299 lượt xem

Trần Thuận Tông

Trần Thuận Tông - Vị vua hư danh 4 lần bị ép


Trong cuộc đời làm vua của Trần Thuận Tông, 4 lần bị ép là minh chứng rõ nhất của tính hư vị của ông trên ngôi hoàng đế.

Trần Thuận Tông (1388-1398) là vị vua thứ 12 của triều Trần, tên thật là Trần Ngung, sinh năm Mậu Ngọ (1378) là con út của Trần Nghệ Tông, có tước phong là Chiêu Định vương. Sau khi Trần Phế Đế bị giết, Trần Ngung được Thượng hoàng Nghệ Tông lập lên làm vua, ông lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Thái. Tiếng là làm vua trong 10 năm (1388-1398) nhưng Trần Thuận Tông thực ra không có quyền hành gì, thời gian đầu thì mọi việc quân quốc quan trọng đều do Thượng hoàng Nghệ Tông quyết định, sau khi thượng hoàng mất thì quyền điều hành chính sự do Lê Qúy Ly chuyên quyền hành xử.

Chính do không có thực quyền nên Trần Thuận Tông chỉ ngồi làm vì, đến mạng sống của mình cũng không giữ nổi cuối cùng phải gánh lấy hậu vận bi thảm.

 
Nguồn: Sưu tầm

Bị ép dời đô

Mùa xuân, tháng giêng năm Đinh Sửu (1397) Lê Qúy Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất. Trước đó, triều đình bàn bạc chưa xong, hành khiển Phạm Cự Luận khuyên nên thôi. Quý Ly nói: "Ý ta đã định từ trước rồi, ngươi còn nói gì nữa!". Đến đây thì thực hiện”. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ngoài Phạm Cự Luận còn có nhiều đại thần khác phản đối việc dời đô, trong đó có Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can gián, phân tích cụ thể lợi hại: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Hãy nên noi theo việc trước, khi ấy quân Nguyên bị giết, giặc Chiêm phải nộp đầu... Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”.

Trước những phản ứng đó, Trần Thuận Tông không có quyết sách gì để mặc cho Quý Ly định đoạt, thế rồi đến “mùa đông, tháng 11, Quý Ly ép vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Bị ép nhường ngôi

Nhằm thực hiện mưu đồ cướp ngôi nhà Trần, nhưng vì trước đó đã có lời thề với Thượng hoàng Nghệ Tông rằng: “Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần”, vì thế Lê Quý Ly đành “thực hiện lời thề” đó bằng ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Trần Án mới lên 3 tuổi để lên làm Thái thượng hoàng. Như vậy đúng với lời thề là “giúp truyền đến đời cháu” của Nghệ Tông, đồng thời Trần Án cũng là cháu ngoại của Lê Qúy Ly nên ông càng thuận lợi hơn trong việc nắm giữ toàn quyền định đoạt tại triều đình.

Sử sách cho biết thời điểm diễn ra sự kiện này là vào năm Mậu Dần (1398), cụ thể như sau: “Mùa xuân, tháng 3, ngày 15, Lê Quý Ly ép vua phải nhường ngôi cho hoàng tử Án” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chiếu nhường ngôi viết:

Trẫm trước vốn mộ đạo, không có bụng làm vua, không có đức mà tạm giữ ngôi thực khó làm nổi. Huống chi bệnh thần kinh thường phát ra, thờ cúng và chính sự đều không làm được. Lời thề nguyền trước trời đất quỷ thần đều nghe. Nay nên nhường ngôi để vững nghiệp lớn, hoàng thái tử Án có thể lên ngôi hoàng đế. Phụ chính thái sư Lê Quý Ly là quốc tổ nhiếp chính. Trẫm tự làm thái thượng nguyên quân hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa chí xưa.

