Một số nét đặc thù trong văn hoá Phật Giáo Nam bộ
Một tôn giáo bất kỳ khi du nhập và tồn tại ở một vùng đất mới, một dân tộc mới thuòng hình thành những biến thể nhất định, tạo nên các trường phái, các tông phái hay giáo phái, tổ chức….mang sắc thái, đặc trưng của dân tộc đó. Trường hợp Phật giáo cũng thế, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo hòa nhập vào văn hóa dân tộc, từng bước tạo nên các biến thể. Tại đây, Thiền tông nổi lên như một tông phái nổi bật và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của Phật giáo Việt Nam. Và khi nói tới Thiền tông chúng ta không thể không nói tới thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, bởi đây là tinh hoa, là linh hồn của Phật giáo dân tộc. Tinh hoa đó không chỉ mang sắc thái đặc thù của Phật giáo Đại Việt mà còn cắm rễ vào mảnh đất Phật giáo Việt Nam đương đại mà kết quả của nó là một hệ thống thiền viện Trúc Lâm ra đời. Trong đó thiền viện Thường Chiếu được xem là một trong những ngôi thiền viện đầu tiên, thuộc hệ thống thiền viện Trúc Lâm thể hiện tính đặc thù của mình trong văn hóa Phật giáo Nam Bộ.
Một khi nói đến văn hóa Phật giáo Việt Nam thì không phải nói đến các giá trị chung của cộng đồng người Việt mà nói đến các giá trị đã định hình và có tính bền vững được thừa nhận phần lớn bởi cộng đồng Phật giáo và những người có tình cảm với đạo Phật. Những giá trị đó có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức, nhiều sắc thái khác nhau từ văn học, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc cho đến tổ chức đời sống sinh hoạt, tu học v.v..Nhưng dù biểu hiện dưới hình thức nào văn hóa Phật giáo cũng phải hướng con người đến đời sống tịnh lạc. Bởi vì “bản chất của văn hóa Phật là sự sống an hòa, tịnh lạc. Do đó, hình thái của văn hóa Phật giáo phải phản chiếu được nếp sống an hòa tịnh lạc đó”. Chính vì thế, đi tìm nét văn hóa đặc thù của thiền viện Thường Chiếu tức là đi tìm các giá trị đặc trưng, cốt lõi nhất mà nó đã thể hiện với tư cách là thành tố của văn hóa Phật giáo Nam Bộ. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta nhận diện được giá trị văn hóa Phật giáo trong nhiều giá trị văn hóa khác tồn tại trong đời sống xã hội.
Như đã nói, thiền viện Thường Chiếu (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống thiền viện Trúc Lâm do HT. Thích Thanh Từ sáng lập. Sự ra đời của cơ sở này là một bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của Thiền tông Việt Nam. Nó không những thể hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn là cơ sở để khẳng định Phật giáo Nam Bộ là một thể thống nhất trong đa thù.
Nét đặc thù đó thể hiện trước hết ở kiến trúc của thiền viện Thường Chiếu. Đó là một tổng thể các công trình gồm nhiều hạng mục như: chánh điện, tổ đường, thiền đường, tăng đường, trai đường, nhà khách, thư viện, La hán đường v.v..
Đặc điểm dễ thấy nhất của kiến trúc thiền viện là việc dùng chất liệu hiện đại xi măng cốt thép. Đó là sản phẩm của công nghệ hiện đại nhưng các công trình được thiết kế gần gũi với kiến trúc truyền thống cho nên chúng ta cảm thấy rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Đặc biệt là La hán đường-nơi thờ 18 vị La hán được những nhà chuyên môn đánh giá là một trong những công trình lớn nhất ở miền Nam thể hiện rõ nhất kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam Bộ. Công trình này làm từ gỗ quý, được dựng lên trên motip kiến trúc nhà ba gian truyền thống. Bên trong thờ 18 vị La hán với những tư thế khác nhau, tạo nên một vẻ đẹp hết sức độc đáo.
