231 lượt xem

Lý Công Uẩn

Trong lịch sử Việt Nam, Lý Công Uẩn được lưu danh vốn thông minh bẩm sinh, khai sáng kinh thành Thăng Long. Ông đã cùng triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt dựng nước và giữ nước.

Xuất thân kỳ bí

Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974 – 1028), là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì 20 năm, từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028.

Về cuộc đời Lý Công Uẩn, có rất nhiều sử sách chép lại nhưng đều mang những nét huyền bí. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Ninh. Người mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thân, sau đó về có chửa, sinh Vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ năm (947), thời Đinh”.

Còn sách Việt sử thông giám cương mục viết: “Mẹ ngài là Phạm Thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm giáp Tuất, Thái Bình thứ năm (947), thời Đinh”. Hiện vẫn còn câu đối bằng chữ Hán khắc trên cột nhà bia ở Chùa Tiêu (Bắc Ninh) “Lý gia linh tích tồn bi kỷ/Tiêu Lĩnh danh kha đắc sử truyền”, nghĩa là “Dẫu thiêng nhà Lý còn bia tạc/Danh thắng non tiên có sử truyền”.

Cũng tại ngôi chùa tọa lạc trên sườn núi Tiêu ở huyện Tiêu Sơn này, cuối thế kỷ XX, các nhà sử học đã phát hiện ra một sự thật lịch sử. Đó là những thông tin quý giá, hé mở sự thật về người đàn bà đã sinh ra Lý Công Uẩn.

Những dòng chữ của tiền nhân còn lưu lại trên bia “Lý gia linh thạch” rằng, người phụ nữ sinh ra Lý Công Uẩn tên thật là Phạm Thị Ngà. Bà là người làng Hoa Lâm, làm thủ hộ của nhà chùa, chuyên quét sân, làm vườn và lo nhang đèn…

Sự đầu thai đã nhuốm màu thần bí, rồi sự chào đời của Lý Công Uẩn cũng vậy: “... một đêm, trời trong sáng lạ thường, có mây ngũ sắc xuất hiện, vị sư trụ trì ở chùa Ứng Tâm đã được báo mộng là ngày mai phải đón vua. Nhưng sáng sớm hôm sau chỉ thấy người đàn bà Phạm Thị Ngà đang xin tạm ở chùa sinh được một người con trai khôi ngô, trong lòng bàn tay có bốn chữ “sơn-hà-xã-tắc” đỏ như son”.

Cha là “thần nhân” được thế lực thần bí chọn nơi sinh là cửa nhà Phật. Mẹ là thôn nữ, làm giám hộ ở chùa, có duyên với thần nhân. Như vậy, có thể thấy rằng, Lý Công Uẩn là kết quả của tình yêu giữa một người phụ nữ bình dân với một “thần nhân”. Lên ba tuổi được mẹ gửi gắm cho nhà sư Lý Khánh Văn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì, “Vua sinh ra mới ba tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi”. Còn theo sách Đại Việt sử ký tiền biên “năm 3 tuổi, mẹ bế đến nhà Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp, Khánh Văn nuôi làm con nuôi” và đặt tên là Lý Công Uẩn.

Công Uẩn khôi ngô, rắn rỏi và rất thông minh nên được “ông bố nuôi” hết lòng chăm sóc, dạy bảo. Mới sáu, bảy tuổi, Công Uẩn đã thông thuộc kinh sử nhưng tinh nghịch. Giai thoại kể lại rằng: Một hôm sư Khánh Văn sai Công Uẩn mang oản lên bệ thờ Hộ pháp, cậu bé đã khoét ruột oản ăn trước. Đêm đến, Hộ pháp báo mộng cho sư biết.

Đến hôm sau, Khánh Văn trách mắng Công Uẩn. Cậu bé ức lắm, rồi lại viết vào sau lưng tượng mấy chữ “Đày ba ngàn dặm”. Đêm hôm đó, sư lại mộng thấy Hộ pháp đến ngỏ lời từ biệt rằng “Hoàng đế đày tôi đi xa, xin có lời chào ông”. Sáng hôm sau, sư lên xem pho tượng Hộ pháp quả thấy mấy chữ “Đày ba ngàn dặm” ở sau lưng.

