259 lượt xem

Mạc Đĩnh Chi - Kỳ 1

Nổi tiếng tài cao học rộng đến mức Hoàng đế nhà Nguyên khen ngợi là Lưỡng quốc Trạng Nguyên, Mạc Đĩnh Chi còn được lưu lại trong sử sách nhiều câu chuyện về văn tài của ông.

 Giai thoại Mạc Đĩnh Chi - nhìn từ hôm nay! - Báo Công an Nhân dân điện tử
Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi ở Bắc Ninh (Nguồn: sưu tầm)

Trưởng thành từ nghèo khó

Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, tên tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động (Chí Linh). Tương truyền ông mồ côi cha từ nhỏ, hằng ngày phải vào rừng chặt củi kiếm sống, nuôi mẹ. Vì dáng người thấp bé, dung mạo xấu xí nên ông thường bị trêu chọc, khinh rẻ.

Ngay từ khi còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã ra sức học tập vì ông biết chỉ có học vấn mới giúp ông thoát khỏi cảnh sống nghèo hèn. Với tài văn chương của mình, ông được Chiêu Quốc Vương nhận là môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học thành tài.

"Có công mài sắt, có ngày nên kim", năm 1304, khi mới 24 tuổi, Mạc Đĩnh Chi dự khoa thi Đình. Ông đỗ đầu, nhưng lúc vào yết kiến, vua Anh Tông thấy ông dung mạo xấu xí nên tỏ ý chê bai, không muốn cho đỗ đầu.

Mạc Đĩnh Chi biết ý vua nên ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) dâng vua. Bài phú có đoạn được dịch từ tiếng Hán có nghĩa:

Chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.
Câu kỷ phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào tầy.
Giậu Đào Lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan khó sánh thay!
Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái hoa đây.

Mạc Đĩnh Chi tự ví mình như bông sen trong giếng ngọc ở núi, ý muốn nói nhà vua đừng chỉ đánh giá một người qua tướng mạo dung nhan bên ngoài. Anh Tông xem xong khen hay, liền ban áo mão võng lọng cho ông vinh quy bái tổ, rồi ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm Nội thư gia.

Đấu trí ngay trên đất địch

Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi: Năm 1308, sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Lúc này, việc Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên được dự báo là "đầy nguy hiểm", bởi người phương Bắc vẫn chưa quên thất bại trong 3 cuộc xâm lược trước đây.

Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên ban đầu rất bị khinh thường vì vẻ ngoài thấp bé, xấu xí. Ở buổi tiếp kiến đầu tiên tại kinh đô Yên Kinh, vua Nguyên ra câu đối thử tài Mạc Đĩnh Chi: Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy mặt trăng. Ý nói nhà Nguyên lớn mạnh, luôn dễ dàng tiêu diệt các tiểu quốc như Đại Việt).

Mạc Đĩnh Chi liền ứng đối lại: Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô (Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời. Ý nói nước nhỏ cũng có thể đánh bại quân đội nước lớn). Vua Nguyên nghe xong tức lắm, nhưng cũng phải khen Mạc Đĩnh Chi đối hay, đối chuẩn.

Một hôm khác, Tể tướng nhà Nguyên mời ông vào phủ ngồi. Lúc ấy đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ đây là con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt.

Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa quê kệch. Thấy vậy, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao.

Đĩnh Chi trả lời: "Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ".

"Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân". Nghe vậy, mọi người đều phục tài của ông.

Một lần khác, trong thời gian Mạc Đĩnh Chi đang ở kinh đô Yên Kinh thì hay tin công chúa được vua Nguyên thương yêu nhất qua đời. Mạc Đĩnh Chi được quan nhà Nguyên cử đọc văn tế, nhưng đến khi mở ra chỉ thấy có đúng một chữ "Nhất". Bất ngờ đến vậy song Mạc Đĩnh Chi lập tức ứng khẩu:

Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

(Một đám mây trên bầu trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa hồng
Một bông hoa trong vườn thượng uyển
Một vầng trăng ở cung Dao Trì
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!)

Chỉ với một chữ "Nhất", Mạc Đĩnh Chi đã đọc lên bài văn tế khiến cả vua Nguyên cùng toàn thể bá quan nghe xong mắt cũng long lanh ngấn lệ.

Trở thành Lưỡng quốc Trạng Nguyên nhờ "quay bài"

Thời gian Mạc Đĩnh Chi đi sứ, trong một buổi chầu có người nước ngoài dâng quạt lên tặng vua Nguyên. Nhân có cả sứ thần Cao Ly ở đó, vua Nguyên bèn mời Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly cùng làm thơ vịnh đề lên quạt.