Cũng như phần lớn các kiến trúc chùa truyền thống, mái thiền viện được lợp bằng ngói đỏ, độ dốc thoai thoải, đầu mái là những nét cong hình mũi thuyền, gợi nhớ đời sống sông nước của người Nam Bộ. Những nét cong đó chỉ vừa phải, nhẹ nhàng, thanh thoát chứ không cong vút và nặng trĩu như những ngôi chùa truyền thống ở Bắc bộ. Đường nét hoa văn giản dị, gần gũi, không cầu kỳ như chùa miền Bắc, cũng không tinh tế, đường nét như chùa miền Trung. Ở đây, hoa văn chỉ đươc điểm nhẹ tạo nên vẻ đẹp giản dị, gần gũi với đời sống, tính cách của người Nam Bộ. Tất cả hòa quyện vào thiên nhiên theo triết lý sống hài hòa với thiên nhiên, nương nhờ và thuận theo thiên nhiên của người Việt Nam.
Tổng thể công trình thiền viện Thường Chiếu thể hiện rất rõ tính chất mở, đại chúng của kiến trúc chùa Nam bộ. Tính chất mở đại chúng đó thể hiện qua đặc điểm, bố cục của các công trình: hành lang lớn, sân rộng thoáng tạo thành một không gian rộng mở như mời gọi con người. Thực ra, tính chất mở, đại chúng là một đặc điểm phổ biến trong các chùa Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, về mức độ thì tính chất mở, đại chúng của thiền viện tỏ ra hơn hẳn kiểu kiến trúc chùa cổ Việt Nam. Nó không chỉ mở rộng theo chiều ngang, chiều dài mà còn vươn lên ở chiều cao. Chính vì thế, mặc dù ẩn mình trong một không gian rộng lớn, xung quanh đầy cây xanh nhưng thiền viện vẫn thể hiện cái thế trung tâm của mình.
Trong quần thể kiến trúc ấy, người ta dành riêng một khoảng không gian lớn để xây dựng một khu nội viện. Khu nội viện nằm cách biệt với khu ngoại viện bởi một cổng lớn và hàng rào chung quanh. Bên trong là thiền đường, nhà tăng, thư viện…Phía sau có khu thất dành cho các vị tu sĩ nhập thất. Đây là một sinh hoạt tinh thần rất đặc trưng thường thấy trong hệ thống nhà thiền. Những người vào đây, tách biệt với thế giới bên ngoài, thường là từ bảy ngày trở lên để nghiền ngẫm, quán chiếu, thanh lọc thân tâm nhằm hướng đến một đời sống tịnh lạc, an lành. Các hoạt động của các vị tu sĩ này, vì thế gần như khép kín, tách biệt với thế giới bên ngoài. Tính khép kín này một mặt giúp cho các tu sĩ của thiền viện có điều kiện trau dồi, thúc liễm thân tâm; nhưng mặt khác khiến cho họ mất cơ hội tiếp thu những cái mới của xã hội bên ngoài, trong đó có các giá trị phong phú của các truyền thống Phật giáo khác.
Sự tách biệt khu nội viện thành một khu tu học riêng là một ý tưởng hay thể hiện tính đặc thù của thiền viện mà chúng ta rất ít gặp ở các tự viện khác ở Nam Bộ. Có người cho rằng tình đặc thù này có được là do không gian lớn của thiền viện mang lại. Nhưng thực tế không phải như vậy. Những ngôi chùa lớn khác ở Nam Bộ cũng có không gian rất lớn nhưng người ta hoàn toàn không thiết kế theo mô hình này.
