240 lượt xem

Nguyễn Phúc Miên Định

Thọ Xuân Vương sinh ra vào ngày 5 tháng 8, năm Gia Long thứ 9 (1810), là con trai thứ ba của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng, mẹ là Gia Phi Phạm Thị Tuyết . Ban đầu, Vuong được Gia Long hoàng đế ban cho tên Nguyễn Phúc Yến

Năm Nhâm Thân (1812), Gia Phi mất, Vương vừa 3 tuổi, được bà nội là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu đem vào nuôi trong cung. Thuở bé, Miên Định yếu đuối nhưng thông minh, được học ở chái tây Điện Cần Chánh. Vua Gia Long thường thấy ông mang hòm sách đi nghe giảng, rất ngợi khen. Lúc lớn lên, Miên Định có dáng người to lớn, tư chất hơn người.

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), có Ngự chế Kim sách về Đế Hệ Thi, nên ông được ban cho tên Nguyễn Phúc Miên Định

Thời Minh Mạng

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Vương cùng Hoàng trưởng tử (tức Hiến Tổ Chương Hoàng đế Thiệu Trị) được lệnh lập phủ riêng, Vương được lệnh lập phủ ở phía trái kinh thành để tiện việc phụng hầu. Vương càng tinh thông mọi sách, nổi danh về thơ, càng giỏi về ứng chế.

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 11 (1830), sắc phong làm Thọ Xuân công . Mùa xuân năm thứ 16 (1835), Vương và Hoàng trưởng tử vào hầu ở Điện Đông Các, Vua Minh Mạng ban cho mỗi người một lư hương và một cây đàn quí mà dụ rằng: "Lư là để truyền hương thơm, đàn là để vang tiếng. Đây là lúc các con cần có hương danh truyền khắp nơi, phải gắng sức lên". Nùa hạ năm đó, Vua Minh Mạng đi Quảng Trị, lệnh cho Vương lưu giữ Kinh đô và dụ rằng: "Kinh đô là nơi căn bản, lệnh cho con lưu giữ. Mỗi ngày phải đến Điện Cần Chánh để cùng các quan bàn bạc". Lại cấp cho một Nha đồ k‎y để nghe những chuyện gì nghe được trong cung mà tâu lên.
Mùa thu cùng năm, bắt đầu đặt các quan chức tại Tôn Nhân Phủ. Đế lệnh cho Vương kiêm nhiếp Tôn Nhân Phủ Hữu Tôn Chính, ghi tên tất cả bà con xa gần để cai quản. Vương liền xin lập điều lệ và dâng sớ cử Tôn Thất Lương, là quan thanh bạch, làm tư vụ. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Đế lệnh cho Vương cùng các quan bộ Lễ tiếp tục bàn bạc chương trình để thi hành ở Tôn Nhân Phủ.
Mùa đông năm thứ 21 (1840), gặp lúc Vua Minh Mạng không được khỏe, khi xét các án tử hình, Đế lệnh cho Vương, Hoàng tử trưởng đọc lại. Thấy việc trọng đại, Vương nhường cho Hoàng tử trưởng quyết đoán. Vua Minh Mạng ngợi khen rồi ban cho Diễm Lộc viên  để nghỉ ngơi và đọc sách.

Thời Thiệu Trị

Thiệu Trị nguyên niên (1841), khi làm lễ Ninh Lăng[3], Vương theo hầu, tất cả việc lễ lược cho đến việc đề chủ, Vương đều được sung vào giúp đỡ.

Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Đế ra Bắc làm lễ Bang giao, Vương được phong làm Ngự tiền Thân thần. Ngày tuyên phong, sứ nhà Thanh là Bửu Thanh cưỡi kiệu vào thẳng cửa Chu Tước , quan đón tiếp không thể can ngăn. Vương nghiêm nét mặt quát mắng. Sứ Thanh liền xuống ngựa, thong thả mà đi. Khi xong lễ Vua Thiệu Trị ngợi khen. Lúc trở về, Vua Thiệu Trị thưởng cho một viên ngọc trắng để đeo, có khắc 4 chữ "Đặc nghị quyền hưu" (nghĩa là đặc biệt mãi yêu thương)

Mùa hạ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Đế lệnh cho Vương làm Tổng l‎y coi sóc sửa chữa Đại Nam hội điển. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Vương dâng sớ xin theo lệ, thôi việc ở Tôn Nhân Phủ để nhường chức vụ cho các Hoàng tử khác, Vua Thiệu Trị ưu ái không chấp nhận.

