395 lượt xem

Nguồn gốc tên các con ngõ ở Hải Phòng

Ngõ Tây Đen
Nay là ngõ 191 Lê Lợi, thời Pháp gọi là ngõ Tây Đen. Tên gọi này hiện nay nhân dân vẫn dùng, nguồn gốc là do có một người da đen đã xây một số nhà trong ngõ để cho thuê. Ngõ dài khoảng 100 m, lối đi lát tấm đan bê tông. Hai ngõ nhánh vuông góc với ngõ chính ở cuối phố.


Ngõ Đồng Lùn
Ngõ ở số 239 phố Lê Lợi, lúc mới hình thành, dân quen gọi là ngõ Đồng Lùn, vì trong ngõ có một điện tư của cô Đồng Lùn. Sau khi cô đồng m̼ấ̼t̼, ngôi đ̼ề̼n̼ ̼t̼à̼n̼ tạ nhưng tên ngõ nay vẫn tồn tại. Ngày ấy, có người còn gọi là ngõ Rạp Chèo, vì trong ngõ có một rạp chèo nhỏ. Năm 1954, mang tên ngõ Nguyễn Đình Chiểu. Đến trước 1955, dân cư trong ngõ còn thưa thớt nhưng nay nhà cửa đã mở rộng đến sát bờ hồ An Biên. Đền Đồng Lùn hiện được khôi phục lại và khá tấp nập.


Ngõ Đá
Ngõ đá Trần Đông, năm 1954 gọi là ngõ Lê Văn Hưu, nay thường gọi là ngõ Đá vì mặt đường trong ngõ một thời đã được lát bằng những viên đá xanh. Ngõ này thông ra phố Nguyễn Đức Cảnh, dài khoảng 60m. Trước đây gọi là ngõ đá Trần Đông. Đó là tên của chủ những căn nhà trọ xây trong ngõ cho những người dân lao động thuê buôn bán bên bờ sông Lấp ngày xưa. Sau ngõ đổi thành ngõ số 98 phố Lê Chân, nay là ngõ 23 phố Nguyễn Đức Cảnh.


Ngõ Ao Than
Ngõ đi từ phố Lê Lai đến ngõ Lạc Xuân Đài, dài khoảng 80 m. Mặt đường trong ngõ rải đá. Lúc mới mở, ngõ gọi là Ruelle Ao Than (Ruy-en Ao Than). “Ao Than” trên thực tế nằm rải rác trên cả một vùng rộng lớn của khu vực Lạc Viên. Ngoài ra, suốt dọc hai bên đường xe lửa và dọc phố Lê Lợi, phố Lương Khánh Thiện đoạn từ ga Hải Phòng lên Ngã Sáu, còn có nhiều nơi cũng được gọi là Ao Than, vì trước kia là đầm ao được lấp bằng xỉ than của Sở Hoả Xa, Sở Máy Tơ…

Dân trong ngõ hầu hết là người lao động; thời Pháp, chủ yếu là công nhân nhà Máy Tơ, nhà Máy Điện, nhà Máy Chai,… một số sống bằng nghề phu phen, tạp dịch, mua bán rong,… Ngõ Ao Than ngày nay sạch đẹp hơn cùng với kỷ niệm thợ thuyền một thời.



Ngõ Lý Liêm
Hiện nay là ngõ 56 phố Lạch Tray. Lúc mới hình thành gọi là ngõ Lý Tiêm do trước kia nhà đầu ngõ là nhà của một lý trưởng tên là Tiêm. Năm 1954, mang tên ngõ số 56 Trần Quốc Toản, sau tên phố đổi thành Lạch Tray. Đầu ngõ khá rộng, càng vào sâu càng hẹp. Đoạn từ giữa ngõ thông sang ngõ Lý Phình, số 173 phố Hàng Kênh, bề ngang chỉ còn rộng khoảng 2m.