Đặc thù thứ hai thể hiện trong cách thờ tự của thiền viện. Trong chánh điện, nơi thờ Phật được trang trí rất thoáng và đẹp mắt theo mô hình tứ trụ của kiển kiến trúc truyền thống chùa Nam Bộ. Ở giữa thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca. Đây là cách thờ tự mang tính biểu trưng thể hiện rõ nét đặc thù của thiền viện. Ở miền Bắc, Phật giáo còn mang nặng tín ngưỡng dân gian. Chùa vào làng trở thành chùa làng, “chùa làng là chùa của làng không phải là chùa của sư, tuy rằng vẫn có sư trụ trì”. Do đó hình thức thờ tự ở đó phải thể hiện đặc trưng tín ngưỡng của làng xã. Biểu hiện của nó là “sự xuất hiện trên ban thờ và trong khuôn viên chùa nhiều tượng thờ mới là những nhân vật hóa thành Phật hoặc được các Phật tử người Việt suy tôn là Phật”. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy trên bàn thờ ở các chùa miền Bắc thờ rất nhiều Phật và các vị thần trong tín ngưỡng dân gian. Còn ở các chùa Nam Bộ, mặc dù tín ngưỡng dân gian trong việc thờ tự có khuynh hướng nhẹ nhàng hơn, song vẫn duy trì hình thức thờ Phật theo mô hình Tam tôn, nhiều bậc. Trong đó dễ thấy nhất là mô hình Phật Thích Ca ở giữa, hai bên là Văn Thù, Phổ Hiền, hoặc ở giữa là Phật Di Đà, hai bên là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp các chùa Nam Bộ thờ rất nhiều tượng Phật, Bồ tát…Những tượng thờ đó chủ yếu có nguồn gốc từ giáo lý nhà Phật chứ không phải từ tín ngưỡng dân gian truyền thống. Một số các thiền viện tiêu biểu khác ở Nam Bộ như Vạn Hạnh, Quảng Đức vẫn duy trì cách thờ tự theo mô hình này. Thậm chí ở các thiền viện thuộc hệ thống thiền viện Trúc Lâm, người ta đã thấy khuynh hướng khắc chạm, đắp nổi thêm hai vị Bồ tát Văn thù và Phổ Hiền hai bên tượng Phật Thích Ca.
Sự tách biệt tín ngưỡng dân gian ra khỏi thiền viện Thường Chiếu và cách thờ một tượng Phật Thích Ca ở chánh điện là một nét đặc thù trong Phật giáo Nam Bộ. Nó góp phần rất lớn vào việc định hướng văn hóa và điều chỉnh hành vi con người trong cộng đồng xã hội nói chung và Phật giáo nói riêng. Nhất là góp phần xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn mê tín dị đoan đã và đang tồn tại trong trong lòng xã hội Việt Nam đương đại, đồng thời góp phần định hướng chung cho tất cả các tôn giáo khi mà thành tựu khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ làm thay đổi tư duy con người về thế giới tâm linh, huyền bí.
Đặc thù thứ ba được thể hiện trong việc tổ chức nhân sự của thiền viện. Thiền viện Thường Chiếu là một tổ chức mang tính hệ thống. Trong đó, trụ trì, phó trụ trì, trị sự là những người lãnh đạo chung của thiền viện, bên dưới chia thành nhiều ban, mỗi ban phụ trách các công việc chuyên môn dưới sự chỉ đạo của trưởng ban. Sự phân cấp này, một mặt dựa trên nguyên tắc thứ bậc; mặt khác dựa vào năng lực chuyên môn và nguyện vọng cống hiến của mỗi thànhviên.
Mặc dù phân cấp,tôn ti như thế, nhưng mối liên hệ giữa các thành viên với nhau thể hiện rất rõ tính bình đẳng, trên cơ sở tư tưởng nền tảng lục hòa cộng trụ. Mỗi thành viên dù mới xuất gia hay đã xuất gia lâu năm đều có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau trong sinh hoạt tu tập. Mỗi người đều phải tuân thủ thời khóa tu tập không phân biệt tỳ kheo hay sa di. Không có đặc hữu cho một cá nhân nào. Mọi người đều không giữ tiền riêng, không xài riêng các phương tiện hiện đại như xe cộ, diện thoại v.v…Tài sản trong thiền viện là của chung đặc dưới sự quản lý của ban chuyên trách. Việc sử dụng các phương tiện đó phải thông qua ban chức sự của thiền viện. Các vật phẩm từ sự cúng dường được chia đều cho mỗi người v.v..Điều này làm cho tính cộng đồng của thiền viện được thắt chặthơn trong đời sống sinh hoạt của người tu sĩ. Thực ra, đây không chỉ là truyền thống của Phật giáo Nam Bộ mà còn của các vùng miền khác. Tuy nhiên, truyền thống này dường như ít được duy trì phổ biến trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà Phật giáo ngày một tiến sâu hơn vào đời sống xã hội. Do đó, việc giữ gìn những giá trị truyền thống như thế ở thiền viện là một điểm tích cực trong đời sống văn hóa nói chung và Phật giáo nói riêng. Dĩ nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Chẳng hạn như việc chia đều tứ sự, xài chung tài sản dễ dẫn đến thói cào bằng, tâm lý “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, “cha chung không ai khóc” v.v..
