Vua Lý Nhân Tông dặn việc không ngờ
Sử chép, sau khi người Việt giành lại độc lập từ Trung Hoa thì chính quyền Đại Việt với Chân Lạp nhiều lần giao thiệp; phía Chân Lạp ở bổn phận nước chư hầu, phải thực hiện nghĩa vụ triều cống Đại Việt.
Năm 1113, Suryavarman II, một vị vua được coi là vĩ đại nhất của Chân Lạp lên ngôi đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược để mở rộng lãnh thổ. Đối với Đại Việt, thời gian mới nắm quyền, Suryavarman II đã cử sứ giả sang cống nạp một lần vào năm 1120.
Tuy vậy, vua Lý Nhân Tông lúc ở ngai vàng, đã tiên liệu được tình thế của đất nước, nên để lại di chiếu cho đời sau, có đoạn đã dặn dò: “…Mà thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ (12 tuổi), có nhiều đại độ, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế. Này kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta truyền nghiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được.
Này Bá Ngọc, ngươi có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng “việc không ngờ”, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế…”.
Nhưng “việc không ngờ” mà Lý Nhân Tông căn dặn đâu chỉ biến động giành ngôi của các thân vương mà còn nạn ngoại xâm của các lân bang nữa.
Đầu năm Mậu Thân (1128), nhân lúc vua Lý Nhân Tông mới mất, Thái tử Lý Dương Hoán (Lý Thần Tông) lên ngôi khi mới 12 tuổi, nước ta bị Chân Lạp đem quân quấy phá.
Lần thứ nhất cầm quân đánh Chân Lạ
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ngày Giáp Dần (29/1), hơn hai vạn quân Chân Lạp tiến đánh bến Ba Đầu, châu Nghệ An. Vua Lý Thần Tông sai quan nhập nội Thái phó Lý Công Bình cầm quân đi đánh giặc.
Ngày Quý Hợi (3/2), Lý Công Bình đã đánh bại quân Chân Lạp, bắt được cả chủ tướng và rất nhiều quân lính của chúng. Thắng trận, Lý Công Bình lập tức cho người đưa thư về Kinh thành Thăng Long báo tin.
Cũng sách trên chép rằng: “Thư báo tin thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn (15/2), Vua Lý Thần Tông ngự đến hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa quán trong thành làm lễ tạ ơn Phật và Đạo đã ngầm giúp Thái úy Công Bình đánh được người Chân Lạp. Đến tháng 3, Lý Công Bình về kinh thành, dân số tù nhân bắt được là 169 tên.
Bị thua đau nên hơn nửa năm sau, vào tháng 8, Suyrayavarman II lại cho một đạo quân gồm 700 thuyền chiến, đánh phá hương Đỗ Gia châu Nghệ An.
Lý Thần Tông xuống chiếu sai tướng Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa, tướng Dương Ổ ở châu Nghệ An đem quân đánh và phá được giặc. Suyrayavarman II lại gửi Lý Thần Tông một phong quốc thư, yêu cầu Đại Việt cử sứ giả sang Chân Lạp, vua Đại Việt không thèm trả lời.
Năm Nhâm Tý (1132), Thiên Thuận năm thứ 5, Suyrayavarman II cử tướng hội quân cùng với Chiêm Thành lại đánh châu Nghệ An. Lý Thần Tông xuống chiếu sai Thái úy Dương Anh Nhĩ huy động quân binh ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An chống trả mạnh mẽ, phá tan quân xâm lược.
Những cuộc chiến tranh của Chân Lạp trong thời Lý diễn ra từ khi Lý Công Bình cầm quân đến năm 1150, khi quân Chân Lạp sang đánh Nghệ An, đến núi Vụ Thấp thì tự tan rã. Từ đó Chân Lạp duy trì triều cống Đại Việt đến hết thời nhà Lý.
Chân Lạp lần thứ tư đánh Đại Việt
Cuối năm 1135 và năm 1136, các đại thần nhà Lý là Trương Bá Ngọc (Lê Bá Ngọc), Lưu Khánh Đàm, Dương Anh Nhĩ lần lượt qua đời, Mâu Du Đô thì bị bãi chức, triều đình nhà Lý mất đi nhiều trụ cột.
