284 lượt xem

Lê Thánh Tông - Kỳ 3

Những công lao to lớn của Lê Thánh Tông đã được hàng trăm ngàn sách báo viết. Chúng tôi xin đánh giá sơ lược lại như sau:

Thứ nhất, Ông có công lớn trong việc mở rộng lãnh thổ dân tộc.

Năm 1470, vua Champa là Bàn La Trà Toàn, một mặt cầu viện nhà Minh, mặt khác xuất 10 vạn quân ra cướp Hoá Châu. Để chấm dứt sự quấy phá của Champa, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem 26 vạn quân đi đánh Champa. Vua cho vẽ bản đồ Champa để biết rõ những nơi hiểm yếu của vương quốc này, vua Trà Toàn bị đánh bại. Sau chiến thắng này, vua Lê Thánh Tông cho một số quân đóng tại kinh đô Champa chứ không rút hết về nước như trước nữa. Trong khi khi vua Lê Thánh Tông đánh vào kinh đô của Champa thì một viên tướng của Champa là Bố Trì Trì đem quân chạy về phía Nam đèo Cả, tự lập làm Vua, xin sắc phong được nhà Lê đồng ý. Với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía Nam, vua Lê Thánh Tông cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông tới đèo Cả (hay Đại Lãnh) lập nên một nước riêng gọi là nước Hoa Anh. Lại lấy phần thượng nguyên ở phía tây Hoa Anh – vùng Cheo Reo để Lập nước Nam Bàn.

Như vậy, bằng việc xuất quân đánh vào kinh đô Đồ Bàn. Vua Lê Thánh Tông không những đã lấy lại được vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay mà còn mang về cho lãnh thổ Đại Việt thêm phần đất Bình Định. Biên giới Đại Việt về phía Nam kéo dài đến đèo Cù Mông.

Thứ hai, đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng cường trong khu vực.

Việc đầu tiên mà Lê Thánh Tông làm sau khi lên ngôi vua chính là xây dựng cho mình một bộ máy rường cột hoàn chỉnh.

Vua Lê Thánh Tông ít sử dụng con cái của các bậc trung thần có công trước đó mà chú trọng sử dụng nhân tài được đào tạo Nho học đương thời. Câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” do Thân Nhân Trung biên soạn, chính là ở thời đại thịnh trị này của vua Lê Thánh Tông. Điều này giúp cho quanh vua Lê Thánh Tông toàn là những người tài như Quách Đình Bảo, Phan Phu Tiên, Thân Nhân Trung, Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, Đỗ Nhuận, Nguyễn Quang Bật. Họ là những người tài giỏi thật sự, chẳng con ông cháu cha gì hết, ở đó cùng với ông, tất cả cùng nhau góp trí tuệ để xây dựng nên một Đại Việt hùng cường và giàu mạnh.

Về mặt vũ khí quân sự, theo các sử gia, dưới thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc, do vốn có các kỹ thuật và sáng chế cùng kỹ năng chế tạo vũ khí cực kỳ tinh xảo của Đại Việt thời nhà Hồ về vũ khí tầm xa như hỏa thương, hỏa hổ, súng thần công,… hợp với số vũ khí khá tân tiến thu được trước đây trong cuộc kháng chiến với nhà Minh đã tạo nên cho Đại Việt một kho vũ khí đa dạng và hùng mạnh, có thể vượt xa so với vũ khí châu Âu cùng thời về sát thương và chất lượng.

Bên cạnh cải tổ cơ chế Nhà nước, đề cao ý thức độc lập, chủ quyền, bảo vệ biên cương, xây dựng vũ khí quân sự tân tiến, Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển kinh tế như: sửa đổi luật thuế khoá, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, kêu gọi người dân phiêu tán về quê, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng cho mọi người. Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông cũng phát triển rực rỡ. Nghề in và làm giấy ở Đại Việt đạt một trình độ cao của thế giới thời bấy giờ. Thương mại và giao dịch buôn bán với các lân bang phát triển mạnh, cùng với bước chân viễn chinh xa xôi của đội quân đế chế Đại Việt. Để tạo thuận tiện cho việc mua bán, Lê Thánh Tông đã từng khuyến dụ các quan rằng: “Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hoá, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách của nhau”.

