại kinh tế, ngăn cản giao thông tiếp tế của ta, củng cố và mở rộng vùng chiếm đóng, đẩy lực lượng kháng chiến ra xa các đô thị, nhất là Sài Gòn. Đồng chí Lê Văn Sỹ đã anh dũng hy sinh khi mới 38 tuổi đời.

Trong suốt 20 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi, dù trong lao tù đế quốc hay trên chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn phức tạp, đồng chí Võ Sỹ luôn vững vàng tư tưởng, là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Võ Sỹ và các đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Đồng chí luôn tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Là người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đức độ, tài năng cùng với những cống hiến của mình, đồng chí đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào cả nước, đồng bào Quảng Ngãi và Nam bộ. Tuổi thanh xuân đồng chí đã hăng hái lên đường, dấn thân theo Cụ Hồ làm cách mạng. Đồng chí xứng đáng là tấm gương Cộng sản tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi khắc ghi những năm tháng hoạt động cách mạng kiên cường, bền bỉ và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Sỹ (Lê Văn Sỹ) đối với phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi và Sài Gòn - Gia Định.

Baoquangngai