Nhân cơ hội này, chưa nguôi hận, tháng 1 năm Đinh Tỵ 1137, Suryavarman II, lần thứ tư sai tướng Phá Tô Lăng đem quân sang đánh Đại Việt, tấn công Nghệ An.
Mặc dầu sử Việt không ghi chép số lượng quân Chân Lạp, nhưng có thể đoán định quân xâm lược phải có số quân lớn đáng kể, vì hoàng đế Lý Thần Tông phải xuống chiếu sai Thái úy Lý Công Bình đem quân đi đánh.
Lý Công Bình khi đó đang giữ chức Thái úy được cử đi đánh dẹp và chỉ một tháng sau, vừa địch họa lại gặp động đất “nước sông đỏ như máu”, nhưng Thái úy Lý Công Bình cũng đánh tan được quân giặc.
Sử sách không ghi chép gì về việc phong thưởng sau khi thắng trận và về Lý Công Bình, sau đó sử sách cũng không nhắc đến ông. Không rõ ông mất vào năm nào, chỉ biết đến năm 1141 (5 năm sau thắng lợi Chân Lạp lần thứ 4), người giữ chức Thái úy dưới thời vua Lý Anh Tông là Đỗ Anh Vũ.
Phù điêu bằng đá ở Angkor Wat có khắc hình Suryavarman II. (Nguồn: sưu tầm)
Về trận đánh quân Chân Lạp tự tan rã
Về phía Chân Lạp, năm 1150, một lần nữa lại đem quân sang đánh Nghệ An, đến núi Vụ Thấp (nay là Vụ Quang) thì tự tan rã. Từ đó Chân Lạp duy trì triều cống Đại Việt đến hết thời nhà Lý.
Sự kiện này diễn ra như sau: thế kỷ thứ 12, Champa vào thời vua Jaya Indravarman (1086 – 1139) đã liên minh với Chân Lạp gây chiến tranh chống lại Ðại Việt.
Sau những lần xâm lược Đại Việt không thành, Suyrayavarman II nghi ngờ Champa, đang liên minh với Ðại Việt, nên tuyên chiến với Chiêm vào năm 1145. Quân đội của Chân Lạp xâm lược Chiêm, chiếm thành Ðồ Bàn, vua Jaya Indravarman mất tích và Suyrayavarman II đặt quyền cai trị ở lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành.
Trước tình hình nguy ngập này, vua Jaya Indravarman VI (1139-1147), thủ lĩnh một tiểu vương quốc Panduranga, nổi dậy chống cuộc xâm lăng của Chân Lạp.
Vua Jaya Harivarman VI (1147-1163) kế tục nghiệp kháng chiến và hoàn toàn thắng lợi năm 1149, giải phóng thủ đô Đồ Bàn và đưa Chiêm Thành thoát khỏi ách thống trị của Chân Lạp.
Trong khoảng thời gian từ 1145 – 1149, Chân Lạp đã cai trị miền bắc Chiêm Thành và như thế đế quốc này tiếp giáp Đại Việt ở phía tây nam. Do Suyrayavarman II phải đối phó với cuộc kháng chiến mạnh mẽ của hai đời vua ở nam Chiêm Thành nên tạm hòa hoãn với Đại Việt.
Năm 1149 thất bại ở Chiêm, vua Suyrayavarman II lại thân chinh đánh Đại Việt vào năm 1150. Lúc bấy giờ vua Lý Anh Tông chỉ mới 10 tuổi, nhưng các quan văn võ vẫn có người giỏi phò tá, trong đó có thái phó Tô Hiến Thành là người từng dẹp được giặc Thân Lợi (1141), Thái sư Mậu Du Đô từng được lệnh vua lo tuần phòng biên giới…Nói chung việc canh phòng của Đại Việt rất cẩn mật.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Ngọ (1450), Đại Định năm thứ 11…mùa xuân, tháng 3, hạn, mùa thu, tháng 7 hạn. Tháng 9, người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì làm chướng bèn tự tan vỡ”.