Sư bèn sai chú tiểu lấy nước rửa bỏ mấy chữ ấy mà rửa mãi không sạch. Đến lúc bảo Công Uẩn làm thì cậu bé chỉ xoa xoa mấy cái là sạch ngay. Sư hết sức kinh ngạc. Nhân thấy Công Uẩn đã hơi lớn, lại nghịch ngợm quá, Khánh Văn liền gửi Công Uẩn sang học với sư Vạn Hạnh bên chùa Lục Tổ.

Sách Thiên Nam ngữ lục cho biết, năm 20 tuổi, Lý Công Uẩn được Vạn Hạnh tiến cử vào triều. Ngài bắt đầu sự nghiệp bằng việc đi làm võ tướng dưới thời Tiền Lê, giữ chức Điện tiền quân và giữ chức Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều (1005- 1009).

Như vậy, quãng thời gian Công Uẩn chịu sự giáo dưỡng của nhà sư Vạn Hạnh kéo dài khoảng 12 đến 13 năm. Hơn 10 năm tu tâm dưỡng tính, học tập dưới mái nhà Phật và được sự rèn cặp của Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn trở thành một người có học vấn và trí tuệ hơn người, có lòng yêu nước sâu sắc.

Lại nói về thiền sư Vạn Hạnh, người cha tinh thần, người thầy giáo và người vạch ra con đường đi tới ngai vàng cho Lý Công Uẩn. Theo sử liệu thì thiền sư Vạn Hạnh sinh vào khoảng năm (938-939), ở châu Cổ Pháp (tương đương với huyện Từ Sơn và Tiên Du ngày nay). Ông cùng với Đào Can Mộc - một võ tướng thời đó đã phù trợ, ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập vương triều Lý.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm Vạn Hạnh 70 tuổi, một lần nói với Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn: “Vừa rồi, tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm giữ binh quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì ai còn đương nổi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông thế nào. Thực là cái mang ngàn năm có một...”.

Lên ngôi thuận ý trời, hợp lòng người

Theo các sử liệu, sự lên ngôi của Lý Công Uẩn cũng rất kỳ lạ, có nhiều điềm báo trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép: “Trước đây ở thôn Diên Uẩn, châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, người hương ấy xem kỹ dấu vết sét đánh có chữ “Thụ căn diểu diểu/Mộc biểu thanh thanh/Hòa đao mộc lạc/Thập bát tử thành/Đông a nhập địa/Mộc dị tái sinh/Chấn cung kiếm nhật/Đoài cung ẩn tinh/Lục thất niên gian/Thiên hạ thái bình”.

Có nghĩa là “Gốc cây thăm thẳm/Ngọn cây xanh xanh/Cây hòa đao rụng/Mười tám hạt thành/Cành đông xuống đất/Cây khác lại sinh/Đông mặt trời mọc/Tây sao náu hình/Khoảng sáu bảy năm/Thiên hạ thái bình”. Ở hương Cổ Pháp xuất hiện một con chó trắng lưng có chữ “thiên tử” lông đen. Cây đa chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ “Quốc”.

Quanh mộ cha Lý Công Uẩn ban đêm có tiếng tụng kinh và ngâm thơ báo trước việc họ Lý làm vua... Có người đem những điều đó hỏi thiền sư Vạn Hạnh thì được ông giải thích đó là điềm trời báo trước việc họ Lê mất, họ Lý nổi lên. 

Lại nói rõ hơn, dưới thời Tiền Lê, Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nhiều vị cao tăng được mến mộ, trọng đãi. Lực lượng quân đội do Đào Cam Mộc lãnh đạo và Phật giáo mà Vạn Hạnh là một thiền sư tiêu biểu là hai lực lượng chính phù trợ cho nhà Lê. Tuy nhiên, thời Lê Ngọa Triều, nhà vua đã duy trì những chính sách tàn ác khiến lòng dân oán thán, mất đi sự ủng hộ của Phật giáo và quân đội.

