260 lượt xem

Lý Phục Man

Thần thiêng báo mộng

Làng Yên Sở ngày nay bao gồm diện tích cả xã Yên Sở, thuộc huyện Hoài Đức, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 24 km. Nằm ven chân đê Tả Đáy, trung tâm làng cách bờ sông Đáy khoảng hơn 1 km về phía Đông. 

Làng Yên Sở có tên nôm là làng Giá, xưa kia mang tên Cổ Sở, là một vùng đất cổ. Cách làng không xa là di chỉ Khảo cổ học Quang Vinh (Cát Quế) với những hiện vật được tìm thấy cách ngày nay khoảng 3000 năm đã minh chứng cho sự tụ cư lâu đời của vùng đất. Ngay thế kỷ VI sau Công nguyên, Lý Bí nổi dậy đánh đổ ách thống trị của nhà Lương.

Một người con của làng Giá là Lý Phục Man đã hưởng ứng, tổ chức lực lượng, lãnh đạo người dân trong vùng, cùng phò giúp Lý Bí đứng dậy giành độc lập cho dân tộc, thành lập nhà nước Vạn Xuân với mong muốn cho xã tắc trường tồn, bền vững. 

Chính bởi cảm phục công đức ấy, không chỉ có làng Giá, có đến 20 làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ thờ Lý Phục Man làm thành hoàng. Nhưng lịch sử và truyền thuyết dân gian đã coi ngôi mộ Lý Phục Man là ở làng Yên Sở, vậy nên làng Yên Sở hay làng Giá đã trở thành trung tâm thờ ông.

Trong các bộ sử và chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” đều nhắc rất ít thông tin về Lý Phục Man. Chúng ta chỉ có nhiều thông tin hơn về nhân vật này thông qua các tác phẩm san định từ truyền thuyết dân gian như “Việt điện u linh” hay “Đại Nam nhất thống Chí”. Và hơn hết là nguồn tài liệu dân gian còn lưu truyền tại Yên Sở cũng như các địa phương thờ phượng ngài. 

“Việt Điện u linh” phần “Phụ chép sự tích thần xã An Sở” có ghi: “Gia Thông đại vương người làng Cổ Sở. Bấy giờ thiên hạ gặp buổi mờ tối, hào kiệt phải dấu họ tên. Đại vương còn trẻ tuổi, phong tư và tài nghệ khác thường, cưỡi ngựa và bắn cung đều giỏi, có uy đức trị voi.

Vương giúp Lý Nam Đế, vua thấy tài mạo biết là bậc đại trượng phu, có thể đảm đương một mặt trận, bèn cho theo việc binh, lập được nhiều công to”,  “Quân Lâm Ấp vào cướp Cửu Đức. Được tin cấp báo triều đình họp bàn việc đi đánh, các quan đều nói: “Tất phải Đỗ Động tướng quân mới dẹp được giặc này”. Vua bèn cử Đại Vương đốc xuất các tướng lĩnh đem binh vào Nam, phá tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức” .

Sách “Đại Nam nhất thống Chí” , phần “Đền thần Yên Sở” cũng chép: “Thần người xã này, lúc còn trẻ, võ nghệ hơn người, thờ Lý Nam Đế, nhiều lần lập công lớn, nổi tiếng trung liệt, được làm Đại tướng quân, lãnh 2 miền Đỗ Động và Đường Lâm. Người Di, Lão phải xa lánh, dân địa phương được yên. Lại nhiều lần đánh phá Lâm Ấp, Nam Đế khen thưởng.

Vì nhiều công lao chinh phục Man Di, nên cho tên là Phục Man và họ Lý, thăng Thiếu úy, cho được tham dự quân cơ, không ai dám thỉnh thác việc riêng, trong ngoài đều gọi là “Tướng Công” để tỏ lòng kính mến. Sau trấn giữ Lâm Ấp, bị người Chiêm Thành đánh bại, rồi tự tử, thi hài đem về tang ở bến Hồ Mã bên sông Cổ Sở” .