Những tồn nghi về Lý Công Bình có phải là Phạm Công Bình hay Nguyễn Công Bình hay không, đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.
Phù điêu đá chạm nổi đoàn binh của vua Chân Lạp ra trận ở Angkor. (Nguồn: sưu tầm)
Thiên không thời, địa chẳng lợi
Quân Chân Lạp lúc này vẫn còn do Suyrayavarman II chỉ huy, không những dùng thủy binh mà còn dùng tượng binh, bộ binh trong trạng huống “thiên không thời” (hạn hán kéo dài từ xuân đến thu), “địa chẳng lợi” (Chiêm đang hừng hực kháng chiến, Đại Việt lo phòng vệ cẩn mật), “nhân không hòa”(cả người Chiêm và người Đại Việt đều oán hận đế quốc Chân Lạp) cho nên đoàn quân xâm lược của Suyrayavarman II đã có một kết thúc bi thảm ở núi Vụ Thấp, tức núi Vụ Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Có khả năng Suyrayavarman II và phần nhiều binh lính của ông vua hiếu chiến này đã chết thảm vì lam chướng ở tử địa Vụ Quang, quân Chân Lạp còn lại như rắn mất đầu và chỉ còn số ít nên tự tan vỡ, nên không có một phiến đá nào ở Angkor Wat ghi lại ngày tháng năm tử trận của một hoàng đế đầy tham vọng này…
Bàn về việc vua làm lễ tạ ơn trời đất và Đạo mà không ban thưởng công trạng tướng sĩ, đặc biệt là Lý Công Bình, sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:
“Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đằng này lại quy công cho Phật và Đạo đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ.”
Lý Công Bình có phải Phạm Công Bình?
Sau này, trong Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần cũng nhận định: “Lý Công Bình nhận mệnh vua mà đem tướng sĩ đi đánh giặc, cũng có thể nói là trung thần. Công Bình xuất quân chỉ mới được mấy ngày đã có tin thắng trận báo về, cũng có thể nói rằng ông là người có tài làm tướng.
Thưởng người có công, trị người có tội là lệ thường của mọi thời. Tiếc thay, Lý Công Bình chẳng được hưởng sự công bình, bởi vua u mê, cái gì cũng cho là Trời Phật làm nên chứ chẳng phải sức người.
Sau, đến năm Đinh Tị (1137), ông lại phải thêm một phen cầm quân đi đánh Chân Lạp ở Nghệ An, nhưng cũng chẳng thấy sử chép nhà vua thưởng gì cho ông. Lý Thần Tông mất năm 1138, thọ 22 tuổi. Diễn đạt theo cách nghĩ của chính nhà vua lúc sinh thời, thì cũng có thể coi đó là điềm lành cho xã tắc vậy.”
Những tồn nghi về Lý Công Bình: theo một số nguồn tư liệu ở Vĩnh Phúc thì Lý Công Bình là Phạm Công Bình, người An Lạc, Yên Lạc, phủ Tam Đái, Sơn Tây (nay là thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo nguồn này thì Phạm Công Bình đỗ Trạng nguyên (hoặc thủ khoa, sau được thờ tự với danh hiệu Trạng nguyên) khoa Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh thứ 3 đời Lý Huệ Tông.
Nguồn này lý giải việc này là do Lý Công Bình vốn họ Phạm sau được ban quốc tính (họ Lý), đến thời Trần phải kiêng húy Trần Lý nên sử ghi là Nguyễn Công Bình.
Tuy nhiên thời vua Lý Huệ Tông không hề có năm Mậu Thìn cũng như niên hiệu là Kiến Gia. Do đó một số nguồn cho rằng Phạm Công Bình đỗ năm Kiến Gia thứ 3 (1214); điều này lại mâu thuẫn vì Lý Công Bình là nhân vật sống vào nửa đầu thế kỷ XII mà thời Kiến Gia là đầu thế kỷ XIII… Vì thế, Lý Công Bình, Phạm Công Bình hay Nguyễn Công Bình có phải là một người hay không còn rất nhiều nghi vấn.
TS. Nguyễn Thành Hữu