235 lượt xem

Lang Liêu

Miếu thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương
 

Lang Liêu, con trai thứ của Vua Hùng thứ 6 (Hùng Hy Vương) đã làm bánh chưng, bánh giầy, là một sáng tạo trong chế biến lương thực, được vua cha truyền ngôi, trở thành Vua Hùng thứ 7 (Hùng Chiêu Vương).

Với tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính đối với Lang Liêu, nhân dân làng Dữu Lâu, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì đã lập miếu thờ Đức Ngài.

Lang Liêu tên huý Tiên Lang, hoàng tử 18 của vua Hùng thứ 6 (Hùng Hy Vương), con bà thứ phi hiền hậu, nhan sắc. Vì được nhà vua rất yêu mến, bị các phi khác trong triều ghen ghét, đố kỵ mà vua sinh ghẻ lạnh, bà buồn phiền hóa sớm. Lang Liêu rơi vào hoàn cảnh thân cô, thế cô, lại chưa có vợ, nghèo túng, nhưng được bà con xung quanh cưu mang giúp đỡ chia sẻ lúc khó khăn.


 

Điện thờ Hùng Chiêu Vương - tự Lang Liêu thời cổ
(Nguồn: Sưu tập)

 

 Theo truyền thuyết, vào đầu tháng Chạp hàng năm, để chuẩn bị đón Xuân mới may mắn vui vẻ vua truyền các hoàng tử đến triều ban làm lễ vật cho vua cha dâng cúng tổ tiên nhà Hùng. Lang nào dâng của ngon vật lạ mà lại có ý nghĩa sâu sắc trên đời, khiến Hùng Vương ưng ý sẽ truyền ngôi báu cho nên các hoàng tử đua nhau tìm người giới thiệu của ngon vật lạ khắp nơi.

Bằng tấm lòng hiếu thảo, Lang Liêu đã lấy gạo nếp thơm, là sản phẩm lao động của mình để làm ra hai thứ bánh là bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời- đất và triết lý “âm dương ngũ hành” để dâng lên mừng thọ cha. Vua Hùng thứ 6 thấy “bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức thì trong sáng”, đã cảm kích và quyết định chọn Lang Liêu làm người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7- Hùng Chiêu Vương.

Từ đó, tích bánh chưng, bánh giầy đã được nhân dân lưu truyền, từ đời này sang đời khác, trở thành lễ vật cúng gia tiên của mọi gia đình Việt Nam. 

 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Sau khi lên ngôi, Hùng Chiêu Vương luôn nỗ lực là một ông vua hiền tài, anh minh, đức độ, thường xuyên tu rèn bản thân, lấy nhân nghĩa để giáo hóa trăm họ. Theo truyền thuyết, Hùng Chiêu Vương rất chăm lo chính sự, thờ cúng, hương khói Tổ tiên, Ngài thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh làm lễ cầu xin trời đất ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh.

Theo bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả Vĩnh Truyền soạn năm Thiên phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành và bản Hùng Đồ Thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền soạn năm Hồng Đức tam nguyên (1472) thời Lê Thánh Tông, Thụy hiệu của Hùng Chiêu Vương là Hùng Chiêu Vương Minh Tông hoàng đế. Tên Mỹ tự truy phong là Hùng Vương dương long nghĩa lĩnh thần công dũng lược thánh vương.

Hoàng hậu Ngọc Tiêu của vua Hùng Chiêu Vương

Theo Thần tích tại đền Tam Đảo thì vợ của vua Hùng thứ bảy là con ông Lăng Vĩ và bà Đào Liễu. Tương truyền, hai ông bà tới hơn bốn mươi tuổi vẫn chưa có con nên đã tới núi Tam Đảo để cầu tự. Sau đó, họ sinh ra một người con gái, đặt tên là Lăng Thị Tiêu, thường gọi là Ngọc Tiêu.

Bà Lăng Thị Tiêu rất xinh đẹp, lại tài giỏi, đức độ và thông minh. Bà đã giúp Hùng Vương đánh giặc Ân và được ban cho chức tước, thế nhưng bà từ chối để được về quê hương phụng dưỡng cha mẹ. Sau này, bà trở thành vợ của Hùng Chiêu Vương và được phong thần sau khi qua đời vì những công lao của mình. Bà Lăng Thị Tiêu được sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần với hiệu là Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu Tối Linh Đại Vương.

Các nhà sử gia chứng thực là bà được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý xuyên suốt các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê. Sau này, bà Lăng Thị Tiêu được biết đến là Quốc Mẫu Tam Đảo và thờ tại đền Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho tới tận ngày nay.