Ngõ Lý Phình
Nay là ngõ 173 phố Hàng Kênh, thông với ngõ Lý Tiêm, 56 phố Trần Quốc Toản. Trước 1945, gọi là ngõ Lý Phình. Lúc đầu, ngõ mang tên một lý trưởng làng Hàng Kênh tên là Đặng Tước, có con cả tên là Phình nên dân quen gọi là ngõ Lý Phình. Dân cư xưa trong ngõ thưa thớt, phần lớn là nhà tranh vách đất, chỉ có nhà xây là của Lý Phình. Đến vài chục năm sau, vùng này mới có thêm một nhà xây nữa của Ký Khánh. Trong ngõ có nhiều ngách.


Ngõ Hàng Gà
Nay là ngõ 322 Hai Bà Trưng đi đến đầu kia là ngõ 119 Nguyễn Đức Cảnh. Mặt đường trong ngõ đã rải nhựa dài 270 m. Lúc mới mở, gọi là ngõ Hàng Gà không biết có phải ngõ này trước đây có nhiều hàng gà không. Phố Hai Bà Trưng xưa là phố Cát Dài, thời Pháp gọi là phố Ô-đăng-đan (Avenue O’ d’Endhal), phố Nguyễn Đức Cảnh gọi là phố Bon-nan (Bonnal).

Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Hoàng Văn Thụ. Năm 1954 đổi là đại lộ Hai Bà Trưng. Tuy nhiên ngay từ lúc ra đời cho đến nay nhân dân quen gọi là phố Cát Dài vì đây vốn là con đường chính của làng An Dương xưa. Năm 1954, ngõ Hàng Gà đổi thành ngõ Phan Văn Trường.
Sau tiếp quản Hải Phòng 1955, lấy lại tên gọi là ngõ Hàng Gà. Nay đổi gọi là ngõ 322 phố Hai Bà Trưng và 119 phố Nguyễn Đức Cảnh. Ngõ chính thẳng, trong có nhiều ngách nhỏ, có lối thông được sang ngõ 262 phố Hai Bà Trưng và ngõ Đặng Kim Nở Ơ97 phố Nguyễn Đức Cảnh). Trong ngõ có nhiều nhà cải tạo lại và nhiều nhà tập thể 3 tầng được xây thêm sau 1975 mang nét kiến trúc đặc trưng.



Ngõ Thối
Ngõ ở bên trái trường trung học Ngô Quyền (nhìn từ rạp Lê Văn Tám), xưa có tên rất đẹp: ngõ Hoa Khai (Hoa nở), nay là ngõ số 2 phố Mê Linh,

Thời kỳ tạm chiếm, ngõ có lối thông với ngõ Trí Tri và ngõ Đông An (có đình An Biên – phố Cát Dài). Ở cuối ngõ, rẽ phải, có lối đi nằm giữa tường bên Trường trung học Ngô Quyền và tường bên trường Xanh Jô-dep (Saint Joseph). Trường Xanh Jô-dep (sau tiếp quản là trường học sinh Miền Nam số 6, nay là trường THCS Ngô Quyền) trông ra phố Bonnal cũ (phố Nguyễn Đức Cảnh bây giờ).

Người ta quên cái tên ngõ Hoa Khai mà thường gọi là ngõ Thối vì bên đường đi trong ngõ đoạn sau trường Xanh Jô-dep là dãy hố xí thùng lộ ra, kèm theo mùi của sản phẩm chứa trong thùng ấy bay tới mũi khách qua đường cùng lũ ruồi nhặng vo ve đã làm khách nín thở rảo bước. Còn đám học sinh Ngô Quyền chúng tôi thì vô tư đi.

Cái tên ấy vẫn đeo đẳng người Hải Phòng cổ lỗ xĩ cho đến tận bây giờ. Tên ngõ nghe chẳng mấy dễ chịu nhưng ở ngõ Thối lại có nhiều quán ăn rất ngon. Chẳng có cây thối nào như ông nhà báo chém gió kia đã gán cho nó. Lối đi thông với ngõ Trí Tri từ lâu đã bị nhà dân xây bít lại.



