230 lượt xem

Thánh Gióng

Thánh Gióng là ai?

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/65792510_2720570394836260_8067166342555369472_n.jpg

Nguồn: Sưu tầm

Truyện Thánh Gióng thì ai trong chúng ta đều cũng biết từ lúc tấm bé. Nhưng sử sách thì có nhiều dị bản và truyện kể dân gian cũng cũng khác nhau nhiều, biến dạng theo bao đời truyền tụng. Sau đây chúng tôi căn cứ vào những tư liệu cổ: Việt điện U linh tập (năm 1329), Lĩnh Nam Chích quái (khoảng 1370-1400) và vài học giả có uy tín chép lại như Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Trọng Miên cũng như theo lời truyền tụng của dân gian, để viết lại thần thoại về Thánh Gióng với những chi tiết đáng chú ý nhất. Truyện Thánh Gióng này được viết lại chủ yếu dựa vào Lĩnh Nam chích quái và thêm vào các chi tiết do truyền tụng kể lại mà các nhà Nho đã bỏ đi vì thiên kiến hoặc hạn chế bởi tư tưởng Nho giáo.
Vào đời Hùng Vương thứ 3, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ, Ân Vương lấy sự thiếu lễ tiến cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta. Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương sĩ nhắc vua là ngày xưa cha Lạc Long Quân có căn dặn lúc chia tay với mẹ Âu Cơ rằng: “Tuy đôi bên kẻ ở rừng người ở biển, nhưng mỗi khi bên nào gặp hoạn nạn thì phải báo tin cho nhau không được bỏ nhau”. Vậy phải cầu Long Quân để nhờ âm phù.
Hùng Vương nghe theo mới đắp đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế 3 ngày thì trời cảm sấm mưa. thoắt thấy một ông già cao hơn sáu thước, mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười, ca múa. Người ta trông thấy, ngỡ là người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn. Ông già không ăn, không uống, không nói năng gì cả. Hùng Vương đến trước hỏi rằng:
- Nay binh nhà Ân sắp sang đánh, nếu có kiến thức gì xin bày cho.
Trong giây lát ông già lấy thẻ ra bói, thưa với vua rằng:
- Sau 3 năm giặc mới qua đánh.
Vua lại hỏi kế hoạch để đánh giặc. Ông già đáp:
- Nếu có giặc đến thì phải tinh luyện sĩ tốt… rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấy, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.
Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân.
Vừa đúng 3 năm, biên binh cáo cấp có quân Ân sang. Hùng Vương y theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ để tìm người dẹp giặc.
Sứ giả đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Trong làng có một bà già ngoài sáu mươi. Trước đó mấy năm, một hôm bà ta đi chơi ngoài đồng, trông thấy một dấu chân to lớn như của người khổng lồ. Bà cụ lấy làm lạ, bèn ướm thử bàn chân nhỏ của mình vào. Tự nhiên bà thấy xúc động cả người và bà thụ thai. Bà sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Gióng. Đã lên 3 tuổi mà đứa bé không biết nói, không biết lật, không ngồi dậy được. Bà mẹ lo buồn vô hạn.
Đến ngày sứ giả Hùng Vương đi qua làng rao tìm người tài giỏi đi đánh giặc. Bà mẹ nghe sứ giả đến, nói hờn với con:
- Sinh được thằng này chỉ biết ăn uống chứ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đến ơn bú mớm.
Đứa trẻ nghe mẹ nói, thình lình nói lên:
- Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây, con hỏi thử xem là việc gì.
Bà mẹ kinh sợ và mừng rỡ bảo với xóm làng:
- Con tôi đã biết nói.
Xóm làng cũng lấy làm lạ, biết không phải người thường, vội cử người đi mời sứ giả đến nhà. Sứ giả hỏi:
- Mày là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta đến làm gì?
Đứa trẻ tự nhiên ngồi nhỏm dậy bảo sứ giả rằng:
- Lập tức về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước, một gươm sắt dài 7 thước, một cái nón sắt. Trẻ này cưỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì phải lo.
Sứ giả chạy về trình báo với vua. Vua mừng bảo rằng:
- Thế thì ta không lo gì vậy.
Quân thần đều tâu:
- Một người đánh giặc làm sao phá nổi?
Vua nói:
- Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là nói không, các người không nên ngờ.
Rồi sai đi tìm sắt cho được 10 cân luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt. Khi sứ giả đem tất cả đến, bà mẹ thấy thế cả kinh, lo hoạ đến mình, sợ hỏi con. Đứa trẻ cười nói rằng:
- Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ.
Rồi đứa trẻ lớn lên rất nhanh, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ. Hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng, vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín mình, phải lấy thêm hoa cây lô mà che.
Khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn 10 trượng, nghĩnh mũi mà nhảy, nhảy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng:
- Ta là thiên tướng đây!
Rồi Gióng đội nón, cầm gươm nhảy lên mình ngựa. Tự nhiên ngựa thét ra lửa, phi như gió bão, cuồn cuộn như sấm sét, mang Gióng ra chiến trường. Quan quân theo sau đến sát lũ giặc, dàn trận dưới núi Trâu Sơn. Giặc Ân trong thấy kinh hãi, vừa chống đỡ vừa tìm đường bỏ chạy, bị ngựa sắt phun lửa chết cháy hay bị gươm của Gióng chém đứt lìa, thấy chết ngổn ngang. Vua Ân bị chém chết ở Trâu Sơn. Đang lúc tả xông hữu đột thì thanh gươm bị gãy, Gióng với tay nhổ luôn cả bụi tre bên đường quật vào đám giặc đang chạy toán loạn. Dư đảng la liệt sụp lạy và hô rằng:
- Thiên tướng, chúng tôi hết thảy xin đầu hàng.
Đánh tan giặc xong, Gióng phi ngựa chạy lên núi Việt Sóc, cởi quần áo bỏ lại rồi cưỡi ngựa bay lên trời.
Tương truyền những ao hồ ở trong vùng từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn là dấu chân ngựa sắt của Gióng để lại. Ngày nay ở chỗ giặc bị đốt cháy trước kia còn mang tên là làng Cháy. Rừng tre lúc đó bị hun nóng trở thành màu vàng đến nay nòi giống của nó vẫn giữ dấu tích cũ, người ta gọi là tre đằng ngà.
Hùng Vương nhớ đến công lao của Gióng, không biết lấy gì đền báo mới tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ở vườn nhà làng ấy, cho ruộng 100 khoảng để làm lễ hưởng tế Xuân Thu.
Đời nhà Ân với 27 vua, trải qua 640 năm, không dám đem binh sang đánh nữa.
Man di bốn phương nghe được như vậy cũng đến thần phục, về phụ với vương. Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần vương, lập miếu tại làng Phù Đổng (nay ở huyện Tiên Du) bên chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, Xuân thu đều có lễ tế vậy.