Một lần Đào Cam Mộc nói với Lý Công Uẩn: “Gần đây Chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác, mong tìm chân chúa”.  Lần sau lại nói: “Người trong nước ai cũng nói họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi. Đó là cái họa không thể che giấu được nữa.

Chuyển họa thành phúc chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao người theo...” và “Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt, kiệt quệ, dân không chịu nổi. Thân vệ nên lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được”.

Được sự ủng hộ của quân đội và giới Phật giáo, Lý Công Uẩn đã lên nắm triều chính. Đây là sự thay đổi vương triều thuận ý trời, hợp lòng người nên đã diễn ra êm thấm, không có đổ máu. Lý Công Uẩn lên ngôi ngày 2/11 năm Kỷ Dậu, tức ngày 21/11/1009 tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ông là người sáng lập vương triều nhà Lý, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, vẫn lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt. 

Lý Thái Tổ là một vị vua hiền từ, rất lo cho dân. Với cương vị Hoàng đế sáng lập vương triều, nhà vua trước hết lo xây dựng vương triều, củng cố chính quyền trung ương.

Bộ máy hành chính được xây dựng có quy củ, cả nước chia làm 24 lộ, các thế lực cát cứ địa phương bị dẹp yên. Nhà vua đặc biệt chăm lo xây dựng cơ sở xã hội, chính trị, tư tưởng cho vương triều.

Lý Công Uẩn thi hành chính sách “thân dân”, năm 1013 định lại các lệ thuế, từ thuế ruộng đất, ao hồ đến thuế bãi dâu, các thuế sản vật... Ông nhiều năm xá thuế cho dân như năm 1016 xá tô thuế 3 năm, năm sau, năm 1017 lại xá tô ruộng…

Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh tan. Trong lịch sử dân tộc, Lý Thái Tổ đã làm nên một việc lớn, tạo dựng một mốc son lịch sử- đó là quyết định dời đô về Thăng Long.

Lúc bấy giờ, thấy đất Hoa Lư, cố đô của Đại Cồ Việt chật hẹp, không thể mở mang ra làm chỗ đô hội nên ông có ý định dời đô về thành Đại La (hay La Thành - Hà Nội ngày nay). Quyết định rời bỏ hẳn một kinh đô từ vùng núi non hiểm trở ra vùng đồng bằng có thể cho thấy bản lĩnh và tầm nhìn của vị hoàng đế khai sáng ra triều Lý.

Tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) thì khởi sự dời đô. Khi ra đến La Thành, ông lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng bay lên trời nên đổi tên Đại La thành sang Thăng Long thành và cải Hoa Lư làm Trường An phủ và Cổ Pháp làm Thiên Đức phủ. Việc định đô ở Thăng Long vào năm 1010 của Lý Thái Tổ là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước. 

Thực hư gốc tích vị Vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long

Chuyện Lý Công Uẩn được đầu thai ra sao được chép ở sách "Đại Việt sử ký toàn thư": "Vua họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang (bao gồm các huyện Tiên Du, Từ Sơn - Bắc Ninh; Gia Lâm, Đông Anh - Hà Nội ngày nay.  Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh Vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ năm (947), thời Đinh".

Sách "Việt sử thông giám cương mục" cũng chép tương tự: "Mẹ ngài là Phạm thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giáp Tuất, Thái Bình thứ năm (974), thời Đinh". Trong sách "Việt sử tiêu án", Ngô Thì Sỹ viết: "Sách sử chép Phạm Thái hậu đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với thần giao hợp mà sinh ra Vua. Lý Khánh Văn nuôi làm con, nhận là họ Lý. 

Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: "Thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh rước về nuôi".  

Tuổi thơ của Lý Công Uẩn cũng phát lộ những điều chỉ có ở các "thần đồng" sẵn mang mệnh đế vương. 

Vẫn theo "Đại Việt sử ký toàn thư": "Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ đẻ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn nuôi làm con. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: Đứa trẻ này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất  có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ".

