259 lượt xem

Minh Mạng

Minh Mạng (chữ Hán: 明命, 25/05/1791 – 20/01/1841), tức Nguyễn Thánh Tổ (阮聖祖), là vị Hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1820 đến năm 1840.

Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán, vua Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Minh Mạng cũng là nhà vua để lại nhiều giai thoại nổi tiếng nhất nhì trong 13 vị vua triều Nguyễn. Dưới đây là những mẩu chuyện được chọn lọc từ cuốn sách "Kể chuyện các vua Nguyễn" (NXB Văn hóa - Thông tin, thể loại Tiểu sử - Hồi ký, Tôn Thất Bình biên soạn) do Khám phá Huế tổng hợp.

Tinh thần làm việc của vua Minh Mạng   

Vua (se) mình. Hoàng Tử trưởng, các Hoàng Tử túc trực ở Duyệt Thị Đường. Thái Y dâng thuốc. Trong thời gian uống thuốc, ông vẫn xem sớ tâu các nơi, phê phán không lúc nào nghỉ. Văn thư phòng là Nguyễn Hữu Khuê và Trương Phúc Cương dâng sớ nói:

- Y gia có nói:

- Uống thuốc tất phải bình tâm không lo nghĩ. Nay các sớ tâu trong ngoài đều do Hoàng thượng phê bảo, công việc đến hàng vạn, sao có thể không tổn tinh thần. Xin tĩnh dưỡng tinh thần thì thuốc men mới chóng có hiệu quả.

Minh Mạng xem sớ, phán rằng:

- Không ngờ lớp tôi đòi nhỏ mọn mà có lòng yêu lo đến thế.

Ông bèn truyền các nhà cứ lấy ngày lễ dâng lục đầu bài (2), ngày chẵn thì thôi. Duy việc gì quan trọng thì cho tâu ngay…

Vừa khỏe, ông đã muốn ngự điện nghe việc các quan tâu lại. Gặp trời mưa to, bầy tôi sợ lạnh rét, can vua. Minh Mạng phê rằng:

- Thế đủ biết lòng thành yêu mến, nhưng Trẫm vẫn khỏe, muốn gặp gặp các khanh để thỏa lòng các Khanh trông ngóng, mà lòng Trẫm cũng được thư thái, chẳng hơn ngày ngày chỉ thấy lũ đàn bà, quan thị không biết nói chuyện gì à.

Thế là ông liền ngự lên điện Cần Chánh. Bầy tôi lạy mừng ở sân, áo mũ đều bị ướt. Minh Mạng bèn vời lên trên điện để ngồi, ủy lạo hồi lâu, rồi ban cho tiền vàng, chuỗi ngọc trai theo thứ bậc.

Một hôm, ông vời Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Hữu Thận hỏi rằng:

- Gần đây triều tham tâu việc, so với ngày trước thế nào?

Đức, Thận trả lời:

- Trước kia thường ngày tâu việc, bọn thần lui triều thì đã mỏi mệt, cho nên công việc chức chất nhiều. Nay tâu việc có ngày thì ngày thường được chuyên tâm làm việc, cho nên việc Bộ hơi gọn.

Ông nói:

- Trẫm nay tuổi đang mạnh, có thể cố gắng xét đoán các việc, chỉ sợ sau này mỏi mệt, không thể được như ngày nay. Xem ra thì người bầy tôi không dám lười biếng, là vì sợ, cái lòng trễ nãi dễ sinh. Vậy thì bề tôi nhớ khuyên răn vua cho được trước sau như một là việc hay đấy.

1) Se: Đau ốm

2) Là " bài xanh dầu " để nghi tên người trực làm việc và công việc muốn tâu để dâng lên

(Đại Nam thực lục)

Chê khéo nhà vua   

Trong thời kỳ làm Cung Trung giáo tập, bà Thanh Quan do tài làm thơ và đức độ dạy học, được Minh Mạng tin dùng, quí mến. Bà thường được nhà vua đàm luận thơ văn.