Về mặt văn hoá, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Các tác phẩm: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hồng Đức quốc âm thi tập, Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ… là những giá trị văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê Thánh Tông. Không chỉ vậy, Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ lớn. Không chỉ làm thơ, mà vua còn sáng lập ra Hội Tao đàn Nhị thập bát tú gồm 28 học giả giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ.

Thứ ba, Vua Lê Thánh Tông đóng góp vào lịch sử dân tộc một bộ luật rất tiến bộ mang tên “luật Hồng Đức”.

Bộ luật Hồng Đức là một tên gọi khác của bộ Quốc triều hình luật. Luật Hồng Đức là một công trình pháp luật tiêu biểu của nhà Hậu Lê.

Bộ luật Hồng Đức được coi là bộ luật nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò rất đặc biệt nhất trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam.

Bộ luật Hồng Đức là một tên gọi khác của bộ Quốc triều hình luật (Lê triều hình luật). Mặc dù mang bản chất giai cấp phong kiến nhưng bộ luật Hồng Đức lại chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ với những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân, của tầng lớp dưới, của nô tì, người cô quả, tật … Nhiều quy định của bộ luật tập chung bảo vệ người dân chống lại sự ức hiếp, sách nhiễu của cường hào, quan lại.

Đặc biệt bộ luật Hồng Đức còn có một số quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, điều đó phản ánh truyền thống nhân đạo, truyền thống tôn trọng phụ nữ, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, lấy làng xã làm nền tảng của quốc gia…

Tính dân tộc thể hiện đậm nét trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu pháp luật của các triều đại trước, kết hợp với những ưu điểm của pháp luật phong kiến Trung Hoa để xây dựng lên một bộ luật phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Ngày nay, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người già yếu… được xếp vào nhóm “đối tượng dễ bị tổn thương” cần có sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng thì hơn 500 năm trước, trong bộ luật Hồng Đức đã có những quy định về trách nhiệm của xã hội, nhất là của quan chức đối với nhóm người này. Đây chính là một trong những điểm tiến bộ, nhân đạo của pháp luật thời Hậu Lê.

Có thể nói bộ luật Hồng Đức hay Quốc triều hình luật là văn bản pháp lý bậc nhất, là đỉnh cao nhất của thành tựu pháp luật Việt Nam so với các triều đại trước đó và cả về sau. Đánh giá về giá trị của bộ luật Hồng Đức, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Đời vua Lê có ban hành bộ Hồng Đức hình luật, các đời sau vẫn theo bộ luật ấy”.

Những điều đó đã đủ thấy rằng bộ luật Hồng Đức đã được vận dụng vào công quyền Việt Nam và được xem là chuẩn mực của nền cổ luật nước ta qua nhiều triều đại; bên cạnh tính giai cấp nó còn mang tính nhân đạo, tiến bộ và tính dân tộc đặc trưng.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định vua Lê Thánh Tông là vị vua có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của dân tộc.

Mặc dù, là một minh quân, với nhiều công lao to lớn như chúng tôi đã trình bày. Nhưng cuộc đời của vị vua này cũng mang nhiều khiếm khuyết đáng trách. Sau đây, chúng tôi xin mạn phép luận bàn về những hạn chế xoay quanh của đời vị vua này như sau:

Thứ nhất, Lê Thánh Tông được Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét:

“ Những công trình thổ mộc vượt quá quy mô xưa, tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái. Đó là chỗ kém vậy.”

Sở dĩ, có chuyện đánh giá như vậy là vì vua Lê Thánh Tông đã thiếu tình người trong việc đối đãi với những anh trai của mình.

Theo các bộ chính sử thời phong kiến của nước ta, Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông – vị vua thứ hai của vương triều Lê, lên ngôi năm 1434 và mất năm 1442 trong khi đi tuần ở vùng Đông Bắc thuộc Chí Linh (Hải Dương ngày nay). Lê Nghi Dân sinh vào tháng 6 năm Triệu Bình thứ 6 (1439), sau khi vua Lê Thái Tông lên ngôi được 5 năm và là con của bà phi Dương Thị Bí. Chưa đầy một năm sau, Lê Nghi Dân đã được vua cha lập làm Hoàng thái tử, nhưng bà Dương Thị Bí vì được vua yêu quý hay sinh tính kiêu căng nên vua đã giáng bà xuống làm Minh nghi, khiến bà rất oán vọng. Nhà vua giận bèn giáng bà xuống tiếp làm thứ phụ và tuyên bố ngôi thái tử chưa xác định. Sau đó, Hoàng thái tử Bang Cơ, con thứ ba của vua Lê Thái Tông do bà Tuyên từ Nguyễn Thị Anh sinh ra, được vua Lê Thái Tông yêu quý và lập Hoàng thái tử, còn Nghi Dân bị giáng xuống làm Lạng Sơn vương. Vì việc này mà Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đã ngầm nuôi ý nhòm ngó ngôi vua dẫn đến cuộc phản loạn cướp ngôi vào năm 1459 và bị lật đổ ngay sau khi giành ngôi của vua Lê Nhân Tông được 8 tháng (6/1460). Đây là thời kỳ thể chế chính trị của vương triều Lê đang diễn ra khủng hoảng sâu sắc với hoàng loạt mâu thuẫn trong cung đình.

