344 lượt xem

Những nỗi oan thấu trời trong lịch sử Việt Nam

Những nỗi oan thấu trời xanh trong sử Việt

Đều là những vị công thần, có nhiều công trạng với đất nước, dân tộc, nhưng sự đời vốn lắm nỗi éo le nên oan khuất mà họ phải đón nhận khiến cho hậu thế đau xót. Trong dòng chảy của mình, lịch sử đã ghi lại không ít những nỗi oan như thế…

 

Đn th tướng quân Nguyn Phc.
Nguồn: Sưu tập

Khoa cử đầu tiên và nỗi oan khuất rồng tự cắn xé mình 

Ở đền thờ Lê Văn Thịnh tại xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có bức tượng rồng bằng đá tự cắn chân, xé mình – thể hiện nỗi đau của Thái sư Lê Văn Thịnh. Lê Văn Thịnh là người đầu tiên đỗ thủ khoa của nền khoa cử Việt Nam và được phong chức Thái sư, tuy có nhiều công trạng nhưng ông lại vướng phải vụ án “hóa hổ giết vua” ở hồ Dâm Đàm. 

Sau khi Lý Công Uẩn thành lập nên nhà Lý và dời đô ra Đại La, ông đã chú trọng đến phát triển nền giáo dục nước nhà. Năm 1075, dưới thời Vua Lý Nhân Tông, triều đình tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên ở nước ta, gọi là “Minh kinh bác học và Nho học tam trường”. Tại kỳ thi này, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, mặc dù chưa có danh xưng là “Trạng nguyên” nhưng ông đã trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng nước ta.

Ông sinh ngày 11 tháng Chạp năm Canh Dần (năm 1050) và nổi tiếng là người hiếu học từ nhỏ. Sau khi đỗ đầu kỳ thi, ông được vào hầu vua học, sau đó thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (năm 1076) và cũng là người có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đem hết tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới triều đại và canh tân đất nước.

Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống, năm Mậu Ngọ (năm 1078) ông cùng Đào Tông Nguyên được triều đình cử dẫn đầu phái bộ nhà Lý tranh biện với nhà Tống về chủ quyền biên giới Đại Việt. Bằng tài năng và sự cương trực của mình, Thái sư Lê Văn Thịnh buộc nhà Tống phải trả lại những châu, huyện thuộc miền Cao Bằng mà họ chiếm trước đây và cho thông sứ như cũ.

Song khi đang ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, ông lại rơi vào tấn thảm kịch với vụ án “hóa hổ” ở hồ Dâm Đàm đầy oan nghiệp, dẫn đến kết cục bi thảm năm Ất Hợi (năm 1096). 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn như sau: “Bấy giờ, vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”.

Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông bị bắt và định tội. Vua nghĩ ông là đại thần có công lớn, lại là thầy vua nên không nỡ giết. Ông bị tước hết quan chức, bị đày ở Thao Giang (thuộc Tam Nông, Phú Thọ ngày nay). Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó và đến đây thì làm phản”.

 

Bc tượng rng bng đá t cn chân, xé mình th hin ni đau ca thái sư Lê Văn Thnh đn th Lê Văn Thnh ti xã Đông Cu, huyn Gia Bình, tnh Bc Ninh. 
Nguồn: Sưu tập

Về vụ án này, đa phần giới sử học đều nhận định rằng, việc “hóa hổ giết vua” là chuyện hoang đường và Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ là nạn nhân của một màn kịch chính trị đương thời. Mà ở đây, sự tranh giành quyền lực giữa các thế lực Nho giáo – Đạo giáo – Phật giáo về quyền lợi kinh tế của tầng lớp quý tộc và giới Phật giáo thời Lý là nguyên nhân chính gây nên nỗi oan khuất này cho ông.

Theo lưu truyền, sau khi mãn hạn đi đày, ông tìm về quê hương. Khi đến chợ Điềng, xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh), ông dừng chân nghỉ và mất tại đây. Do mến phục công lao to lớn của ông với đất nước nên người dân địa phương đã chôn cất và sau đó tôn ông làm Thành Hoàng làng. Sang thời Lê sơ, Vua Lê Thái Tổ và các vị vua thời Lê Trung Hưng đã gia phong và khẳng định công lao của Thái sư qua các sắc phong, bi ký ở đền thờ nơi quê hương ông.