Một lần có bộ chén kiểu của Trung Quốc mới đưa sang, chén vẽ sơn thủy Việt Nam và có đề thơ nôm cũng như một số đồ sứ kiểu thời đó, Minh Mạng đưa khoe với những người chung quanh. Mọi người yêu cầu bà Huyện Thanh Quan làm một bài thơ chữ Nôm. Bà làm ngay hai câu thơ rằng:

Như in thảo mộc trời Nam lại.
Đem cả sơn hà đất Bắc sang.

Vua Minh Mạng rất thích thú. Cùng hôm đó, nhà vua viết hai chữ Phúc Thọ rất lớn để "ban ơn" chúc mừng một đại thần nào đó. Ông hỏi bà Thanh Quan chữ viết như thế nào, bà khen:

Phúc tối hậu,
Thọ tối trường

Nghĩa là:

Phúc rất dày,
Thọ rất dài

Ban đầu Minh Mạng hơi ngơ ngác, sau nhìn kỹ lại ông mới hiểu ý, bèn mỉm cười và gật đầu. Thì ra Minh Mạng đã viết chữ Phúc béo phục phịch và chữ Thọ dài lêu đêu.

Bà Huyện Thanh Quan tuy ngầm chê chữ viết của Minh Mạng, nhưng lời chê thật khéo léo và văn vẻ.

(Theo Giai Thoại văn học Việt Nam Hoàng Ngọc Phách)

Luật pháp dưới triều Minh Mạng   

Kinh thành nhiều lần có nạn trộm. Việc đến tai Minh Mạng, nhà vua sắc rằng quân dân hễ ai bắt được tên trộm thì hậu thưởng. Sắc vừa mới ban ra, gặp ngay có người bắt được kẻ cắp ngày.

Ông bảo bầy tôi rằng:

- Ăn cắp tuy là tội nhẹ, nhưng giữa ban ngày mà dám ăn cắp ở chốn Đại Đô là rất khinh miệt pháp luật. Bọn vô lại khinh phạm hiến chương như thế, tha thì rút cục cũng không chừa, cũng vô ích"

Bèn sai chém để răn. Ông lại hạ lệnh cho Quảng Đức (Tỉnh Thừa Thiên hiện nay - TTB chú) từ nay về sau ở đâu có trộm xảy ra, lân bang phải kíp đến cứu ứng, bắt giải lên quan, làm trái thì có tội. Về sau, có quan Tư Vụ Nội Vụ Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thông công quỷ, Minh Mạng ra lệnh chặt tay để răn dân chúng về tội tham nhũng. 

Tiếng trống chầu trong Đại Nội   

Vua Minh Mạng khi đang làm việc hoặc đọc sách phải tuyệt đối im lặng để tập trung tư tưởng. Buổi đó, nhà vua đang đọc sách ở Thái Bình Lâu, trong đêm khuya, bỗng nghe có tiếng trống chầu vang dội.

Không biết lý do gì, ông liền sắc hỏi. Thì ra đó là tiếng trống phát ra từ địa điểm các Hoàng Tử Miên Thẩm, Miên trinh đang ở. Các Hoàng Tử này họp nhau lại tổ chức diễn tuồng trong đêm mà không xin phép trước.

Sáng hôm sau, Phủ Tôn Nhơn dâng phiến, Minh Mạng phê:

- Khởi cổ ở trong thành mà không xin phép. Miên Thẩm phải phạt bổng hai năm, và phải đóng cửa 3 tháng luôn, không được dự triều hạ.

Từ ngày đó, Miên Thẩm ( tức Tùng Thiện Vương sau này) không dám diễn tuồng nữa. Các bản tuồng sáng tác đều đem ra đốt hết. May mắn cho Miên Trinh, dù có tham dự trong tay trống chầu, nhưng khỏi bị phạt, vì trưởng ban tổ chức là Miên Thẩm.

