364 lượt xem

Võ Duy Nguy

Võ Duy Nguy - Bình Giang Quận Công 

Võ Duy Nguy là một đại tướng, công thần, đã một lòng một dạ trong sự nghiệp trung hưng nhà Nguyễn.

Ông sanh năm 1745, tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, vốn người mạnh bạo, võ nghệ hơn người, giỏi về thủy chiến và làm việc rất cẩn trọng chừng mực, tận tâm và trung thành.



Nguồn: Sưu tầm

Bắt đầu xuất chinh dưới thời chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765 -1777), nhờ vào khả năng, chỉ trong một thời gian ngắn, ông được cử giữ chức chỉ huy đội Thủy Trung thuyền, đóng ở cửa Thuận An. Năm 1775, quân Trịnh theo đường thượng đạo, đổ bộ xuống, đánh Thuận Hóa, chúa Định Vương phải chạy vào Quảng Nam, rồi chạy thẳng vào Gia Định. Võ Duy Nguy lạc chúa. Ông cùng với Cai Đội Tô Văn Đoái cho giải tán binh sĩ, chỉ tuyển chọn hai trăm người khoẻ mạnh và thân tín, giong thuyền vào Nam, tìm chúa.bGặp lại Định Vương ở trong Nam, chúa tôi mới được trùng phùng. Ông hết lòng theo phò Định Vương.

Năm 1777, chúa Định Vương bị quân Tây Sơn bắt giết, Võ Duy Nguy cùng với một số cựu thần nhà Nguyễn tôn Nguyễn Phúc Ánh lên làm Nguyên Soái Nhiếp Quốc Chính, để chống lại Tây Sơn. Ông giữ chức Trung Quân Cai Cơ và được Trung Quân Nguyên Soái Trương Phước Dinh giao cho trách vụ tổ chức binh thuyền và huấn luyện thủy quân.

Cuộc tranh thiên hạ giữa Nguyễn Vương Phúc Ánh và nhà Nguyễn Tây Sơn lúc thăng lúc trầm, khi thì chiến tranh khốc liệt, khi thì bình lặng. Nguyễn Vương Phúc Ánh nhiều lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, phải chạy trốn khắp nơi. Võ Duy Nguy lúc nào cũng đi theo chúa. Ông chỉ huy những chiến thuyền để đưa chúa trốn chạy từ đất liền ra các đảo như Thổ Châu, Cổ Cốt, Phú Quốc.

Năm 1784, Võ Duy Nguy theo Nguyễn Vương Phúc Ánh sang Vọng Các (Thái Lan). Ông phụng mệnh về lại Phú Quốc trước để chuẩn bị chiến thuyền. 

Năm 1787, Nguyễn Vương Phúc Ánh cùng với đạo viện binh Xiêm La trở về, đóng tại Long Xuyên. Võ Duy Nguy vẫn ở lại Phú Quốc để bảo vệ cho Vương Mẫu và gia quyến của Nguyễn Vương, mà Nguyễn Vương đã đưa về tạm trú tại đây. Ông cũng lo đốc thúc binh sĩ đóng chiến thuyền để chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn.

Năm 1788, Nguyễn Vương khôi phục được Gia Định, Võ Duy Nguy được cử trách vụ coi đội Trung Thủy thuyền.

Năm 1793, Võ Duy Nguy cùng các tướng Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương phò Nguyễn Vương ra đánh lấy được phủ Bình Khang.

Đặc biệt, giọng nói của Võ Duy Nguy rất lớn. Mỗi lần xông trận, ông luôn luôn đứng trước mũi thuyền, hò hét chỉ huy đội chiến thuyền. Tiếng hét của ông át cả tiếng sóng tiếng gió. Binh lính Tây Sơn gọi ông là “Ông tướng to họng”.

Trong trận đánh phủ Bình Khang, Nguyễn Vương Phúc Ánh áp dụng chiến thuật “thủy bộ phối hợp”. Bộ binh do Tôn Thất Hội chỉ huy, còn thủy binh do Nguyễn Văn Trương và Võ Duy Nguy. Thủy binh đổ bộ trước ở cửa Phan Rang, đánh lấy lũy Mai Nương, lũy Hoa Vông, rồi tiến chiếm Bình Khang. Lúc đó, quân của Tôn Thất Hội mới đến kịp. Nguyễn Vương thừa thắng, tiến ra Quy Nhơn. Tại đây, quân của Nguyễn Vương gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Thái Tử Nguyễn Bảo (con Nguyễn Nhạc).

Đội thủy quân do Võ Duy Nguy và Võ Tánh điều khiển đổ vào cửa Thị Nại, đánh thẳng lên cầu Tân Hội, Nguyễn Bảo phải lui quân về núi Trường Úc, đắp lũy dài từ Thổ Sơn tới Trường Úc để chống đỡ. Thủy và bộ binh của Nguyễn Vương phối hợp hai mặt phá tan lũy này. Nguyễn Bảo phải chạy về giữ thành Quy Nhơn. Nhưng sau đó, Nguyễn Vương rút quân vì thiếu lương.

Năm 1799, Nguyễn Vương ra đánh Qui Nhơn. Võ Duy Nguy chỉ huy đạo Trung Quân, bảo vệ chúa. Lần này, lấy được Qui Nhơn và giao cho Hậu Quân Võ Tánh trấn giữ.

Năm 1801, Nguyễn Vương đem quân ra Quy Nhơn lần nữa, để giải vây cho Võ Tánh, đang bị quân Tây Sơn tấn công kịch liệt. Võ Duy Nguy được cử cùng Lê Văn Duyệt đánh vào cửa Thị Nại. Nhờ bắt được thuyền tuần của quân Tây Sơn, thủy quân của Nguyễn Vương biết được mật khẩu, nên đưa được đội chiến thuyền vào sát doanh trại Tây Sơn. Nhân đêm tối, các chiến thuyền của Nguyễn Vương len lỏi vào đoàn thuyền của Tây Sơn, bất ngờ tung hỏa hổ ra đốt.

Quân Tây Sơn chống cự mãnh liệt, từ các trại binh, từ trên núi, từ các tàu chong súng ra mà bắn. Súng nổ rền trời, lửa cháy đỏ cả mặt biển. Võ Duy Nguy đứng trên chiến thuyền hò hét chỉ huy. Lửa cháy rực trời, vóc dáng của ông thấy rõ mồn một. Quân Tây Sơn nhắm vào ông mà bắn. Ông bị trúng đạn, ngã chết trên sàn thuyền. Lê Văn Duyệt chỉ huy ở phía sau, bất chấp lệnh rút quân của Nguyễn Vương, đánh thẳng vào trại địch. Trận này, toàn bộ chiến thuyền của Tây Sơn bị đốt sạch.

Thi hài của Võ Duy Nguy được đưa về an táng tại Phú Nhuận (Gia Định). Ông được sắc phong làm Thủy Quân Đô Thống Phủ, Chưởng Phủ Sự (Nguyên Soái Thủy Quân) và được phong tước Bình Giang Quận Công.

Lăng của ngài Võ Duy Nguy và đền thờ Bình Giang Quận Công vẫn còn ở Phú Nhuận _ Sài Gòn

Nguồn: thuvienhuongdan.com