Chịu chết oan để cứu đoàn quân

Vào thời Vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành, tại làng Nước Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng ngày nay đã xảy ra vụ án oan sai mà không bao giờ sửa nổi. Vụ án đó liên quan đến Đô chỉ huy sứ đốc Nguyễn Phục.

Ông sinh năm 1433, quê thôn Đông, xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Theo bản dịch từ sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, năm 1453, ông thi khoa Quý Dậu, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, được Vua Lê bổ làm quan Hàn lâm Viện Đông các Đại học sĩ rồi tiếp tục được ban chức Phó tả Thị giảng.

Năm 1470, Nguyễn Phục được Vua Lê Thánh Tông phong chức Đô chỉ huy sứ đốc, phụ trách quân nhu của triều đình. Để chinh phạt Chiêm Thành quấy phá, lấn lướt phía Nam, Vua Lê Thánh Tông liền xuất lực lượng binh chiến bằng đường bộ và đường thuỷ. Nguyễn Phục là tướng trực tiếp chỉ huy đoàn thuyền vận chuyển lương thực để nuôi quân đánh giặc.

Tháng 10/1470, đoàn thuyền lương nhu của ông đi tới cửa Lạch Trào, còn gọi là cửa Lạch Hới ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) thì mây đen ùn ùn phủ kín bầu trời, rồi một cơn bão tố mạnh tràn đến, sóng dập từng đợt dữ dội, tàu thuyền ngả nghiêng và có nguy cơ bị đắm chìm. Vẫn biết đoàn thuyền vận chuyển lương nhu đến trễ thì quân lính vua Lê sẽ bị đói khát và chiếu theo luật lệ của triều đình có thể xử trảm. 

Song nhằm tránh thiệt hại vật chất và tính mạng binh lính trên các chuyến thuyền ấy, Nguyễn Phục cho các thuyền dừng lại để tìm nơi tránh bão an toàn. Ông nói với các thuộc hạ cùng đi: “Thà để mình ta chịu chết chứ không nỡ để đoàn quân lương chìm sâu dưới đáy biển. Thuyền chìm không những ta chết, các khanh chết mà đại quân ta cũng chết vì không có cái gì để ăn”.

Khi trời quang, mây tạnh, gió dừng, Nguyễn Phục cho đoàn thuyền tiếp tục lên đường và tới Bãi Nam, Sơn Trà, nơi đại quân của Vua Lê tạm dừng chân nghỉ ngơi, chờ đợi phân phát lương thực, thực phẩm để chuẩn bị mở trống, giương cờ tiến đánh quân Chiêm Thành đóng tại Cửa Đại, Hội An. Do tránh bão nên đoàn thuyền lương nhu tới nơi bị trễ mất mấy ngày.

Bực bội vì đoàn thuyền lương nhu đến chậm, lại có bọn gian thần xúi giục, Vua Lê Thánh Tông ghép Nguyễn Phục vì tội bất tuân. Các quan Bộ Hình liền gông cổ Nguyễn Phục ngay tại Bãi Nam, nơi đoàn thuyền đang tạm dừng chờ xuất trận.

Nhận thấy rõ Nguyễn Phục bị xử chém quá oan ức, quan lại Bộ Hình liền làm ngay sớ tấu trình lên Vua Lê Thánh Tông để minh oan và xin Vua lượng thứ mà tha tội chết cho Nguyễn Phục. Ngẫm thấy Nguyễn Phục không phạm tội bất tuân mà do điều kiện, hoàn cảnh thiên tai bất khả kháng cũng như tấm lòng trung và ý chí, trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản cũng như tính mạng binh lính, sáng 20/10 năm Canh Dần (năm 1470), Vua Lê Thánh Tông đổi ý, liền sai quân cầm lệnh bài tha tội chết đến nơi hành hình, song không kịp. Năm đó, tướng Nguyễn Phục vừa tròn 37 tuổi.

