283 lượt xem

Lê Tương Dực

“Lê Tương Dực mặt đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn…”, chánh sứ nhà Minh nhận xét. Lê Tương Dực (1495 - 1516) tên húy là Oánh, có tên nữa là Trừ; là cháu nội Lê Thánh Tông và là vị vua thứ 9 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1509 đến khi bị Trịnh Duy Sản giết hại ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516.

Từ biệt danh đến tai tiếng

Dưới thời Lê Hiến Tông, Lê Oanh được phong làm Giản Tu công. Bách Khoa toàn thư mở ghi, Lê Uy Mục giết hại tông thất, giam cầm Lê Oanh. Lê Oanh đút lót cho người canh cửa bỏ trốn, được đại thần thất sủng là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ. Tháng 11 năm 1509, Lê Oanh dùng cờ hiệu của anh mình là Cẩm Giang Vương Lê Sùng để chiêu tập lực lượng ở Tây Đô (Thanh Hoá), sau đó đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục uống thuốc độc tự tử.

Theo sử sách, Giản Tu công Lê Oanh vì việc trước đây vua giết hại cha mẹ, anh chị em mình thảm khốc, mới căm giận chưa nguôi, sai người dùng súng lớn, để xác Lê Uy Mục vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt; sau đó tự lập làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức là Vua Tương Dực. Ông lấy ngày sinh làm "Thiên Bảo thánh tiết", tự xưng là Nhân Hải Động chủ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng Giêng năm Quý Dậu (1513), chánh sứ nhà Minh là Trần Nhược Thuỷ và Phó sứ là Phạm Hy Tăng sang phong cho Tương Dực làm An Nam quốc vương và nhận xét: Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vồng sẽ không bao lâu...

… Đến con người

Không kém cạnh tiền nhân Lê Uy Mục, Tương Dực cũng lao vào con đường ǎn chơi trụy lạc. Tháng 5 năm Giáp Tuất (1514), Vua nghe lời tâu của Hiệu úy Hữu Vĩnh, giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của Mẫn Lệ công (Vua Uy Mục) và triều trước vào để gian dâm. Năm Bính Tý (1516), vua cho đắp thành mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa chắn ngang sông Tô Lịch; rồi lại làm điện hơn trăm nóc, đóng thuyền chiến, sai bọn nữ sử cởi truồng chèo thuyền ở Hồ Tây cùng Vua chơi đùa, lấy làm thích thú…

Từ những thú vui phản cảm đó, đúng như đoán định của sứ giả nhà Minh, năm Bính Tí (1516), loạn nước đã xảy ra. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Trịnh Duy Sản thường hay can ngăn làm trái ý Vua, bị Vua tức giận, sai lấy gậy đánh. Duy Sản bèn cùng Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu phế lập. Họ chuẩn bị binh thuyền khí giới rồi hội họp ở bến Thái Cực (gần phố Hàng Đào, Hà Nội ngày nay) nói phao là đem quân đi đánh giặc. Nhân đêm tối, họ đem quân Kim Ngô hộ vệ hơn ba ngàn người, tiến vào cửa Bắc Thần phóng lửa đốt. Khi thấy lửa cháy, Vua ngờ là có giặc kéo đến, bèn lẻn ra cửa Bảo Khánh để trốn...

... Tới tờ mờ sáng, lúc băng qua cửa Thái Học để đến hồ Chu Tước ở phường Bích Câu (nay là khu vực đường Bích Câu, Hà Nội) thì gặp Duy Sản. Nhà vua hỏi là giặc ở đâu, Duy Sản không trả lời mà quay mặt đi nơi khác rồi cười ầm lên. Vua quay ngựa chạy về phía tây, Duy Sản sai võ sĩ tên là Hạnh đâm Vua ngã ngựa rồi giết đi". Lúc bị giết, Tương Dực bị giáng làm Linh Ẩn vương, sau Lê Chiêu Tông mới đặt thụy hiệu là Tương Dực Đế. Ông ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi, được an táng ở Nguyên Lăng.

Theo sử sách, về con người thực của Lê Tương Dực, phải ghi nhận rằng, vào những ngày đầu mới lên ngôi, Vua vẫn biết nghe lời phải trái, đã ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, được coi là có công trạng với đất nước.

Điển hình là vụ hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, viên quan Đức Bằng dâng lên 14 kế sách trị bình, được vua nghe theo, đại ý là: “… Từ khi lên ngôi tới nay, hoà khí chưa thuận, can qua chưa dứt, kỷ cương triều đình chưa dựng đặt, việc quân, việc nước chưa sửa sang; tai dị xảy ra luôn, sợ đạo trời chưa thuận, núi đá bị sụt lở, e đạo đất chưa yên. Tệ tham nhũng ngấm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha, sợ đạo người chưa ổn. Thế mà quan trong triều biết mà không nói, họ tự lo cho mình thì được rồi, còn lo cho nước thì ra sao?... Kính xin trình bày 14 kế sách trị binh”.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận định về Lê Tương Dực: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy”.

Trong Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần cũng bàn rằng: Vua sai lấy gậy đánh Trịnh Duy Sản, vì nghĩ mình là vua tất phải có quyền với quần thần; lúc vua giận, bắt quần thần phải tội chết còn được, nói chi chuyện chỉ lấy gậy đánh mà thôi. Song Tương Dực được làm vua chẳng qua vì Tương Dực là dòng dõi nhà Lê, chứ chẳng phải là có công cao đức dày gì. Hạng kém đức bất tài lại bạc nhược như Tương Dực, con cháu nhà Lê còn nhiều lắm. Trịnh Duy Sản hợp mưu với Lê Quảng Độ để lập vua khác, kể cũng như thay cái bung xung này bằng cái bung xung khác, có gì lạ đâu. Chưa kể, trước Lê Quảng Độ từng cùng phe đảng phế Lê Uy Mục mà lập Lê Tương Dực, có gì bảo đảm Lê Quảng Độ sẽ không cùng với người khác để hợp mưu phế bỏ Lê Tương Dực…

Vĩnh Khang