Sách "Đại Việt sử lược" cũng ghi:  "Lúc nhỏ, Vua thông minh, tính khí khôi hoạt, rộng rãi. Tới học ở chùa Lục Tổ, thiền sư Vạn Hạnh thấy cho là khác lạ, nói: "Đây là người phi thường, sau này tới lúc cường tráng tất có thể cứu đời, yên dân, làm chúa thiên hạ".

Những truyền thuyết nhuốm huyền thoại 

Theo các cụ cao tuổi ở làng Dương Lôi (nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) thì từ xa xưa đến nay, ở đây vẫn lưu truyền câu phương ngữ "Nở Đường Sau/ đau chùa Dận".

Và cội nguồn ra đời của câu phương ngữ đó là cả một câu chuyện khá ly kỳ về thân mẫu của Vua Lý Thái Tổ. Chuyện rằng: Thuở ấy, trong làng có một gia đình họ Phạm gồm hai ông bà và người con gái có tên là Ngà. 

Gia cảnh tuy nghèo nhưng họ sống rất hạnh phúc, còn cô con gái thì đã xinh đẹp lại nết na. Sau cái chết của người cha vì bạo bệnh, trong hoàn cảnh mẹ góa con côi, họ đành rời  bỏ xóm làng ra dựng tạm túp lều trước cổng chùa Minh Châu. Để độ thân, hàng ngày hai mẹ con bán nước cho người qua đường và bán hương, cau cho người vào lễ Phật.  

Vào một hôm đẹp trời, có 2 vị tu hành ghé vào quán uống nước, thì ra hai vị sư ấy đến chùa Minh Châu giảng kinh Phật, một vị là Lý Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu (chùa Ứng Thiên Tâm), một vị là Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp (tức chùa Dận). 

Sự phúc hậu của bà mẹ cùng sự nết na của người con gái đã chiếm được thiện cảm của hai vị sư. Ít lâu sau, người mẹ không may qua đời. Được sự chỉ dẫn của các vị sư, cô gái bèn dời mộ cha và thi hài mẹ an táng cùng mộ chỗ gò đất có hình rồng ấp, ven rừng Miễu. Sau đó, cô Ngà về làm thủ hộ cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu, hàng ngày quét sân, làm vườn và lo chuyện nhang đèn. 

Tình cờ một đêm, do làm việc mệt, cô gái ngả lưng thiếp đi trước cửa chùa, trong mơ cô thấy một vị thần nhân hình dong đẹp đẽ, phong độ tiên cốt bước qua người mình. Tỉnh dậy, cô thấy trong người có cảm giác khác lạ, cứ thèm ăn của chua.

Lo sợ trước cái bụng cứ mỗi ngày một to dần lên, cô rời chùa Tiêu trở về chùa Minh Châu. Thương tình, sư trụ trì cho cô nương náu. Cho đến trước ngày "mãn nguyệt khai hoa", cô xin phép nhà chùa trở lại túp lều nơi xóm cũ  Đường Sau.

Trong cơn đau đẻ vào một đêm mưa rét đầu xuân (tháng Hai năm Giáp Tuất - 974), cô Ngà mơ thấy các bà mụ như từ trên trời hiện  xuống làm bà đỡ. Đứa trẻ sinh ra khôi ngô tuấn tú, dưới hai bàn  chân, người làng đọc thấy chữ "Vương". 

Khi đứa trẻ lên ba, người mẹ bỗng sinh bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, vào một tối, cô ôm con đến chùa Dận. Trước đó, sư trụ trì Lý Khánh Văn thấy nhiều chuyện lạ: một con chó mẹ trong chùa đẻ một con chó con lông trắng khoang đen có hình chữ "Tuất Thiên tử"; rồi trên chiếc cổng lớn của chùa tự dưng xuất hiện bốn chữ "Hưng quốc chi niên".

Tối đó, trong giấc ngủ, sư chiêm bao thấy thần hiện lên báo mộng, cho biết giờ Tý đêm nay có đế vương đến  ngự. Choàng tỉnh dậy, sư sai tiểu quét dọn chùa, còn mình thì thắp hương tụng niệm. 