Sau sự việc chính biến Thiên Hưng, Lê Nghi Dân lên ngôi vua, 8 tháng sau, Lê Nghi Dân bị phế truất bởi các đại thần đứng đầu là Lê Lăng. Sau khi phế truất Lê Nghi Dân, các đạu thần có ý muốn đưa anh trai của Lê Thánh Tông lên làm vua là Lê Khắc Xương, nhưng ông này một mực từ chối. Sau đó, mới đến lượt Tư Thành được chọn lên ngôi. Chuyện chẳng có gì đáng để bàn bởi đây là một quyết định sáng suốt và có lợi cho dân tộc.

Nhưng hành động sau đó của vua Lê Thánh Tông xứng đáng là vết đen lớn nhất cuộc đời ông. Vua Lê Thánh Tông đã bức tử anh trai Lê Khắc Xương của mình, buộc các con của Lê Khắc Xương phải đổi sang họ Bùi (họ mẹ) để trừ hậu họa khi đã ở đỉnh cao của quyền lực.

Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông còn giết và tịch biên gia sản công thần Lê Lăng, người có công lật đổ anh trai nhà vua để đưa ông lên ngôi. Chỉ vì vua biết được trước đó Lê Lăng có ý đưa Lê Khắc Xương lên ngôi chứ không phải là Lê Thánh Tông. Phải chăng quá “thấm nhuần” lịch sử Trung Quốc với các cuộc tranh đoạt quyền lực qua câu nói “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” và  đạo lý của Nho giáo, lo sợ quyền lực sẽ bị mất đi nên Lê Thánh Tông ra tay “thiếu tình người” như vậy.

Ngoài ra, chỉ vì muốn khẳng định tính chính danh, Lê Thánh Tông còn đối xử rất bạc với người anh đầu là Lê Nghi Dân khiến ông này mang vết nhơ muôn đời. Chuyện là vua Lê Thánh Tông lên án việc Lê Nghi Dân cướp ngôi của Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông, dù biết rõ Bang Cơ – một người “anh” không có quan hệ gì với mình). Đề cao tính chính danh của Lê Nhân Tông mà hạ nhục anh trai dù Lê Nghi Dân cướp ngôi là hoàn toàn đúng để giành quyền lực về lại cho nhà Lê. Trước đó, khi ở ngôi Lê Nghi Dân cũng phong cho em trai của mình là Tư Thành (vua Lê Thánh Tông) tước vương.

Như vậy, dù vua Lê Thánh Tông có tài ba đến đâu thì lịch sử cũng không thể nào biện hộ vết đen này của ông. Dù nhà vua thường buộc các sử gia phải cho ông xem nhật lịch – quốc sử một việc mà ông vua nào cũng ngại xem. Về sau, dù độc tôn Nho giáo và xem Lê Thánh Tông làm hình mẫu nhưng Minh Mạng cũng rất kiêng kỵ điều này. Mặc dù vậy, ngay ở thời Lê Thánh Tông, những người ghi chép sử vẫn có những đánh giá tiêu cực về nhà vua.

Thứ hai, Năm 1464, Lê Thánh Tông chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá. Tước bá này là hạ cấp của Nguyễn Trãi lúc sinh thời. Cho đến năm 1512, Lê Tương Dực mới truy tặng Nguyễn Trãi làm Tế Văn hầu. Nguyễn Trãi là công thần số một của nhà Lê. Ông cũng chết oan do thói xử bạc đối với công thần mà họ Lê học ở Chu Nguyên Chương (thái tổ nhà Minh). Dù Lê Thánh Tông có rửa oan cho Nguyễn Trãi nhưng hạ tước phẩm cho một người đã mất là một việc làm thiếu rộng lượng và đáng chê trách.