Lúc này Mạc Đĩnh Chi bất ngờ, không chuẩn bị trước nên có phần "bí" ý. Ông quay sang bên sứ thần Cao Ly, nhìn vào thế bút viết của sứ thần nên đoán được ông này viết: "Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công/Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề" (Khi nóng bức thì quạt đắc dụng như Y Doãn, Chu Công, khi mùa đông giá rét thì xếp xó như Bá Di, Thúc Tề bị chết đói).

Mạc Đĩnh Chi có ý tưởng rồi, liền lập tức viết: "Lưu Kim thước thạch thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thời hề Y Chu cự nho/Bắc phong kỳ thê vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề Di Tề ngã phu/Y, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thi phù (Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho. Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo. Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru)".

Về ý, bài của Mạc Đĩnh Chi cũng có ý tương tự bài của sứ Cao Ly nhưng lại "đắt" ở việc trích dẫn câu trong sách Luận ngữ, có nghĩa: "Ai dùng ta thì ta làm, ai không dùng ta thì ta để đó. Điều ấy chỉ người với ta mới có được thôi".

Cảm phục văn tài của Mạc Đĩnh Chi, vua Nguyên liền phê lên chiếc quạt bốn chữ: "Lưỡng quốc Trạng Nguyên".

 Tấm gương liêm khiết, lấy vợ Cao Ly và hậu duệ xưng đế

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi lại: Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: "Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu".

Thời Hiến Tông, Mạc Đĩnh Chi làm Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung rồi thăng Tả ty lang trung. Trong thời gian ở Yên Kinh, ông kết thân với sứ thần Cao Ly. Mến mộ tài năng của Mạc Đĩnh Chi, vị sứ thần này mời ông sang Cao Ly chơi và gả cháu gái cho.

Người thiếp này có một con gái, một con trai với Mạc Đĩnh Chi. Sau này hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi ở lại Cao Ly và lập ra một dòng tộc tại đó. An Nam tạp chí số 4, năm 1926 từng đăng bài của học giả Lê Khắc Hòe với tiêu đề Người Triều Tiên đi bán sâm là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi.

Tương truyền khi Mạc Đĩnh Chi ứng đối "bắn rụng mặt trời" trước bá quan văn võ nhà Nguyên, có người nói: "Hậu duệ người này tất sau này sẽ tự lập làm vua".

Đúng như vậy, sau này cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Đăng Dung đã lật đổ vua Lê để lập ra nhà Mạc. Đại Việt Sử ký Toàn thư viết: Đăng Dung là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (tức là xã Long Động, huyện Chí Linh), tiên tổ Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần, làm quan đến Tả bộc xạ.

Đĩnh Chi sinh ra Cao, Cao sinh ra Thuý, Thuý sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Hịch lấy con gái trưởng của Đặng Xuân người cùng xã, sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung.

Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung truy tôn Mạc Đĩnh Chi làm Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế. Nhà Mạc tồn tại trong 150 năm, trải qua 4 đời vua.

Giai thoại Mạc Đĩnh Chi - nhìn từ hôm nay!

Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) là quan đại thần cũng đồng thời là nhà ngoại giao nổi tiếng thời Trần. Ông thi đỗ Trạng nguyên năm 1304, đời vua Trần Anh Tông. Chung quanh ông có nhiều giai thoại thú vị, mà đã là giai thoại thì có thật có giả, có hư cấu, thêm thắt, gán ghép.

Từ cái nhìn của đối thoại văn hóa hôm nay chúng tôi xin cố gắng phân loại cái nào gần với sự thật, cái nào có hạt nhân hợp lý... Dĩ nhiên chỉ là tham góp cá nhân với quan niệm và sở học có hạn, rất mong có sự chỉ giáo của các bậc túc Nho và độc giả đáng kính.

Bài phú “Ngọc tỉnh liên phú” chắc chắn là thật vì được chép vào nhiều sách sử tin cậy. Bài này lấy ý tứ từ thơ Hàn Dũ (Trung Hoa) tả giá trị của cây sen: “Trên núi Thái Hoa, nơi giếng ngọc có cây sen/ Hoa nở mười trượng, ngó như thuyền/ Lạnh như tuyết sương, ngọt như mật/ Một miếng vào miệng, khỏi bệnh kinh niên”. 

Theo giai thoại, vì tướng người xấu xí nên triều đình không muốn lấy đỗ Trạng nên nhân có đợt sát hạch cuối cùng vua trực tiếp chấm bài thi để xếp danh vị cao thấp, Mạc Đĩnh Chi liền làm bài này. 