Thần Hậu Tắc là ai?

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/408px-后稷.png

Nguồn: Thần Hậu Tắc


Thần Hậu Tắc là Thần Kê. Lúa Tắc nghĩa là cây Kê. Hậu có nghĩa là: a) thần (hậu thổ: thần đất; hậu đế: trời); b) vua (hậu phi: vợ vua). Tắc là Kê trong ngũ cốc: lúa, miến, đậu, mì, kê. Tên khoa học của kê là Panicum miliaceum: cỏ kê. Tiếng Anh và tiếng Pháp là Millet. Tiếng Đức là Hirse. Học giả Hán học người Đức Eberhard dịch thần Hậu Tắc là Hirsegott (thần Kê), nhà Hán học người Pháp Maspero dịch Hậu Tắc là Souverain Millet (vua Kê). Hậu Tắc nguyên Hán văn là Hou Chi là thần Kê.
Vào khoảng 3.000 năm TCN, tại châu thổ sông Hoàng Hà, miền Bắc Trung Hoa cổ đại, thì cây kê là lương thực chủ yếu. Phía bắc sông Hoàng Hà đất đai khô cằn, không trồng được lúa nước, chỉ có loại kê hoang dã sống được. Nền nông nghiệp khô ấy với cây kê là nguồn lương thực chính của nền văn hoá Ngưỡng Thiều (yangShao). Nền nông nghiệp lúa tắc (cây kê) ấy đã được khẳng định qua các di chỉ khảo cổ học như di chỉ Từ Sơn, Ban Pha, Đại văn khẩu (Dawenkou) thuộc khu bán đảo Sơn Đông. Hai loại kê chủ đạo là kê nếp và kê tẻ. Cây kê giữ vai trò chủ lực trong lương thực thời ấy đến nỗi chữ Lương (trong nghĩa lương thực) gồm có chữ Kê và đã được Eberhard gọi là “một thứ hạt tuyệt vời” (Korn par excellence).
Sách Lễ ký (I, 29 và XX, 17) viết rằng kê là loại lương thực quan trọng nhất trong sinh hoạt hàng ngày của con người thời ấy. Món kê được trân trọng dùng làm lễ vật cúng tổ tiên vào ngày đông chí (lễ ký XI, 27). Trong những bữa tiệc sang trọng, món kê được mang ra đầu tiên để chiêu đãi khách (Lễ kỷ XX, 17). Từ cây kê nuôi sống con người rất quan trọng này, nó được tôn lên làm thần Kê có tên là Hậu Tắc để cầu mong bảo đảm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Granet gọi Hậu Tắc là thần Mùa Màng (Dieu des Céréales). Trang Tử quan niệm rằng bản thân hạt và cây là một biểu tượng cho sự tái sinh liên tục khi ông nói “Vũ trụ luôn luôn biến hoá… từ loại kê tới loại rêu… loại sâu, bướm, ve sầu, chim.. ngựa, người, cuối cùng trở về với cái cơ”. Chính cái bản thể của hạt và cây (sự sống liên tục) đã trở thành đối tượng của sự thờ cúng vì nó biểu tượng cho sự bất tử và sự thiêng liêng. Kê là biểu tượng của sự sống, thịnh vượng, được nhận rõ ở nguồn gốc của nó: hạt giống. Cây kê được tôn lên làm thần Hậu Tắc, như thần Lúa (mẹ lúa) của cư dân Đông Nam Á lúa nước hoặc thần Bắp Ngô  - Xachiquet-zal của châu Mỹ La tinh hay thần Đại Mạch Deme-ter (nữ thần Phồn thực) trong nền văn hóa Lưỡng Hà và sau đó là văn hoá Hy Lạp La Mã cổ đại. Sau này nhà Chu (1122-225 TCN) còn nhận thần Hậu Tắc làm ông tổ triều đại mình. Nhiều triều đại Trung Hoa sau đó cũng nhận thần Hậu Tắc làm ông tổ triều đại mình. Do đó trong lễ tế Xã Tắc tại Trung Hoa sau này thần Hậu Tắc luôn được phối hợp với việc cúng tế tổ tiên.
Thần Hậu Tắc là thần thực vật từ hạt kê nuôi sống con người, khác với Thánh Gióng là nhân thần, có một cuộc đời hoạt động (đánh giặc Ân). Thần Hậu Tắc chỉ có nhiệm vụ chăm lo mùa màng bội thu để dân được no ấm. Vì thế không thấy nói đến cuộc sống của thần Hậu Tắc tại nhân gian như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi thấy có nhiều điểm tương đồng khá kỳ lạ giữa hai vị thần Hậu Tắc và Thánh Gióng liên quan đến văn hoá nông nghiệp và sự phồn thực, đặc trưng cho nền văn hoá người Việt Cổ.