Thứ ba, việc Lê Thánh Tông đối xử với Trường Lạc hoàng hậu của mình không được chu toàn. Ông giam hoàng hậu vào lãnh cung khiến bà oán hận. Về sau khi nhà vua bị bệnh, lở loét khắp người, theo sử sách ghi lại đây là bệnh giang mai. Việc lây nhiễm bệnh này cũng qua con đường tình dục. Sử thần đương thời là Vũ Quỳnh đã dám bình luận “vua nhiều phi tần quá nên mắc phải bệnh nặng (bệnh giang mai).”Nhắc lại người vợ của vua bị nhốt vào lãnh cung. Khi nghe tin vua lâm bệnh trầm trọng, bà đã hết sức “đau buồn” cầu xin được gặp nhà vua để làm trọn “tình nghĩa” vợ chồng. Bà đã tẩm thuốc độc vào tay rồi xoa lên các vết thương đang lở loét ấy, khiến bệnh của nhà vua càng thêm trầm trọng, dẫn đến nhanh chóng tử vong. Việc này, đã được cố giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ của nền sử học Việt Nam giải ảo.

Thứ tư, đổi họ Trần sang họ Trình.

Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lãnh phản đảo chánh và lật đổ năm 1460, Lê Thánh Tông (1460-1497) hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà này tên huý là Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lội Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ “Trần” đều phải đổi chép thành chữ “Trình”.

Tại sao thời Lê Thái Tổ, rồi đến Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, các vua không kỵ huý bà Cung Từ mà Lê Thánh Tông lại kỵ huý? Phải chăng sau những biến động của triều đình kể từ khi Lê Thái Tông bất đắc kỳ tử năm 1442, và Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân lật đổ và bắt giết năm 1459, Lê Thánh Tông đã dùng cách kỵ huý (như Trần Thủ Độ trước đây) để tách ảnh hưởng của họ Trần, hoặc để ngầm đe dọa con cháu họ Trần đừng kiếm cách lợi dụng tình hình để phục hồi triều đại cũ.

Thứ năm, việc nhà vua đánh chiếm Champa xem ra là hợp lý, nó chỉ là sự tranh đoạt lãnh thổ của các tập đoàn phong kiến. Nhưng khi thu phục được đất đai của người Chăm, vua lại không thu phục được nhân tâm của họ. Mà đã giết quá nhiều người vô tội. Phải chăng, do ảnh hưởng qua lớn từ học thuyết Nho giáo nên việc tàn sát để đạt được mục đích là điều nên làm, cũng bởi vì Lê Thánh Tông hạn chế phật giáo nên đức tính từ bi trong ông không tồn tại. Đối sách dùng đức trị trước sau đó mới dùng pháp trị, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ thời Lý, Trần đến đây xem như chấm dứt. Phải chăng “giết một người thì trở thành tội nhân, giết quá nhiều người thì trở thành vĩ nhân” . Sáu mươi ngàn tính mạng người chăm và hàng vạn người Lan Xang đó liệu không còn giải pháp nào để tránh khỏi cái chết ư? Chỉ vì ‘trừ hậu họa” nhà vua đã quá tàn nhẫn. Cũng đúng rồi, với anh em ruột trong gia đình, Lê Thánh Tông còn như vậy, huống chi là người “man di”. Phải chăng Lê Thánh Tông là một ông vua rất hiếu sát?

Thứ sáudo việc sinh ra và lớn lên trong cung đình lại chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, tứ thư ngũ kinh. Chính vì vậy, Lê Thánh Tông rất coi thường xướng ca, cho nó là vô loài. Ông còn cấm những người sinh ra trong gia đình làm nghề hát, tuồng, chèo… thi cử. Dù là một người trọng nhân tài tuy nhiên ông đã có sự phân biệt kỳ thị đối với những hạng người khác nhau. Ngoài ra, ông cũng là người đầu tiên quy định người vợ phải để tang ba năm khi chồng chết. Điều đó, cho thấy ông là người trọng nam khinh nữ. Nó khác xa với truyền thống của tổ tiên ta. Từ thời bắc thuộc, người Hán khi thấy hình ảnh cha tắm cho con gái bên bờ sông, hình ảnh chan chứa tình cảm cha con, quấn quýt yêu thương nhau đó là thứ man di mọi rợ. Với văn hóa Hán trước đó chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo quy định rõ ràng “nam nữ thọ thọ bất thân” dù đó là cha con, anh chị em trong gia đình. Cái văn hóa đó đã quy định rất nghiêm ngặt một cách thô cứng cũng như nó ngăn cách tình người.

