289 lượt xem

Lịch sử nhà báo Việt Nam

Vẻ vang một chặng đường chiến đấu bằng ngòi bút


65 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, hoàn thành mọi nhiệm vụ, xứng đáng là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam.
 

Nhng nhà báo mc áo lính tiến theo bước chân thn tc trong chiến dch H Chí Minh lch s
Nguồn: Sưu tập

Những năm cuối thế kỷ XIX, mặc dù đã có sự hiện diện của những tờ báo đầu tiên (như Gia Định báo ra đời năm 1865) nhưng những người viết báo Việt Nam vẫn chưa có được một tổ chức chính trị, xã hội, nghiệp vụ của riêng mình.

Chỉ đến thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), báo chí được xuất bản công khai, phong trào đấu tranh đòi thành lập hội của báo giới mới dấy lên mạnh mẽ. Ngày 27/3/1937, Hội nghị báo giới Trung kỳ tại Huế chính thức được tổ chức. Hội nghị nêu quyết tâm tiến tới mặt trận báo chí toàn quốc.

Tiếp đó ngày 24/4/1937, trên 200 nhà báo thuộc 18 tờ báo ở Bắc kỳ đã dự Hội nghị lần thứ nhất tại Hà Nội do nhà báo Phan Tư Nghĩa chủ trì. Ngày 9/6/1937, Hội nghị báo giới Bắc kỳ họp lần thứ hai với sự tham gia của 150 đại biểu do ông Trần Huy Liệu chủ trì. Hội nghị bầu ra một Ủy ban quản trị thường trực để chuẩn bị hội nghị báo giới toàn quốc.

Ngày 27/8/1939, Hội nghị báo giới Nam kỳ được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị dù thất bại nhưng cũng đã tạo tiếng vang đáng kể.

Tuy nhiên, tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Ðức. Tình hình chính trị ở Ðông Dương xấu đi. Hàng loạt báo chí tiến bộ ở Việt Nam bị đình bản. Việc thành lập một tổ chức đoàn thể của những người làm báo không thể tiến hành.

Dấu ấn lịch sử

Thành công của Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập đã là tiền đề quan trọng để những người viết báo Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến trình thành lập một tổ chức hội của riêng mình.

Ngày 27/12/1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hoá Cứu quốc (phố Hàng Trống), lập ra Ðoàn báo chí Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy trực tiếp chỉ đạo việc thành lập nhưng không trực tiếp công khai lãnh đạo. Ông Nguyễn Tường Phượng được cử giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng, ông Ðỗ Ðức Dục được cử giữ chức Phó Chủ tịch. Ông Nguyễn Huy Tưởng được cử làm Tổng Thư ký.

Ðầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Ðảng Cộng sản, nhà báo Xuân Thủy đứng ra thành lập Ðoàn báo chí kháng chiến bao gồm tất cả các nhà báo trong Mặt trận Việt Minh.

Ngày 21/4/1950 đã trở thành một ngày lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi họ chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình. Tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ 2 tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976 Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Xuân Thủy - nhà ngoại giao - một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng là Chủ tịch đầu tiên của Hội và đảm nhận trọng trách này suốt hai nhiệm kỳ (1950- 1962). Các Chủ tịch Hội tiếp theo là nhà báo Hoàng Tùng (1962-1987), nhà báo Hồng Chương (1987-1989), nhà báo Phan Quang (1989-2000), nhà báo Hồng Vinh (2000-2005), nhà báo Đinh Thế Huynh (2005-2012) và nhà báo Thuận Hữu (từ tháng 3/2012 tới nay).

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6 - ngày ra số đầu của Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày Báo chí Việt Nam. Tổ chức Hội toàn quốc hiện nay có trên 22.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, 19 Liên Chi hội và 188 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Hội đã trải qua 9 kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 dự kiến vào tháng 8/2015, sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

 
Tác nghiệp giữa chiến trường 
Nguồn: Sưu tập

Chặng đường vẻ vang

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tập hợp các nhà báo hoạt động trên khắp mọi miền đất nước, thông qua các sản phẩm báo chí đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà báo đã xông pha trên các mặt trận trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lao động không ngừng nghỉ trong thời bình để có những dòng tin, bức ảnh, thước phim thời sự nóng hổi hàng ngày, hàng giờ phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội, của nhân dân.

Hội Nhà báo Việt Nam tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như qua các cuộc chiến đấu ác liệt tại chiến trường Tây Nam và chiến trường biên giới phía Bắc, hàng nghìn nhà báo đã đi theo tiếng gọi của Đảng, xung phong vào bộ đội, đi các chiến trường, có mặt trên tất cả các trận tuyến, chiến đấu bằng ngòi bút của mình thông qua hoạt động báo chí và khi cần thì cả bằng vũ khí như những người lính thực thụ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. 

Trong khi làm nhiệm vụ, nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh. Có hơn 400 nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

Theo đường lối của Đảng, thông qua báo chí, các nhà báo đã làm dấy lên các phong trào quần chúng sôi nổi tham gia và ủng hộ cuộc kháng chiến trong cả nước cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ ở miền Nam. 

Cụ thể, trong kháng chiến chống Pháp là các phong trào “tăng gia sản xuất”, “đóng thuế nông nghiệp”, “xung phong vào bộ đội”, “chăm sóc thương binh”; trong kháng chiến chống Mỹ là các phong trào “Ba đảm đang”, “Cờ ba nhất”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”; sau khi hòa bình lập lại trên cả nước và thực hiện thống nhất nước nhà là “khoán 10”, “khoán 100”, “cải tiến quản lý xí nghiệp”...

Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí nước ta tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, tổ chức và vận động thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại... 

Các nhà báo đã bám sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, cổ vũ nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện trì trệ, tiêu cực; đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam là người đại diện duy nhất của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền - các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng trong cả nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật. Hội đã có nhiều nỗ lực và về cơ bản thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - trong công tác thông tin và xây dựng tổ chức Hội; uy tín của Hội ngày một nâng cao.
​​​​​​​

Hội Nhà báo Việt Nam được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000) và Huân chương Sao Vàng (năm 2010). 


Nguồn: Báo pháp luật