Nét đặc thù thứ tư thể hiện qua việc tổ chức đời sống tu tập nội viện. Về tổ chức đời sống tu tập, có thể chia thành hai hình thức lớn: Tổ chức tu tập cho tu sĩ và tổ chức tu tập cho cư sĩ (bao gồm cả những người không phải là Phật tử).
Việc tổ chức tu tập cho tu sĩ ở thiền viện rất quy củ theo một thời khóa cụ thể được quy định trong Thời khóa tu tập của thiền viện. Trong đó tham thiền là điểm chính yếu và cũng là nét riêng của thiền viện Thường Chiếu so với các cơ sở tự viện khác ở Nam Bộ. Trong các chùa Bắc tông truyền thống ở Nam Bộ, tính tổng hợp trong tiếp biến văn hóa đã quy định phương pháp tu tập chủ yếu của chùa. Phương pháp tu tập chủ yếu của các cơ sở tự viện này là tụng kinh, niệm Phật, trì chú, hay kết hợp các phương pháp đó với nhau. Thiền quán chỉ được đưa vào thời khóa tu tập như một phương pháp hỗ trợ không chính thức. Điều này thể hiện rõ qua cách thiết kế thờigian tọa thiền. Ở thiền viện Thường Chiếu, thời gian tọa thiền ở mỗi thời là 90 phút, trong khi các tự viện Bắc tông khác giờ tọa thiền thường chỉ từ 30 đến 45 phút. Thậm chí rất nhiều chùa không tổ chức thời khóa tọa thiền, hoặc chỉ tọa thiền vào các tháng an cư kiết hạ. Ở thiền viện, người ta không có thời công phu khuya, cúng ngọ như các chùa khác mà thay vào đó là thời ngồi thiền, cúng quá đường. Có thể nói thiền là một nét văn hóa bao trùm đời sống, sinh hoạt của thiền viện.
Đặc biệt, trong sinh hoạt tu tập của thiền viện, người ta còn duy trì được lễ thỉnh nguyện truyền thống. Đây là một nét sinh hoạt rất riêng nhằm hạn chế những lỗi lầm và rèn luyện tính tự giác của người tu sĩ. Ngoài ra nó còn có tác dụng thanh lọc, tạo nên một sức mạnh tâm linh mạnh mẽ cho các cộng đồng Tăng sĩ.
Trong tổ chức tu tập cho người tu sĩ ở thiền viện, người ta rất chú trọng đến việc giáo dục nội viện. Giáo dục tại thiền viện Thường Chiếu có những nét đặc trưng riêng so với giáo dục ở các tự viện khác. Điều này bắt nguồn từ chủ trương riêng của thiền viện. Nếu như tại các cơ sở tự viện khác, phần lớn Tăng sĩ được đào tạo tại theo một hệ thống nhất định từ thấp lên cao do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thì tại thiền viện, các tu sĩ phải học theo mô hình giáo dục nội viện. Nội dung giáo dục mang tính chuyên biệt và khép kín hơn so với nội dung giáo dục chính thống. Tính khép kín và chuyên biệt này giúp cho thiền viện tạo được một sắc thái riêng của mình. Chẳng hạn như người ta chủ yếu học phương pháp thiền quán và các sách, kinh điển liên quan trực tiếp tới thiền tông như Bát nhã tâm kinh, Chứng đạo ca, Pháp bảo đàn, Thiền Trung Hoa… Mô hình giáo dục nội viện rất có ý nghĩa trong sinh hoạt tu tập của những người tu sĩ-những người hướng đến đời sống an lạc, thanh tịnh. Tuy nhiên, tính chuyên biệt, khép kín đó làm cho cơ hội tiếp nhận các giá trị văn hóa Phật giáo và các giá trị văn hóa khác bị thủ tiêu. Nếu như những người lãnh đạo thiền viện thay đổi cách nhìn, hay chỉ cần nhìn rộng ra thế giới hoặc chỉ cần học tập mô hình giáo dục nội viện của Phật giáo Đài Loan thì chắc chắn thiền viện Thường Chiếu sẽ có những đóng góp to lớn hơn cho xã hội nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Dĩ nhiên với nền tảng của xã hội Việt Nam hiện nay, không chỉ thiền viện Thường Chiếu mà ngay cả hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, trong một thời gian ngắn cũng khó lòng theo kịp hệ thống giáo dục của Phật giáo Đài Loan. Ở đây, chúng ta không kết luận mà cũng không cần kết luận hệ thống giáo dục nào tốt hơn hệ thống giáo dục nào, bởi vì nó không quan trọng trong việc tìm hiểu sự đóng góp của thiền viện Thường Chiếu về mặt văn hóa. Chúng ta chỉ có thể khẳng định, phương thức giáo dục nội viện dù sao cũng đã tạo nên một sắc thái riêng góp phần làm phong phú nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng.
