628 lượt xem

Tại sao gọi là Hòn Đá Bạc?

Hòn Đá Bạc là tên gọi chung cho một cụm đảo gồm hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc, điểm cao nhất khoảng 50m so với mực nước biển. Xuất xứ tên Hòn Đá Bạc cũng có nhiều giai thoại. Có truyền thuyết cho rằng ngày xưa trên đảo có nhiều đạo sỹ ẩn cư tu luyện, họ mặc trang phục màu trắng, râu tóc trắng như tuyết dân trong đất liền nhìn ra chỉ thấy một màu trắng bạc dưới nắng mặt trời.

Theo ông Lê Văn Huỳnh người ở hòn kể lại thì vào những năm 1920 trên hòn chỉ có hai thầy trò ông Bạc và ông Ngộ để giữ hai ngôi chùa. Một hôm ông Bạc sắp đi xa dặn lại Ông Ngộ khi đốt nhang phải niệm đủ sáu tiếng (Nam mô a di đà Phật). Nói xong ông Ngộ lật ngửa nón lá làm thuyền lướt ra khơi, ông Ngộ không nghe rõ nên chạy theo để hỏi, ông chạy trên mặt biển như người ta đi trên đất bằng. Vậy là từ đó có tên hòn Đá Bạc và hòn Ông Ngộ. Ai không tin vào truyền thuyết thì giải thích những hòn đá trên đảo phản xạ ánh sáng mặt trời mà tạo nên màu bạc mà từ đó có tên gọi như vậy.
Theo Đặng Minh Hoàng


Địa danh này có tên gọi Hòn Đá Bạc vì xung quanh có rất nhiều viên đá granit xếp chồng lên nhau, tạo nên những hình thù độc đáo, ấn tượng, nhìn từ xa, sẽ thấy đảo như được dát bạc, lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Theo dân gian, đảo xưa kia không có tên, nhưng vẻ đẹp hoang sơ của đảo đã hấp dẫn cả người và tiên. Có một nàng tiên mê cảnh đẹp trên đảo nên đêm đêm thường trốn xứ trời bay về đảo vui cùng chim muông, hoa lá. Lại có một chàng ngư phủ nọ ngày vất vả giăng câu thả lưới, đêm về thường lấy gốc cây, bờ đá làm nhà. Một đêm không ngủ được, chàng dậy ngắm trăng, bất ngờ gặp nàng tiên khỏa thân phô nhan sắc. Rồi một đêm chàng vô tình gây tiếng động, khiến tiên giật mình bay mất. Chàng trai sững sờ. Đêm sau ra chỗ cũ chờ tiên giáng thế, nhưng chờ mãi không thấy tiên. Chàng chờ mong tiên trở lại, nhưng bặt vô âm tín. Chàng đau khổ bạc đầu chờ đợi, cho đến lúc chết còn hóa đá chờ tiên. Ngư dân trong vùng cảm thương số phận của chàng trai, từ đó gọi là đảo Hòn Đá Bạc.
Theo TS Nguyễn Thị Tình


Nếu ngắm từ xa thấy núi như được dát bạc lung linh, qua ánh nắng mặt trời phản chiếu. Vì vậy, người dân vùng này đặt tên là Hòn Đá Bạc, rồi quen gọi từ xưa đến nay.