“Ngọc tỉnh liên” có nghĩa là “giếng ngọc có cây sen”. Trong bài cũng có ý khẳng định cái tâm tính tốt đẹp sẽ vượt qua mọi khó khăn: “Há rằng trống rỗng bất tài/ Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay/ Nếu ta giữ mực thẳng ngay/ Mưa sa gió táp xem nay cũng thường”. Vua Anh Tông khen hay, bèn thăng làm Thái học sinh, sung chức Nội thư gia.

Thông minh, văn hay, chữ tốt, học rộng, ứng đối sắc sảo, trôi chảy nên ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Một lần vào miếu thờ Hạng Tịch ở Giang Đông ông đề thơ vịnh: “Chẳng phải vua mà chẳng phải tôi/ Bên sông miếu mạo đến lôi thôi/ Giang Đông ngày trước còn chê nhỏ/ Tiền giấy giờ đây muôn vạn lời” (bản dịch nghĩa). 

Hạng Tịch (232-201TCN) người đất Hạ Tương, vì phạm tội giết người mà trốn sang Ngô Trung. Gặp Lưu Bang cùng cảnh, cả hai giao ước anh em và bàn nhau cùng đi làm giặc. Vây cánh dần lớn mạnh, cả hai đều tự xưng vua để phá Tần diệt Sở. Trở thành cừu thù, Hạng Tịch phải tự vẫn mà chưa được làm vua đúng nghĩa (mới tự xưng). Hậu thế chê Hạng Tịch có chí lớn nhưng “vô mưu” lại tham nên “miếu mạo” không được chăm sóc chu đáo. Rất đúng với thơ Đĩnh Chi.

Khi đến quê Đào Tiềm (Giang Tây) ông cũng làm thơ vịnh: “Nếu phải khom lưng vì đấu gạo/ Trả ấn từ quan lộc chẳng màng/ Sớm hôm tâm sự dăm nàng liễu/ Tri kỷ kề vai chậu cúc vàng”. Đào Tiềm (365-427) nhà thơ nổi tiếng, làm quan huyện với lương tháng 5 đấu gạo. Chưa được 3 tháng ông bỏ quan về làm ruộng, trồng hoa cúc cất rượu, trồng liễu trước nhà. Bài thơ ngắn nhưng câu nào cũng gắn với phong cách Đào Tiềm.

Hai bài vịnh Hạng Tịch và Đào Tiềm rất có thể là thật!

Đi sứ nhà Nguyên bị người Tàu chê nói nhanh như chim và họ ra vế đối trêu chọc: “Quých tập chi đầu đàm Lễ luận, tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị chi” (Chim chích đậu đầu cành đọc sách Luận ngữ, biết nói biết, không biết nói không biết, thế là biết). Cái hóc búa của vế đối là các chữ (Hán) đều rút ra từ sách Luận ngữ và các âm rất gần nhau. 

Ông bèn lấy chữ từ sách Mạnh Tử đối, rất chuẩn: “Oa minh tri thượng độc Chu thư, lạc dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc”. (Ếch kêu trên bờ ao đọc sách Mạnh tử, vui cùng ít người vui nhạc, vui cùng nhiều người vui nhạc, đằng nào vui). Cái thâm thúy của vế đối là ngầm chê sự ít học của người ra vế đối (như ếch ngồi đáy giếng mà thôi!).

Bạn thân Đĩnh Chi là quan võ có hai vợ đều rất ghen, ông liền tặng câu đối: “Đông đầu Hán vương thắng, Tây đầu Hạ vương thắng, quyền tại túc hạ/ Chinh Đông, Tây dĩ oán, chinh Nam, Bắc địch oán, hà độc hậu dư” (Sang (phía) Đông vua Hán hơn, sang Tây vua Sở hơn. Quyền đi ở do bác/ Đánh Đông, rợ (giặc) Tây oán, đánh Nam rợ Bắc oán. Sao lại thế ư?). Câu đối khái quát thật dí dỏm, tinh quái về tình cảnh dở khóc dở cười của người “đa mang” không biết “phân thân” sao cho phải!

Một lần đoàn sứ bộ đến cửa ải Pha Lũy (tức ải Nam Quan) muộn nên cửa đã đóng. Đoàn ta ra tiếng xin qua, viên quan coi cửa bèn thử tài bằng câu đối: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan” (Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua cửa quan). Cái “độc” của vế ra là chơi chữ cùng âm “quan” nhưng vừa là người (quan) vừa là vật (cửa). Thật là không thể có vế đối nào tài tình hơn, sắc sảo hơn: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước). Cửa ải mở và sứ bộ được tiếp đón rất trọng thị!