Thời Tự Đức

Năm Tự Đức thứ 11 (1858), có biến ở Nam kỳ, Vương được trù liệu việc biên giới, thấy hao phí việc quân quá nhiều, Vương dâng sớ xin bớt lương bổng để giúp quân, Hoàng Đế không chấp nhận.

Mùa xuân năm thứ 18 (1865), vua Tự Đức cho rằng Vương tuổi cao, đức trọng, gặp triều yến đều được ban cấp, hỏi han, cho ngồi tại chỗ hoặc chấp tay ở trán, để tỏ chí tình. Rồi phụng thư sắc cho phép khi đến triều. Để tỏ lòng ưu ái của vua đối với Vương, năm đó Vương được cải làm Tả Tôn Chính  ở Tôn Nhân Phủ, Vương bái mạng. Vua Tự Đức ban: "Người lớn tuổi chân thật chẳng có mấy, hiến khanh gắng sức để giữ gìn khuôn phép thay mệnh của trẫm". Vương bèn mời trong phiên hệ những người thận trọng, trung hậu để sung làm Tư Giáo trông coi mọi việc.

Mùa hạ năm thứ 27 (1874), Vương được tấn phong Thọ Xuân quận vương , cùng sắc phong với Ninh Thuận Quận Vương Nguyễn Phúc Miên Nghi. Khi đó, Vương và Ninh Thuận Quận Vương dâng sớ khẩn khoản từ chối, lấy cớ: "Bản triều từ xưa đến nay, những người thân thuộc chưa hề được phong Vương, huống gì vùng biên cương rối ren, tâm Vua chẳng an, đội ân được dự vào việc nước nhưng chẳng giúp ích được chút nào, cảm thấy không công lao mà hưởng được lộc lớn, thật chẳng an tâm, chứ chẳng phải nói bậy mà từ chối".

Vua Tự Đức ban rằng: "Bản triều vốn định không phong tước Vương là vì không có người xứng đáng, chưa có lúc thích hợp, nên còn chờ đó thôi. Nay hai chú chớ có từ chối để an ủi lòng tôn thân, kính lão của trẫm". Vương mới nhận phong.
Mùa xuân năm Tự Đức thứ 31 (1878), Vương được sắc phong Thọ Xuân vương . Mùa thu năm Tự Đức thứ 32 (1879), Vương mừng thọ 70 tuổi, Vua Tự Đức xuất kho ban các phẩm vật, cùng làm bài tự bài ca để ban cho.

Cuối đời

Mùa hạ năm Tự Đức 36 (1883), vua Tự Đức băng hà, di chiếu cho vua Dục Đức nối ngôi, di chiếu ban khiến ông và Tuy Lý Vương Miên Trinh là hai người thân mà tuổi và đức hạnh hơn người, phàm thấy điều gì sai trái thì nên sửa cho đúng, để làm tốt.
Mùa hạ Hàm Nghi nguyên niên, kinh thành có biến, Xuất Đế rời kinh, nước không có chủ, phụng chỉ Lưỡng Cung mà ông ra nhiếp chính, coi việc nước. Ông thấy nhân tâm hơi định, tâu xin cho các Vương như: Tuy Lý Vương Miên Trinh, Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện, trước kia bị lỗi, đưa đi an trí ở các tỉnh, được trở về Kinh. Mùa thu năm ấy, vua Đồng Khánh tức vị, ông xin thôi nhiếp chính, nhưng vẫn giữ việc ở Tôn Nhân Phủ. Vua Đồng Khánh thấy ông phẩm trật quá cao, không thể phong tước thêm nên đặc biệt ban cho 200 lượng bạc để giúp việc sinh sống.

Mùa đông Đồng Khánh nguyên niên (1886), Thọ Xuân Vương mất, thọ 77 tuổi.

Vua Đồng Khánh nghe tin rất thương tiếc, cho nghỉ triều 3 ngày, lệnh cho các hoàng thân đem rượu đến cấp, ban cho tên thụy là Đoan Kháp. Vào ngày an táng, vua Đồng Khánh sai quan đến cúng, lại phụng mệnh Lưỡng Cung ban cho một đàn cúng. Vương an táng tại vùng mộ thuộc Dương Xuân, (nay là kiệt 106 đường Minh Mạng, Thành phố Huế). Nhà thờ ở Đông Trì, (nay là đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, Thành phố Huế) do nhà cũ sửa sang lại.

https://en.wikipedia.org