217 lượt xem

Ngô Chuân

Quan lại triều Nguyễn, còn có tên là Ngô Trân, Ngô Lý Hoặc Ngô Chuân, quê làng Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, cư ngụ tại làng Cẩm Sa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. (Nay là xã Điện Nam huyện Điện Bàn cùng tỉnh).

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở nông thôn, mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, thân mẫu phải rời quê ở Quế Sơn ra ngụ cư ở làng Cẩm Sa, huyện Điện Bàn, được mẹ chăm sóc việc học rất chu đáo.

Năm 1894 đậu cử nhân khoa Giáp ngọ đời Thành Thái thứ 6 lúc 21 tuổi. Đến khoa thi Hội Mậu tuất năm Thành Thái thứ 10 đậu Phó bảng. Riêng khoa thi Hội năm này tỉnh Quảng Nam có 5 thí sinh trúng tuyển, vua Thành Thái có tặng cho 5 vị tân khoa này tấm biển ghi 4 chữ Ngũ phụng tề thi' (Năm con phượng cùng bay).

Năm vị tân khoa này là ông và:

- Tiến sĩ Phạm Liệu (hương nguyên 1872 - 1936)

- Tiến sĩ Phan Quang (1873-1939)

- Tiến sĩ Phạm Tuấn (1852-1917) 

- Phó bảng Dương Hiền Tiến (1866 - 1907)

Trong lễ vinh quy Tổng đốc Đào Tấn (1845-1907) đang trấn nhậm Quảng Nam có thơ tặng các vị tân khoa. Riêng 2 ông phó bảng, Đào Tấn tặng bài thơ:  

"Giang sơn thành thục dị tài đa,
Tam quế tề khai nhất dạng hoa.
Cánh hữu Quảng hàn cung ngoại khách,
Do tương thế bát tả Hằng Nga."

Bản dịch:

Non sông hun đúc lắm tài hoa,
Một loạt ba bông nở đậm đà.
Cung Quảng ngoài hiên còn khách đợi,
Trộm đem bút mực vẽ Hằng Nga

Sau khi đỗ đại khoa một thời gian, ông được bổ chức hành tấu rồi tri huyện huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông bệnh mất tại chức trong năm 1899.

 Tổng hợp: SGT Group