212 lượt xem

Lý Long Trát

Lý Cao Tông (李高宗; 1173-1210) là vua nhà Lý, sinh ngày 06-07-1173 nhằm ngày 25-05 Quý Tỵ (1173), tên huý là Lý Long Trát, còn có tên khác là Lý Long Cán, con thứ 6 Lý Anh Tông (李英宗; 1138-1175) và Hoàng hậu Đỗ Thụy Châu. Quê ở làng Cổ Pháp, nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1175, sau khi Anh Tông mất, hoàng hậu vợ chính của Anh Tông là Chiêu Linh thái hậu muốn lập con mình là Long Xưởng lên ngôi nhưng nhờ có sự kiên quyết của thái uý Tô Hiến Thành, Cao Tông vẫn được tôn phù ở ngôi báu.

Năm 1176, khi Lý Long Trát mới 3 tuổi đã được đưa lên ngôi. Không lâu sau, Tô Hiến Thành đã tuổi già sức yếu, qua đời năm 1179. Trước khi mất, vì vua còn nhỏ tuổi nên Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá với Đỗ thái hậu. Thái hậu dù khen hay nhưng cuối cùng không theo lời, lấy Đỗ An Di làm phụ chính.

Năm 1181, Long Xưởng muốn mưu làm loạn. Thái hậu dùng Lý Kính Tu làm đế sư (thầy của vua), trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh thái hậu và Long Xưởng không dám mạnh tâm mưu khác nữa. Cao Tông tuy giữ được ngôi vua nhưng khi trưởng thành đã không trở thành minh quân của nhà Lý.

Tháng 3-1189, Cao Tông đi du hành khắp các nơi trong cả nước, đi đến đâu mà có thần linh lại cho xây dựng đền miếu. Năm 1190, ông dùng em vợ là Đàm Dĩ Mông vốn là người không có học làm thái phó nên việc triều chính càng suy sút.

Tháng 9-1203, nhân khí triều chính rối ren nên Phí Lang và Bảo Lương làm loạn. Vua sai Trần Lệnh Hinh làm Nguyên soái và Thượng thư Từ Anh Nhữ đem quân từ phủ Thanh Hóa tiến đánh Phí Lang nhưng bị thua, cả hai tướng đều bị giết; đến tháng giêng năm sau lại sai Đỗ Kính Tu đi đánh nhưng vẫn tiếp tục bại trận.

Đến năm 1207, lại tiếp tục có cuộc nổi loạn của người Man ở núi Tản Viên, thanh thế rất lớn. Cũng trong năm này, vua ban ra tờ chiếu hối lỗi. Tháng 3-1207, Đoàn Thượng, Đoàn Chủ hào trưởng ở Hồng Châu nổi dậy, xây đắp thành lũy, xưng vương hiệu. Cao Tông phái rất nhiều quân đi đánh Hồng Châu chia thành nhiều hướng cùng họp nhau đánh Đoàn Thượng: Đàm Dĩ Mông đem quân đạo Đại Thông; Phạm Bỉnh Di đem quân đạo Khả Liễu; Trần Hinh đem quân đạo Phù Đái; Bảo Trinh hầu đem quân đạo Nam Sách.

Đầu năm 1209, Cao Tông sai Phạm Du coi việc quân ở châu Nghệ An. Phạm Du xin tuyển trai tráng để tự đề phòng nhưng thực chất là tuyển chọn quân cho mình làm phản. Cao Tông lại sai Phạm Bỉnh Di dẫn quân từ Đằng Châu đi đánh Phạm Du. Tuy nhiên, thế lực của Phạm Du mạnh nên Bỉnh Di bị thua.

Tháng 2-1209, Phạm Bỉnh Di lại đem binh ở Đằng Châu, Khoái Châu đi đánh Du. Phạm Du thua trận bỏ trốn. Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết.

Tháng 4-1209, Phạm Bỉnh Di đánh tan quân Đoàn Thượng. Phạm Du ngầm sai người về kinh đút lót cho bọn quan lại trong triều, nói rằng Phạm Bỉnh Di tàn ác, giết hại người vô tội và kể lể tình oan, xin về kinh đợi tội. Cao Tông triệu cả Phạm Du và Phạm Bỉnh Di về triều. Phạm Du về kinh trước hầu Cao Tông, được vua tin cẩn; Phạm Bỉnh Di đến kinh sau, vào triều phụng mệnh. Cao Tông sai bắt Phạm Bỉnh Di và con là Phụ giam ở Thủy Viên chờ ngày định tội.

Quách Bốc là tướng Phạm Bỉnh Di khi nghe tin chủ tướng của mình bị bắt nên đã đem binh lính phá cửa Đại Thanh kéo vào nội điện để cứu. Phạm Du cùng em là Phạm Kinh giết hai cha con Bỉnh Di rồi cùng Cao Tông chạy trốn lánh ra vùng Quy Hóa (Thao Giang, ở phía Bắc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Quách Bốc tôn hoàng tử Thầm lên làm vua. Thái tử Sảm cùng mẹ và hai em gái chạy lánh vào vùng Hải Ấp, Thái Bình. Thái tử Sảm lấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung làm vợ, phong cho Trần Lý tước Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Hai người này với danh nghĩa giúp thái tử Sảm đã chiêu tập binh lính kéo về đánh Quách Bốc, đưa thái tử Sảm lên ngôi vua, giáng Lý Thầm làm vương. Cuối năm 1209, loạn Quách Bốc được dẹp, Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ đón Lý Cao Tông về cung.

Khi còn nhỏ, Cao Tông là người ngoan lành, song khi trưởng thành bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra đam mê hưởng lạc, thích săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch, xã hội thối nát, giặc cướp dấy lên nhiều nơi, dân tình khốn khổ, triều chính suy tàn. Nhân đó ông soạn khúc nhạc “Chiêm Thành âm” có giọng điệu ai oán, sĩ phu đều chê trách.

Ngày 17-11-1210 nhằm ngày 28-10 Canh Ngọ nhà vua băng hà tại cung Thánh Thọ, hưởng dương 37 tuổi, ở ngôi 34 năm, đổi niên hiệu 4 lần:

Trinh Phù: Bính Thân (1176) - Bính Ngọ (1186)

Thiên Tư Gia Thụy: Bính Ngọ (1186) - Tân Dậu (1201)

Thiện Gia Bảo Hựu: Tân Dậu (1201) - Ất Sửu (1205)

Trị Bình Long Ứng: Ất Sửu (1205) - Canh Ngọ (1210)

Sau khi Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi, lấy tên hiệu là Lý Huệ Tông.

Nguồn: http://mobile.coviet.vn