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã nói rõ:
 
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Văn hóa phương Bắc khác với văn hóa phương Nam, từ phong tục đến lối sống, tình nghĩa. Việc Lê Thánh Tông đặt Nho giáo độc tôn, học tập và làm theo văn hóa Hán. Biến đổi từng bước những truyền thống của dân tộc ta trước đó. Cũng chính vì điều này. Chẳng phải bỗng dưng mà Nguyễn Lang trong tác phẩm Việt Nam phật giáo sử luận  đã có lời bình như sau: “Nhà Lê thắng nhà Minh về quân sự nhưng lại thất bại với Minh về văn hóa.”.Việc quá tôn sùng Nho giáo khiến Việt Nam quá lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc. Tư duy khai phóng dựa vào dân làm gốc thời Lý, Trần bị triệt tiêu. Chính vì vậy, dân tộc ta sau này không xuất hiện thêm một hội nghị Bình Than, Diên Hồng một lần nào nữa. Hào khí cả nước đánh giặc, đồng lòng chung sức ấy chỉ được sống lại vào thời Quang Trung – một con người không xuất thân từ Nho học mà từ chính nhân dân. Tuy nhiên, tinh thần cởi mở dân chủ dưới thời Trần không thể nào tái hiện lại được, cũng bởi vì nó đã bị trói buộc dưới thời Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông đã cho soạn 24 điều cáo dụ được đọc trong làng xã hằng ngày để rao giảng học thuyết Nho giáo vào đời sống nhân dân. Tuy nhiên, một dân tộc có truyền thống giữ gìn bản sắc và tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại lai. Dân tộc Việt Nam vẫn gìn giữ được những nét đẹp trong đời sống của mình. Những điệu hò ví dặm, những vở tuồng chèo đã kích những thoái hư tật xấu của tầng lớp thống trị, hình tượng thân thiết giữa cha con, anh em vẫn được lưu giữ, bất chấp Nho giáo được sùng bái và độc tôn trong hệ tư tưởng dưới thời Lê Thánh Tông.

Như vậy, nhân vật lịch sử Lê Thánh Tông đã được chúng tôi miêu tả hết sức chân thật. Với những điều đã làm được trong lịch sử dân tộc, Lê Thánh Tông xứng đáng là vị vua tài giỏi nhất mà nước ta từng có. Tuy nhiên, nhân bất thập toàn, Lê Thánh Tông cũng mắc phải những thiếu sót mò chúng tôi đã mổ xẻ.

Thay cho lời kết:

Khi dự thảo viết bài này, chúng tôi vấp phải sự phản đối, cũng bởi Lê Thánh Tông là một tượng đài trong lòng dân tộc. Trong bài viết “Về Lê Thánh Tông – mấy điều giải ảo hiện thực lịch sử Việt Nam thế kỷ XV” của cố giáo sư Trần Quốc Vượng ở cuối bài viết, cố giáo sư cũng kính xin hương hồn của Ngài (Lê Thánh Tông) lượng thứ cho kẻ hậu sinh hèn mọn ấy. Bởi bằng tư duy sắc lẹm, một nhãn quan tuyệt vời của một nhà nghiên cứu sử học lão luyện, cố giáo sư là người tiên phong đưa sự thật lịch sử về với mọi bạn đọc.

Là kẻ hậu sinh, dù rất đam mê lịch sử, với những hiểu biết còn nhiều hạn chế. Mặc dù, khi bài này đến với bạn đọc sẽ có rất nhiều độc giả phản ứng dữ dội và cho rằng chúng tôi đã xét lại hay xuyên tạc lịch sử. Nhưng với những dẫn chứng và nguồn sử liệu khả tín ấy, chúng tôi tin rằng những luận điểm của mình hoàn toàn đúng đắn. Như chúng tôi đã trình bày ở phần mở đầu, chúng tôi không bôi nhọ tổ tiên, người anh hùng của dân tộc. Chúng tôi chỉ muốn mang lại một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông.

Nguồn: Nghiencuulichsu.com