Ngõ Tê-A
Nay là phố Chu Văn An. Phố thuộc đất xã An Biên cũ, lúc mới mở gọi là ngõ Tê-a (Ruelle Théard), thuộc khu Gia Viên. Ghê-ranh Tê-a (Guérin Théard) là tên của viên chủ Pháp chuyên m̼ộ̼ ̼p̼h̼u̼ và cho thuê nhà ở. Tê-a có xây một số nhà ở ngõ này để quản lí số phu tuyển được trước khi đưa đi Tân Thế Giới.

Cuối thế kỉ XIX Pháp lập trường đua ngựa ở đây, gần đấy vốn đã có một cái hồ, ngựa uống nuớc và tắm rất tiện. Hồ sau đó được cải tạo cho phù hợp cảnh quan, nhân dân quen goi là hồ Quần Ngựa. Nay sân vận động Trung tâm (lối vào khán đài B ờ phố Chu Văn An) là phần còn lại của trường đua ngựa này. Nói chung cho đến tận thời tạm chiếm đây vẫn là khu vực vắng vẻ, trừ một ít nhà cửa ở gần phố Lê Lợi .

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đã có lúc bến xe ô tô đi Hà Nội đặt ở gần nơi tiếp giáp với khán đài B sân vận động, nhằm làm giảm sự tập trung đông ở nội thành. Trường phổ thông cơ sở Chu Văn An và trường Tiểu học Chu Văn An xây dựng ở cuối phố tại vị trí vườn trẻ cũ.



Ngõ Trí Tri
Hội Trí Tri (tên tiếng Pháp: la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) là một hiệp hội dân lập với chủ trương quảng bá tân học gồm các vấn đề khoa học như vệ sinh, phong tục, cùng các kiến thức mới l̼ạ̼ đến trí thức Việt Nam từ năm 1892 đến 1945. Hội Trí Tri được thành lập vào ngày 1 Tháng Tư năm 1892. Khi sáng lập, Hội có 19 người Pháp và 108 người Việt tham gia.

Trụ sở chính của Hội đặt ở số 59 phố Hàng Đàn (nay là số 47 phố Hàng Quạt), Hà Nội. Chính hội Trí Tri đã đóng góp vào sự hình thành của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Có lẽ Hội Trí Tri Hải phòng được thành lập sau, lấy trụ sở hoạt động là hội quán Trí Tri. Sau này Hội giải tán, nơi đây thành trường trung học tư thục trong thời kỳ t̼ạ̼m̼ ̼c̼h̼i̼ế̼m̼.

Ngõ Trí Tri nay là ngõ 138 Cát Dài, ngay bên phải trường Trí Tri cũ. Bên trái là Hội đồng thiện Hải Phòng chuyên lo việc m̼a̼i̼ ̼t̼á̼n̼g̼ cho người nghèo hoặc người vô thừa nhận. Trong trường có 1 sân quần vợt. Sau tiếp quản Hải Phòng 1955, trường đóng cửa một thời gian dài tới khi Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng bố trí nơi đây làm trường mẫu giáo Kim Đồng I.

Ngõ dài khoảng gần trăm mét, đi thẳng là tới cổng sau trường Saint Joseph (Xanh Jô-dép) cũ, nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Trước kia, cuối ngõ thông với ngõ Thối ở bên phải, đến nay không còn nhưng vẫn tồn tại lối sang ngõ Đông An có đình An Biên ở phía bên trái. Nhiều năm trước, quán phở cuối ngõ khá nổi tiếng nhưng dần mai một. Hiện giờ có quán bún tôm cũng được thực khách tìm đến khá đông, từ chiều cho đến tối.


Theo envangtaxi.com và Cẩm nang Hải Phòng