Những nét tương đồng chính giữa Thánh Gióng và thần Hậu Tắc

1. Vết chân ông khổng lồ và sự mang thai kỳ diệu
Huyền thoại kể rằng một hôm mẹ Thánh Gióng đi du xuân thấy một vết chân rất to lớn. Bà ướm thử bàn chân mình vào, tự nhiên tinh thần bà cảm động và thụ thai sinh ra Gióng.
Mẹ thần Hậu Tắc là bà Khương Nguyên, một lần đi dạo chơi giẫm vào vết chân của ông khổng lồ, rồi mang thai và đẻ ra Hậu Tắc. Do đó thần can đảm vững vàng như núi, sánh được với sự cương quyết của một ông khổng lồ. Môtíp mang thai vì giẫm lên một vết chân được bắt gặp khá nhiều trong thần thoại về các thần linh hay các đấng anh hùng dân tộc. Ví dụ bà Hoa Lư, vợ Đế Cốc, giẫm lên vết chân của Lôi Thần, mang thai đẻ ra thần núi Tản Viên và còn nhiều nữa.
Giẫm lên vết chân trên mặt đất (vườn cà, bãi cỏ du xuân, trong ruộng khi đi cấy…) mà mang thai đều có liên quan đến việc mang thai hoang thời mẫu hệ và quan niệm phồn thực. Nó nhắc đến không gian nông nhàn, dân dã của những ngày vui xuân mà trai, gái tự do ân ái, theo lối dã hợp vào những ngày du xuân của dân Việt xưa.
2. Ba thử thách: Thánh Gióng lên ba, không biết lật, không biết nói, không cười. Thần Hậu Tắc vừa sinh ra bị vứt ngoài đường, rồi bị đem bỏ vô rừng, sau cùng bị bỏ lại trên hồ nước đá để cho thần bị chết. Nhưng thần được cứu sống.
3. Lên núi và bay về trời
Thánh Gióng sau khi dẹp xong giặc Ân đến núi Việt Linh, cởi áo để lại, phi ngựa bay lên trời, để lại vết chân ngựa trên đá.
Thần Hậu Tắc mất tích “trên núi”. Đinh Gia Khánh thì nói thần Hậu Tắc được chôn ở cánh đồng có chiếc thang lên trời (thiên thê).
4. Lễ tế thần Xã Tắc (tế thần đất Xã và thần kê Tắc) và hội Gióng Phù Đổng và về cuộc đời của hai vị thần:
a) Lễ hội Gióng tưởng niệm trận đánh giặc Ân. Lễ tế Xã Tắc đầu tiên tại Trung Quốc cổ đại do vua Tcheng (con vua Đại Vũ), vị sáng lập nhà Chu (1122-225 TCN), “do Hậu Tắc sáng lập và làm chủ lễ… sau khi thắng giặc Ân và con trai bạo chúa Trụ bị giết”.
b) Lễ hội Gióng và lễ tế thần Xã Tắc tại Việt Nam đều nằm trong chu kỳ nông nghiệp: lễ hội Gióng vào ngày 8/1 ÂL và 9/4 ÂL. Tế Xác Tắc vào dịp Xuân - Thu. Lễ hội Gióng và tế Xã Tắc đều là lễ cầu mùa trong chuỗi lễ hội nông nghiệp vào mùa xuân và “triết lý hội xuân căn bản là triết lý phồn thực”. Vài chi tiết chính trong triết lý phồn thực:
- Lễ hội Gióng: rước hoa tre có cỏ voi là cây chuối lá cao 2m và mộ thần Hậu Tắc có cây thang lên trời (thiên thê) biểu trưng cây vũ trụ nối trời với đất.
- Chém 28 nữ tướng đại diện 28 vì tinh tú rơi xuống. Biểu tượng sao lặn là mưa rơi từ trời xuống tưới nước cho ruộng đồng tươi tốt. Trong lễ Nam Giao (là tế trời đất), một lễ tế song hành với tế Xã Tắc, trên phương đàn có án thờ các vị thần Tinh Tú với bài vị “Chân Thiên tinh tú”. Thần Hậu Tắc được phối với Trời trong lễ Xã Tắc. Ngoài ra Hậu Tắc là thần Mùa Màng như ta đã biết…
- Trong truyện Thánh Gióng, cái cọc buộc ngựa trên núi Vũ Ninh là một trụ đá nhân tạo cũng như vết chân trên đất vườn cà hoặc trên đồng cỏ du xuân liên hệ đến thần Đất. Trong lễ tế thần Hậu Tắc, thần được phối với thần Đất, đấng cung cấp lương thực cho loài người, như Việt điện U linh tập đã viết: “thần Hậu Tắc cho ta có cơm ăn, công đức có gì lớn lao bằng…” Đất là nguyên khí của sự sinh nở, tượng trưng cho tình mẹ (mẫu tính). Vạn vật sống trên đất và nhờ đất.
- Thánh Gióng nhờ ăn nhiều (3 nong cà, 7 nong cơm) cũng như bản thân thần Tắc là hạt kê, món lương thực chính của nền văn hóa Bách Việt ở vùng Hoàng Hà đều nhấn mạnh việc đề cao lương thực chính là cây kê (của dân Bách Việt) và cây lúa nước và rau màu (Việt Nam ngày nay). Trong tế Xã Tắc ở Trung Hoa cổ đại, thần Kê được phối với thần Mùa Màng.
Tóm lại, chúng tôi có giả thuyết rằng Thánh Gióng và thần Hậu Tắc là một. Lễ hội Gióng, lễ tế Xã Tắc đều là lễ hội cầu mùa của văn hoá nông nghiệp theo tín ngưỡng dân gian phổ biến trong hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ ngày xưa liên quan đến tín ngưỡng phồn thực như tác giả Vũ Anh Tú cũng đã khẳng định. Cả hai vị thần này là sáng tạo của tổ tiên người Việt.

Nguồn: SGT Group tổng hợp.