Đúng giờ Tý, con "Tuất Thiên tử" bỗng nhiên sủa vang và vẫy đuôi mừng rỡ chạy ra cổng chùa. Sư Khánh Văn theo ra thì thấy một người đàn bà rách rưới, đội chiếc  nón mê, tay ôm đứa trẻ. Nhận ra người đàn bà chính là cô Ngà ở chùa Minh Châu trước kia, sư ông bèn đưa vào hỏi han sự tình. Khi biết đứa trẻ này tuổi Tuất, khôi ngô tuấn tú, dưới chân lại có chữ Vương thì nhà sư tin lời báo mộng đã ứng nghiệm. 

Ngài bèn bảo cô Ngà để đứa trẻ lại cho nhà chùa nuôi dạy nên người, sau này giúp nước, giúp dân. Nghe lời sư, cô đành gạt nước mắt từ biệt con, rồi một mình quay về xóm cũ. 

Trên đường về, đến một gò đất ven rừng, tự nhiên thấy hoa mắt, cô gái họ Phạm gục xuống, thiếp đi. Tại chỗ cô nằm, mối đùn lên thành ngôi mộ rất lớn, tương truyền đó là nơi "liên hoa khai bát điệp" - một trong những huyệt mộ đế vương.

 

Hiện nay ở làng Dương Lôi vẫn còn ngôi đền thờ bà Phạm Thị Ngà, dân gian gọi là đền "Miễu". Như vậy, câu "Nở Đường Sau/ Đau chùa Dận" mà bao đời nay người dân vùng Kinh Bắc truyền lại cho nhau có căn nguyên của nó, vì xóm Đường Sau ở Dương Lôi là nơi Lý Công Uẩn chào đời, còn chùa Dận ở Đình Bảng là nơi nhận nuôi dưỡng Lý Công Uẩn từ lúc 3 tuổi.

Bối rối các nhà chép sử từ cổ chí kim

Cả những ghi chép trong chính sử lẫn truyền thuyết trong dân gian đều cho rằng mẹ của Lý Công Uẩn có mang với "thần nhân". Điều này đã khiến một sử gia ngày trước trong khi chép sử không khỏi bối rối. Trong "Việt sử tiêu án", Ngô Thì Sỹ đã dẫn ra một đoạn dã sử: "…

Ngoại truyện lại nói: Mẹ Vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt, bà đang ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra Vua". 

Rồi ông hạ một câu lửng lơ: "Thế thì thật không biết người nào là cha Vua nữa". Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" cũng có "Lời cẩn án" rằng: "Lý Thái Tổ làm con nuôi sư Lý Khánh Văn, còn bố đẻ không biết là ai. Sử cũ ở đây chép suy tôn cha mà không chép tên, lại không  nói rõ là bố đẻ hay là bố nuôi, về sau chép phong cho anh, phong cho chú, lại không thấy nói họ tên".

Và sử gia cũng để ngỏ một câu: "Vậy hãy tạm để lại, sẽ khảo sau".  GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng:  "Vì những lý do riêng, Lý Thái Tổ không muốn công khai lý lịch. Điều quan trọng hơn là muốn lấy sự tin cậy của dân, nên mới bịa ra chuyện con thần. Nhưng đây là điều hoàn toàn không đúng vì chắc chắn Vua có bố mẹ đẻ. 

Bằng chứng là ngay sau lễ lên ngôi (21/1/1009), Lý Thái Tổ đã truy tôn cha là Hiển Thánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu; phong tước cho chú và anh em ruột; đồng thời xuống chiếu làm Ngọc điệp (gia phả Nhà Vua)". 

Như vậy, vấn đề chỉ là ở chỗ "thần nhân" ấy cụ thể là ai? Giới sử học và các nhà nghiên cứu bấy lâu đã tốn  không ít giấy mực hồng "giải mã" vị “thần nhân” bí ẩn ấy, song cho đến nay câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Lý Thái Tổ – vị vua đặt mốc son cho lịch sử Thăng Long

1000 năm Thăng Long – Hà Nội khởi đầu từ quyết định dời đô sáng suốt, mang tính chiến lược của vị vua khai mở triều Lý, Thái Tổ Lý Công Uẩn. Tầm nhìn chiến lược trong việc lựa đất đóng đô giữ nguyên giá trị trong hầu hết chiều dài 1000 năm đã đưa Lý Thái Tổ thành vị vua chói sáng nhất trong số các vị vua tài giỏi của lịch sử phong kiến nước Nam.

