206 lượt xem

Nguyễn Phúc Hồng Nhậm

Vua Tự Đức (嗣德) tên huý là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮福洪任), còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì (阮福蒔), con thứ hai vua Thiệu Trị, vua thứ tư triều Nguyễn, miếu hiệu là Dực tông, sinh ngày 28-8 năm Kỷ Sửu (22-9-1829) ở kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của triều nhà Nguyễn. Ngoài ra, ông còn là một trong các danh sĩ lớn của Việt Nam.

Thuở nhỏ, ông được phong tước là Phước Tuy Công, năm Mậu Thân (1848) vua Thiệu Trị mất, ông được nối ngôi năm 19 tuổi. (Có tài liệu ghi năm sinh: 1925).

Tự Ðức là vị vua trọng việc học nên lúc mới lên ngôi vua đã cho sửa sang việc thi cử, đặt ra Tập Hiền viện, Khai Kinh điện để làm nơi bàn chính sự cùng làm thơ phú. Ông cho soạn bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, là bộ sử soạn từ thời Thượng cổ cho đến nhà Hậu Lê.

Việc cai trị trong nước, vua cũng rất quan tâm. Ông cho các đại thần đi kinh lược các tỉnh để xem việc của các quan bên ngoài, đồng thời về tâu trình tình hình sinh sống của dân chúng tại các địa phương.

Về chính trị, ông bị chê trách nhiều như việc thảm sát anh ruột Nguyễn Phúc Hồng Bảo và các cháu, nhất là với chủ trương thoả hiệp cầu hoà đã để mất nước vào tay thực dân Pháp.

Dưới triều Tự Đức, giặc giã hoành hành nên quân đội rất cần thiết. Vì thế, năm 1861, Tự Đức thứ 14, ông truyền cho các tỉnh chọn lấy những người khoẻ mạnh đi làm lính. Đến năm 1865, Tự Đức thứ 18, mở khoa thi võ tiến sĩ. Tuy nhiên, do quan điểm về quân sự của vua quan triều Nguyễn không hề vượt quá khuôn khổ của thời phong kiến. Không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học phương Tây nên khi quân Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858, khoảng cách về trang thiết bị giữa quân đội nhà Nguyễn và quân Pháp khá xa.

Tự Đức khước từ mọi giao thiệp với người phương Tây, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại. Năm 1850, có tàu của Hoa Kỳ vào cửa Đà Nẵng có quốc thư xin thông thương nhưng nhà vua không tiếp nhận.

Từ năm 1855, các nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha nhiều lần có tàu vào cửa Đà Nẵng, cửa Thị Nại (Bình Định) và Quảng Yên xin thông thương cũng không được. Mãi đến khi Gia Định bị thực dân Pháp chiếm đóng, việc ngoại giao giữa triều đình với các nước phương Tây khó khăn, Tự Đức mới thay đổi chính sách, đặt ra Bình Chuẩn Ty để lo buôn bán và Thượng Bạc Viện để giao thiệp với người nước ngoài nhưng không có kết quả vì những người được ủy thác vào các việc này không được học hành gì về ngoại giao.

Về văn chương ông có những đóng góp khá quan trọng cho văn chương Việt Nam vì ông là một ông vua hay chữ của triều đại phong kiến Việt Nam, rất say mê con đường học vấn, cử nghiệp.

Ngày 16-6 năm Quý Mùi (19-9-1883) ông mất, hưởng dương 54 tuổi, ở ngôi vua 35 năm. Về phong cách sống trong gia đình, ông là người giữ trọn chữ hiếu đối với từ mẫu. Đức tính hiếu hạnh của ông đối với mẹ (bà Từ Dũ) là một tấm gương mẫu mực cho nhiều người học hỏi.

Sau khi mất, ông được tôn thụy là Dực Tông Thế Thiên Hanh Vận Chí Thành Ðạt Hiểu Thể Kiện Ðôn Nhân Khiêm Cung Minh Lược Duệ Văn Anh Hoàng Ðế và chôn ở Khiêm Lăng nay ở làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lăng được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Giáp Tý (1864) đến tháng 8 năm Đinh Mão (1867). Ðây là một kiến trúc tinh xảo trong một khung cảnh thơ mộng. Trong lăng các điện, các cổng, hồ, nhà bia...đều kết với chữ Khiêm để đặt tên. Lúc sinh thời ông cùng với văn võ bá quan thường năng lui tới đây đó, có khi lui tới để yến tiệc ngâm vịnh nên được gọi là Khiêm Cung, sau khi vua mất được gọi là Khiêm Lăng.

Sự nghiệp văn chương
 
Thơ ông viết về nhiều chủ đề từ vịnh sử, vịnh vật, nhân tình thế thái rất đa dạng, phong phú.

