353 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh Kon Tum - Phần 1

Đắk Tô
Đăk Tô là tên gọi của dòng suối nước nóng trong vùng cư trú của đồng bào dân tộc Xê Đăng. Trong tổ chức xã hội truyền thống, người Xê Đăng cư trú thành từng làng; làng của người Xê Đăng thường gắn với lưu vực các con sông dòng suối hay quả đồi, ngọn núi và tên gọi của làng cũng được đặt theo tên địa danh các ngọn núi, hay dòng sông con suối đó.
Đăk Tô là tên gọi của dòng suối nước nóng, đồng thời cũng là tên gọi của làng người Xê Đăng có nguồn gốc lâu đời ở vùng này. Dưới bàn tay khai phá của con người vùng đất Đăk Tô ngày càng mở rộng, tên gọi Đăk Tô trở thành tên địa danh bao quát cả một vùng.
Khi đơn vị hành chính đầu tiên được thiết lập ở vùng đất này đã lấy Đăk Tô làm tên gọi địa danh chính thức.


Măng Đen
Tên gọi của thị trấn xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn. Địa bàn thị trấn Măng Đen trước đây là một phần xã Măng Cành thuộc huyện Kon Plông.
Măng Đen khi đó chỉ là tên của một số địa danh như cao nguyên Măng Đen, thôn Măng Đen (nơi đặt huyện lỵ của huyện Kon Plông)...


La H'Drai
Vốn là tên gọi địa phương của sông Sa Thầy, con sông chảy ở vùng thung lũng nằm giữa hai dãy núi lớn chạy song song theo chiều Bắc - Nam của huyện này. Trước đây, con sông còn có một số tên gọi khác như Đăk Hơdrai, Nam Sathay (của người Lào) hoặc Nậm Sa Thầy (đã được Việt hóa).
Ghi chép sớm nhất về vùng đất này là trong tác phẩm Les Jungles moïs (Rừng Mọi) xuất bản năm 1912 của nhà thám hiểm Henri Maitre, trong đó ông mô tả một số làng của người Gia Rai, Rơ Măm mà ông đã gặp khi đi dọc theo thung lũng sông Sa Thầy.


Kon Rẫy
Tên gọi của huyện xuất phát từ địa danh Kon Braih ("làng cát"), vốn là một làng cổ của người Xơđăng nằm trên địa phận xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy ngày nay. Địa điểm này toạ lạc cạnh bờ sông Đắk Bla, đối diện với trung tâm hành chính mới của huyện Kon Rẫy thuộc xã Tân Lập.

Kon Brắp Du
Tương truyền Kon Brắp Du đã có hơn 150 tuổi. Người già kể lại, cách đây lâu thật là lâu, ở một làng  thuộc vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai ), do mâu thuẫn bộ tộc, đã có một nhóm người Ba Na nhánh Jơlâng kéo nhau vượt núi, đi tìm nơi lập làng mới. Một ngày nọ, họ đến một vùng đất bằng phẳng, khá rộng lớn, có nhiều cây chuối rừng bên bờ sông Đăk Pne nên quyết định dừng chân.
Làng mới được đặt tên là Kon Brắp Du. Theo người già, “Kon” là “làng”, Brăp là tên nữ tộc trưởng có công lập làng mới và “Du” là cây chuối. Tên gọi ấy vừa thể hiện lòng biết ơn đối với người có công dẫn dắt mọi người lập làng, vừa nói lên đặc điểm của vùng đất mới.


Kon Klor
Theo tiếng Ba Na, Kon là “làng” còn Klor là “gòn rừng” – loại cây thân cao to, phần da xanh láng, trái thì thuôn dài. Vào độ tháng 3 trái gòn rừng khô nở bung trắng xóa cả bầu trời. Vì vậy, làng Kon Klor còn được biết đến với cái tên “làng gòn rừng”.

Kon K’Tu
Cái tên Kon K’Tu theo tiếng Ba Na có nghĩa là làng cũ, từ thời cổ xưa. Chỉ cái tên gọi cũng đã chứa đựng niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Theo quan niệm của họ, dù đất đai rộng lớn, sông dữ và núi hiểm, nhưng ở đâu có người Tây Nguyên lập làng thì ở đó chắc chắn có địa thế phong thủy tốt, đất đai canh tác màu mỡ, không bị khô hạn vì làng ở bên sông, dựa vào lớp lớp rừng già, tài nguyên thiên nhiên phong phú giàu có.


 
Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
1. Theo huyendakto.kontum.gov.vn
2. Theo bienphong.com.vn