 

Lý Công Uẩn sinh năm 974, là người làng Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi vẫn còn lưu giữ ngôi đền Lý Bát Đế nổi tiếng thờ 8 vị vua triều Lý). Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn mồ côi cả cha lẫn mẹ, được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi.

Về thân thế của Lý Công Uẩn, truyền thuyết kể rằng thân phụ Lý Công Uẩn là người làm thuê ở chùa Tiêu Sơn thuộc vùng Bắc Ninh. Trong thời kỳ làm công ở đây, người này phải lòng một tiểu nữ rồi làm nàng có thai. Bị đuổi ra khỏi chùa, hai vợ chồng bìu díu nhau đến khu rừng báng thì vừa mệt, vừa khát, bèn dừng chân nghỉ ngơi. Người chồng để vợ ngồi lại nghỉ, còn mình tìm đến giếng nước giữa rừng lấy nước uống cho cả hai vợ chồng. Không may, người chồng ngã xuống giếng mà chết. Người vợ chờ lâu bèn đến giếng tìm chồng thì thấy giếng đã bị đất đùn lấp kín thành hình bông hoa có 8 cánh. Than khóc một hồi, thân xác rã rời, người vợ đành lết đi tìm nơi tá túc và may mắn được sư trụ trì chùa Ứng Tâm (nay là chùa Dặn) gần đấy thương hại cho ở lại.

Lại nói về sư trụ trì chùa Ứng Tâm Lý Khánh Văn. Đêm trước, ông nằm mơ thấy Long thần báo mộng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến”. Nửa thực nửa ngờ, sáng hôm sau, nhà sư sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ. Thầy trò túc trực từ sáng đến chiều mới thấy người phụ nữ có thai khổ sở đến xin ngủ nhờ qua đêm. Sau khi nghe rõ nguồn cơn câu chuyện, nhà sư thương tình cho người phụ nữ bất hạnh ở lại trong chùa chờ kỳ khai hoa mãn nhụy. Mấy tháng sau, trong một đêm vần vũ, từ chái nhà nơi người phụ nữ tá túc bỗng tỏa ánh hào quang rực rỡ, hương thơm bay ngào ngạt. Thấy sự lạ, nhà sư cùng bà hộ chùa tìm đến xem thì thấy người đàn bà đã trở dạ, sinh được cậu con trai kháu khỉnh, mặt mũi khôi ngô, sáng láng, trên hai bàn tay có bốn chữ son: “Sơn hà xã tắc”. Người đàn bà ấy chết ngay sau khi sinh được con. Sau đó, trời nổi mưa giông, sấm chớp giật liên hồi. Thương cảm đứa bé mồ côi, sư Khánh Văn bèn nhận lấy làm con nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi Công Uẩn đến tuổi đi học, thiền sư Khánh Văn bèn gửi sang chùa Lục Tổ là nơi người anh có pháp danh Vạn Hạnh làm trụ trì, nhờ thiền sư Vạn Hạnh dạy bảo.

Cũng có truyền thuyết khác nói rằng mẹ Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị Ngà, người làng Dương Lôi (Bắc Ninh). Một hôm, bà Ngà đi chùa lễ Phật, buổi trưa nằm ngủ dưới gốc cây nằm mơ thấy có thần nhân đến giao hoan cùng. Tỉnh dậy, bà có thai. Đến kỳ lâm bồn, bà sinh được cậu con trai, đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi Công Uẩn lên 3 tuổi, bà Ngà bèn mang Công Uẩn vào chùa cho làm con nuôi sư Khánh Văn. Đoạn sau của truyền thuyết này cũng giống truyền thuyết trên.

Lý Công Uẩn tư chất thông minh, sáng láng, được sư Vạn Hạnh khen “không phải là người thường. Sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm chúa trong thiên hạ”.

