1228 lượt xem

Nguồn gốc một số tên gọi địa danh ở Cà Mau

Cà Mau
Cà Mau (cách viết cũ là Cà-mâu) là cái tên được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau", có nghĩa là nước đen, do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước thành đen. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Chính vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao: “Cà Mau là xứ quê mùa / Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu".


Năm Căn
Sở dĩ có tên này vì ban đầu có một người Hoa đến vùng này cất 5 căn trại đáy để đánh cá và làm rẫy. Tương truyền, người Hoa này tên Chệt Hột. Về sau, người Việt tụ tập đến càng đông, lấy đặc điểm của vùng đất là có năm căn nhà để gọi.


Thời Hưng
Ấp Thời Hưng đây là một ấp của xã Khánh Bình Tây, tên gọi này xuất hiện sau này giải phóng. Những năm 70 của thế kỷ trước huyện Trần Văn Thời và huyện Nghĩa Hưng kết nghĩa. Tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã đưa rất nhiều người vào làm kinh tế mới ở Tỉnh Cà Mau, khu vực mà những người dân Hà Nam Ninh tới khai phá ở huyện Trần Văn Thời đặt tên là Thời Hưng đó là sự kết của Trần Văn Thời và Nghĩa Hưng. Các địa danh ở huyện Trần Văn Thời có các địa danh như kênh Thống Nhất, Tập Đoàn 32, Đội 7, Đồn 30, Nông trường 402 hầu hết xuất hiện trong giai đoạn này.


Đầm dơi
Đầm Dơi đây là tên gọi dựa vào địa hình xa xưa đây là một vùng đất hoang sơ có nhiều dơi đậu. Tên địa danh phản ánh đúng với thực tế.


Thới Bình
Là Âm gốc của Thới là Thái. Nhưng vì kiêng húy chúa Nguyễn Phúc Thái (1648-1691), phải nói tránh đi để khỏi phạm húy.



U Minh
Thứ nhất, do trước đây rừng tràm hoang sơ, cây lớn nhiều nên khi đi vào sâu trong rừng thì tối, một số nơi ánh sáng mặt trời không chiếu tới được. Thứ hai, U Minh mang màu sắc huyền bí, tôn giáo thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên.
 
Rừng U Minh còn được định nghĩa là tên gọi rút gọn của hai từ láy ghép u u và minh minh, theo ý nghĩa cái tối nhất rồi sẽ lại là cái sáng nhất. Rừng rậm rạp, nắng không chiếu xuyên nổi qua những đám lá cây nhưng lại là nguồn sáng của những cư dân nơi đây, ăn từ rừng mà ở cũng từ rừng.



Sông Trẹm
Cũng gọi là sông Trèm Trẹm. Trẹm có thể là một dang biến âm của Lẹm là một tên gọi của một công cụ lao động phổ biến của cư dân Nam Bộ, vì hình cong giống như bị khuyết vào só sánh với hình dạng con sông có chỗ ăn sâu vào bờ, chỗ lại nhô ra mà có tên gọi như vậy…


Cầu Cây Mấm
Cây Mấm có âm gốc là Cây Mắm, là “thứ cây nhỏ lá, người ta hay dùng mà làm trụ rào”. Gầy khu vực cầu có cây Mắm rất lớn, đặt tên như để làm dấu mốc.


Lộ Cỏ Xước
Lộ Cỏ Xước ở ấp Cỏ Xước, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, dài 3km. Cỏ Xước cũng viết Cỏ Sướt khu vực này có nhiều loại cỏ này.


Cái Nhút
Cái Nhút là rạch ở xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Cái Nhút là “rạch có nhiều rau nhút”, một loại rau mọc trên mặt nước dùng làm thực phẩm.


Rạch Ráng
Ráng là loại “cây mọc ở rìa nước có cộng lá dài người ta hay dùng làm
chổi”. Rạch Ráng là con rạch mọc nhiều cây Ráng. Đây là một tên gọi khác của huyện Trần Văn Thời.
 


Cái Nước
Địa danh Cái Nước có nhiều cách giải thích khác nhau: có người cho Cái Nước là nơi có nhiều cá dưới nước; lại có người cho rằng Cái là lớn còn Nước là vùng sông nước, trước khi có tên Cái Nước vùng đất này có tên là Cái Thủy.


Đầm Thị Tường
Theo truyền thuyết người dân địa phương kể lại xa xưa thời khai hoang, mở đất nơi này có một người phụ nữ tên là Tường, bà vốn gan dạ quả cảm có công xua đuổi hổ dữ đến đây quấy phá. Ghi nhớ công đức của bà bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân trên đầm, người ta lấy tên bà đặt cho đầm là Thị Tường (tức bà Tường).


Hòn Khoai
Hòn Khoai còn mang nhiều tên khác nhau như: Đảo Giáng Tiên, Hòn Độc Lập. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp còn đặt tên Poulop. Riêng người dân địa phương còn gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó trông giống như một củ khoai khổng lồ.

Có nhiều tài liệu kể lại rằng, cách nay đã lâu, nhiều người từ đất liền ra đây làm rẫy và trồng cây ăn trái. Đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn những bụi khoai mì, khoai mỡ... Có lẽ vì vậy mà nó mang tên Hòn Khoai.



Cái Tàu
Đối với địa danh "Cái Tàu" bằng cách tiếp cận đầu tiên là sông Cái Tàu có thể giải thích "Cái" là cách dân gian gọi con sông chính (thậm chí là sông mẹ), vì hai bên tả ngạn và hữu ngạn có rất nhiều sông rạch nhỏ chảy về nhiều hướng, dẫn nước hoà vào hệ thống sông rạch nhỏ nằm chằng chịt ở xứ U Minh.

Một số người lớn tuổi cho rằng, chữ "tàu" theo cách gọi trước đây chỉ những vùng nước lợ. Có tài liệu giải thích "tàu" có nghĩa là lạt. Ví dụ như món thịt kho tàu nghĩa là kho lạt.

Có thể giải thích nguồn gốc địa danh "Cái Tàu" đầu tiên là tên dòng sông chính (sông Cái) nước lợ của vùng U Minh.

 
Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
- Theo Trần Nhật Giáp
- Theo PGS-TS Lê Trung Hoa
Đặng Minh Hoàng
- Theo 
webdulich.com
- Theo mobile.coviet.vn
- Theo Ngọc Anh
- Theo Diễm Phương
- Theo 
phatgiaobaclieu.com