220 lượt xem

Lương Đắc Bằng

(1472 - 1522 ), người làng Hội Trào (Hội Triều), huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa (nay là xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa). sinh vào khoảng thế kỷ 15, lúc nhỏ nổi tiếng là người hay chữ, đỗ Bảng nhãn năm Kỷ Mùi 1499. ...

Sinh vào khoảng thế kỷ 15, lúc nhỏ nổi tiếng là người hay chữ, đỗ Bảng nhãn năm Kỷ Mùi 1499. Ra làm quan, được thăng đến chức Tả Thị Lang bộ Lễ sau lại thăng lên Lại bộ Thượng thư, kiêm Đông Các Đại học sĩ, tước Đôn Trung bá. Công thần thời Lê Hiến Tông (1497-1504) đến Lê Tương Dực (1510-1516).

Năm 1510, ông thảo hịch kể tội Lê Uy Mục, khởi binh đánh đổ Uy Mục, lập Tương Dực làm vua . Nhưng Tương Dực làm vua, tình hình cũng không khác trước. Tháng 10 năm Canh Ngọ (1510), ông từng dâng vua "Trị bình thập tứ sách" gồm 14 đề mục chính để trị dân và tạo thái bình:
 

  1. Răn dạy cho đến nơi để đề phòng các biến dịch.
  2. Dốc lòng hiếu để, giữ lòng trung hậu.
  3. Xa thanh sắc để làm gương và chỉnh sắc lòng người.
  4. Bỏ người tà nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.
  5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn.
  6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan.
  7. Tiết kiệm của dùng, tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm ước.
  8. Khen người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
  9. Cấm triệt để hối lộ.
  10. Sửa soạn võ bị để nước mạnh thế chống giữ.
  11. Chọn chức đài gián (can vua) để cổ vũ chí khí người mạnh dạn dám nói lời ngay thẳng.
  12. Bớt việc sai dân, giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân.
  13. Hiệu lệnh cho nhất định, ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương
  14. Cẩn thận phép tắc để mở đường lối thái bình.

Trong cuốn Nam Hải Dị Nhân của tác giả Phan Kế Bính có chép tiểu sử của ông. Không những là một vị túc nho, ông còn là một đại thần rất cương trực, không ưa bè phái, nên được triều đình và nhân dân trọng vọng. Ông thường được vua cử đi sứ Trung Hoa và làm tròn sứ mệnh ngoại giao. Tuy nhiên, triều nhà Lê đã đến lúc suy vong, ông nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế. Nhận định về thời cuộc lúc đó, cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đã viết như sau: "Vua Tương - dực tính hay chơi-bời và xa-xỉ... Thời bấy giờ vua thì hoang chơi, triều-thần thì tuy là có bọn ông Nguyễn văn Lang, ông Lê Tung, ông Lương đắc Bằng, v.v... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về. Vả cũng không có ai là người có thể ngăn giữ được vua và kinh-doanh được việc nước, cho nên trong nước giặc-giã nổi lên khắp cả mọi nơi."

Trị bình thập tứ sách được vua khen ngợi nhưng không thi hành. cáo quan về nhà, mở trường dạy học tại Lạch Triều và nghiên cứu lý số. Nguyên thời đi sứ Trung hoa, ông có mang về bộ Thái Ất thần kinh để tham khảo. Ông rất thanh liêm và trọng đạo đức, dù làm quan lớn mà gia cảnh rất nghèo, con phải đi gặt thuê để sống (xem Lương Hữu Khánh).

Học trò ông nổi tiếng có Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), người tỉnh Hải Dương. Nhận thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tính tình khoáng đạt và thích lý số, nên ông truyền dạy và trao cho toàn bộ Thái Ất thần kinh. Sau này Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng nguyên, làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư nhà Mạc, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, ông có truyền lại cuốn "sấm Trạng Trình" tiên đoán việc đời sau.

Hiện nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường phố và 1 trường học tại Thanh Hóa.

Nguồn: http://zaidap.com