 Làng Hương Trầm, xã Dữu Lâu - TP. Việt Trì vùng nội đô nước Văn Lang xưa, nơi có lúa nếp thơm nổi tiếng, gắn liền với miếu thờ Lang Liêu (nay chỉ còn phế tích). Phải chăng, mẹ con Lang Liêu lúc thân cô thế cô đã sống ở đây, mà cảm nhận được hương vị thơm ngon của lúa nếp đã tạo ra bánh chưng bánh dầy, lễ vật độc đáo thờ cúng tổ tiên, thần linh và trời đất.   

Một sản phẩm  thanh khiết nguyên thủy, ẩn chứa học thuyết Âm dương ngũ hành - vũ trụ luận phương Nam, nó ở trong tâm thức, dòng máu Việt - "Hồn Việt" nên mới có sức sống trường tồn theo dòng thời gian. Đó là ý nghĩa và niềm tự hào chân chính về Lang Liêu, một vị vua hiền tài - nhà văn hoá thời đại Hùng Vương và là ông tổ của ngành văn hóa ẩm thực Việt Nam.  

 Với tấm lòng tôn kính, ghi ơn công đức Lang Liêu, nhân dân làng Dữu Lâu đã lập miếu thờ, hàng năm hương khói thờ phụng. 

Miếu Lang Liêu trước đây gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu”, ban đầu được làm đơn sơ, tường đắp bằng đất, mái lợp lá cọ. Đến năm Nhâm Tuất 1802, nhân dân xây dựng lại miếu gồm 3 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm, bên trong có tầng gác liệng gỗ đặt ban thờ, long ngai, bài vị Lang Liêu, bát hương và các đồ tế khí. 
Từ ngọc phả và các căn cứ về văn hóa, truyền thuyết khẳng định đã có đủ cơ sở khoa học để xác định vai trò, vị trí, thân thế và sự nghiệp của Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Nhà nước có chủ trương cho địa phương xây dựng trường cấp I, cấp II. Chính quyền xã Dữu Lâu đã cho tháo dỡ ngôi miếu cổ thờ Lang Liêu và san bằng khu vực “lảu miếu” để lấy mặt bằng xây dựng hai ngôi trường cấp I, cấp II.

Những vật liệu tháo dỡ từ ngôi miếu cổ đã được Hợp tác xã cho xây dựng thành nhà kho chứa thóc. Miếu Lang Liêu được nhân dân xây dựng trước đây để thờ tự, tưởng nhớ một vị vua có nhiều công lao với nước bị tháo dỡ làm nhà kho, sau hơn 50 năm, nay đã xập xệ dưới một tấm bạt phủ; các dấu tích lịch sử về miếu cổ bị ảnh hưởng nặng do tác động bởi thời gian và môi trường.

Đến năm 2002, thể theo nguyện vọng của nhân dân làng Dữu Lâu, UBND tỉnh đã cho phép khôi phục lại ngôi đình thờ Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Quý Minh. Sau khi ngôi đình được khánh thành, nhân dân làng Dữu Lâu rước ngai, bài vị Lang Liêu để tạm thời thờ chung tại đình làng.    

Cùng với đất nước, kinh đô Phong Châu xưa đã có nhiều đổi mới trong mấy mươi năm qua. Người dân đất Tổ luôn mong muốn chính quyền khôi phục lại ngôi miếu Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương trên vị trí cũ ở Dữu Lâu để có nơi thờ tự một vị vua có công với nước, một hoàng tử sống gần dân, một người con hiếu thảo, một tấm gương sáng cho hậu thế. Đó có lẽ cũng là nguyện vọng của nhân dân cả nước hướng về cội nguồn và giáo dục con cái về đạo nghĩa của Lang Liêu.

Cuối năm 2018, tại thành phố Việt Trì đã diễn ra cuộc “Hội thảo: Cơ sở khoa học và thực tiễn để khôi phục đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương”, do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Hội thảo khẳng định sự cần thiết khôi phục đền thờ Lang Liêu tại làng Dữu Lâu xưa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, khai thác giá trị đời sống tâm linh phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Chắc chắn đền thờ Lang Liêu sẽ là một trong những điểm đến thu hút của đất Tổ trong hệ thống các di tích gắn với tín ngưỡng thời đại Hùng Vương.


 

 

 

 

 Miếu thờ Hùng Chiêu Vương - tự Lang Liêu ngày này đang trong tình trang xuống cấp nghiêm trọng
(Nguồn: Sưu tập)

 

Nguồn: Báo Phú Thọ