Trong Văn tế Tết Đoan Ngọ dùng để tết thành hoàng Lý Phục Man còn lưu lại được tại làng Yên Sở có đoạn:

“Đại vương!

Dáng vẻ đẹp ngời

Tài cao lẫm liệt

Khi Đường Lâm, khi Cửu Đức

Đuổi giặc vững thành

Công danh ấy sáng hồng trang sử sách”

Như vậy, qua các dẫn trích trên đều chia sẻ những thông tin khi cho rằng Lý Phục Man chính là người con của làng Yên Sở. Hiện nay, tại Yên Sở vẫn con những địa điểm được tương truyền gắn liền với Lý Phục Man, đó là chùa Lựa và rừng Giá. Hơn nữa, qua đây có thể thấy rằng, việc Lý Phục Man đã dẫn quân vào Lâm Ấp, bình định và cai quản khu vực có liên quan tới người Chăm là hoàn toàn có cơ sở.

Truyền thuyết dân gian của làng Yên Sở còn truyền lại rằng Lý Phục Man đã lấy con gái của Lý Nam Đế là công chúa Siêu mà người làng thường khấn là Lý Nương. Ngày nay, Lý Nương được thờ trong đình Yên Sở (Quán Giá), tượng bà được đặt bên trái tượng thần Lý Phục Man chính ở phía đông.

Trong Đại Nam Nhất thống Chí, thần Lý Phục Man hiện lên đến hai lần để báo mộng cho các vị quân vương. Lần thứ nhất là khi vua Lý Thái Tổ đi tuần du, dừng chân tại làng Cổ Sở, nằm mộng thấy một người kỳ dị quỳ gối trước mặt mình.

Người đó tự xưng là Lý Phục Man và tâu: “Khi đất nước loạn lạc, chẳng ai nhận ra người bề tôi trung thành. Bây giờ mọi chốn đều yên ổn, nhật nguyệt tỏa sáng trên trời, và kẻ tôi trung có thể hiện ra”, rồi người đó biến mất. Nhà vua tỉnh dậy, kể lại giấc mộng cho quan ngự sử Lương Văn Nhậm, Nhậm tâu: “Người này mong được tạc tượng”. Vua bèn truyền tạc một pho tượng thờ Lý Phục Man.

Lần thứ hai là khi vua Trần Thái Tông ghé thuyền ở bến đò Hồ Mã, gần làng Yên Sở, để ngủ lại một đêm. Vua nằm mộng thấy ở giữa sông có một chiếc thuyền lớn tiến lại gần. Vua hỏi: “Ai đó?”. Người đàn ông trên thuyền đáp: “Thần là Lý Phục Man. Thượng đế sai thần canh giữ chốn này để che chở cho dân”. Nhà vua tỉnh dậy lập tức truyền lệnh mở rộng ngôi đền và phong cho thần những tước hiệu mới.

Cũng bởi vậy, trong những năm vua Trần Thái Tông trị vì, quân Thát Đát đến cướp nước ta, nhưng cứ đến làng Yên Sở, ngựa của chúng đều bị liệt không tiến lên được. Nhờ đó, dân làng mới đánh tan được chúng.

Dũng tướng bị giặc chặt mất đầu mà không chết!

Về cái chết của Lý Phục Man, dường như truyền thuyết dân gian lại nói rõ ràng hơn chính sử. Theo giáo sư Nguyễn Văn Huyên, ông được một ông đồ làng Yên Sở cho mượn một bản chép tay chữ Nôm được cho là bản sao của văn bản giữ trong điện thờ, kể lại cuộc đời của vua Lý Nam Đế. Trong bản thảo này, có ghi chép việc Lý Phục Man được Lý Nam Đế cử đi đánh quân xâm lược Chăm.

Ông đánh tan được chúng tại Cửu Đức, nhà vua giao cho ông canh giữ biên cương giáp Lâm Ấp. Nhưng tiếc thay nhà Lý suy vong, vua nhà Lương bên Trung Quốc sai Trần Bá Tiên sang đánh Việt Nam, viên tướng này đánh chiếm Chu Diên và Tô Lịch.

