263 lượt xem

Vua Ba Vành

Trong dân gian truyền tụng câu ca: “Trên trời có sao Tua rua/Ở dưới hạ giới có vua Ba Vành” đại ý ám chỉ Phan Ba Vành, người làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương (nay là thôn Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương), thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Thái Bình đầu thế kỷ XIX chống lại triều đình nhà Nguyễn mục ruỗng nhằm đem lại ruộng đất, áo cơm cho dân nghèo.

Cuộc khởi nghĩa đã bị dìm trong biển máu, thủ lĩnh Phan Ba Vành và các tướng sĩ của ông lần lượt sa vào tay quan quân triều đình Minh Mệnh và bị hành hình nhưng dũng khí của ông và các tướng lĩnh sĩ đã viết lên trang sử oanh liệt của cuộc tranh đấu anh hùng thuộc tầng lớp nông dân Việt Nam dưới thời phong kiến lưu truyền đến muôn đời sau.

Theo Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Huy Thục, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng, lịch sử quân sự nước ta coi cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Ba Vành làm thủ lĩnh xứng đáng được xếp vào hạng những danh tướng cầm quân xuất sắc mặc dù thời gian tồn tại không lâu vừa phải chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng nhưng Phan Ba Vành và bộ tướng thuộc quyền của ông đã tổ chức được hàng chục trận đánh với quy mô lớn, nhỏ ở nhiều địa bàn khác nhau trong đó có 8 trận thủy chiến tiêu diệt nhiều quân, tướng của triều đình Minh Mệnh, khiến triều chính nhiều phen khốn đốn. Bên cạnh tổ chức chiến đấu hiệu quả, Phan Ba Vành đã tổ chức thành công hệ thống căn cứ khởi nghĩa liên hoàn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Phan Ba Vành đã để lại những kinh nghiệm và bài học quý về xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ hậu phương nhất là nghệ thuật tổ chức tiến hành các trận chiến đấu trên bộ cũng như thủy chiến.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Phan Ba Vành tài trí hơn người, ngày đêm phải chứng kiến nỗi thống khổ đến cùng cực của những người nông dân, trong đó có cha mẹ mình bởi ách áp bức, bóc lột tàn bạo của chính quyền phong kiến triều Nguyễn, ông đã đứng lên tập hợp lực lượng, sắm sửa khí giới chiến đấu mưu giành lại quyền sống cho dân nghèo. Chỉ sau thời gian ngắn, ông đã quy tụ được khoảng 5.000 người. Với lực lượng lớn và tài thao lược, Phan Ba Vành chỉ huy nghĩa quân khuynh đảo tinh thần quan quân triều đình nhà Nguyễn. 

Nhìn lại thất bại của cuộc khởi nghĩa chống lại ách áp bức, bóc lột nặng nề của triều đình nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX với ước vọng “cơm no, áo ấm” cho dân nghèo chứng minh rằng Phan Ba Vành là người có khát vọng giải phóng giai cấp từ rất sớm. Nhiều sử gia đã phải thừa nhận Nguyễn Công Trứ hơn Phan Ba Vành “một giáp” (12 năm), một người sinh ở huyện Quỳnh Côi, một sinh ở Kiến Xương, kiếp phận xui khiến triều đình Minh Mệnh cắt cử Tham tán Nguyễn Công Trứ đem quân về Chân Định, Thiên Trường dẹp loạn Phan Ba Vành để rồi cho đến trước khi theo tiên tổ “về trời” Nguyễn Công Trứ phải thốt lên cay đắng: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/Giữa trời cành lá cheo leo/Ai mà chịu rét thì trèo với thông!”. Cảm thán của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trước lúc lâm chung giả sử có “kiếp sau” thì chắc Nguyễn Công Trứ cũng sẽ hành động như Phan Ba Vành. Trong “Minh Đô sử” có chép trận Liêu Đông đối diện đầu làng Minh Giám bên kia sông Hồng lui vào một đoạn là căn cứ Trà Lũ (Nam Định nay), nơi đóng quân của Phan Ba Vành, mặc dù quân của triều đình Minh Mệnh đã dồn hết binh lực đối phó với Phan Ba Vành nhưng quan quân triều đình liên tục nếm mùi thương vong, Nguyễn Công Trứ bị triều đình đốc thúc phải tiêu diệt bằng được Phan Ba Vành vậy mà nhiều trận quan quân Nguyễn Công Trứ “tan tác chim muông”, ngồi trên bành voi, Nguyễn Công Trứ ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Lạy trời, lạy trời đừng cho tôi thấy mặt ông Vành cũng đừng để ông Vành thấy mặt tôi”. 

Chính sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Thanh thế Phan Ba Vành càng lớn, khắp địa hạt Bắc Kỳ và vùng Hoan Ái thuộc Tả trực kỳ, phàm những kẻ “bất trị” nghe tiếng Phan Ba Vành thì tụ họp lại như kiến. Trong quá trình khởi nghĩa, nghĩa sĩ một lòng, một dạ thực hiện tôn chỉ của Phan Ba Vành là lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”. 

Minh Đô sử ghi chép những giờ phút cuối cùng trước khi cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Ba Vành làm thủ lĩnh bị triều đình Minh Mệnh “xóa sổ” mà công lớn thuộc về Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, một viên quan văn “mũ cao, áo dài” bằng tài kinh bang tế thế của mình đã nhìn thấy “căn nguyên” của cuộc khởi nghĩa chính là khát khao ruộng đất cho dân cày và “cơm áo” cho người nghèo, ông liền tiến hành cuộc đại khẩn hoang ở Tiền Châu giúp nông dân có thêm ruộng đất mà đầm lầy, lau lách cũng không còn, nơi vẫn được nghĩa quân Phan Ba Vành nương náu. Không chốn dung thân, Phan Ba Vành phải sang Trà Lũ (Nam Định) lập cứ địa, Minh Đô sử xót xa ghi: “Nước cạn, thuyền mắc, đạn đại bác bắn như mưa, dồn dập. Vành bị thương ẩn nấp ở đám lau sậy phía tả sông Ngô Đồng, chỉ có tướng Vò cầm một ống tre vầu đi theo”. Đến đây, Minh Đô sử cho hậu thế biết rằng, Phan Ba Vành không thể xoay chuyển nổi thế trận nhưng với khí phách thủ lĩnh, Phan Ba Vành đã nhờ người báo cho cai tổng Trà Lũ Lê Tuấn biết Phan Ba Vành bị thương và chờ nộp mạng. Lê Tuấn được tin mừng lắm, sai người chuẩn bị đầy đủ võng dù đón rước Phan Ba Vành về nhà mình, tiếp đãi rất hậu. Nhân lúc thuận tiện, cai tổng Lê Tuấn hỏi: “Tướng quân đã đem thân tám thước giao phó vào tay chúng tôi, theo phép nước phải giải nộp ắt phải có xe giam”. Vành nói: “Mặc chúng mày, muốn làm gì thì làm”. Giao mình cho cai tổng Lê Tuấn, Phan Ba Vành bị áp giải về Bắc thành, nửa đường, Phan Ba Vành cắn lưỡi tự vẫn.

Các tài liệu khảo cứu về Phan Ba Vành có nhiều bản khác nhau nhưng đều có chung một nhận định Phan Ba Vành tụ nghĩa không phải làm chuyện bình thường kiếm sống mà khẳng định rõ ràng Phan Ba Vành đã có một ý chí khác thường, ý chí phản kháng chống lại triều đình phong kiến mục ruỗng, áp bức nông dân.

Quang Viện