Việc tổ chức tu tập cư sĩ (bao gồm cả những người không phải là Phật tử) thì tương đối đơn giản hơn. Những khóa tu thiền kết hợp với giảng pháp được mở hàng tuần vào các ngày Chủ nhật. Mỗi tháng định kỳ, các Phật tử các thiền viện khác trong hệ thống thiền viện Trúc Lâm đến Thường Chiếu để nghe pháp và tu thiền. Buổi tối hằng ngày, người ta tổ chức các khóa lễ ngắn cho những người đền chùa có nhu cầu tụng kinh, bái sám nhằm thúc liễm thân tâm hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh nào đó. Khóa lễ tụng kinh ở đây khác hoàn toàn với các lễ tụng kinh ở các tự viện khác. Vì sao? Bởi vì, nếu như trong các chùa thuộc truyền thống Phật giáo Đại thừa (Mahayana) ở Việt Nam, các khóa lễ thường sử dụng kinh điển phiên âm chữ Hán của người Trung Quốc biên soạn hoặc bản dịch các văn bản kinh văn đó bằng tiếng Việt, thì kinh điển trì tụng trong các khóa lễ tại thiền viện Thường Chiếu mang sắc thái riêng của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Tất cả được viết bằng chữ Quốc ngữ, được biên tập gọn nhẹ, rất dễ đọc, dễ hiểu. Đây là một nét đặc thù của thiền viện thể hiện ý thức văn hóa của người Việt Nam trước những hiện tượng xâm thực của văn hóa nước ngoài. Do đó, đến với thiền viện, thực tập ngồi thiền, tụng kinh, con người như tìm lại được sự yên tĩnh của tâm hồn sau biết bao biến động và áp lực của cuộc sống. Bởi vì, trong môi trường văn hóa Phật giáo, con người có thể tự thanh khiết hóa tâm hồn trên căn bản của tinh thần tự chiến thắng mình trước những cám dỗ của cuộc đời.
Điểm đáng chú ý trong sinh hoạt tín ngưỡng của thiền viện là sự vắng bóng hay hạn chế tối đa các nghi lễ thường thấy trong các tự viện khác như: cầu an, cầu siêu, cúng vong, lễ tang, cúng thất, trai đàn chẩn tế.. Điều này tạo thêm một nét riêng mới trong sinh hoạt tín ngưỡng của thiền viện.
Nhìn chung, chúng ta còn có thể tìm thấy ở thiền viện Thường Chiếu những nét đặc thù khác, chẳng hạn như về cách tiếp nhận xuất gia, cách sử dụng y phục, v.v.. Những nét đặc thù này đã góp phần khẳng định tính bền vững của những giá trị văn hóa Phật giáo dân tộc trướng những biến thiên của những giá trị thời đại, tạo nên một dấu ấn đặc thù trong văn hóa Phật giáo Nam Bộ, Nó không những góp phần nâng cao đời sống tinh thần xã hội mà còn góp phần xóa bỏ các hủ tục, mê tín vốn là một trong nhiều yếu tố kìm hãm sự phát toàn diện của toàn xã hội. Mặc dù có thể còn một số vấn đề tồn đọng chủ yếu từ mô hình giáo dục nội viện mang tính khép kín nhưng nhìn chung trong bối cảnh toàn cầu hóa của xã hội, việc đề xướng và thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo dân tộc mà nền tảng của nó là Phật giáo Lý Trần của thiền viện Thường Chiếu là một động thái tích cực góp phần phát huy nền tảng bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Nguồn: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 94