Mỗi khi nghĩ về chiến công hiển hách đánh bại đoàn quân Nguyên Mông của dân tộc Việt, có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng liệu ngoài những chiến tướng lẫy lừng ở thời đại nhà Trần ra thì ở nước ta đã từng xuất hiện vị anh hùng nào khác mà khiến cho người Mông Cổ phải khiếp đảm hay chưa? Hơn 1000 năm trước thời đại nhà Trần, ở vùng Lĩnh Nam của các bộ tộc Bách Việt cũng đã từng xuất hiện một nhân vật như thế, người mà sử sách của cả hai nước Việt, Trung đều ghi nhận rằng đến khi chết rồi vẫn còn khiến cho người Hung Nô khiếp sợ. Nhân vật huyền thoại ấy chính là Lý Ông Trọng, một danh tướng thời Thục Phán An Dương Vương trong lịch sử nước ta ở thời kỳ dựng nước.
Lý Ông Trọng sinh ra tại làng Chèm (nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội), sống vào cuối đời Hùng Vương và những năm đầu thời Thục An Dương Vương (thế kỷ thứ III TCN).
Chuyện là sau khi đánh bại đội quân xâm lược của Hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng do Hiệu úy Đồ Thư dẫn đầu, nhằm cải thiện mối bang giao với nước Tần, Thục Phán An Dương Vương đã cử Lý Ông Trọng, một tướng giỏi người Âu Lạc đi sứ sang phương Bắc. Bấy giờ Tần Thủy Hoàng đã làm chủ cả vùng Hoa Hạ rộng lớn sau khi tiêu diệt các nước còn lại trong nhóm thất hùng gồm Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề thời Chiến quốc. Tuy đang là một cường quốc nhưng ở biên giới phía Bắc nước Tần, người Hung Nô (tức Mông Cổ) liên tục đưa quân vượt qua Vạn Lý Trường Thành quấy phá. Hoàng đế Tần Thủy Hoàng sẵn mối hậm hực chuyện thuộc tướng Đồ Thư mấy năm trước bị người Âu Lạc chém chết nên đã giữ đại sứ nước ta là Lý Ông Trọng ở lại đất Tần rồi sai ông đem quân lên phía Bắc đánh dẹp quân Hung Nô. Tương truyền Ông Trọng là người có thân hình lực lưỡng, võ nghệ thì tuyệt luân, đánh quân Hung Nô chẳng thua trận nào nên người Hung Nô sợ ông như sợ cọp. Nhờ chiến công ấy mà Hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng cảm thấy mến phục tài năng của ông nên phong chức Tư lệ Hiệu Úy trước khi để ông hồi hương về phương Nam.
Một thời gian sau khi Lý Ông Trọng về nước, vùng biên giới phía Bắc nước Tần lâu ngày xa rời uy danh của Ông Trọng nên người Hung Nô lại kéo quân qua Vạn Lý Trường Thành tiếp tục quấy rối. Vua nước Tần sai người làm tượng Lý Ông Trọng bằng gỗ, tay cầm binh khí, người khoác áo giáp ngồi lên ngựa, chân tay có thể cử động uyển chuyển hăm dọa quân Hung Nô. Từ xa, quân Hung Nô tưởng hổ tướng Lý Ông Trọng cầm quân sắp đánh mà hồn xiêu phách lạc. Thế là quân Tần đuổi được người Hung Nô ra khỏi bờ cõi mà chẳng phải tốn từng mũi tên hòn đạn. Sau đó vua nước Tần còn cho đúc tượng ông bằng đồng rồi dựng trước cửa Tư Mã kinh đô Hàm Dương tựa như đang chỉ huy quân sỹ trấn giữ cổng thành, khiến người Hung Nô tưởng là thật, sợ oai mà không dám bén mảng đến xâm phạm trong một thời gian dài.
Tranh vẽ mô tả binh lính nhà Tần đẩy tượng Lý Ông Trọng đuổi quân Hung Nô. Nguồn: Huyền sử đời Hùng.
Với những công lao to lớn đóng góp vào công cuộc dựng nước và giữ nước thời Thục An Dương Vương cũng như những chiến tích giúp Tần Thủy Hoàng diệt trừ Hung Nô nên sau khi mất, Lý Ông Trọng được nhân dân tôn thành Thánh và lập đền thờ trên vùng đất quê hương ông; uy danh truyền từ đời này qua đời khác bao trùm cả Âu Lạc đến khắp các vùng Trung Hoa. Thậm chí hơn 1000 năm sau, vào những năm giữa Thế kỷ thứ IX khi nhà Đường cử Cao Biền, một danh tướng của họ cũng đồng thời là một nhà phong thủy (Cao Biền – người nổi tiếng với việc dùng thuật phong thủy trấn yểm sông Tô Lịch và thành Đại La) sang làm Tiết độ sứ đầu tiên ở nước ta; mặc dù thuộc tầng lớp cai trị nhưng Cao Biền rất sùng bái Lý Ông Trọng, Cao Biền đã cho sửa sang tu bổ đền thờ được nhân dân xây dựng từ trước đó, tạc thêm tượng gỗ rồi tôn xưng Lý Ông Trọng danh hiệu cao quý là Lý Hiệu úy.
Đình Chèm thờ Lý Ông Trọng ở Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Internet).
Để tưởng nhớ công lao của vị tướng huyền thoại, cư dân trong vùng vẫn tưng bừng mở hội hằng năm từ ngày 14 đến 16 tháng Năm Âm lịch. Ấy là Lễ hội Đình Chèm thờ Đức thánh Chèm tức Lý Ông Trọng, một lễ hội rất cuốn hút tại ngôi đình còn giữ nguyên nét đẹp cổ kính và đặc sắc bậc nhất ở miền Bắc nước ta.
Nguồn : https://laoboc.com