510 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi của Đảo Cát Bà

Cát Bà từ ngàn xưa đã nổi danh là một vùng đất trù phú và kỳ vĩ, như Đại Nam nhất thống chí đã ghi: “Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm, lúa má không có, thuế đánh không nhiều. Sóng vỗ dập dồn vách núi, thuyền xuyên vỉa đá mà đi. Nhân dân vui hưởng thái bình, …”. Cũng có sách khác lại ghi rằng: “Cát Bà là nơi voi quỳ, mã phục, quần ngư tranh thực”, có thể sản sinh các vị anh hùng, hào kiệt; hay “Thắng vi đế vi vương, bại

Cát Bà vi cứ”, ý nói về vị trí chiến lược của quần đảo này từ ngàn xưa.

Huyện đảo Cát Hải có biết bao truyền thuyết, thần thoại được thêu dệt bằng trí tuệ, tình cảm của người dân trên đảo từ bao đời.

Người dân đảo ngày nay thì truyền nhau rằng, đã từ lâu lắm, vùng đảo núi đá vôi này đã từng là hậu cứ của các bà trồng tỉa, hái lượm, cung cấp lương thực thực phẩm cho các ông ở phía trước chống lại giặc giã, nên người xưa đã đặt tên cho đảo này là đảo Các Bà rồi sau này gọi lệch đi là đảo Cát Bà.

Theo một câu chuyện dân gian khác của vùng Ðông Bắc, đảo Cát Bà khi xưa vốn là hậu cung của người đàn ông đầu tiên đến khai sơn phá thạch ở vùng này. Khi ông phát hiện ra cái vịnh quý giá với nhiều hòn đảo đẹp mà sau này có tên là Hạ Long, thì cũng là lúc ông phải cưu mang cùng lúc nhiều số phận nhi nữ đơn côi, mà chồng của họ đã vĩnh viễn không trở về sau những chuyến đi biển đầy bất trắc. Rồi để rảnh tay khai phá vùng Hòn Gai, Bãi Cháy, ông đã tập hợp tất cả các bà ra sống tại hòn đảo xinh đẹp, trù phú, biệt lập giữa biển khơi, nằm trong vịnh Lan Hạ. Vì thế, sau này vùng đất Bãi Cháy, Hòn Gai có tên là Ðất Của Ông, còn hòn đảo kia thì có tên là Ðảo Các Bà. Trải bao biến đổi, thăng trầm, bây giờ còn lại hai địa danh Cửa Ông (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) là do gọi chệch đi mà thành.

Lại có câu chuyện khác gắn với lịch sử giữ nước của Việt Nam rằng, thời chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược, người anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo đã chọn vùng biển Ðông Bắc này làm nơi tập kết, luyện quân, tích trữ lương thảo. Những hang động trong vùng biển này đều được huy động vào việc cất giấu quân lương, che ém tàu thuyền của quân ta. Vì vậy, vùng biển phía Hạ Long được chọn làm khu vực quân sự – ngày nay còn có Hang Dấu Gỗ tương truyền là nơi quân ta cất dấu những chiếc cọc gỗ bịt sắt đã làm nên chiến thắng Bạch Ðằng lừng lẫy, còn vùng biển phía vịnh Lan Hạ là nơi tích trữ lương thảo, chăm sóc y tế, là khu vực do Các Bà cai quản. Vì thế mà có tên là Cửa Ðức Ông, Ðảo Các Bà, sau gọi chệch thành Cửa Ông, Cát Bà…