Một đêm, quân Man chọc thủng biên giới và bao vây đạo quân của Lý Phục Man. Ông phải chạy trốn. Vì thiếu lương thực và cứu viện, ông đành tự sát. Những người thân cận cảm thương đưa ông về quê và chôn cất ông bên bờ Hồ Mã.

Nhưng có một truyền thuyết khác lại cho rằng Lý Phục Man không hề tự sát. Ông bị quân địch chặt mất đầu trong một trận đánh, nhưng Lý Phục Man đã tỏ rõ sự dũng cảm tột cùng là tự đặt lại đầu lên thân, ngồi trên lưng ngựa và chạy về phía làng Cổ Sở.

Ông dừng tại cổng làng, ở nhà một bà bán quán, và hỏi bà này xem người ta có thể không có đầu mà vẫn sống không. Bà bán quán phá lên cười và nói: “Nói hay thật! Làm sao không có đầu mà sống được”? Nghe thấy thế, Lý Phục Man bỏ chạy vào rừng đến bên bờ sông và chết tại đấy cùng với con ngựa.

Dân làng Yên Sở xưa kháo nhau rằng chính vạt rừng đằng sau đình Yên Sở là nơi chôn hài cốt của thần. Mộ phần của Lý Phục Man nằm dưới đáy đầm sen rộng 700 mét vuông và sâu 4 mét, giữa rừng. Người ta cấm dân làng đến đấy kiếm cành cây và hái quả, tất cả đều phải bán để cúng vào đình. Người đi săn muốn đem mồi săn đi mà không bị nguy hiểm, thì sau khi săn buộc phải đến cúng ở đền, nếu không thì thần sẽ làm cho họ đau ốm.

Lý Phục Man, Phạm Tu hay là một cái tên vay mượn?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Đạm, về tư liệu thì ở Đại Việt sử ký toàn thư nói Phạm Tu đứng đầu các quan võ, lại từng đánh thắng Chiêm Thành có phần nào trùng hợp với tư liệu ở Đại Việt ngoại sử nói Lý Phục Man vì có công đánh Chiêm Thành nên được Lý Nam Đế thăng chức thái úy, đứng đầu các quan nên khiến người ta có thể có khuynh hướng đồng nhất hai người là một. Nhưng tất cả các tư liệu khác đều thấy rõ Lý Phục Man và Phạm Tu là hai người khác nhau với quê quán khác nhau, tuổi tác và ngày mất khác nhau.

Năm 1938, giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã rất kỳ công viết nên công trình “Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam Lý Phục Man”, khi dẫn Đại Nam nhất thống Chí có so sánh rồi tiểu kết: “Tên thần chỉ là một cái tên vay mượn. Cả tên lẫn họ của ông đều không phải là những tên gọi lúc ra đời. Chính vì ông đã dẹp được quân man Lâm Ấp mà ông được đặt tên là Phục Man.

Và nhà vua đã cho phép ông đổi tên họ thành họ Lý là quốc tính. Điều đó thường hay diễn ra trong lịch sử Việt Nam. Nhất là khi một vương triều mới lên ngôi, các bề tôi trung dũng đều được gia ân mang họ hoàng tộc. Và sau đấy con người chỉ còn được gọi bằng biệt danh. Đấy là trường hợp Lý Phục Man mà tên gốc đã hoàn toàn biến mất”.

Dân làng Yên Sở từ ngàn xưa đã rất quý trọng con người anh hùng của mình nên đã lập đền thờ ông ngay sau khi ông mất. Vậy nên, dù ông có là Lý Phục Man, là Phạm Tu hay chỉ là một cái tên vay mượn, thì cũng không thể phủ nhận được lòng dũng cảm, trí tuệ và tình yêu quê hương sâu nặng của người anh hùng dân tộc với những công lao hiển hách, sáng rọi muôn đời.

Trần Đức Anh - Baophapluat.vn