Có thể nói Tự Đức là một trong các vị vua hay chữ nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Đời ông là một khối mâu thuẫn lớn giữa một bên là vị hoàng đế cầm quyền nước và một bên là một nhà văn có nhiều ray rứt trong tâm thức giữa bao nhiêu bế tắc của cuộc đời mà bản thân mình không giải quyết được. Thơ văn và cuộc đời ông chứng minh được điều mâu thuẫn lớn đó.

Các tác phẩm của ông:
  • Khâm định đối sách chuẩn thằng
  • Từ huấn lục.
  • Luận ngữ diễn ca
  • Thập điều diễn ca
  • Việt sử tổng vịnh
  • Tự Đức thánh chế văn tam tập
  • Tự học giải nghĩa ca
  • Ngự chế thi ngũ tập
  • Ngự chế thi phú
  • Ngự chế thi
  • Tự Đức cơ du tự tỉnh thi tập
  • Tự Đức chiếu dụ
  • Tự Đức di chiếu
  • Hoàng triều chiếu dụ ngự chế văn
  • Vịnh sử diễn âm
  • Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca
  • Khiêm cung kí
...

– Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca là một bộ sách quan trọng trong toàn bộ tác phẩm ông. Đây là bộ sách dùng để tự học chữ Hán và chữ Nôm.

Sách này do nhà vua biên soạn nhưng chưa kịp in khi ông còn sống. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), phủ Phụ chánh phủ giao cho Sử quán kiểm định lại, hai năm sau (1898) thì đem khắc in. Việc này do Hoàng Hữu Xứng, Ngô Huệ Liên, Hoàng Hữu Bính phụ trách.

– Tự học giải nghĩa ca cũng thuộc loại tự điển Hán Việt. Chữ Hán ghi trên, chữ Nôm chua dưới, có ghép vần thượng lục hạ bát, nhiều chỗ có chép chữ đôi và thêm chữ đệm cho khỏi túng vần. Chẳng hạn: mân trời thu, phiêu phiêu gió thổi, lưu lưu gió hoà, kiêu là chân bước cao, chí đạo bước trước bước sau vội vàng v.v... Cách đặt vần kiểu này, sách Chỉ nam ngọc âm sử dụng trước đó rất lâu rồi, tuy vậy cũng thấy người soạn có chú ý tìm trong khi chọn chữ ghép vần.

Mục đích của tác giả là muốn phổ biến việc học chữ Hán và viết chính xác lối viết chữ Nôm. Nhưng vì sách làm dài, nhiều chữ khó, nghĩa khó hoặc ít dùng, nên tác dụng đạt được là ở chỗ góp phần làm chính xác được lối viết chữ Nôm. Về mặt ấy, sách Tự học giải nghĩa ca được coi là một tài liệu đáng quý khi người nghiên cứu so sánh để tìm hiểu quá trình phát triển và chuyển hoá của chữ Nôm.

Bộ sách gồm 13 quyển chia ra làm 7 môn loại:
  1. Kham dư loại (loại về trời đất) quyển 1-2
  2. Nhân sự loại: (loại về con người) quyển 3-4-5
  3. Chính hóa loại: (Loại về chính trị và giáo hoá) quyển 6-7
  4. Khí dụng loại: (loại về các vật dụng) quyển 8-9
  5. Thảo mộc loại: (loại về cây cỏ) quyển 10-11
  6. Cầm thú loại: (loại về súc vật, chim muông) quyển 12
  7. Trùng ngư loại: (loại về côn trùng, tôm cá)
Quyển 1 viết:
Thiên trời địa đất, vị ngôi,
Phúc che, tái chở, lưu trôi mãn đầy
Cao cao, bác rộng, hậu dày,
Thần mai, mộ tối; chuyển xây, di dời.

 
Tác phẩm ông gồm nhiều thể loại (cả Nôm, Hán), mà ở loại nào cũng phong phú.

Thơ ông viết về nhiều chủ đề từ vịnh sử, vịnh vật, nhân tình thế thái rất đa dạng, phong phú.

Ngoài ra, ông còn ra lệnh cho Quốc sử quán soạn bộ Khâm định Việt sử.

Thơ văn bình luận về ông rất nhiều:
I. Thông minh nhưng chẳng biết tùy thời,
Nên nỗi giang sơn phút biến dời.
Tự đại thành ra lầm thế nước,
Quá thiên chẳng chịu xét tài người.
Trứng đem chọi đá khoe chi sức,
Máu chảy thành sông vạ khắp nơi,
Mang hận nghìn thu về chín suối.
So vua Minh Trị vực xa trời.
(Huyền Phố)
II. Tổng vịnh làm gương sử nước ta,
Thông minh nhưng chửa nghĩ cao xa.
Nghề văn ham chuộng quên nghề võ,
Thế chiến không xong dỡ thế hòa.
Trong nước chỉ vui thơ Lý, Đỗ,
Ngoài vòng nào biết chuyện Anh Nga.
Phú cường thẹn mấy năm châu nhỉ,
Để hận nghìn thu đất nước nhà.
(Đỗ Văn Bàn)

Nguồn : Cồ Việt Mobile