Sau này, khi được vua Lê Đại Hành sùng kính, phàm những việc lớn nhỏ trong triều đình hay bình thiên hạ nhà vua đều tham vấn ý kiến, thiền sư Vạn Hạnh bèn tiến cử Lý Công Uẩn. Vào triều làm quan, Lý Công Uẩn càng tỏ rõ là người có tài thao lược, được vua Lê Đại Hành rất tin dùng. Dưới triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn được phong tới chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Sau này, khi vua Lê Đại Hành băng hà, ngôi báu được truyền cho hoàng tử thứ 3 là Lê Long Việt, tức vua Lê Trung Tông. Sau khi lên ngôi được 3 ngày, Lê Trung Tông bị chính em ruột của mình là Lê Long Đĩnh sát hại, tiếm ngôi vua, sử gọi là Ngọa Triều. Khi ấy, quần thần ai cũng kinh sợ lánh xa, duy có Lý Công Uẩn ôm xác vua Trung Tông kêu khóc. Long Đĩnh khen là người trung nghĩa bèn cho giữ nguyên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Do chơi bời trác táng, Ngọa Triều bị bệnh nặng và qua đời khi mới 24 tuổi. Khi ấy, con của Long Đĩnh là hoàng tử Sạ còn quá bé, đất nước lại lâm cảnh khốn khó do nạn tranh giành quyền lực và sự tha hóa của vua Ngọa Triều, quần thần bằng đồng loạt tôn xử Lý Công Uẩn lên ngôi vua với ước mong đất nước sẽ được thái bình, thịnh trị. Là người trung nghĩa, thẳng thắn, Lý Công Uẩn nhiều lần từ chối lời thỉnh cầu của quần thần. Vì nghĩa lớn, thái hậu Dương Vân Nga (hoàng hậu của vua Lê Đại Hành) phải đích thân khoác hoàng bào lên người cho Lý Công Uẩn, khi ấy, Lý Công Uẩn mới nhận lời lên ngôi vua, lập ra triều Lý. Ấy là năm 1009.

Lên ngôi báu, nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, bốn bề núi giăng, không xứng là đất định đô của một quốc gia độc lập, càng khó để xây dựng đất nước phồn thịnh, Lý Thái Tổ bèn nghĩ tới việc dời đô. “Xem khắp đất Việt”, thấy chỉ có Đại La là “nơi thắng địa”, “ở trung tâm của trời đất”, “được thế rồng chầu hổ phục, đã thuận hướng nam bắc đông tây, lại tiện nghi núi sông sau trước”, “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa”, Lý Thái Tổ bèn soạn thiên chiếu dời đô nổi tiếng sử sách để tham vấn ý kiến quần thần. Vua tôi nhất trí đồng lòng, bèn quyết dời đô từ Hoa Lư ra Đại La.

Mùa thu năm 1010, đoàn thuyền dời đô của nhà vua cập bến thành Đại La. Ngay lúc ấy, theo truyền thuyết, nhà vua nhìn thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên, nhân đó đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long.

Định đô tại Thăng Long, Lý Công Uẩn cho đổi tên cố đô Hoa Lư thành phủ Tràng An, đổi tên quê hương Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, chia cả nước làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại.

Đất nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định. Thiên hạ được yên ổn, nhân dân chí thú làm ăn, ngày càng no ấm.

Lý Thái Tổ ở ngôi được 19 năm thì băng hà, thọ 55 tuổi.

Nhà Lý truyền ngôi được 8 đời (không kể vua Lý Chiêu Hoàng đánh mất ngôi vua về tay nhà Trần), nên dân gian vẫn coi hình bông hoa 8 cánh đất đùn trên mộ thân phụ nhà vua là điềm báo nhà Lý giữ ngôi vua được 8 đời. Tại đền Lý Bát Đế (thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nay vẫn chỉ thờ 8 vị vua này.

Lý Thái Tổ ở ngôi từ năm 1010 đến năm 1028, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, được đặt thụy hiệu là  Thần vũ Hoàng đế. Linh cữu Lý Thái Tổ được táng tại Thọ Lăng. 

Hải Lăng