Minh Mạng với việc học hành của các hoàng tử   

Một buổi nọ, Minh Mạng cho vời quan phụ đạo các hoàng tử Trương Đăng Quế vào lạy ra mắt. Ông truyền rằng:

- Bấy nay ngươi phụ các Hoàng tử trưởng thành cho nên sai ngươi theo việc chính trị.

Rồi Minh Mạng hỏi luôn:

- Thiên tư học vấn của các Hoàng Tử thế nào? Những người chung quanh ngươi có ngăn cấm được không?

Quế đáp rằng:

- Phép nhà Hoàng Thượng vốn nghiêm, các Hoàng Tử gắng sức học tập không dám trễ nải. Lại thêm sẵn tính ham học, thông minh, người thường không so được, không dám dẫn đến chỗ bất chính.

Minh Mạng nói:

- Dòng dõi đế vương thông minh cũng có, còn bảo là ham học thì ta chưa tin được. Ta lúc trước ở tiềm để (1) chỉ có việc coi hầu bữa ăn và thăm sức khỏe hoàng khảo mà thôi, đến như học vấn thì chưa biết để tâm nghiên cứu, bây giờ còn hối nữa, huống chi các Hoàng Tử.

Thế là ông liền sắc rằng, từ nay các viên Tán Thiện, Bạn độc ở Tập Thiện Đường đều cho kiêm công việc các dực phủ thuộc.

Giấc mơ hoàng tử Đảm   

Khoa Kỷ Mão năm Gia Long thứ 18 (1819), Minh Mạng, lúc ấy còn là Đông Cung Thái Tử, ra hồ Tĩnh Tâm chơi, tinh thần mệt mỏi, Thái Tử bèn nằm trên võng thiu thiu ngủ.

Bỗng một người học trò, tự xưng là học giả Lam Sơn đến hầu. Thái Tử thấy người học trò, đầu đội mũ cỏ, tay cầm cây gậy nhọn xiên qua bên mặt trời; tự nhiên mặt trời đùn đùn lên một đám mây đen sì, rồi tối sầm lại. Người học trò giơ gậy lên vẫy thì đám mây đen tan ngay, trời sáng bừng lên. Thái Tử về cung đưa chuyện nằm mộng hỏi thị thần.

Quan Thái bộc đoán :

"Người học giả đầu đội nón cỏ là học trò, tên y có chữ giả, thêm thảo dầu (mũ cỏ), là chữ Trứ. Chữ Trứ có nét phẩy cái sát qua chữ nhật, tức là cái gậy xiên qua mặt trời. Từ Lam Sơn lại, người ấy tất quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Đám mây đen đùn lên ở mặt trời là điểm sau này biên thùy có lọan. Người ấy cầm gậy vẩy, mà đám mây đen tan, là điềm người ấy sau này sẻ dẹp tan giặc. Vậy xin Điện Hạ nghiệm xem khoa này có ai tên là Trứ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh thi đỗ không?

Thái Tử nghe lời. Đến khi quan trường chấm xong đệ danh sách vào Bộ Duyệt, thấy tên Nguyễn Công Trứ đỗ Thủ Khoa, Thái Tử Đảm mừng là ứng vào điềm mộng, quốc gia để tuyển được nhân tài chân chính. Thế là khoa ấy các quan chấm trường đều được thưởng một cấp.

(Theo Dã Sử Hoài Sơn)

Câu thơ Hoàng bào   

Lê Văn Duyệt trả thù được Nguyễn Văn Thành như đã thỏa nguyện. Ai ngờ sau khi Lê Văn Duyệt chết rồi thì đến năm (1835), mộ ông ta lại bị Minh Mạng cho san phẳng và sai dựng lên tại đó một hòn đá lớn khắc mấy chữ thật to:

- Chỗ này là nơi tên hoạn Lê Văn Duyệt phục pháp.