Đến năm Kỷ Mùi 1499, Vua Lê Hiến Tông kế vị Vua cha Lê Thánh Tông vừa được 2 năm liền phong là “Vân trung Chính nghị, lại gia phong Minh đạo Hiển ứng Thượng đẳng thần”. Sau đó, Vua Lê Dụ Tông cũng sắc phong cho ông là “Phúc thần tước Uy linh hiển Ứng dực Thánh hộ Quốc phù Tộ bảo an Thượng đẳng thần”.

Thương tiếc cho cái chết oan của vị tướng vì đại nghiệp, dân làng Nước Mặn - nơi ông bị xử chém liền dựng một cái miếu nhỏ sát bên bờ Hàn giang, gần nơi tiếp giáp với Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò), thường gọi là Miễu Một để làm nơi thờ cúng Nguyễn Phục. Con trai ông là Hoàng giáp Nguyễn Đạm, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ năm 1514 lại di dời mộ cha về cải táng tại quê nhà xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, trấn Hải Dương và xây lăng thờ.

Nỗi oan của người đã có công xây dựng Khuê Văn Các ở Văn Miếu

Bên cạnh cánh rừng nhỏ với hàng trăm cây cổ thụ thuộc hàng danh mộc với tuổi đời trên 200 năm vẫn còn tồn tại ở phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có ngôi đình Tân An được xây dựng vào năm 1820. Vị thành hoàng được người dân tôn thờ tại đình là Tiền quân Nguyễn Văn Thành, khai quốc công thần của triều Nguyễn.

Tiền quân Nguyễn Văn Thành (1757 - 1817) là người gốc Thừa Thiên, theo cha vào Nam giúp Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công trạng. Ông là người có công rất lớn trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn.

Ông được phong chức Khâm Sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại tướng quân với tước Quận công. Năm 1802, ông được giao làm Tổng trấn Bắc thành. Tại đây - kinh thành Thăng Long cũ - ông đã có những việc làm hết sức ý nghĩa.

Tuy là một quan võ nhưng ông đã có bài văn tế chiến sĩ trận vong nhằm truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong trận mạc. Với tư cách là một võ tướng, trong bài văn tế ông đã giãi bày công trạng của những người đã nằm xuống, tỏ lòng thương tiếc những người còn lại bằng giọng văn hùng hồn đầy thương cảm.

Ông đã cho tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về khía cạnh văn hóa và mỹ thuật. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805.

Rời chức Tổng trấn Bắc thành, ông về kinh đô Huế giúp vua soạn bộ Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là luật Gia Long). Công trạng của ông đối với nhà Nguyễn rất lớn. Vậy mà chỉ trong tích tắc, công lao ấy bị xóa sạch và ông phải chịu cái chết vô cùng oan ức. Con trai trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên vốn có tài văn chương, thi phú.

Năm 1815, trong một lần giao lưu với bạn, Thuyên đã có bài thơ với 2 câu kết” “Sơn tể phen này dù gặp gỡ/Giúp nhau xoay - đổi hội cơ này”.  Những người ghét ông đã suy đoán thêu dệt vu cho ông tội muốn làm phản và đã tâu với vua. Ông đã kêu oan nhưng không được Gia Long xét, buộc ông phải uống thuốc tự vẫn sau khi đã xử trảm Nguyễn Văn Thuyên.

Năm 1868, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền quân Nguyễn Văn Thành.  Sau đó, Nhà Vua cũng đã sắc phong cho ngôi đình Tân An và phong tước cho Thành hoàng Nguyễn Văn Thành. Năm 2014, đình Tân An chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia…

Trong dòng chảy của sử Việt, còn không ít những câu chuyện về những nỗi oan tày trời, thậm chí là phải đánh đổi cả sinh mệnh. Nhưng với họ có hề chi, bởi tấm lòng họ luôn trung trinh vì nước, vì dân mà sẵn sàng gánh lấy thiệt thòi…

Nguồn: báo pháp luật