“Đối” là hình thức thù tạc của văn hóa trung cổ phương Đông, để vui vẻ, để thử tài, để thăm dò, để khẳng định, uy hiếp... nên trong lĩnh vực ngoại giao được dùng rất phổ biến. Chỉ xét từ góc độ hình thức ngữ nghĩa thì ba chùm câu đối trên rất có thể là của Mạc Đĩnh Chi.

Người Nguyên trịch thượng tỏ ý coi thường sứ giả bèn ra vế đối “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vừng trăng). Mạc Đĩnh Chi liền đối lại “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn, buổi chiều tối bắn rụng mặt trời). 

Ý của vế ra là nước Nguyên (như mặt trời) là lửa sẽ đốt cháy nước nhỏ (như mặt trăng). Thế là cũng có ý tôn trọng nước nhỏ (như mặt trăng) nhưng hàm ý dọa dẫm. Vế đối lại thực sự “cao thủ” hơn vế ra: bắn rụng mặt trời. Câu này còn nhắc khéo nhà Nguyên lớn mạnh nhưng đã từng bị nhà Trần nhỏ bé đánh bại. Giai thoại kể vua Nguyên tức lắm nhưng không làm sao được vì vế đối rất chuẩn.

Rất có thể đây chỉ là giai thoại, vì người đi sứ cần mềm mỏng nhưng cương quyết, trước hết là giữ thể diện quốc gia sau là giữ mình, thì xét về nội dung và thái độ của người đối lại đã “phạm thượng”, “trêu gan”, “trêu tức” đối phương như thế thì rất dễ bị bắt tội. Vả lại chi tiết “vua Nguyên” trực tiếp nghe là khó xảy ra. Vì theo sử cũ, không phải ai cũng có thể được “đối thoại” với “vua” của một đế chế hùng mạnh như nhà Nguyên!

Một hôm Tể tướng Nguyên mời Đĩnh Chi vào phủ. Thấy bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc, ngỡ là chim thực ông liền chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ rõ ý coi thường. Thấy vậy, Đĩnh Chi liền kéo bức trướng xé đi. Mọi người thấy lạ hỏi tại sao. 

Ông trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Nếu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Nghe vậy, mọi người đều phục tài của ông.

Đây hẳn là “giai thoại” vì bức tranh có thể sinh động “y như thật” nhưng chẳng có ai là khách (mà lại là sứ ngoại giao cần ý tứ) lại “ngây thơ” chạy đến “bắt”, nhất là với bậc uyên bác như Mạc Đĩnh Chi. Giai thoại này chỉ là để ca ngợi sự “nhanh trí” của nhân vật mà thôi.

Đang làm sứ ở kinh đô Yên Kinh thì triều Nguyên có tin dữ: công chúa duy nhất của vua Nguyên qua đời. Hẳn nhiên các đoàn sứ bộ ngoại giao phải có hình thức chia buồn. Bài văn tế có tên “Nhất” của Mạc Đĩnh Chi được đánh giá rất cao, vì nói đúng được hoàn cảnh (con một), vẻ đẹp tuyệt vời của công chúa, cái chính là văn hay, cảm động về sự mất mát lớn lao: “Thanh thiên nhất đóa vân/ Hồng lô nhất điểm tuyết/ Thượng uyển nhất chi hoa/ Dao Trì nhất phiến nguyệt/ Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!” (Một đám mây trên bầu trời xanh/ Một bông tuyết trong lò lửa hồng/ Một bông hoa trong vườn thượng uyển/ Một vầng trăng ở cung Dao Trì/ Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!).

Chiểu theo lịch sử thì sự kiện công chúa vua Nguyên chết trẻ là có thật. Nội dung và hình thức bài văn tế cho thấy có thể khớp với sự kiện này. Nhưng giai thoại nói rằng Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đọc bài văn tế trong tang lễ theo “đề bài” duy chỉ có một chữ “Nhất” của triều Nguyên là khó xảy ra. 

Một, đây là sự kiện tầm cỡ quốc gia của “Thánh triều” nên sứ bộ phải chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, nghiêm cẩn. Hai, chẳng bao giờ họ “đánh đố” người viếng ở một sự kiện đầy sự “bối rối” (là tang lễ lớn) như vậy. Ba, nội dung văn tế cho thấy tuy ngắn nhưng rất khó để “ứng khẩu” một tác phẩm mang tính hoàn chỉnh ở trình độ cao như vậy!

Nguồn: cand.com.vn