Bị ép đi tu

Khi ép vua nhường ngôi, Lê Quý Ly lấy cớ là vua muốn dành thời gian để chuyên tâm cho việc tu hành; để thực hiện việc này ngoài sức ép về tâm lý, Lê Quý Ly còn cho người thuyết phục Trần Thuận Tông bằng cách “ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh ra vào trong cung, thuyết phục vua” rằng: “Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần, các tiên đế bản triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên. Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ, nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung để tu dưỡng khí hư hòa”.

Trần Thuận Tông biết chẳng thể nào từ chối được đành nghe theo lời đó và để cho Nguyễn Khánh làm lễ tâu ghi sổ phụng đạo vào cõi tiên. Sau đó Lê Quý Ly cho làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại đất Thanh Hóa đưa vua tới ở đó nhưng thực ra làm giam lỏng.

Đến tháng 4 năm Kỷ Mão (1399) Lê Quý Ly cưỡng ép vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh ở thôn Đạm Thủy (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Bị ép tự tử

Sau khi ép Trần Thuận Tông xuất gia, Lê Qúy Ly “sai Nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi. Vua hỏi rằng: Người theo hầu ta muốn làm gì chăng? Cẩn không nỡ trả lời” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sợ có biến, Lê Quý Ly quyết định giết Trần Thuận Tông đồng thời cũng là con rể của mình, ông lấy chuyện của Dương Nhật Lễ (tức Hôn Đức Công) và Trần Phế Đế (tức Linh Đức vương), những vị vua bị truất ngôi rồi bị giết để ép Trần Thuận Tông tự tử. Trong bức thư gửi vua, Lê Qúy Ly viết: “Tiền hữu dũng ám quân, Hôn Đức cập Linh Đức. Hà bất tảo an bài, Đồ sử lao nhân lực”. (Nghĩa là: Trước đã có vua hèn ngu là Hôn Đức và Linh Đức. Sao bây giờ không sớm tự liệu đi, đừng để cho người khác nhọc sức).

Tiếp đó Lê Quý Ly bí mật cho người đưa một bức thư khác đến chỗ Nguyễn Cẩn, trong thư viết ngắn gọn: “Nguyên Quân không chết thì ngươi phải chết” (Nguyên Quân là ý chỉ Trần Thuận Tông).

Nhận được thư, Nguyễn Cẩn liền lấy thuốc độc ép vua phải uống rồi bắt uống thêm nước dừa, lại không cho ăn gì để thuốc phát tác nhanh nhưng Trần Thuận Tông vẫn không chết. Nghe tin báo bức tử không thành, Lê Qúy Ly bèn sai Xa kỵ vệ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đến dùng dây lụa thắt cổ giết chết vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì viết như vậy nhưng sách Việt sử tiêu án thì viết “Phạm Khả Vĩnh treo cổ vua lên cho chết”. Năm ấy Trần Thuận Tông mới 21 tuổi.

Nhận xét về cuộc đời bất hạnh của Trần Thuận Tông, nhà sử học thời Hậu Lê là Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận viết rằng: “Thuận Tông theo mệnh của quyền thần, ngồi giữ ngôi không. Công việc Kim Âu (tên ngọn núi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nơi xây nhiều cung điện) chưa xong, yến tiệc ở Thạch Thành (tức thành đá Tây Đô) đang vui mà công hầu nhà Trần bị giết. Trần Nguyên Đán về ẩn ở núi Chí Linh, rốt cuộc để cho kẻ xích chủy (tức mỏ đỏ, ý chỉ Quý Ly) được hoành hành, quán Ngọc Thanh bị bức chết”.

Sách Việt sử tiêu án nói rõ: “Tuy làm vua mà chỉ giữ hư vị, làm vị vua bù nhìn”. Còn trong Đại Việt sử ký toàn thư thì viết: “Vua chỉ ngồi giữ ngôi không, việc nước trong tay quyền thần làm cả, tai họa đến thân mà không biết, thương thay!”.

Nguồn: baodatviet.vn