Nguyên do chính là vì Duyệt là bố nuôi của Lê Văn Khôi, người cầm đầu cuộc khởi nghĩa thành Phiên An, chiếm lĩnh toàn cõi Nam Bộ từ 1833 đến 1835. Nhưng khi bắt tội Lê Văn Duyệt người ta đã gán cho Duyệt bảy tội đáng chém và hai tội đáng thắt cổ. Trong hai tội sau, có tội gọi là " câu thơ Hoàng Bào ".

Số là sau khi Gia Long chết (và Nguyễn Văn Thành bị vu oan phải tử tự) thì Lê Văn Duyệt là người oai quyền nhất nước, đến Minh Mạng cũng phải kiêng nể. Lúc bấy giờ, người ta đồn rằng Lê Văn Duyệt hay khoe chuyện với người chung quanh là ông ta có xin được một quẻ thánh cho, có bốn câu thơ như sau:

Tá Hán tranh tiên chư Hán tướng.
Phù Chu ninh hậu tập chu thần
Tha niên tái ngộ trần Kiều sự
Nhất đán hoàng bào bức thử thân

Tạm dịch

Giúp Hán há thua gì tướng Hán
Phò Chu nào kém bọn tôi Chu
Trần Kiều ví gặp cơn nguy biến
Ép mặc hoàng bào dễ chối ru

Bài thơ ý nói: Giả sử, nay mai lại xảy ra một vụ binh biến như vụ Trần Kiều, quân lính ép ta lên làm vua như đời xưa họ đã từng ép Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn, thì có lẽ ta cũng đành lòng nghe theo họ, chứ không thể nào khác hơn. Sự việc thực hư như thế nào không biết, nhưng trong dịp hỏi tội Lê Văn Duyệt để xử (mặc dầu đã chết rồi) thì có người nhắc đến việc đó, và triều đình lên án thành một tội đáng để xử thắt cổ.

(Theo Đại Nam chính biên liệt truyện )

Nhà vua với các vương phi   

Trong đời sống thường nhật, có lẽ vua Minh Mạng là người được hưởng nhiều vui thú nhất trong các vua Nguyễn ở chốn phòng the. Số phi tần trong cung vua chưa rõ bao nhiêu, chắc phải đến năm, sáu trăm người.

Sách Minh Mạng chính yếu chép: "Năm Minh Mạng thứ sáu, mùa Xuân, tháng giêng, trong Kinh kỳ ít mưa, nhà vua lấy làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng:

- Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ từ đâu mà đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là trong thâm cung, cung nữ nhiều âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi, cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy".

Vua có nhiều vợ, phần lớn là người miền Nam. Như bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu ) là người Biên Hoà, con của Phước Quốc Công Hồ Văn Bôi. Hai Vương phi sủng ái nhất là bà Hiền Phi Ngô Thị Chính, con của Chưởng Cơ Ngô Văn Sở và bà Lệ Tân Nguyễn Gia Thị, con của Phó Vệ Úy Nguyễn Gia Quý. Hiền phi sinh được bốn hoàng tử và hai công chúa. Nguyễn Gia Thị sinh được bảy hoàng tử và ba công Chúa. Hai bà này thường hay xung đột nhau, bà Ngô Thị Chính cậy mình được vua yêu mến thường đánh ghen các bà khác làm vua Minh Mạng nhiều lúc cũng lâm vào tình trạng khó xử.Tương truyền bà Hiền Phi thường nói với những người thân cận rằng:

- Dù vua có yêu thương tôi bao nhiêu đi nữa thì khi từ biệt cõi trần, tôi cũng ta đi hai tay không mà thôi.

Minh Mạng nghe được, đến khi bà mất đã thân hành đến tận chỗ bà nằm, đem theo hai nén vàng, bảo kẻ phục dịch mở hai bàn tay ra, nhà vua để hai nén vàng rồi ngậm ngùi nói:

- Đây Trẫm cho Phi cái này để cho khỏi ra đi hai bàn tay không.

Tôn Thất Bình